Chính sách

Trung tâm GDNN-GDTX Đắk Mil khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Y Krak Knul 20/11/2024 06:20

Mặc dù số lượng giáo viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đắk Mil đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bộn bề những khó khăn

Kể từ khi sáp nhập đến nay, công tác giảng dạy, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại Trung tâm GDNN-GDTX Đắk Mil gặp không ít khó khăn, hạn chế, trong đó là tình trạng thiếu biên chế giáo viên.

Theo quy định, các cơ sở GDNN-GDTX không được hợp đồng giáo viên dài hạn nên các trung tâm đều gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo.

Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh GDNN -GDTX tăng hơn 50% mỗi năm nên không đủ đáp ứng nhu cầu về lớp học, các phòng chức năng liên quan. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu dạy và học, trung tâm đang tận dụng kho chứa thiết bị để bảo đảm các chương trình dạy và học.

Đặc biệt, do hệ thống máy tính của phòng tin học được đầu tư năm 2003 đến nay đã lạc hậu, hư hỏng, thời gian qua đã không thể đáp ứng được yêu cầu công tác đào tạo giai đoạn hiện nay...

dsc_129.jpg
Học viên được giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Mil dạy nghề may

Một khó khăn trong công tác phối hợp giao nhiệm vụ nằm ở việc UBND huyện là đơn vị “giao người”, “giao tiền” nhưng lại không “giao việc”. Ngược lại, phía Sở GD-ĐT hay Sở LĐ-TB&XH là đơn vị “giao việc” nhưng lại không nắm rõ năng lực của đội ngũ trung tâm.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Đắk Mil cho biết, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị tỉnh, địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và bổ sung thêm biên chế giáo viên cho đơn vị.

Mặt khác, để bảo đảm công tác dạy học, đào tạo nghề, trung tâm tiết kiệm chi tiêu để thuê giáo viên đào tạo nghề cho lao động nông thôn; động viên giáo viên ở các bộ môn dạy tăng tiết. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa các phòng chức năng để cải tạo, nâng cấp tạm thời thành các phòng học nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong đơn vị.

Vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Trung tâm hiện có khu nhà hiệu bộ hai tầng, khu lớp học hai tầng, nhà xưởng thực hành, khu trồng nấm thực hành... Bên cạnh đó, với nhiều nỗ lực, Trung tâm đã xây dựng 5ha vườn cây thực hành, phục vụ tốt cho các học viên học nghề phát triển nông nghiệp.

Trung tâm GDNN-GDTX Đắk Mil tập trung đổi mới công tác tuyển sinh, giáo dục đào tạo, linh hoạt, thích ứng trong mọi điều kiện. Đơn vị đã từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy THPT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp họ từng bước thoát nghèo bền vững.

dsc_1779.jpg
Năm học 2024- 2025, trung tâm có 9 lớp giáo dục thường xuyên cấp THPT

Trong 9 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã tổ chức được 12 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 420 học viên tham gia. Trong đó, có 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 245 học viên, 5 lớp phi nông nghiệp với 175 học viên.

dsc_2716.jpg
Các học viên sau khi hoàn thành lớp học nghề nấu ăn được trung tâm cấp chứng chỉ nghề

Những năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trung tâm đạt 98%. Nhiều lao động nông thôn sau khi được đào tạo đã mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tư vấn học nghề, tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện 1,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Năm học 2024-2025, trung tâm có 3 khối học THPT với 9 lớp học; trong đó khối 10 có 4 lớp, khối 11 có 3 lớp và khối 12 có 2 lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trung tâm không ngừng học hỏi, tự nghiên cứu, sáng tạo trong chuyên môn để đổi mới phương pháp quản lý và dạy học mới.

Năm 2023, Trung tâm GDNN -GDTX huyện Đắk Mil được UBND huyện công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung tâm GDNN-GDTX Đắk Mil khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO