Đời sống

Trao truyền tiếng chiêng ngân ở bon N'jang Lu

Mỹ Hằng 20/09/2023 05:15

Truyền dạy cồng chiêng, hát dân ca... cho thế hệ trẻ là cách làm của Câu lạc bộ cồng chiêng bon N'jang Lu, xã Đắk N'Drung (Đắk Song) để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc M'nông.

Học để hiểu văn hóa truyền thống

Cứ đều đặn vào mỗi buổi tối các ngày trong tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng bon N'jang Lu lại cùng nhau tập trung về Nhà văn hóa cộng đồng bon để học diễn tấu cồng chiêng. Điều đáng mừng, tham gia CLB, bên cạnh những người lớn tuổi còn có các bạn trẻ trong bon.

Ban đầu các bạn trẻ nghe vui tai nên tìm đến nghe, sau được những người lớn tuổi truyền dạy kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng nên đam mê, sinh hoạt với CLB. Là một trong những bạn trẻ tham gia CLB, chị Điểu Thị Hồng Trang, bon N'jang Lu ý thức được việc gìn giữ bản sắc dân tộc từ khi còn nhỏ. Không chỉ tập luyện đều đặn, chị Điểu Thị Hồng Trang còn rủ thêm bạn bè cùng tham gia. Với chị, không có hình thức gìn giữ nào lâu bền hơn việc tự mình trải nghiệm. Do đó, chị Trang học để hiểu văn hóa dân tộc, sau này chỉ dạy lại cho con cháu.

“Khi tham gia CLB, tôi học hỏi thêm kỹ thuật đánh chiêng, hòa thanh và hòa âm sao cho nhịp nhàng. Nếu không học thì mai này thế hệ con cháu không còn được nghe tiếng cồng chiêng, không biết hát ru là gì nữa”, chị Điểu Thị Hồng Trang chia sẻ.

Còn chị Thị Duyên, thành viên CLB cồng chiêng bon N'jang Lu bộc bạch: “Tham gia CLB, tôi thường xuyên được tiếp xúc, nói chuyện với nhiều chị em, nên cuộc sống vui hơn. Có nhiều lúc gia đình gặp khó khăn, các chị em trong CLB thường đến giúp đỡ và động viên rất nhiều, tạo nguồn động lực rất lớn cho tôi trong cuộc sống”.

img_6109-1-(1).jpg
CLB cồng chiêng bon N'jang Lu tham gia diễn tấu cồng chiêng tại lễ Sum họp cộng đồng của người M'nông.

Còn sức khỏe còn truyền dạy

Qua tìm hiểu được biết, tiền thân của CLB cồng chiêng bon N'jang Lu là Đội cồng chiêng bon Bu B'râng. Năm 2004, một số chị em trong bon Bu B’râng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc đã tập hợp thành lập đội cồng chiêng để sinh hoạt và giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống của cha ông.

Năm 2017, bon Bu B'râng sát nhập với bon Bu Jang Lu và CLB cồng chiêng ra đời từ đó. Từ một vài thành viên ban đầu, chỉ trong một thời gian ngắn, những chị đã biết đánh goong, đánh chiêng ở bon đã nhiệt tình tham gia. Thậm chí, nhiều chị em mặc dù không diễn tấu được cũng đăng ký vào CLB để học hỏi và sinh hoạt. Đến nay, CLB có 30 người, phần lớn đều biết diễn tấu, trình diễn khá điêu luyện. Vào các ngày hội của bon, xã, huyện hay các ngày lễ, CLB thường tham gia biểu diễn để phục vụ bà con.

dsc04243-1-1-.jpg
Các thành viên CLB cồng chiêng bon N'jang Lu đều là nữ và có chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chị Thị Nhum, Chủ nhiệm CLB cũng là người trực tiếp tuyền dạy cồng chiêng cho các thành viên cho biết, năm 14 tuổi, chị đã tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội của bon làng. Được các thế hệ đi trước chỉ bảo nên chị thành thục tất cả các nhịp chiêng cũng như điệu nhảy. Nhiều năm qua, ngoài những lúc lên nương rẫy, chị lại đều đặn đứng lớp truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ trong CLB. Ngoài ra, chị được mời dạy đánh cồng chiêng cho học sinh tại Trường phổ thông DTNT THCS & THPT Đắk Song từ năm 2006 đến nay.

Để tăng niềm thích thú cho các thành viên, ngoài những lúc học đánh cồng chiêng, các thành viên còn cùng nhau học múa xoang, vừa diễn tấu vừa nhảy làm cho không khí thật sôi động. Chị Thị Nhum tâm sự: “Cồng chiêng là sợi dây kết nối giữa con người với đời sống tâm linh và cũng là niềm tự hào của dân tộc M’nông nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Vì vậy, còn sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục truyền dạy. Chỉ mong sao cồng chiêng của người M’nông sẽ mãi trường tồn”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Trao truyền tiếng chiêng ngân ở bon N'jang Lu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO