Trồng rau rải vụ để thích ứng với Covid-19

Đức Hùng| 07/12/2021 08:49

Thời gian qua, nhiều nông dân ở Tuy Đức đã linh hoạt sản xuất rau theo hình thức rải vụ để tránh rủi ro trong khâu tiêu thụ. Cách làm này đã giúp họ thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, bảo đảm nguồn thu nhập.

Gia đình anh Thái Vĩnh Thạnh, ở thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) chuyên sản xuất rau nhiều năm nay. Anh Thạnh duy trì 4 ha đất trồng rau mỗi năm. Trước đây anh trồng một loại rau trên toàn bộ diện tích để tiện cho việc xuống giống, chăm sóc và tiêu thụ.

Thế nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đầu ra thường xuyên gặp khó, anh Thạnh đã thay đổi cách thức sản xuất rau.

Thay vì xuống giống một lần trên toàn bộ diện tích, anh Thạnh đã chia thành nhiều đợt xuống giống rau. Cách làm này giúp anh thu hoạch lượng hàng vừa phải để chủ động đầu ra.

Anh Thạnh cho biết, dịch bệnh khiến việc kết nối tiêu thụ rất dễ đứt gãy. Trong khi đó, mặt hàng rau củ chỉ để được trong thời gian ngắn. Nếu không kịp thời tiêu thụ, rau sẽ hư hỏng, mất giá.

Vì thế anh phải thay đổi cách sản xuất để chủ động đầu ra, tránh rủi ro. "Cách này khiến gia đình tôi tốn nhiều công hơn, nhưng lại giảm được rủi ro trong tiêu thụ", anh Thạnh chia sẻ.

Nông dân Tuy Đức chọn cách xuống giống ở từng thời điểm khác nhau để thuận lợi trong tiêu thụ

Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Kỳ, ở bon Bu Bong, xã Đắk Búk So, có 5 ha đất chuyên trồng rau. Gia đình anh thường trồng củ cải, bắp cải, cải thảo, cà rốt... với số lượng lớn để xuất bán tại thị trường các tỉnh phía Nam.

Anh Kỳ cho biết, khi chưa có dịch bệnh, anh trồng rau trên toàn bộ diện tích và thu hoạch một lần. Bởi vì khi đó rất thuận lợi về đầu ra. Thế nhưng, năm nay dịch bệnh Covid-19 đã khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn, lượng hàng tiêu thụ cũng ít hơn, nên anh phải thay đổi cách làm để giảm rủi ro.

Anh xuống giống rau theo từng đợt, từng loại để giảm rủi ro về đầu ra, giảm chi phí đầu tư khi giá phân bón, công lao động, vật tư nông nghiệp tăng cao. "Chi phí trồng rau hiện nay khá lớn, nên tôi phải tính toán để vừa tạo được nguồn thu vừa giảm rủi ro", anh Kỳ cho biết.

Tuy Đức là một trong những địa bàn sản xuất rau củ, cây ngắn ngày lớn nhất tỉnh, với khoảng 200 ha, sản lượng khoảng 1.500 tấn. Việc sản xuất rau được người dân duy trì quanh năm. Nhiều hộ dân tập trung đầu tư sản xuất rau quy mô lớn.

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, đơn vị từng đứng ra hỗ trợ nông dân tiêu thụ rau củ trong đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm. Thế nhưng, sau lần đó, nông dân đã thay đổi cách sản xuất, linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Phần lớn bà con sản xuất dựa vào ước lượng đầu ra hoặc qua liên kết tiêu thụ. Bà con thay đổi cách sản xuất rau rải thành nhiều đợt, xuất bán với số lượng vừa phải, từ đó giảm được rủi ro. "Sự linh hoạt này đã giúp nông dân tạo được nguồn thu nhập ổn định giữa mùa dịch", ông Đoàn Lê Anh cho biết.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/trong-rau-rai-vu-de-thich-ung-voi-covid-19-90455.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/trong-rau-rai-vu-de-thich-ung-voi-covid-19-90455.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Trồng rau rải vụ để thích ứng với Covid-19
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO