DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp) là một trong những doanh nghiệp tham gia vào Chương trình OCOP với mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm cà phê sang thị trường châu Âu. Doanh nghiệp hiện đã ký hợp đồng tiêu thụ 10.000 tấn cà phê mỗi năm, với giá ổn định.
Hiện nay, Doanh nghiệp đang liên kết với khoảng 1.500 hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê theo các chứng nhận quốc tế như 4C, Renforet... Nguồn nguyên liệu đã cung ứng cho Doanh nghiệp gần 7.000 tấn cà phê/năm, đáp ứng 80% công suất chế biến tại nhà máy.
"Doanh nghiệp đang tìm kiếm thêm các thị thường xuất khẩu để bảo đảm đầu ra tốt hơn, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người sản xuất", ông Trương Công Toàn, chủ Doanh nghiệp chia sẻ.
Sản xuất cà phê phục vụ thị trường xuất khẩu tại DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp) |
Chủ động về nguồn nguyên liệu, thích ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu cũng là bí quyết thành công của Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp).
Hiện nay, trên 90% sản phẩm hạt điều rang muối, điều nhân trắng của Công ty đã có mặt ở nhiều thị trường tại các nước châu Âu, Trung Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty, để chinh phục được thị trường xuất khẩu, Công ty đã nỗ lực tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm của Công ty đã đạt OCOP hạng 4 sao vào năm 2021.
"OCOP chính là tấm giấy “thông hành” để nhiều mặt hàng hạt điều mang thương hiệu Hồng Đức chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế", bà Nguyệt cho biết.
Phân loại hạt điều rang muối tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp) |
Là đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao, Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) đang rất chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh cho sản phẩm của mình.
Thông qua việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, các đối tác của Công ty không cần đến tận nơi vẫn có thể kiểm tra thông tin về sản phẩm một cách đầy đủ, thuận tiện nhất.
Nhờ vậy, các sản phẩm hạt sachi trắng, tinh dầu sachi, bột ngũ cốc… của Công ty không chỉ tiếp cận mạnh mẽ với khách hàng trong nước, mà còn xuất khẩu đến các nước như: Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo nhiều chủ doanh nghiệp, nhờ tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm xuất khẩu rút ngắn được quy trình kiểm định, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật khắt khe của thị trường quốc tế.
Toàn tỉnh đã có 52 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP hạng từ 3-4 sao. Trong đó, nhóm sản phẩm thuộc ngành thực phẩm chiếm 50%; nhóm các ngành hàng khác chiếm 50%. Doanh thu của các sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm. Trong đó, 15 sản phẩm có giá bán tốt hơn nhờ có chứng nhận OCOP. |
Sau khi được công nhận OCOP, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đều được các chủ thể trang bị mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc...
Các địa phương cũng đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tiêu thụ, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP. Hàng năm, Sở Công thương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ thông qua các đề án khuyến công.
Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá trị gia tăng cao. Ngành Công thương đang tiếp tục thực hiện Kế hoạch xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông năm 2022.
Trong đó, Sở Công thương dự kiến tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng năm 2022; Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam năm 2022.
Thông qua các hoạt động này, ngành Công thương muốn hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.