Đời sống

Trẻ em đang dành 5 - 7 tiếng mỗi ngày để vào mạng xã hội

PV 18/08/2023 06:31

Người trẻ nói chung, trong đó có trẻ em đang là một trong những đối tượng chính sử dụng internet và mạng xã hội với tần suất lớn.

ADQuảng cáo

89% trẻ em truy cập và sử dụng internet

Theo khảo sát, giới trẻ Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội như facebook, zalo, instagram, youtube, tiktok… Các mạng xã hội có nhiều tiện ích như kết nối – giao tiếp, tìm kiếm thông tin, học tập, giải trí… của thanh, thiếu niên, trẻ em.

Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội.

tre-.png

Theo các bậc phụ huynh, việc cấm đoán trẻ em không dùng internet, sử dụng mạng xã hội không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay mà việc sử dụng cần có sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Anh Lê Việt Hà, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết, mạng xã hội là công cụ thông minh giúp trẻ em kết nối xã hội, giữ liên lạc với bạn bè, người thân. Mạng xã hội còn mang đến cho trẻ nhiều niềm vui. Trẻ có thể dễ dàng tiếp cận những cái mới, những chương trình thiếu nhi hay, những phim hoạt hình, những mẩu chuyện nhân văn. “Trên mạng xã hội youtube, tôi thấy có nhiều chương trình dạy trẻ em học tiếng Anh thú vị. Các video được thực hiện bài bản, công phu, giúp trẻ vừa giải trí vừa học được các từ vựng”, anh Hà chia sẻ.

Còn theo chị Lệ Sương ở Đắk R’lấp, giờ đây, trẻ em và học sinh các cấp học đều đang tiếp xúc với internet và mạng xã hội. Phụ huynh không thể cấm đoán con em mình mà cần nâng cao kỹ năng cho trẻ. Các kỹ năng tốt khi dùng internet được ví như là "vắc xin số" giúp bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng.

Thời gian sử dụng cao hơn mức cho phép

Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 tiếng/ngày. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời gian trung bình trên internet của nhiều trẻ em là 5-7 tiếng/ngày, cao gấp nhiều lần so với khuyến cáo.

Trẻ em lên mạng quá nhiều khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, nhìn vào thiết bị điện tử quá nhiều ảnh hưởng đến mắt, giảm tập trung trong cuộc sống thật… Bên cạnh việc ảnh hưởng sức khỏe vật lý thì trẻ em trên mạng internet còn tiếp xúc với thông tin xấu độc, nội dung không phù hợp lứa tuổi.

Nếu việc tiếp xúc diễn ra thường xuyên, kéo dài sẽ gây ra hậu quả không lường trước được như: “sống ảo” quá nhiều, tách rời khỏi thế giới thực; có trường hợp làm theo trào lưu trên mạng; truy cập nội dung không lành mạnh ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý khi bản thân trẻ em chưa có “sức đề kháng”, dễ bị kẻ xấu lợi dụng…

Các chuyên gia cho rằng, thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp về đào tạo, giáo dục, trang bị nhận thức đúng, kỹ năng ứng phó tốt với các tình huống xảy ra trên mạng cho mỗi học sinh để giảm bớt những nguy cơ rủi ro mất an toàn cho trẻ em trước văn hóa độc hại trên mạng. Trong đó, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân.

ADQuảng cáo

Mỗi học sinh được trang bị nhận thức đúng, kỹ năng ứng phó tốt với các tình huống xảy ra trên mạng, các nhà trường sẽ bớt gánh lo về tác động tiêu cực từ không gian mạng. Đồng thời, các nhà quản lý, giáo viên cũng cần đổi mới tư duy xây dựng phương pháp tiếp cận học sinh, để hiểu hơn những điều các em suy nghĩ, các hành vi ứng xử của các em trên mạng mỗi ngày. Từ đó, hỗ trợ, định hướng cho các em kịp thời.

Ngành Giáo dục và Văn hóa cần sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, làm cơ sở để xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, hướng đến những giá trị chuẩn mực phù hợp với cả thầy và trò trong kỷ nguyên số.

Triển khai chính sách phù hợp

Việt Nam đã có những nỗ lực về không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được bao quát khá toàn diện các nội dung, các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Ở nhiều cấp độ khác nhau đều đã có văn bản được ban hành.

Tuy vậy, với sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực viễn thông cũng như công nghệ thông tin truyền thông, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các nội dung các văn bản cần phải liên tục được điều chỉnh, chỉnh lý để cập nhật những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, từ đó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay.

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chương trình hướng tới trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

tre-em-va-mang.png

Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.

100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện được các mục tiêu, chương trình đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật…

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.

Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chính cách trong cuộc sống, tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em đang dành 5 - 7 tiếng mỗi ngày để vào mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO