Đời sống

Trao nhau điệu hát Sli

Mỹ Hằng 10/10/2023 04:44

Vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, đồng bào Tày, Nùng lại hội tụ về trung tâm huyện Cư Jút (Đắk Nông) để gặp gỡ, trò chuyện, thể hiện tình cảm qua điệu hát Sli truyền thống.

Vượt trăm cây số

Nhân dịp rằm tháng 8, bà Nông Thị Sửu, xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cùng hàng chục người dân tộc Tày, vượt hàng trăm cây số tới thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) gặp gỡ bạn bè, người thân. Trong trang phục áo chàm, vai đeo túi vải, bà Sửu cùng những người bạn nhanh chóng hòa vào dòng người đang trẩy hội.

Gặp nhau, thay vì thăm hỏi thông thường, bà Sửu và bạn đi cùng lại cất tiếng hát, hỏi thăm sức khỏe, gia đình hai người đàn ông đối diện. Tiếng hát cứ lần lượt được mỗi bên cất lên, thể hiện sự ứng đối tài hoa của đôi nam- nữ qua những lời Sli bóng bẩy, ví von, ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa.

hat-sli-3(1).jpg
Đồng bào Nùng trong trang phục áo chàm xanh háo hức tham dự ngày hội, cùng nhau thể hiện những điệu hát Sli truyền thống.

Theo bà Sửu, đồng bào Nùng thường hát các bài đối đáp, chúc mừng thông qua là điệu Sli. Nhiều bài hát tự nhiên, liên tưởng ví von mượn các hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù không có một lời cố định, nhưng người hát Sli dường như hiểu được tâm ý của nhau, thành ra ca từ rất vần điệu, nhịp nhàng.

“Chúng tôi từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Gặp lại nhau, chúng tôi sẽ hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống gia đình. Trong lúc hai bên hát đối đáp, sẽ mượn những câu hát về cây cối, trăng sao, năm tháng... để thể hiện tình cảm. Cuối cùng là những bài tiễn biệt dặn dò, hẹn nhau vào một dịp lễ hội khác”, bà Sửu cho hay.

hat-sli-1.jpg
Bà Nông Thị Sửu (ngoài cùng, bên trái) thể hiện màn hát đối đáp với người bạn lâu năm mới gặp lại.

Theo ông Hoàng Văn Lợi, thôn 5, xã Nam Dong (Cư Jut), Sli là điệu hát mang đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng. Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2023 mọi người mới có dịp được trực tiếp gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình cảm với nhau thông qua điệu hát Sli. “Có những người từ Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai… vượt cả trăm cây số đến đây để cùng hòa mình vào những điệu hát Sli. Mỗi người tham dự ngày hội đều cố gắng gìn giữ nét văn hóa đẹp để con cháu hiểu, trải nghiệm”, ông Lợi tự hào.

Giữ gìn, bảo tồn cho thế hệ mai sau

Ông Lợi biết hát Sli khi mới 15, 16 tuổi. Hơn 50 năm qua, ông và nhiều người Tày, Nùng khác ở Đắk Nông đều cố gắng gìn giữ, duy trì phong tục hát Sli. Mỗi năm 5 lần, vào dịp ngày rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 8, ngày 10/10 (âm lịch), Tết cổ truyền mọi người đều hẹn nhau đi hát Sli. Trong đó, ngày hội hát Sli ở Đắk Nông được tổ chức vào dịp rằm tháng 8, tại trung tâm của huyện Cư Jút. Ngày hội bắt đầu từ khoảng 9h sáng đến 17h chiều, nên từ sáng sớm mọi người đã tập trung về đây để trò chuyện, chuẩn bị trang phục.

hat-sli-2(1).jpg
Rất nhiều người mang hàng hoá, nông sản tới ngày hội hát Sli để mua bán, trao đổi hoặc biếu tặng người quen.

Ngày hội là dịp người Tày, người Nùng ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự cùng nhau. Đây cũng là dịp bà con mang theo sản vật, nông sản mà gia đình tự sản xuất được để mua bán, trao đổi hoặc biếu tặng cho nhau.

Trực tiếp lắng nghe các đôi nam - nữ hát đối đáp nhau, chị Vi Thơm, xã Đắk R’la (Đắk Mil) cho biết rất yêu thích làn điệu Sli. Dù không biết hát, thế nhưng chị vẫn hiểu được ý nghĩa, tình cảm được thể hiện qua giai điệu. Tham gia ngày hội, không chỉ để nghe làn điệu truyền thống của dân tộc, chị Thơm còn muốn học hỏi để sau này có thể tự tin hát Sli.

img_9628(1).jpg
Một số người còn sử dụng điện loại để ghi lại cảnh hát Sli để có thể nghe lại và học tập theo.

Chị Thơm trăn trở: “Hiện nay đồng bào Tày, Nùng sống rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vì phần lớn thời gian để làm ăn, chăm nom con cái nên nhiều người không biết hát Sli. Tôi mong muốn có thêm nhiều buổi sinh hoạt văn hóa để chúng tôi có nơi hội tụ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Trao nhau điệu hát Sli
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO