Giáo dục - Đào tạo

Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin

PV 19/11/2024 15:42

Để góp phần bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ, Tin học tỉnh Đắk Nông (GDTX-NN, TH) chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác giảng dạy.

Thực hành giáo án điện tử

Thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và Chương trình giáo dục THPT năm 2018, đội ngũ giáo viên đứng lớp của trung tâm ngày càng quan tâm đến ứng dụng CNTT vào giảng dạy, trong đó tất cả đều sử dụng giáo án điện tử.

z6026385232986_67905da5a8a27a8c2bb526f916dadba0(1).jpg
Đội ngũ giáo viên của Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông sử dụng giáo án điện tử vào giảng dạy

Việc ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục mà còn tạo ra những phương pháp học tập mới, tăng cường sự tương tác và hứng thú cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan, giảng dạy môn Ngữ Văn cho biết, mặc dù là môn chủ yếu học về ngôn ngữ, tiếng Việt, phân tích, bình luận văn thơ nhưng vẫn rất hiệu quả khi kết hợp với công nghệ số và giáo án điện tử. Những công cụ này giúp làm phong phú thêm nội dung bài học, nâng cao hứng thú của học sinh và hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức sâu hơn.

Khi sử dụng giáo án điện tử sẽ tăng cường tính trực quan và sinh động; tăng cường tương tác và hứng thú học tập; hỗ trợ phân tích ngôn ngữ và văn học sâu sắc hơn, đồng thời phát triển kỹ năng thuyết trình và tư duy phản biện. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh tự học và khám phá thêm về văn học trong và ngoài nước.

z6026393060327_950c8edcaa6098fce527ba23b860c128(1).jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Lan sử dụng hình ảnh, video minh họa bối cảnh lịch sử, văn hóa để tạo nên tính trực quan, sinh động trong bài giảng môn Văn học

Cô giáo Đặng Thị Huế, giáo viên môn Toán chia sẻ, không chỉ sử dụng giáo án điện tử, trong quá giảng dạy, cô còn áp dụng các tiện ích, app thực hành làm bài tập trực tuyến trong giờ học. Sau khi giảng dạy lý thuyết xong, cô lại sử dụng phần mềm azota.vn để cho học sinh thực hành làm bài tập theo lý thuyết đã giảng. Phần mềm này còn giúp giáo viên tạo đề thi, giao bài tập và chấm bài tập của học sinh từ xa theo hình thức online.

2(1).jpg
Cô giáo Đặng Thị Huế sử dụng phần mềm azota.vn để học sinh thực hành làm bài tập theo lý thuyết đã giảng

Hiện nay, các em học sinh, nhất là khối THPT tiếp cận rất nhanh với công nghệ số, các tiện ích mạng xã hội thông qua các thiết bị thông minh. Do vậy, giáo viên càng phải nỗ lực nhiều hơn để bài giảng của mình không chỉ bám sát nội dung giáo trình mà còn phải sinh động, có tính thực tiễn đời sống hiện đại. Có như vậy, bài giảng, tiết học mới sinh động, hấp dẫn và thu hút học sinh.

Em Nguyễn Đức Lộc, học sinh lớp 10B3 bày tỏ, ở cấp 2 chúng em cũng đã được học các bài giảng bằng giáo án điện tử. Tuy nhiên, khi học tại đây, các bài giảng của thầy, cô giáo càng sinh động hơn, phong phú hơn. Ngay như môn tiếng Anh, cô giáo còn tổ chức các trò chơi trực tuyến trong giờ học để giúp chúng em tư duy nhanh hơn, nhớ thêm nhiều từ vựng và nắm chắc ngữ pháp hơn.

Sử dụng công nghệ số toàn diện

Theo Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông, để nâng cao hơn nữa hiệu quả nhiệm vụ dạy học và quản lý, công nghệ số được xác định là yếu tố rất quan trọng và phải được áp dụng toàn diện.

Bà Phạm Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông cho biết, trong xu hướng chuyển đổi số, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, ngành Giáo dục cũng phải áp dụng những tiện ích này để hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ quản lý, dạy và học. Riêng việc sử dụng giáo án điện tử, trung tâm đã đưa vào nội dung thi đua hàng năm. Tuy nhiên, thời gian, đội ngũ giáo viên đã chủ động tìm tòi, học tập, sáng tạo để soạn các bài giảng điện tử.

6(1).jpg
Giáo viên môn tiếng Anh của Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông triển khai các game trực tuyến để giúp học sinh tăng khả năng tư duy, nhớ từ vựng nhanh và nhiều hơn

Trong thời gian tiếp theo, trung tâm không chỉ duy trì hiệu quả việc ứng dụng CNTT hiện có mà còn chú trọng phát triển những tiện ích để hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy cũng như quản lý hành chính.

Trong đó, đơn vị chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học viên. Hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học được triển khai đồng bộ như sử dụng sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, sử dụng phần mềm dạy học số của các bộ môn.

Trung tâm tăng cường tổ chức đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến như phần mềm Azota, Kahoot, Quizz.. Bên cạnh đó, trung tâm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo.

Trong công tác tuyển sinh, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mạng xã hội để triển khai; xây dựng đồng bộ hệ thống website cung cấp thông tin về trung tâm, giới thiệu ngành nghề đào tạo một cách trực quan, sinh động; hoàn thiện website tuyển sinh của nhà trường theo hướng trực quan, sắp xếp lại các chuyên mục cho phù hợp, cập nhật bổ sung các thông tin mới.

Một nhiệm vụ quan trọng mà trung tâm phải thực hiện là đẩy mạnh việc tương tác trên mạng xã hội như phát triển fanpage trung tâm; xây dựng fanpage chính thức của ngành học, chương trình học; xây dựng phần mềm tuyển sinh thu thập, xử lý dữ liệu tuyển sinh; nghiên cứu tiếp cận quảng bá qua tin nhắn tự động brandname…

Năm học 2024-2025, Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông có 10 lớp, với 550 học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT; trong đó có 4 lớp 10, với 200 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động của trung tâm là 27 người; trong đó đội ngũ giáo viên đứng lớp là 20 người với 7 thạc sỹ, còn lại là đại học.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung tâm GDTX-NN, TH Đắk Nông chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO