Trung Quốc chi 4 tỷ USD mua sầu riêng, Việt Nam lợi lớn vì là nơi duy nhất trên thế giới còn hàng bán

31/08/2023 14:15

Trong bối cảnh Thái Lan, Malaysia đã hết mùa, thế giới chỉ còn vùng Tây Nguyên của Việt Nam có sầu riêng để bán trong khi cơn khát sầu riêng ở Trung Quốc chưa hạ nhiệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được dự báo sẽ chạm mốc 1,5 tỷ USD.

"Làn sóng" xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã giúp rau quả trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu nhóm hàng rau quả trong 8 tháng năm 2023 đã đạt giá trị 3,45 tỷ USD, tăng tới 57,5%, trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt 1,1 tỷ USD.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, cả năm xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cán mốc 1,5 tỷ USD, nhất là từ nay đến cuối năm hầu như Thái Lan, Malaysia đã hết mùa sầu riêng, cả thế giới chỉ còn vùng Tây Nguyên của Việt Nam còn sầu riêng để bán.

Có thể thấy,kỷ lục xuất khẩu sang Trung Quốc đã vượt cả chỉ tiêu đề ra cho trái sầu riêng năm nay là 1 tỷ USD. Đó là kết quả của nỗ lực đàm phán ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ các mã số vùng trồng của Việt Nam trong đợt kiểm tra trực tuyến thứ tư hồi tháng 6/2023. Theo đó, có 129 trong tổng số 200 vùng trồng sầu riêng và 38 trong số 55 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu để được cấp mã số. Như vậy, Việt Nam hiện đã có 422 vùng trồng và 153 cơ sở đóng gói sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian qua, sầu riêng nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc. Bất chấp các biện pháp kiểm soát nhập khẩu trong đại dịch Covid-19, năm 2022, Trung Quốc vẫn nhập khẩu lượng sầu riêng nhiều gấp 4 lần so với năm 2017, với tổng giá trị nhập khẩu hơn 4 tỷ USD.

'Cơn khát' sầu riêng của Trung Quốc chưa hạ nhiệt, Việt Nam sẽ thu 1,5 tỷ USD từ  - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu nhóm hàng rau quả trong 8 tháng năm 2023 đã đạt giá trị 3,45 tỷ USD, tăng tới 57,5%, trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt 1,1 tỷ USD. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Tuy vậy, xuất khẩu sầu riêng cũng đã và đang bộc lộ một số vấn đề cần khắc phục để phát triển bền vững. Tại Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói diễn ra vào ngày 23/8, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính riêng 7 tháng đầu năm nay, đã phát hiện 370 lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật, chủ yếu là chuối, thanh long, sau đó là xoài, sầu riêng, mít.

Riêng về mặt hàng sầu riêng, số lượng các lô hàng phát hiện ngày càng gia tăng. Cụ thể, có 12 lô hàng phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật và không cấp giấy phép kiểm dịch thực vật, liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Trên trang cá nhân của mình, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị có nhiều mã số vùng trồng sầu riêng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo ngại khi đứng trước cái lợi trước mắt, nhiều nhà vườn dường như quên đi những bài học vỡ trận đã từng xảy ra trước đây.

CEO Chánh Thu hy vọng các bên sẽ cùng nhau thay đổi tư duy, nhận thức để trái sầu riêng của Việt Nam có vị thế hơn, được thị trường tôn trọng hơn.

“Chúng ta cùng nhau bình tĩnh và giữ thật tốt chất lượng để bảo vệ chung cho cái tự tôn dân tộc. Nông dân hãy dừng lại lòng tham vì nếu không có thương lái, doanh nghiệp sẽ không thể mang sản phẩm của nông dân đi xuất khẩu”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ.

Ngoài ra, bà Ngô Tường Vy cũng cơ quan quản lý sẽ quan tâm hơn đến việc kiểm tra chất lượng sầu riêng như cách Thái Lan đã và đang làm, họ coi mỗi trái sầu riêng là hình ảnh của quốc gia và được hoàng gia Thái Lan bảo hộ.

Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cũng đưa ra khuyến cáo: Để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, thành viên là người nông dân và HTX khi ký các hợp đồng thương mại cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng năng lực doanh nghiệp xuất khẩu; cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công xuất như thế nào. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đủ điều kiện được Hải quan Trung Quốc đánh giá và xuất khẩu trực tiếp hay chưa. Người dân, HTX cũng nên ưu tiên những doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói tại địa phương.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ tính riêng Đắk Lắk, diện tích sầu riêng cho thu hoạch chiếm khoảng 40%. Trong ba năm tới, diện tích này sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba; và nếu tính đến 5 năm tới thì sản lượng sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay. Do vậy, chính quyền địa phương, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cần ngồi lại với nhau, gấp rút đưa ra giải pháp để tạo ra chiến lược bền vững.

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/trung-quoc-chi-4-ty-usd-mua-sau-rieng-viet-nam-loi-lon-vi-la-noi-duy-nhat-tren-the-gioi-con-hang-ban-20230831090336246.htm
Copy Link
https://danviet.vn/trung-quoc-chi-4-ty-usd-mua-sau-rieng-viet-nam-loi-lon-vi-la-noi-duy-nhat-tren-the-gioi-con-hang-ban-20230831090336246.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Trung Quốc chi 4 tỷ USD mua sầu riêng, Việt Nam lợi lớn vì là nơi duy nhất trên thế giới còn hàng bán
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO