Tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung - Nhận diện và giải quyết

Nguyễn Lương| 13/09/2021 05:00

Nhiều năm nay, một số người dân ở xã Nâm N’đir và xã Nâm Nung, huyện Krông Nô tranh chấp đất đai với Công ty TNHH MTV Nam Nung (Công ty Nam Nung). Vụ việc ngày càng có những diễn biến phức tạp, thậm chí trở thành điểm nóng về an ninh trật tự ở địa phương.

Tình hình đã được cơ quan chức năng nắm rõ và xác định được nguyên nhân. Chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng để kích động, làm vụ việc ngày càng phức tạp, gây ra những hệ lụy lớn cho người dân và các đơn vị liên quan.

Kỳ 1: Công ty Nam Nung và việc giao khoán vườn cao su

Việc giao khoán vườn cao su giữa Công ty Nam Nung với người dân được tổ chức từ năm 2002. Quá trình đó có những sai sót, thiếu trách nhiệm của cả người nhận khoán và của Công ty Nam Nung. Từ đó dẫn đến những cách hiểu vụ việc khác nhau, làm phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến tranh chấp đất đai và nhiều hệ lụy đi kèm.

Người dân tranh chấp đất đai đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nam Nung

Công ty Nam Nung và diện tích cao su

Công ty Nam Nung tiền thân là Lâm trường Nâm Nung được thành lập theo Quyết định 654/UB, ngày 27/10/1992 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Qua các giai đoạn sắp xếp, đổi mới được chuyển thành Công ty TNHH MTV Nam Nung theo Quyết định 924/QĐ-UBND, ngày 1/7/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

Công ty Nam Nung hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là doanh nghiệp đa ngành nghề, kinh doanh tổng hợp, với tổng vốn đăng ký hơn 27,2 tỷ đồng. Tổng số cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty tính đến nay là 239 người.

Ngày 26/2/2002, Công ty Nam Nung được UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý, sử dụng 12.519 ha rừng. Đến ngày 26/5/2004, Công ty lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích 7.524 ha. Qua đo đạc, kiểm kê, cơ quan thẩm quyền địa phương xác nhận hiện trạng không có đất tranh chấp, không có đơn khiếu nại. Phần diện tích gần 5.000 ha còn lại, Công ty đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi, giao về cho địa phương quản lý, sử dụng.

Ngày 8/1/2008, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND, phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, phát triển Công ty Lâm nghiệp Nam Nung. Quá trình này, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định giao đất, thu hồi đất của công ty để giao cho các đơn vị, địa phương quản lý.

Sau nhiều lần thu hồi theo các quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay, Công ty Nam Nung đang quản lý, sử dụng 7.626,66 ha. Trong số này, đơn vị sử dụng 1.122 ha trồng cao su.

Riêng tại tiểu khu 1289, Công ty Nam Nung được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án trồng 407 ha cao su. Tuy nhiên, diện tích trồng trong thực tế hơn 196 ha cao su.

Đồ họa: Ngọc Tú

Tháng 8/2002, 196 ha cao su này được Công ty Nam Nung khoán cho 98 hộ dân bon ở Đắk Prí, xã Nâm N’đir (Krông Nô) chăm sóc, quản lý, bảo vệ. Để thống nhất nội dung này, Công ty Nam Nung chỉ tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Sau khi thống nhất, Công ty Nam Nung tổ chức khoán theo công đoạn, người dân làm đến đâu sẽ được thanh toán tiền công đến đó và được hạch toán vào chi phí hình thành vườn cây cao su.

Vào năm 2009, khi vườn cao su đi vào khai thác, giữa người dân và Công ty Nam Nung xảy ra tranh chấp. Nguyên nhân là do giá mủ cao su thời điểm đó xuống thấp, ngày công cạo mủ thấp, nên bà con không làm.

Trước tình thế đó, Công ty Nam Nung thông báo rộng rãi để thuê những người dân khác trong vùng đến khai thác mủ cao su. Khi lực lượng công nhân mới được Công ty Nam Nung thuê vào tổ chức cạo mủ cao su trên diện tích khoán với người dân thì xảy ra tranh chấp. 

Ông Võ Công Cường, Chủ tịch Công ty Nam Nung cho biết: “Nguyên nhân sâu xa hơn, các hộ dân cho rằng, diện tích đất mà Công ty Nam Nung đang trồng cao su là do người dân khai phá từ trước đó. Bởi vì, người dân đến đây sinh sống trước, còn Công ty Nam Nung thành lập sau”. 

Người dân không khai thác mủ, Công ty Nam Nung không trả tiền. Ngược lại, Công ty Nam Nung không khai thác được mủ, vì diện tích cao su bị người dân lấn chiếm. Trước tình trạng này, Công ty Nam Nung đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông phương án giao khoán mới diện tích cao su này cho các hộ dân.

Phương án giao khoán mới này được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào tháng 11/2010 với sự tham mưu của Sở Nông nghiệp-PTNT.

So với hình thức khoán trước đây, phương án mới có hợp đồng ký kết giữa Công ty Nam Nung và người dân. Nội dung hợp đồng giao khoán quy định, người dân có trách nhiệm giao cho Công ty Nam Nung sản phẩm mủ cao su đông cục theo sản phẩm thanh toán hàng năm. Công ty Nam Nung hưởng 70%, các hộ dân hưởng 30% sản phẩm mủ đông cục.

Ngay sau khi được phê duyệt, Công ty Nam Nung đã tiến hành ký kết hợp đồng giao khoán cao su với người dân. Tuy nhiên, hợp đồng giao khoán này chỉ có 39 hộ đồng ý ký kết, với tổng diện tích 72,87 ha. Còn 59 hộ không chịu ký hợp đồng với Công ty Nam Nung và vẫn chiếm giữ 124 ha cao su còn lại.

Diện tích trồng cao su của Công ty Nam Nung đang bị người dân đồng bào dân tộc tại chỗ lấn chiếm

Thế nhưng, sau một thời gian nhận khoán, một số hộ đã ký hợp đồng nói trên không bố trí được người có tay nghề để cạo mủ. Các hộ đó đề nghị Công ty Nam Nung bố trí công nhân vào khai thác trên diện tích nhận khoán. Đề nghị này được Công ty Nam Nung chấp thuận.

Đến giữa năm 2011, các hộ nhận khoán lại không đồng ý việc Công ty Nam Nung bố trí nhân công vào khai thác mủ. Người dân chỉ cho thuê, mượn lô hoặc tự khai thác mủ bán ra bên ngoài, không nhập mủ vào kho của Công ty Nam Nung. Việc này là vi phạm hợp đồng, dẫn đến các hộ dân và Công ty Nam Nung lại phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Do không kiểm soát được tình hình tranh chấp, Công ty Nam Nung nhờ đến sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền. Thời điểm đó, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công ty Nam Nung tạm dừng các hoạt động khai thác mủ. Công an tỉnh vào cuộc điều tra, xác minh diện tích các hộ dân khai hoang trước đây.

Sau khi điều tra, xác minh, cơ quan Công an xác định, có khoảng 46,3 ha đất của 93 hộ dân ở bon Đắk P’ri khai hoang tại tiểu khu 1289 trước khi Công ty Nam Nung triển khai dự án trồng cao su.

Đến tháng 5/2013, Công ty Nam Nung xin chủ trương triển khai phương án tổ chức liên kết sản xuất kinh doanh đối với 93 hộ này (hiện tại đang chiếm giữ 184,49 ha). Qua tổ chức, có 91/93 hộ chấp nhận liên kết, với diện tích 46,3 ha.

Nội dung của hợp đồng liên doanh liên kết quy định, Công ty Nam Nung góp vốn bằng chi phí đầu tư từ khi trồng đến khi cạo mủ và được hưởng 70%. Các hộ góp vốn bằng nhân công khai hoang ban đầu, được hưởng 30% (nghĩa là không khai thác, chăm sóc thì các hộ vẫn được hưởng 30%).

Tuy nhiên, sau một thời gian, giá mủ cao su tăng lên, lợi nhuận cao, nên người dân muốn đòi lại toàn bộ diện tích đất trước đây lấn chiếm (184,49 ha). Từ đây, tình trạng tranh chấp giữa người dân và Công ty Nam Nung tiếp tục diễn ra.

Những sai sót, vi phạm của hợp đồng giao khoán

Phóng viên đã tiếp cận được với hồ sơ giao khoán ngày 8/6/2011 giữa Công ty Nam Nung với chủ hộ Y Bố, bon Đắk P’ri, xã Nâm N’đir . Trong hồ sơ này, còn nhiều sai sót, không đầy đủ những nội dung liên quan. Cụ thể, hồ sơ không có trích lục thửa đất từ hồ sơ địa chính theo mẫu 04a/ĐĐ. Trong hồ sơ cũng không có biên bản giao khoán, nhận khoán về đất theo mẫu 05/BB.

Đặc biệt, trong hồ sơ giao khoán này còn có bản xác nhận đồng sở hữu đất trồng cao su giữa Công ty Nam Nung với người dân nhận khoán. Cụ thể, nội dung hợp đồng giao khoán ghi rõ, cuối chu kỳ sản xuất của vườn cây (năm 2029), Công ty Nam Nung đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích giao khoán cho bà con. Đây là mấu chốt dẫn đến những phức tạp sau này. 

Điểm mấu chốt này đã được Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn phát hiện vào ngày 23/2/2012 thông qua kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án giao khoán tại Công ty Nam Nung.

Trong hợp đồng giao khoán lần 2 giữa Công ty Nam Nung và người dân có bản xác nhận đồng sở hữu đất trồng cao su

Tại Công văn 1398-CV/BNCTU, ngày 15/6/2020 của Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đắk Nông nêu: Hợp đồng giao khoán vườn cây cao su có nội dung “đồng sở hữu” đất vườn cao su là trái nguyên tắc, vi phạm Lụật Đất đai, Luật Dân sự.

Liên quan đến hợp đồng giao khoán lần thứ 2, tại kết luận số 84/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Đắk Nông nêu rõ, việc lập bản xác nhận về đồng sở hữu đất vườn cây cao su là không đúng nguyên tắc giao khoán. Từ việc xác nhận đồng sở hữu đất là cơ sở để người dân khiếu kiện, đòi chấm dứt hợp đồng giao khoán, nhằm mục đích đòi lại đất, chiếm giữ trái phép vườn cây.

Không dừng lại ở đó, nhiều sai sót, vi phạm còn kéo dài đến phương án liên doanh, liên kết lần thứ 3. Cụ thể, các hợp đồng này đều do công ty Nam Nung thực hiện, nhưng lại không có chữ ký của người dân.

Ví dụ, tại Hợp đồng kinh tế giữa bên A là Công ty Nam Nung với bên B là hộ ông Y ChRee, bon Đắk P’rí, xã Nâm N’đir, ngày 10/7/2013 với nhiều nội dung, điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, trong hợp đồng này, chỉ có Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Nam Nung là ông Phạm Đức Thắng ký. Hoàn toàn không có chữ ký của ông Y ChRee.

Theo Kết luận Thanh tra tỉnh Đắk Nông, các hợp đồng chỉ có đại diện Công ty Nam Nung ký tên, đóng dấu. Hợp đồng không có chữ ký của hộ dân liên kết khai thác nên không có giá trị pháp lý.

Hầu hết Hợp đồng kinh tế liên doanh liên kết trong lần giao khoán thứ 3 chỉ có chữ ký của lãnh đạo Công ty Nam Nung, mà không có chữ ký của người dân

Những hệ lụy lớn

Từ những sai sót trong hợp đồng giao khoán lần thứ 2 và hợp đồng liên doanh liên kết lần thứ 3, khiến các hộ dân cho rằng "đất của họ" đã được “công nhận”. Người dân đề nghị Công ty Nam Nung trả lại đất. Công ty Nam Nung không chấp thuận, dẫn đến số hộ lấn chiếm ngày càng tăng.

Ông Võ Công Cường, Chủ tịch Công ty Nam Nung cho biết, tính đến nay, đất trồng cao su của Công ty Nam Nung bị người dân lấn chiếm là 442 ha. Từ chỗ có 98 hộ ở bon Đắk R’rí, xã Nâm N’đir lấn chiếm đất ở tiểu khu 1289, đến nay đã tăng lên hơn 200 hộ, và lan sang các tiểu khu khác như 1276, 1277.

Theo ông Cường, việc người dân tranh chấp, chiếm đất đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nam Nung. “Cứ đến mùa thu hoạch mủ, công nhân của chúng tôi vào khai thác mủ, người dân lại kéo đến gây sự, tháo dụng cụ và làm chòi, dựng lán. Họ lấn chiếm vậy, chúng tôi không làm được gì”, ông Cường cho biết.

Phương án giao khoán lần 1: có 98 hộ, với diện tích 196 ha. Hình thức là họp dân, thống nhất khoán theo công đoạn. Người dân làm đến đâu, Công ty Nam Nung thanh toán đến đó.
Phương án giao khoán lần 2: có 39 hộ, với diện tích 72,87 ha. Phương án này có hồ sơ giao khoán rõ ràng bằng văn bản. Nội dung hồ sơ ghi rõ quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên rõ ràng. Công ty Nam Nung đầu tư được hưởng 70%. Các hộ dân chăm sóc, khai thác được hưởng 30%.
Phương án giao khoán lần 3: có 91 hộ, với diện tích 46,3 ha. Phương án này có hợp đồng kinh tế bằng văn bản. Theo quy định, Công ty Nam Nung góp vốn bằng chi phí đầu tư được hưởng 70%. Các hộ dân góp vốn bằng nhân công khai hoang ban đầu được hưởng 30%.

Cũng theo ông Cường, không thu hoạch được mủ cao su là một trong những nguyên nhân Công ty Nam Nung không có nguồn thu. Hiệu quả kinh doanh của Công ty Nam Nung bị ảnh hưởng. Từ nhiều năm nay, Công ty Nam Nung không còn khả năng thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản tiền lương và bảo hiểm cho người lao động.

Đến thời điểm 30/6/2020, Công ty Nam Nung còn nợ lương của người lao động trên 19,3 tỷ đồng. Về bảo hiểm xã hội, Công ty Nam Nung đang nợ người lao động khoảng 22 tỷ đồng.

>> Kỳ 2: Những kẻ "đục nước béo cò"

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/tranh-chap-dat-tai-cong-ty-nam-nung-nhan-dien-va-giai-quyet-88941.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat/tranh-chap-dat-tai-cong-ty-nam-nung-nhan-dien-va-giai-quyet-88941.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tranh chấp đất tại Công ty Nam Nung - Nhận diện và giải quyết
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO