Tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung - Nhận diện và giải quyết (kỳ 3): Cơ sở để giải quyết căn cơ vấn đề

Nguyễn Lương| 15/09/2021 05:00

Vụ việc tranh đất giữa người dân với Công ty Nam Nung đã kéo dài cả chục năm nay. Một số kẻ lợi dụng, lèo lái vụ việc để trục lợi, làm cho nhiều người hiểu sai vấn đề và gây ra những bất ổn về an ninh trật tự.

Tình hình càng phức tạp hơn khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, mà bà con lại tụ tập đông người, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, yêu cầu giải quyết vấn đề ngày càng bức thiết.

Tất nhiên, để giải quyết thấu tình, đạt lý, cùng với nỗ lực của chính quyền và các ngành phải có sự nhận thức đầy đủ và hành động tích cực của người dân.

Tranh chấp đất ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân và hoạt động của Công ty Nam Nung

Những “tảng băng chìm”

Trong các nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp và nhiều hệ lụy từ sự tranh chấp đất đai của người dân với Công ty Nam Nung, chính quyền không né tránh có nguyên nhân từ chính sự quản lý yếu kém của Công ty Nam Nung.

Sự yếu kém đó thể hiện trong việc giao khoán có nhiều sơ hở, thiếu sót và giao đất sai thẩm quyền. Khi mới phát sinh tranh chấp, Công ty Nam Nung lại không giải quyết hiệu quả, quyết liệt ngay từ đầu.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trước khi ký hợp đồng giao khoán với người dân, Công ty Nam Nung không tiến hành kiểm kê, xác định toàn bộ giá trị tài sản trên đất giao khoán, nhận khoán.

Trong hợp đồng giao khoán có nội dung đồng sở hữu về quyền sử dụng đất giữa Công ty Nam Nung và bên nhận khoán. Việc lập bản xác nhận đồng sở hữu đất vườn cây cao su là không đúng về nguyên tắc giao khoán, vi phạm về quyền sở hữu đất theo quy định tại Điều 4 của Luật Đất đai 2003.

Khi người dân nhận khoán không thực hiện đúng cam kết, phá vỡ hợp đồng giao khoán, Công ty Nam Nung lại không xử lý vi phạm, thanh lý hợp đồng. Điều này đã tạo ra "khoảng trống" để các hộ dân có hành vi vi phạm tiếp theo.

Từ chỗ sai về xác định đồng sở hữu đất mà người dân ngộ nhận về quyền sử dụng đất trên phần diện tích nhận giao khoán. Và rồi, người dân khiếu kiện, đòi chấm dứt hợp đồng giao khoán để "đòi" đất.

Quá trình đó, cùng với sự kích động, xúi giục của một số kẻ mà người dân có những hành động vi phạm như gây mất trật tự ở địa phương, dựng lán trại, chiếm giữ trái phép vườn cây của Công ty Nam Nung.

Người dân đồng bào tại xã Nam Nung trao đổi tâm tư, nguyện vọng với phóng viên Báo Đắk  Nông

Cùng với quản lý yếu kém của Công ty Nam Nung, sự ngộ nhận hoặc nhận thức không đầy đủ của người dân thì còn có nguyên nhân từ sự vào cuộc và tham mưu của các cấp, ngành để xử lý vụ việc chưa kịp thời và thiếu quyết liệt.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ ra rằng, sau khi phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển Công ty Nam Nung, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông ban hành các quyết định giao đất, thu hồi đất của đơn vị này.

Diện tích đất này để giao cho các đơn vị, địa phương quản lý, bố trí sử dụng. Tuy nhiên, việc giao đất chỉ căn cứ trên hồ sơ, không làm thủ tục bàn giao ngoài thực địa.

Về phía Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Phát triển Nông thôn, khi kiểm tra phát hiện hồ sơ giao khoán của Công ty Nam Nung có bản xác nhận người dân đồng sở hữu vườn cây cao su (sai thẩm quyền), nhưng không báo cáo kịp thời lên cấp trên để kiến nghị xử lý, giải quyết…

Những nỗ lực giải quyết căn cơ vấn đề

Theo ông  Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, cứ mỗi lần xảy ra tranh chấp đất, chính quyền địa phương lại phải vào cuộc để can thiệp. Chính quyền đã kiên trì tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, tránh gây gổ, làm vụ việc thêm phức tạp.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, huyện cũng chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Trường hợp nào đã có đất đai sản xuất rồi sẽ được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Những hộ còn lại, tùy theo tình hình, trường hợp cụ thể sẽ có cách để bảo đảm đời sống cho bà con”.

Ở cấp độ lớn hơn, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông đã có sự vào cuộc tích cực. Bà Hà Thị Hạnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, đơn vị thường xuyên sát cơ sở để thăm hỏi, động viên và vận động để bà con nhận thức đầy đủ vấn đề, không để các kẻ xấu lợi dụng.

Qua đó sẽ tăng cường đồng thuận xã hội và giúp cấp ủy, chính quyền nắm, giải quyết thấu tình, đạt lý. Trước mắt, đơn vị tuyên truyền bà con hiểu việc tranh chấp, lấn chiếm trái phép là vi phạm pháp luật.

Bà con không được gây mất an ninh trật tự. Bà con phải chấp hành đúng pháp luật, thực hiện đúng quy định trong phòng, chống dịch Covid-19.

“Sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại với bà con. Thông qua đối thoại, các bên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhau. Nếu lãnh đạo sai thì lãnh đạo chịu trách nhiệm. Dân sai thì dân chịu trách nhiệm. Quan điểm của chúng tôi phải rõ ràng như vậy”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hạnh, sau khi đối thoại, chắc chắn UBND tỉnh Đắk Nông sẽ có những chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhằm giúp bà con yên tâm lao động sản xuất.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông tiếp tục tham mưu lồng ghép vào các chương trình như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng dân tộc… để ưu tiên ổn định, nâng cao đời sống của Nhân dân ở xã Nâm N’đir và xã Nâm Nung.

Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đã có nhiều động thái để sớm giải quyết vấn đề. Tại Công văn 1398-CV/BNCTU, ngày 15/6/2020,  Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông kiến nghị tổ chức họp các sở, ngành có liên quan để đánh giá, thống nhất quan điểm, hướng giải quyết.

Sau đó, lãnh đạo các cấp của tỉnh cùng lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành đã họp và đề ra các phương án giải quyết hợp lý, hợp tình, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan.

Một góc bon Ja Rah, xã Nam Nung, huyện Krông Nô

Liên quan đến vụ việc này, tại phiên họp thành viên UBND tỉnh Đắk Nông vào ngày 10/9 mới đây, Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành nào có liên quan vào cuộc, xác định rõ cụ thể, cùng thống nhất về nội dung, phương pháp để tiếp cận vấn đề và xử lý hiệu quả. Tránh tình trạng mỗi bên làm một hướng, mà cuối cùng lại không giải quyết được vấn đề.

Cũng theo Đại tá Bùi Quang Thanh, phía lực lượng công an luôn bố trí lực lượng để xử lý các đối tượng vi phạm. Riêng các đối tượng vi phạm, Công an tỉnh đang củng cố hồ sơ và sẽ xử lý trên tinh thần kiên quyết.

“Riêng lực lượng công an sẽ không để bị động, biến vụ việc trở thành điểm nóng dù trong bất cứ tình huống nào. Chúng tôi rà soát, tìm hiểu vấn đề để phối hợp, nắm bắt chủ động cho mọi tình huống”, Đại tá Thanh nhấn mạnh.

Cơ quan chức năng đã bóc tách được các trường hợp thực sự tranh chấp đất đai với các đối tượng lợi dụng tình hình, tham gia kích động, trục lợi bất chính để có biện pháp xử lý phù hợp, thích đáng.

Về phía bà con đồng bào, ông Y Doanh, bon Ja Ráh, xã Nâm Nung chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong muốn lãnh đạo tỉnh đối thoại với bà con. Người dân chỉ muốn có đất sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Cùng chung nguyện vọng, anh Y Vi sống cùng bon chia sẻ: “Tôi rất đồng thuận với chủ trương tổ chức đối thoại của tỉnh. Có đối thoại, tỉnh mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi. Bao lâu nay, vì đất đai, vì tranh chấp, kiện tụng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm ăn, ổn định cuộc sống của người dân”.

Tình hình, nguyên nhân, trách nhiệm của người dân và các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai giữa người dân với Công ty Nam Nung đã rõ. Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đã bàn thảo nhiều, trong đó nhấn mạnh sẽ giải quyết vấn đề sớm và thấu tình, đạt lý.

Đó là cơ sở để kỳ vọng vào những hoạt động tiếp theo của chính quyền và các ngành chức năng ở Đắk Nông đối với vụ việc ở Công ty Nam Nung.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/tranh-chap-dat-tai-cong-ty-nam-nung-nhan-dien-va-giai-quyet-ky-3-co-so-de-giai-quyet-can-co-van-de-88983.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/tranh-chap-dat-tai-cong-ty-nam-nung-nhan-dien-va-giai-quyet-ky-3-co-so-de-giai-quyet-can-co-van-de-88983.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung - Nhận diện và giải quyết (kỳ 3): Cơ sở để giải quyết căn cơ vấn đề
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO