Y tế - Sức khỏe

Trẻ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin để phòng bệnh sởi

Ngô Đồng 07/05/2025 06:59

Trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh ghi nhận rải rác 572 trường hợp nghi sởi tại 8 huyện, thành phố, trong đó có 201 trường hợp dương tính với sởi. Trong đó, số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại huyện Đắk Mil có 145 ca, chiếm 25,3%; huyện Krông Nô có 110 ca, chiếm 19,2%; huyện Cư Jút có 97 ca, chiếm 17%.

Chị Nguyễn Thị Hương, xã Thuận An, huyện Đắk Mil có con trai 14 tháng đang điều trị sởi cho biết, thấy con sốt cao nhiều ngày không khỏi, sau đó phát ban toàn thân nên tôi liền đưa con nhập viện và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi. Trước đó, con đã tiêm được 1 mũi sởi và tiêm chưa đủ liều nên chưa có miễn dịch. Hiện sau 1 tuần điều trị sức khoẻ con tôi đã ổn định.

dsc01013.jpg
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sởi phổ biến hiện nay

Tương tự, chị Thị Duyn, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp thấy con gái 2,5 tuổi bị sốt cao liên tục, phát ban toàn thân nên cho con đi khám, uống thuốc nhưng không khỏi. “Thấy con bệnh ngày càng nặng hơn nên tôi cho con nhập viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng do biến chứng của bệnh sởi”, chị Thị Duyn chia sẻ.

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thông tin, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 232 ca mắc sởi. Số trẻ mắc sởi tăng nhanh một phần do vào mùa cao điểm của bệnh. Nhiều trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm nhưng chưa đầy đủ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh và diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn so với các trẻ khác. Đa số trẻ mắc sởi đang điều trị tại khoa rơi vào lứa tuổi dưới 5 tuổi.

Cần phải ngay cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện trẻ có triệu chứng mắc sởi
Cần phải ngay cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện trẻ có triệu chứng mắc sởi

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần chủ động đưa trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đầy đủ và đúng lịch; không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày…

Các gia đình thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nhà vệ sinh; cũng như tránh quan niệm khi bị mắc sởi phải kiêng nước, kiêng gió bởi đây là quan niệm không có cơ sở khoa học, thậm chí còn có thể khiến bệnh nặng lên do không bảo đảm vệ sinh.

Đối với những trường hợp khi đã mắc sởi cần chú trọng tới chế độ dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân. Bữa ăn bảo đảm đủ chất bằng cách chia nhỏ hơn thông thường với những thực phẩm dễ tiêu, được nấu chín. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A là một lưu ý của bác sĩ. Điều này có thể giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng ảnh hưởng đến mắt như loét giác mạc và mù mắt cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Hạ sốt cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng chỉ định. Nhỏ mắt bằng nước muối loãng 0,9% ngày 3 lần.

Trẻ nhỏ cần được tiêm 2 mũi vắc xin sởi. Mũi đầu tiên tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi thứ hai tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Trẻ tiêm đủ 2 mũi sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra.

Bộ Y tế khuyến cáo

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Trẻ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin để phòng bệnh sởi
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO