Trình độ người lao động Đắk Nông ngày càng được nâng cao
Sau 20 năm tái lập tỉnh, trình độ người lao động ngày càng được nâng lên, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người học.
Đắk Nông hiện có gần 400.000 người lao động từ 15 tuổi trở lên. Sau 20 năm tái lập tỉnh, trình độ người lao động ngày càng được nâng lên, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người học.
Công ty Cổ phần Auto Bình Phước Chi nhánh Đắk Nông (TP. Gia Nghĩa) hiện có khoảng 62 cán bộ quản lý và người lao động đang làm việc. Trong số này có khoảng 50 lao động là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Nông.
Sau khi tốt nghiệp, thay vì đi làm ở các thành phố lớn như bạn bè, anh Trương Ngọc Sơn đã vào Công ty Cổ phần Auto Bình Phước Chi nhánh Đắk Nông với vị trí là công nhân sơn. Công việc đúng với ngành nghề được đào tạo, thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng, anh Sơn đã động viên thêm một số bạn học cũ vào công ty làm cùng.
Anh Trương Ngọc Sơn chia sẻ: “Trong thời gian học nghề tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông tôi đã có cơ hội vào công ty thực tập nên đã hình dung được công việc mình sẽ làm sau khi ra trường. Thời gian làm việc tại đây, được tiếp cận với những máy móc tiên tiến, hiện đại và có thu nhập ổn định nên tôi càng yên tâm gắn bó với công ty”.
Trong những năm gần đây, số lượng người lao động của tỉnh Đắk Nông được đào tạo ngày càng nhiều, từng bước đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Anh Mai Anh Đăng đã có 2 năm gắn bó với Nhà máy điện gió Đắk Hòa, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song. Được làm việc ngay tại quê nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng nên anh rất hài lòng với công việc hiện tại.
Anh Đăng cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Điện, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh đã làm tại nhiều doanh nghiệp khác nhau trong cả nước. Năm 2021, biết tin Nhà máy Điện gió Đắk Hòa tuyển dụng lao động có chuyên môn về điện, anh đã ứng tuyển và trở thành nhân viên của nhà máy.
“Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu thao tác trên máy tính. Làm việc tại đây, tôi và các nhân viên khác được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm các chế độ, quyền lợi theo quy định. Đặc biệt, trong thời gian làm việc, chúng tôi có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn thông qua các khóa đào tạo, đợt tập huấn”, anh Đăng nói thêm.
Ông Hồ Văn Hải, Phó trạm Nhà máy Điện gió Đắk Hòa thông tin, trong số nhân viên đang làm việc tại đơn vị, có 10 nhân viên là người địa phương. Đây đều là những lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên và được cấp các chứng chỉ kỹ thuật trước khi được tuyển dụng vào nhà máy làm việc.
Tương tự, ông Dương Việt Hùng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đánh giá tầm quan trọng của nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Ông Hùng cho biết: “Tham gia vào chuỗi sản xuất của Việt Nam và thế giới, các doanh nghiệp rất cần nhân lực chất lượng cao. Trong xu hướng chuyển dịch chung, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giá trị cốt lõi có thể quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Để thực hiện chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp ở Đắk Nông đã có những chính sách ưu đãi, nhằm thu hút được người lao động chất lượng vào làm việc”, ông Dương Việt Hùng cho biết thêm.
Có thể nói, lao động, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố để thu hút các nhà đầu tư. Trong thời gian qua, bên cạnh yêu cầu đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh Đắk Nông đã có những chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đây cũng là nội dung được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII của tỉnh, với mục tiêu đào tạo nghề cho trên 20.000 người theo hướng có trình độ, chất lượng và tay nghề cao và tạo việc làm mới cho 90.000 lượt lao động giai đoạn 2020-2025.
Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và hoạt động GDNN. Ngoài Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam thì hầu hết các huyện, thành phố đều có Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên công lập và ngoài công lập.
Mạng lưới cơ sở GDNN đang từng bước được hoàn thiện, phủ khắp các huyện, thành phố, đa dạng hóa ngành, nghề, trình độ và loại hình đào tạo với quy mô tuyển sinh hàng năm khoảng 4.500 người…Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh, người trong độ tuổi lao động có thể theo học để nâng cao trình độ, tay nghề.
Theo đánh giá, công tác GDNN trong thời gian qua đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động trực tiếp theo hướng tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra và từng bước đáp ứngnhu cầu sử dụng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, những năm qua, công tác đào tạo nghề của tỉnh Đắk Nông nhận được hỗ trợ nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, học sinh tốt nghiệp bậc THCS, khi tham gia học tập tiếp tại các trung tâm GDNN sẽ được hỗ trợ 100% học phí, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng có những chính sách, quy định đặc thù nhằm hỗ trợ đào nghề; định hướng phân luồng đào tạo để đào tạo từng bước gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đáng chú ý, ngày 28/10/2021, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-20251. Từ ngày 1/11/2021 cho đến hết ngày 31/12/2025, tỉnh Đắk Nông sẽ sử dụng ngân sách nhà nước, hỗ trợ học phí và tiền ăn cho tất cả học sinh, sinh viên của tỉnh học tập trung chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn.