Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh các hoạt động thiết thực của tri thức và doanh nhân Việt kiều tại Pháp hướng về quê hương. Ảnh: Minh Duy. |
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng tới công tác kiều bào, khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố vô cùng quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin đến kiều bào về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, định hướng chính sách phát triển trong thời gian tới trong các ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tuy đạt được nhiều thành tựu, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đó là phải xây dựng, điều chỉnh chiến lược phát triển đất nước tương thích với xu thế vận động không ngừng nghỉ của thời cuộc, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cách mạng khoa học-công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam phải xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, với các cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi, để vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vừa khai thác, phát huy được nguồn lực to lớn của toàn xã hội để kiến tạo, phát triển đất nước.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh các hoạt động thiết thực của tri thức và doanh nhân Việt kiều tại Pháp hướng về quê hương. Ảnh: Minh Duy. |
Việt Nam cũng phải xây dựng, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thương hiệu quốc gia, để có thể thoát khỏi Bẫy thu nhập trung bình, thông qua việc thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vật liệu, cơ khí, điện tử, hóa chất, dược phẩm, năng lượng...; đồng thời phát triển các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, sản xuất chip bán dẫn…
Và Việt Nam phải tận dụng được tối đa những kết quả của hội nhập, không thể chỉ đo đếm bằng số lượng các Hiệp định, bằng số vốn và số dự án đầu tư FDI vào trong nước, mà quan trọng hơn là sự hội nhập ấy phải đem đến sự lan toả cho khu vực doanh nghiệp trong nước, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Những thách thức như vậy cần có sự đóng góp, hiến kế của kiều bào để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.
Chị Stephanie Đỗ chia sẻ về huy động nguồn lực tri thức kiều bào ở nước ngoài. Ảnh: Khải Hoàn. |
Đại diện trí thức, doanh nhân người Việt tại Pháp đã phân tích, chia sẻ và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho công cuộc xây dựng đất nước nói chung và những vấn đề đang nóng hiện nay như việc phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, tiến trình chuyển đổi năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, cũng như xây dựng một nền kinh tế, độc lập tự chủ tại Việt Nam.
Các trí thức và doanh nhân Việt kiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau ở Pháp khẳng định, việc đóng góp cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước luôn là nỗi niềm đau đáu và trở thành truyền thống qua nhiều thế hệ kiều bào ở đây.
Chị Trần Phương Trà, Phó Giáo sư ngành quản trị chiến lược tại Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Giám đốc Mạng lưới Chính sách kinh tế của Tổ chức Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nhận định: Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử để có thể thu hút được những nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh thế giới đang có rất nhiều những gián đoạn ở trong chuỗi cung ứng với những cái lý do vì chiến tranh hay là vì dịch bệnh.
Để có thể đón tiếp những làn sóng đầu tư, Việt Nam sẽ cần chuẩn bị tới chuỗi cung ứng của mình một cách đa phương, tức là không phải chỉ tập trung vào một thị trường hay hai thị trường, mà cần phải đảm bảo được điều kiện tiếp đón tất cả những thị trường lớn. Tại Pháp, có nhiều chuyên gia Việt kiều mong muốn đóng góp cho lĩnh vực này.
Tiến sĩ Trần Duy Châu, Chủ tịch Hiệp hội điện và năng lượng người Việt tại Pháp, Giám đốc dự án, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) chia sẻ một số bài toán về chuyển dịch năng lượng tại châu Âu và Việt Nam, đồng thời mong muốn có cơ chế và chính sách đặc thù để phát huy nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào tại Pháp. Ảnh: Khải Hoàn. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, chị Stephanie Đỗ, nguyên Đại biểu Quốc hội Pháp, cho biết: Khi tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Pháp, tôi luôn tâm niệm và nhắn nhủ 2 chữ “cống hiến.” Tôi mong muốn mỗi người Việt hay hội đoàn ở Pháp cùng nhau làm việc, cùng chung một tiếng nói, để có thể cùng phát triển và có cơ hội đóng góp cho nước Pháp và cả cho quê hương Việt Nam.
Theo chị Stephanie Đỗ, trí thức là doanh nhân người Pháp gốc Việt tại Pháp có rất nhiều. Không ít người trong số đó rất muốn quay trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước. Chị mong muốn Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, nhất là các chính sách nhằm thu hút nhân tài, cho trí thức Việt kiều về cống hiến.
Các tri thức và doanh nhân Việt kiều tại Pháp có nhiều kinh nghiệm và khả năng để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Minh Duy. |
Nhận xét về cuộc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng đây là cuộc trao đổi thiết thực với các đại diện kiều bào trong lĩnh vực nghiên cứu, trồng trọt, phát triển công nghiệp, phát triển năng lượng, cũng như các đại biểu tiêu biểu của các hội đoàn của người Việt tại Pháp. Các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp rất tâm huyết cho đất nước về những bước phát triển sắp tới, trong những lĩnh vực then chốt như năng lượng, công nghiệp, thương mại và cũng như những lĩnh vực khác, để đất nước ta có thể đạt những mục tiêu phát triển với tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.