Tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung - Nhận diện và giải quyết (kỳ 4): Khúc vĩ thanh

Nguyễn Lương| 20/09/2021 05:25

Những ngày giữa tháng 9/2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng vấn đề tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung cũng rất cần giải quyết sớm. Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực tổ chức đối thoại với người dân ở xã Nâm N’đir và xã Nâm Nung (Krông Nô) vào ngày 17/9/2021. Từ đây, nhiều nút thắt được tháo gỡ.

4 nội dung một vấn đề

Tìm hiểu vấn đề và trực tiếp tham dự cuộc đối thoại, phóng viên nhận thấy có 4 nội dung mà người dân đề nghị đối thoại, làm rõ để giải quyết. Đó là: Nguồn gốc đất trồng cao su tại các tiểu khu 1276, 1277, 1289; Biên bản họp giữa Công ty Nam Nung với nhân dân tại chợ lồng Nâm N’đir ngày 25/4/2001; Tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) và “tài sản đồng sở hữu" theo hợp đồng liên doanh, liên kết. Cả 4 nội dung này đều đã được làm rõ và cơ bản được giải tỏa.

Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành đối thoại với các hộ dân tại 2 xã Nâm Nung và Nâm N'Đir (Krông Nô)

* Về nguồn gốc đất cao su tại các tiểu khu 1276, 1277, 1289, theo ông Y Rích, trước đây hầu hết người dân xã Nâm Nung sống bằng nghề rẫy, nương nên có khai hoang đất. Trong khi, Lâm trường Nam Nung (tiền thân của Công ty Nam Nung) mới đi vào hoạt động từ năm 2002.  Cũng theo ông Rích, lúc mới thành lập, Lâm trường Nam Nung chỉ có 30 người, gồm cả lãnh đạo, quản lý và công nhân trực tiếp lao động. “Chỉ có 30 người như vậy, có thể thực hiện được hàng trăm ha đất tự nhiên để trồng cao su không, nếu như không có bàn tay của Nhân dân chúng tôi trong vùng này”, ông Rích cho biết.

Vấn đề này, chúng tôi được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và có kết luận cụ thể. Qua kiểm tra, rà soát, có 172 hộ dân tại các bon Ja Ráh, R’Cập (Nam Nung) và bon Đắk P’rí (xã Nâm N’đir) đề nghị xem xét thu hồi 416,2 ha đất để giao cho họ quản lý, sử dụng. Trong đó, có 200 ha đã trồng cao su tại các tiểu khu 1276, 1277, thuộc xã Nam Nung; 216,2 ha đất trồng cao su tại tiểu khu 1289, thuộc xã Nâm N’đir.

Ngày 16/9/2004, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Nam Nung, với tổng diện tích 7.522 ha, bao gồm cả 416,2 ha đất này.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Nam Nung được thực hiện đúng quy định của pháp luật, phù hợp với Luật Đất đai 1993, 2003 và 2013”.

Trên thực tế, người dân chỉ nói chung là có khai hoang, nhưng không rõ ở đâu, không có bằng chứng... Do đó, theo ông Hiệp, việc người dân đòi giao đất chồng lấn vào phần diện tích đã giao cho Công ty Nam Nung là không có cơ sở pháp lý. Vì vậy, không được xem xét giải quyết.

* Biên bản cuộc họp tại chợ lồng Nâm N’đir ngày 25/4/2001 (sau đây gọi tắt là cuộc họp chợ lồng). Để tìm hiểu, phóng viên đã gặp gỡ ông Y Đên, một trong số những hộ dân trước đây đã tham dự cuộc họp chợ lồng. Theo ông Y Đên, quá trình Công ty Nam Nung vận động Nhân dân thực hiện dự án trồng cao su tiểu điền thông qua rất nhiều cuộc họp. Ở cuộc họp chợ lồng, hầu hết bà con nhận giao khoán đều tham dự. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp chợ lồng là: Công ty Nam Nung liên doanh, liên kết với người dân. Công ty Nam Nung làm "bà đỡ" đầu tư vốn, dịch vụ, khoa học, kỹ thuật và thương mại. Người dân “đưa đất” cho Công ty Nam Nung để thực hiện dự án trồng cao su tiểu điền... (Sau cuộc họp trên, Công ty Nam Nung đã ký hợp đồng với 98 hộ tại bon Đắk P'rí để liên doanh liên kết sản xuất cao su trên diện tích 196,2 ha đất -PV).

Cũng theo ông Y Đên, hiện nay, chính quyền địa phương, người dân không lưu giữ biên bản cuộc họp chợ lồng, nên không chứng minh được các nội dung trên.

Chúng tôi tìm hiểu và biết rằng, tham dự cuộc họp chợ lồng có lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Krông Nô. Khi đó, chủ trì cuộc họp là ông Vũ Minh Khôi - Giám đốc Công ty Nam Nung.

Phóng viên đã tiếp cận với ông Khôi. Và theo vị nguyên giám đốc này, toàn bộ diện tích 416,2 ha đất là của Nhà nước giao cho Công ty Nam Nung khi đó đều là tre, nứa, lồ ô dày đặc. Để trồng được cao su, Công ty Nam Nung tự khai hoang dựa trên nguồn vốn của Nhà nước.

“Cuộc họp tại xã Nâm N’đir vào ngày 25/4/2001, được chúng tôi tổ chức công khai, minh bạch, với đầy đủ các thành phần tham gia, chứng kiến. Mong muốn của Công ty lúc đó được sử dụng hiệu quả đất đai, tận dụng người dân có năng lực tham gia. Chứ không có chuyện người dân đưa đất cho Công ty để thực hiện dự án cao su tiểu điền”, ông Khôi quả quyết.

Ấn tượng với chúng tôi là lời của ông nguyên giám đốc Công ty Nam Nung, mang nặng ngậm ngùi về những năm tháng đã qua: "Biết bao mồ hôi, nước mắt của lãnh đạo, quản lý, công nhân của Công ty từ lúc mới thành lập. Do vậy, người dân đừng nên vì nguyện vọng có đất, có vườn cao su mà phủ nhận công lao đó".

Công ty Nam Nung cần xem xét, tạo điều kiện người dân địa phương nhận khoán vườn cây cao su với nguyên tắc công khai, minh bạch

* Tiền BHXH là nội dung được “thông qua” nhanh nhất tại cuộc đối thoại giữa UBND tỉnh Đắk Nông với Nhân dân.

Tại báo cáo vào ngày 28/7/2021, Công ty Nam Nung nêu: Trong số 39 hộ gia đình có hợp đồng giao khoán, chỉ có 8 lao động là con em của 39 hộ này. Tất cả 8 lao động này đều tham gia bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm tự nguyện. Công ty Nam Nung đã chốt sổ đầy đủ cho các trường hợp này.

Ngoài 8 lao động trên, Công ty Nam Nung còn có hợp đồng lao động với 69 người khác cũng là con em của các hộ dân trên địa bàn (không thuộc 39 hộ nêu trên). Trong số này, Công ty Nam Nung đã thanh lý hợp đồng, đề nghị chốt sổ bảo hiểm xã hội cho 49 người. Còn lại 12 người còn hợp đồng lao động với Công ty Nam Nung và chưa được chốt sổ.

Tại cuộc đối thoại ngày 17/9/2021, sau khi ông Võ Công Cường, Chủ tịch Công ty Nam Nung đưa ra các thông tin trên, phóng viên ghi nhận người dân không có phản ánh thêm về nội dung này.

* Câu chuyện “tài sản đồng sở hữu" theo hợp đồng liên doanh, liên kết. Hợp đồng liên doanh, liên kết và mấu chốt “tài sản đồng sở hữu" đã được Báo Đắk Nông đề cập sâu trong các kỳ trước. Ông Y Doanh, nguyên Phó Giám đốc Công ty Nam Nung cũng khẳng định điều này. Theo ông Y Doanh, trong hợp đồng giao khoán năm 2010, giữa Công ty và người dân đã ghi rất rõ là "tài sản đồng sỡ hữu". Vấn đề này, chúng tôi nhận thấy người dân và dư luận đã hiểu rõ. Về góc độ pháp lý, hợp đồng đó là vô hiệu, nên không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Trong năm 2010 và 2011, Công ty Nam Nung ký hợp đồng với 39 trường hợp nhận khoán. Trong 39 hợp đồng có ghi “quyền đồng sở hữu đất”. Điều này vi phạm điều cấm của Luật Đất đai, Luật Dân sự. Do vậy, nội dung của hợp đồng này bị vô hiệu”.

Như vậy, trừ nội dung về BHXH mang tính “phát sinh”, còn lại các nội dung khác mà người dân phản ánh trong vụ việc này đều nhằm mục đích “đòi” đất mà Nhà nước đã giao cho Công ty Nam Nung. Tuy vậy, nguồn gốc hay các văn bản chứng minh cho việc “đòi” này đều không thể đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết.

UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các hộ dân tự tháo gỡ nhà cửa, vật kiến trúc, trả lại vườn cây cao su, đất đai cho Công ty Nam Nung quản lý, khai thác

Khúc vĩ thanh

Cái đích lớn nhất, tập trung nhất mà cả chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân hướng đến sau cuộc đối thoại ngày 17/9/2021 là đời sống của Nhân dân ngày càng ổn định và phát triển.

Theo ông Y Rích, ở bon R’Cập, xã Nam Nung, UBND tỉnh đối thoại với bà con trên tinh thần công khai, minh bạch. Các vấn đề tranh chấp được giải quyết trên tinh thần thấu tình, đạt lý. “Các giải quyết dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, ông Y Rích bày tỏ.

Còn ông Y Đên, một hộ dân khác cho biết, việc tranh chấp, mâu thuẫn là điều không ai mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, nếu phía Công ty Nam Nung minh bạch, giải quyết tốt các vấn đề ngay từ đầu, các mâu thuẫn sẽ không kéo dài đến nay.

Ông Y Đên bày tỏ: “Bà con trong vùng căn cứ cách mạng này chỉ muốn yên tâm sản xuất, phát triển. Sau khi đối thoại, bản thân tôi và đồng bào mong muốn chính quyền các cấp công tâm trong giải quyết để người dân ổn định”.

Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, Bùi Ngọc Sơn cho biết, qua rà soát, hiện nay tại 2 xã Nâm N’đir và Nâm Nung có 8 hộ thiếu đất ở; 101 hộ thiếu đất sản xuất. UBND huyện tiếp tục rà soát, xây dựng phương án để cấp đất ở, đất sản xuất cho bà con theo quy định.

Ngoài ra, nhiều chính sách hiện đang được địa phương áp dụng cho bà con như: hỗ trợ lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại; hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; cấp thẻ bảo hiểm y tế…

“Hiện nay, tại các tiểu khu do Công ty Nam Nung quản lý, sử dụng phát sinh tình trạng các hộ dân của 2 xã Nâm N’đir, Nâm Nung đã có hành vi chiếm giữ, làm nhà, lán trại trái phép và tiến hành khai thác mủ cao su. UBND tỉnh khẳng định, toàn bộ diện tích đất, vườn cây cao su hiện do Công ty TNHH MTV Nam Nung quản lý là đất đai, tài sản của Nhà nước. Công ty TNHH MTV Nam Nung làm chủ đại diện, trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các hành vi nêu trên của các hộ dân là vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh yêu cầu các hộ dân tự tháo gỡ nhà cửa, vật kiến trúc, trả lại toàn bộ vườn cây cao su, đất đai cho Công ty quản lý, khai thác. Trường hợp nào không chấp hành, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi do mình gây ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý hành chính, hoặc hình sự theo quy định của pháp luật”.
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười kết luận tại buổi đối thoại với các hộ dân vào sáng 17/9)

Để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại 2 xã Nâm N’đir và Nâm Nung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười yêu cầu UBND huyện Krông Nô chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại 2 xã theo kế hoạch. Việc tập trung giải quyết các chế độ an sinh xã hội, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới cần được huyện đẩy mạnh theo hướng giảm nghèo bền vững.

Công ty Nam Nung cần khẩn trương hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh, trong đó, xem xét, tạo điều kiện cho các hộ dân tại các xã có nhu cầu nhận khoán vườn cây cao su với nguyên tắc công khai, minh bạch.

Việc thực hiện giao khoán phải bằng hợp đồng kinh tế, dân sự, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích của cả hai bên. UBND huyện Krông Nô có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các nội dung này...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/tranh-chap-dat-tai-cong-ty-nam-nung-nhan-dien-va-giai-quyet-ky-4-khuc-vi-thanh-89095.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/tranh-chap-dat-tai-cong-ty-nam-nung-nhan-dien-va-giai-quyet-ky-4-khuc-vi-thanh-89095.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung - Nhận diện và giải quyết (kỳ 4): Khúc vĩ thanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO