Trò chơi dân gian - Nét đẹp văn hóa tinh thần

Mỹ Hằng| 19/02/2016 10:12

Trò chơi dân gian là một nét đẹp văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về, là kết tinh văn hóa, lối sống của cha ông được trao truyền qua nhiều thế hệ.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, hiện tại tỉnh đã duy trì tổ chức được một lượng lớn các trò chơi dân gian của các dân tộc như M’nông, Mạ, Ê đê, Tày, Nùng, Kinh… Trong đó, có đến 70% trò chơi có nét tương đồng ở các dân tộc.

Do sự giao thoa văn hóa, sự sáng tạo của con người lại có sự thay đổi trong cách thức tổ chức, hình thức thực hiện, luật chơi… Một số trò chơi dành cho trẻ em như rồng rắn, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, nhảy dây, kéo co... thể hiện sự khéo léo, tính tập thể. Lớn dần lên theo lứa tuổi thì có các trò chơi mang tính chuyên môn cao hơn như bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, vật...

Kéo co - trò chơi dân gian thể hiện tinh thần đoàn kết

Đặc biệt, sau một năm làm lụng vất vả, cứ đến những ngày đầu năm mới, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, từng địa phương mà bà con lại nô nức tổ chức lễ hội để cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên đã cho một năm mùa màng tươi tốt, bội thu, cây trái xanh tươi và cầu mong một mùa vụ mới mưa thuận gió hòa.

Điển hình như tại các thôn, bản có đông đồng bào các dân tộc phía Bắc sinh sống thì đồng bào tổ chức lễ ném Còn, lễ Lồng tồng (xuống đồng). Tất cả các nghi thức, nghi lễ luôn được bà con chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Nếu phần lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm thì phần hội lại rất vui vẻ với nhiều trò chơi dân gian mang bản sắc của các dân tộc như biểu diễn đàn tính, hát then và các trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, bịt mắt đánh chiêng, ném còn…

Nhiều địa phương cũng tưng bừng tổ chức hội xuân thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Ngoài việc phục dựng lễ hội truyền thống thì một số trò chơi dân gian được tổ chức, lôi cuốn sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân, nhất là giới trẻ.

ADQuảng cáo

Đối với các bạn trẻ, việc tham gia trò chơi dân gian là một sân chơi mới lạ, hấp dẫn, bổ ích, thông qua không gian vui chơi có định hướng, đầy ý nghĩa mang đậm tính truyền thống, đồng thời còn giúp phát triển tốt khả năng tư duy, sáng tạo, là cơ hội để trải nghiệm chân thực nhất về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trò chơi “bịt mắt đánh chiêng” luôn được tổ chức tại các lễ hội của người M’nông và thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ

Y Lem, một thanh niên ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: “Qua các trò chơi, tôi cũng như các bạn cùng trang lứa được tiếp cận với những kiến thức đầu tiên về văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. Đồng thời những hoạt động mang tính tập thể này cũng góp phần giáo dục những kỹ năng sống cơ bản cho giới trẻ".

Còn bạn trẻ Sùng Thị Gái ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) thì cho biết: “Mỗi lần địa phương tổ chức lễ hội, tôi đều có mặt để chứng kiến, tham gia các trò chơi dân gian. Đây là cơ hội để giới trẻ có thể giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, đem lại sự vui tươi, phấn khởi trong lao động, cuộc sống hàng ngày”.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều loại hình giải trí hiện đại xuất hiện, nhưng các trò chơi dân gian vẫn luôn có sự hấp dẫn riêng của nó. Vì vậy, việc phục hồi, đẩy mạnh tổ chức các trò chơi dân gian luôn được các địa phương quan tâm, chú trọng.

Về phía ngành Văn hóa, hàng năm đều chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quan tâm, tìm hiểu, phục hồi các trò chơi dân gian của các vùng miền, nhất là trò chơi của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê… để đưa vào chương trình các lễ hội. Qua đó, người dân có sân chơi lành mạnh, có dịp giao lưu, hiểu hơn về cuộc sống, tập quán sinh hoạt, bản sắc văn hóa đặc sắc của các vùng miền, các dân tộc đang cùng sinh sống trên mảnh đất quê hương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trò chơi dân gian - Nét đẹp văn hóa tinh thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO