Kinh tế

Triển vọng cà phê Đắk Nông

Hưng Nguyên 21/03/2023 05:00

Tỉnh Đắk Nông đã, đang hình thành các vùng sản xuất cà phê công nghệ cao. Các HTX và người dân phần lớn nắm được quy trình và ngày càng chủ động chuyển sang sản xuất cà phê chất lượng theo nhu cầu thị trường. 

caphe3(1).jpg
Cà phê được người dân thu hái có tỉ lệ chín cao để nâng cao giá trị

Nâng chất lượng, giá trị cà phê

HTX dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết ở xã Nam Bình (Đắk Song) đang sản xuất 250 ha cà phê, theo tiêu chuẩn 4C. Mỗi năm HTX thu hoạch khoảng 1.000 tấn cà phê nhân xô. Để nâng cao sản lượng cà phê, các thành viên của HTX đã tiến hành cải tạo các vườn cà phê già cỗi, chủ yếu là giống TR4 chất lượng cao (CLC) được ngành Nông nghiệp thẩm định.

Đặc biệt, HTX áp dụng quy trình hái chín để nâng cao chất lượng cà phê. HTX đã đầu tư 1.000 m2 nhà kính, 3000 m2 sân phơi bê tông và nhiều máy móc để phục vụ việc phơi cà phê CLC. Năm 2022, HTX sản xuất 50 tấn cà phê CLC, giá bán được 70.000  - 75.000 đồng/kg.

HTX đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất cà phê bột. Mỗi năm, HTX cho ra thị trường khoảng 10 tấn cà phê bột. Năm 2020, cà phê bột của HTX được chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết cho biết: Để nâng sản lượng, HTX thực hiện tái canh cuốn chiếu những diện tích cà phê già cỗi. Đối với chế biến, để có sản phẩm CLC, HTX đã đầu tư máy móc, sân bãi, nhà kính… Bằng cách đó, sản lượng cà phê CLC sẽ tăng dần từng năm. 

Tương tự, HTX Nông nghiệp Tiến Thành, ở xã Cư Kia (Cư Jút) có hơn 100 ha cà phê. Mỗi năm HTX thu hoạch hơn 300 tấn. Ngoài hình thành vùng nguyên liệu, HTX đã sản xuất cà phê bột và đã được chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2020. Mỗi năm HTX sản xuất khoảng 3 tấn cà phê bột bán ra thị trường.

HTX đã áp dụng việc thu hái chín 100% và chế biến cà phê CLC khoảng 20 tấn/năm, được bán với giá 70.000 – 75.000 đồng/kg.

Ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thành cho biết, HTX đang tìm đối tác tiêu thụ để đưa các thành viên vào tổ chức sản xuất theo quy trình. caphe2(1).jpg
Người người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư hạ tầng để chế biến cà phê CLC

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đánh giá, đối với cây cà phê, người dân trên địa bàn tỉnh đã nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm và kiến thức để phát triển.

Người dân đã áp dụng nhuần nhuyễn việc chăm sóc không lạm dụng thuốc, phân bón và thu hái chín, phơi đúng cách. Ngành Nông nghiệp đã có những hướng dẫn về các mô hình trồng xen canh hợp lý để tạo đa giá trị và chống rủi ro trên thị trường.

"Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều chương trình, đề án hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật giúp người dân nâng cao chất lượng và giá trị cà phê. Người dân đã chủ động tái canh để nâng cao sản lượng, áp dụng quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng cà phê", Phó Giám đốc Sở NN - PTNT chia sẻ. 

Thúc đẩy liên kết, mở rộng thị trường

Giai đoạn 2012 – 2022, trên địa bàn tỉnh đã tái canh được 25.631 ha, đạt 18,3% diện tích cà phê toàn tỉnh. Việc thay thế các giống cà phê già cỗi bằng những giống cà phê CLC đã góp phần nâng sản lượng cà phê của tỉnh. Hiện nay, sản lượng cà phê bình quân của tỉnh đạt 2,8 tấn/ha.

caphe(1).jpg
Cà phê Đắk Nông vẫn chủ yếu xuất khẩu nhân xô

Đối với việc sản xuất cà phê CLC, thời gian qua, nhiều hộ nông dân và các HTX đã chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản, với 225 ha, sản lượng 251 tấn. Một số sản phẩm đã được công nhận cà phê đặc sản. Tỉnh Đắk Nông hiện có 23.000 ha cà phê với khoảng 82.000 tấn/năm sản xuất theo các chứng nhận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến cà phê. Một số doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê bột, cà phê nhân. Qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cà phê. Sản lượng cà phê bột sản xuất và tiêu thụ khoảng 400 tấn/năm. 

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh đã và đang xây dựng các vùng sản xuất cà phê tập trung, vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng bảo đảm ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ngành Nông nghiệp đang làm cầu nối để HTX, người dân, doanh nghiệp liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê. Mục đích để ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cũng đang được tỉnh quan tâm. Tỉnh Đắk Nông có 15 nhãn hiệu mặt hàng cà phê được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, có 14 nhãn hiệu thông thương của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, 4 nhãn hiệu được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hiện tỉnh đã thực hiện các bước để xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Nông.

Về công tác xúc tiến thương mại, tỉnh thường xuyên đưa các đơn vị sản xuất, chế biến cà phê đi tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm cà phê.

Đắk Nông có 139.932 ha cà phê, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, năng suất bình quân 2,8 tấn/ha, sản lượng 356.612 tấn.

Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt bình quân khoảng 120.000 tấn, giá trị bình quân 215 triệu USD/năm. Cà phê Đắk Nông đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Triển vọng cà phê Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO