Ông Trương Công Khánh, ở thôn 2, xã Đắk R’la có 3 ha đất. Năm 2017, để khai thác không gian và tận dụng tối đa diện tích đất để phát triển kinh tế, ông Khánh đã chia các loại cây trồng thành các hàng nhất định.
Cụ thể, ông Khánh trồng mỗi hàng bơ booth cách nhau 6m. Giữa 2 hàng bơ, ông trồng thêm 2 hàng cà phê. Giữa ngã tư 2 hàng cà phê, ông trồng bưởi da xanh. Cách 5 hàng cà phê, ông Khánh trồng 1 hàng sầu riêng.
Đến nay, mỗi vụ bơ 400 cây cho thu hoạch 15 tấn; 1.000 cây cà phê cho thu hơn 3 tấn; còn 100 cây bưởi, 100 cây sầu riêng mới cho thu bói. Ông Khánh cho biết: "Cách trồng này giúp tôi khai thác được nhiều khoảng không gian, tạo được nhiều nguồn thu nhập".
Cũng theo ông Khánh, cà phê cho thu nhập thấp hơn các loại cây ăn trái xen canh. Năm vừa rồi, cà phê cho thu nhập được hơn 3 tấn, bán với giá 42.000 đồng/kg, bơ booth thu được 15 tấn, bán với giá 35.000 đồng/kg… Nếu tất cả các cây trồng đều cho thu hoạch, giá trị kinh tế mang lại sẽ rất lớn, tạo tính ổn định về thu nhập cho gia đình, giảm rủi ro mất mùa, mất giá.
Việc xen canh giúp người dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp |
Ông Trương Thanh Thể, ở thôn 11, xã Đắk R’la cũng chọn cách trồng cây khá bài bản. Trên 3 ha đất, ông Thể trồng 4 hàng tiêu, 1 hàng sầu riêng. Đến nay, toàn bộ 2.000 trụ tiêu với 300 cây sầu riêng đã cho thu chính. Năm vừa rồi, ông Thể thu được 3 tấn hồ tiêu (do mất mùa), bán với giá 70.000 đồng/kg. Còn sầu riêng, ông bán nguyên vườn cho thương lái với giá 400 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Thể còn trồng xen măng cụt trên 1 ha cà phê… hiện chưa cho thu hoạch. Ông Thể cho biết: "Từ thực tế, tôi thấy nếu trồng thuần thì hiệu quả kinh tế không cao bằng trồng xen mà rủi ro lớn. Tôi chọn cách trồng xen canh để tăng hiệu quả kinh tế, tạo nhiều nguồn thu nhập, giảm rủi ro".
Ông Nguyễn Như Chinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk R’la đánh giá, người dân đã quy hoạch vườn một cách bài bản, trồng xen các loại cây trồng phù hợp để khai thác không gian, ánh sáng giúp các loại cây trồng cùng nhau phát triển. Việc xen canh đã giúp người dân tạo nhiều nguồn thu trên một đơn vị diện tích, giảm rủi ro về giá cả. Mất mùa cây này, nhưng được mùa cây kia để bù lại giúp nguồn thu nhập của nông dân trong 1 năm luôn ổn định.
Thực tế tại Đắk Mil cho thấy, trồng xen cây ăn trái trong rẫy cà phê, hồ tiêu vừa tận dụng cây chắn gió, bóng mát cho cà phê vừa tăng thu nhập cao cho hộ nông dân. 1 ha trồng xen cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê, hồ tiêu. Điều đáng nói hơn, nhiều nông dân trên địa bàn Đắk Mil có đầy đủ kiến thức và khả năng để chăm sóc nhiều loại cây trồng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay huyện Đắk Mil có khoảng 10.000 ha cà phê, hồ tiêu xen canh các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, vải… Qua đánh giá thực tế của cơ quan chuyên môn cho thấy, việc xen canh đã tạo thêm nguồn thu nhập, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, giúp người dân giảm thiểu rủi ro trong điều kiện giá nông sản bấp bênh, mất mùa, mất giá thường xuyên xảy ra.