Triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh

Hoàng Thanh| 06/04/2022 14:32

Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, Đại tá Bùi Quang Thanh, UVTVTU, Giám đốc Công an tỉnh, cùng lãnh đạo công an các huyện, thành phố, và các xã, phường, thị trấn tham dự.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã xác định các quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu cụ thể, cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành cụ thể để thực hiện Đề án.

Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với công an 63 tỉnh, thành phố

Hiện nay, đã có 23 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, công bố 6.673 bộ TTHC; trong đó có 3.435 dịch vụ công trực tuyến với 1.921 TTHC liên quan đến công dân, 1.862 TTHC liên quan đến doanh nghiệp. Để thúc đẩy dịch vụ công quốc gia trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư, Đề án đã đề ra 13 mục tiêu cụ thể trong năm 2022; 11 mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 - 2025 và 11 mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030.

Trong đó, Đề án xác định điểm nhấn của năm 2022 là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 20 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. 

Nhằm thực hiện Đề án hiệu quả, ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng, chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hóa. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh: Bộ Công an xác định vai trò gương mẫu, đi đầu, luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân. Thời gian tới, lực lượng công an các cấp khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai thực hiện đề án, hoàn thành các nội dung công việc theo đúng tiến độ đề ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO