Triển khai các biện pháp khắc phục môi trường, ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng lũ buôn Choáh

Văn Tâm| 15/11/2016 09:57

Đến nay, sau gần 10 ngày xảy ra lũ lụt, trên địa bàn xã Buôn Choáh (Krông Nô) vẫn còn thôn 5 và thôn 6 nước lũ chưa rút hẳn. Với tinh thần không để người dân bị thiếu đói, bệnh tật... lực lượng cứu hộ tại chỗ và các đơn vị tăng cường của huyện luôn túc trực, sát cánh cùng người dân; đồng thời công tác khắc phục môi trường đang được ngành chuyên môn và địa phương khẩn trương tiến hành.

ADQuảng cáo

Các chiến sỹ của Huyện đội, Công an huyện đến tiếp tế cho người dân bị cô lập trong vùng lũ

Huy động các lực lượng tại chỗ giúp dân vượt lũ an toàn

Ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho biết: “Nước đã rút đi rất nhiều nhưng vẫn còn một số khu vực tại thôn 5 và thôn 6 và các cù lao mé sông vẫn còn bị ngập. Đến nay, chúng tôi vẫn dùng thuyền, ca nô tiếp cận các điểm dân cư để giúp bà con những nhu cầu cần thiết”.

Kể từ ngày dòng nước lũ tràn về nhấn chìm nhà cửa, vườn cây, ruộng lúa, anh Phạm Văn Lai, Trưởng Công an xã Buôn Choáh cùng các công an viên của đơn vị đã phối hợp triển khai các công việc giúp dân và chưa có ngày nghỉ nào.

Anh Phạm Văn Lại cho biết: Khi bị nước lũ cô lập, bà con gặp rất nhiều tình cảnh khó khăn, nan giải. Mặc dù mọi người không bị thiếu đói, thiếu chỗ ở nhưng mọi sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn. Do vậy, anh em chúng tôi cố gắng chống chọi với dòng nước dữ, đi vào tất cả các luồng lạch để giúp người dân vượt qua cơn lũ.

Anh Lai kể, có rất nhiều trường hợp nếu đội cứu hộ không làm tròn nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Đơn cử, trường hợp một hộ dân ở thôn Nam Tiến có người bị ốm cần xã trợ giúp để đi bệnh viện cấp cứu. Anh Lai lập tức cùng với đội cứu hộ đưa ca nô đến gia đình cần trợ giúp. Khi đến nơi, gia đình xin hoãn vì cháu bé hết đau bụng và gia đình chưa chuẩn bị được tiền để đi bệnh viện. Vậy là đội cứu hộ quay về. Nhưng đến 4 giờ sáng hôm sau, gia đình có người ốm lại cấp báo vì cháu bé có dấu hiệu đau ruột thừa, phải đi viện gấp. Vậy là anh Lai phải điều khiển ca nô len lỏi vượt dòng nước chảy xiết giữa màn đêm tối đen để giúp người bệnh đưa đi bệnh viện.

Đại diện Hội Cựu chiến binh huyện thăm hỏi, tặng quà và động viên hội viên trong đợt lũ

Anh K’Ơn công tác tại Công an huyện Krông Nô cho hay: “Ngay khi có tin lũ về, đơn vị đã điều động 30 cán bộ, chiến sỹ về giúp dân. Chúng tôi cùng các đơn vị và bà con trong xã thức trắng đêm để vận động bà con di dời ra khỏi vùng ngập lụt, giúp bà con gặt lúa, đưa những người già, trẻ em bị kẹt ngoài bờ sông, ngoài đồng vào tránh trú ở nơi an toàn”.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện thì Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai –Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động triển khai phương án ứng cứu, tổ chức huy động 230 người gồm các lực lượng vũ trang, lực lượng tại chỗ và các phương tiện khác để tham gia giúp người dân gặt lúa chạy lũ, vận chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Người dân thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh vận chuyển vận dụng trở về nhà sau cơn lũ

Tập trung xử lý môi trường sau lũ

Đến thời điểm hiện nay tại vùng “rốn lũ” Buôn Choáh, nước lũ rút rất chậm nên việc triển khai công tác xử lý môi trường, dịch bệnh chưa thể triển khai được. Trong khi đó, nhà cửa, giếng nước, đường làng, ngõ xóm bị ô nhiễm do ngập úng lâu ngày và tình trạng xác cá thối rửa do bị sặc nước trôi dạt cần phải xử lý sớm.

Tại một số địa điểm trên địa bàn thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh, tình trạng ô nhiễm đang trở nên nghiêm trọng khi có nhiều hộ ở ngoài cù lao nước đã rút thì nước giếng ăn không thể xử dụng được. Nghiêm trọng hơn là tình trạng xác cá chết thối rửa, trôi dạt, vương vãi khắp nơi.

Theo ông Lương Thế Việt, Trưởng thôn Bình Giang thì lượng cá chết do vỡ lồng có hàng trăm tấn. Phần lớn được người ta vớt làm phân, một lượng lớn trôi theo dòng chảy hoặc trôi nổi khắp mặt ruộng, vườn tượt. Do cá chết nhiều ngày nên mùi hôi thối nồng nặc không chịu nổi.

Ruộng lúa của người dân bị ngã rạp sau cơn lũ

Trên địa bàn xã Buôn Choáh có 61 lồng cá của 11 hộ dân bị thiệt hại, đây là nguồn ô nhiễm trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Lương Văn Đoàn cho biết, về nguồn nước sinh hoạt, xã đã có thông báo cho hợp tác xã nước sạch cung cấp nước cho bà con. Đồng thời, người dân cũng có thể đến các đại lý đổi các bình nước về sử dụng, còn tiền, điện thì xã hỗ trợ. Đặc biệt là sau lũ rút thì vấn đề môi trường bị ô nhiễm rất cao, do xác động vật, nhất là ở thôn Bình Giang, số lượng cá chết rất là nhiều, trôi dạt vào bờ, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Trước tình trạng đó, UBND xã đã có kiến nghị lên UBND huyện, các ngành chức năng cung cấp thuốc khử trùng cho người dân. Đồng thời, Phòng Y tế huyện cũng sẽ cấp phát thuốc phòng ngừa những bệnh sau lũ nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

Nhiều hộ dân tranh thủ những ngày nước ngập để găng lưới, bắt cá

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô thì qua ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Văn phòng Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, tuyên truyền, động viên tương thân, tương ái, cùng giúp nhau ổn định lại cuộc sống. Đồng thời, huyện cũng chủ động phương án hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc men, hỗ trợ đi chuyển cho dân khi cần thiết. Các cấp, ngành chuyên môn cũng rà soát, lập báo cáo tổng hợp về thiệt hại của người dân để xem xét hỗ trợ sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau khi lũ rút cho người dân.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai các biện pháp khắc phục môi trường, ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng lũ buôn Choáh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO