Đồng hồ nợ công tại New York. Ảnh: CNBC |
Đồng hồ nợ công
Nhằm làm nổi bật ý nghĩa về khoản nợ công gia tăng nhanh chóng tới các chính trị gia và người dân Mỹ, nhà phát triển bất động sản New York Seymour Durst đã nghĩ ra ý tưởng lắp đặt một loại đồng hồ đặc biệt: đồng hồ nợ công. Theo CNN, ngày 20/2/1989, Seymour Durst cho lắp đặt chiếc đồng hồ đếm nợ công đầu tiên ở vị trí cách Quảng trường Thời đại một dãy nhà. Khi đó, nợ quốc gia của Mỹ mới chỉ ở mức 2.700 tỷ USD.
Seymour Durst tin rằng, đồng hồ nợ quốc gia là một nỗ lực để mọi người suy nghĩ nhiều hơn về sự công bằng giữa các thế hệ. Nhà phát minh nhấn mạnh, rõ ràng thế hệ của ông không muốn thấy các thế hệ tiếp theo phải hứng chịu hậu quả của gánh nặng nợ công.
Đồng hồ nợ công của Mỹ đã nhiều lần được sửa chữa, cải tạo và chuyển vị trí. Đầu năm 2000, đồng hồ bắt đầu đếm ngược vì nợ quốc gia Mỹ thật sự giảm. Năm 2008, nợ quốc gia của Mỹ vượt quá 10.000 tỷ USD, nhiều hơn một chữ số so con số đồng hồ có thể hiển thị. Kể từ năm 2017, đồng hồ nợ công được lắp đặt ở phía tây Đại lộ số 6 giữa Đường 42 và 43 ở Manhattan, thành phố New York. Sau khi Seymour qua đời, con trai ông là Douglas trở thành Chủ tịch của Durst Organization, công ty sở hữu và bảo trì đồng hồ nợ công.
Ý tưởng về đồng hồ nợ quốc gia đã truyền cảm hứng cho các dự án tương tự ở các nơi khác, cả ở Mỹ và các nước trên thế giới. Năm 1995, tờ The New York Times đưa tin, các chính trị gia bắt đầu tích cực viện dẫn đồng hồ nợ công để ủng hộ việc cắt giảm ngân sách quốc gia. Vào năm 2010, một chiếc “đồng hồ tử thần” được dựng lên ở Quảng trường Thời đại, đếm số ca tử vong ở các bà mẹ trong quá trình mang thai và sinh đẻ xảy ra trên toàn thế giới.
Các yếu tố gây gia tăng nợ quốc gia
Theo Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, chuyên nâng cao nhận thức cộng đồng về bản chất và tính cấp bách của những thách thức tài chính quan trọng đang đe dọa tương lai của nước Mỹ, khoản nợ ngày càng tăng của Mỹ là kết quả của một phép toán đơn giản - sự chênh lệch giữa khoản chi và khoản thu mỗi năm. Khi chi nhiều hơn số tiền thu vào, chính phủ liên bang phải vay tiền để trang trải khoản thâm hụt hằng năm đó, và thâm hụt hằng năm làm tăng thêm nợ quốc gia của Mỹ.
Trong lịch sử, thâm hụt lớn nhất của Mỹ là do tăng chi tiêu trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia như chiến tranh hoặc đại suy thoái. Tuy nhiên, ngày nay, thâm hụt chủ yếu là do các yếu tố cấu trúc có thể dự đoán được như dân số đang già đi nhanh chóng, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đã góp phần đẩy nhanh quỹ đạo tài khóa, vốn không bền vững.
Nước Mỹ đang trải qua sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể. Dân số Mỹ đang già đi khi “thế hệ baby-boom” (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến năm 1964) bắt đầu nghỉ hưu. Cho đến năm 2029, mỗi ngày có khoảng 10.000 người Mỹ sẽ bước sang tuổi 65. Những xu hướng nhân khẩu học lớn này gây áp lực ngày càng tăng đối với ngân sách liên bang, và đặc biệt là đối với các chương trình quan trọng phục vụ người Mỹ lớn tuổi và dễ bị tổn thương như An sinh xã hội, Medicare và Medicaid.
Chăm sóc sức khỏe cũng là vấn đề quan trọng đối với tương lai kinh tế và tài chính của Mỹ khi có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong các khoản chi từ ngân sách quốc gia. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ đắt đỏ nhất thế giới, vì vậy cải thiện hiệu suất của hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống của người Mỹ mà còn giúp ổn định triển vọng tài chính và kinh tế của đất nước.
Hậu quả của “vỡ nợ”
Khi các khoản nợ chạm trần, việc nâng giới hạn nợ lên mức cao hơn do Quốc hội quyết định và phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua. Trong cuộc bỏ phiếu gần đây nhất về trần nợ vào tháng 12/2021, Quốc hội Mỹ ấn định mức trần nợ là 31.400 tỷ USD.
Vào tháng 1 năm nay, đồng hồ nợ công của Mỹ đã điểm 31.400 tỷ USD, chạm giới hạn vay, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để Chính phủ có thể tiếp tục trang trải hoạt động. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, cơ quan này không còn nhiều dư địa để thực hiện các biện pháp đặc biệt như vậy.
Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, “X-date” - ngày mà Chính phủ Mỹ “cạn tiền” có thể sẽ là ngày 1/6 tới. Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Yellen nêu rõ: “Chúng tôi ước tính Bộ Tài chính có thể sẽ không còn đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ của Chính phủ nếu Quốc hội không hành động để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công vào đầu tháng 6. Nhiều khả năng điều này sẽ sớm xảy ra, có thể vào ngày 1/6”.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng nói với Fox News Digital về những tác động thảm khốc tiềm ẩn của việc vỡ nợ đối với rất nhiều thị trường khác nhau. Hạ nghị sĩ Ritchie Torres nhận định, việc Mỹ vỡ nợ sẽ tạo thành một thảm họa đối với mọi khía cạnh của nền kinh tế Mỹ. Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene cảnh báo, việc vỡ nợ sẽ giáng một đòn mạnh vào tài khoản tiết kiệm và kế hoạch nghỉ hưu của người Mỹ. Theo Ủy ban về ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), lãi suất có thể sẽ tăng đột biến và nhu cầu về trái phiếu kho bạc sẽ giảm, thậm chí mối đe dọa vỡ nợ cũng có thể khiến chi phí đi vay tăng lên.
Các phân tích của hai tập đoàn tài chính Goldman Sachs và Moody’s chỉ ra rằng, ngay cả trong ngắn hạn, một vụ vỡ nợ sẽ chấm dứt một phần mười hoạt động kinh tế của Mỹ và khiến 2 triệu người mất việc làm. Công ty chuyên về bất động sản Zillow dự đoán rằng, chi phí mua nhà có thể tăng 22% nếu Quốc hội không tăng giới hạn nợ trước ngày 1/6. Ngoài ra, lãi suất thế chấp 30 năm có thể sẽ tăng vọt lên trên 8%, mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000.
Ở quy mô rộng hơn, Giám đốc điều hành của JPMorgan, ông Jamie Dimon nói với Bloomberg TV rằng, việc Mỹ vỡ nợ là cực kỳ nghiêm trọng khi hệ thống tài chính của Mỹ là nền tảng của hệ thống kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Đàm phán bế tắc
Sự bế tắc kéo dài nhiều tháng trong đàm phán lần này giữa các nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa làm gia tăng lo ngại về khả năng Chính phủ Mỹ rơi vào cảnh “vỡ nợ”. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ đồng ý nâng trần nợ liên bang đi kèm với điều kiện tiên quyết về cắt giảm mạnh chi tiêu công, điều mà Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ nhất quyết từ chối.
Hạ viện Mỹ, hiện do phe Cộng hòa nắm thế đa số, hôm 26/4 đã thông qua dự luật đề xuất tăng giới hạn nợ thêm 1.500 tỷ USD, nhưng với điều kiện chi tiêu phải cắt giảm xuống mức của năm 2022 và sau đó giới hạn ở mức tăng 1% mỗi năm. Ðảng Cộng hòa đồng ý nâng trần nợ, nhưng yêu cầu cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các chương trình phúc lợi xã hội, rút lại nhiều kế hoạch trong Ðạo luật Giảm lạm phát do Tổng thống Biden khởi xướng…
Trong khi đó, Nhà trắng tuyên bố dự luật mới sẽ “không có cơ hội trở thành luật”, bởi Tổng thống Biden không bao giờ buộc các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và người lao động chịu gánh nặng từ việc giảm thuế cho người giàu như dự luật trên đề xuất. Tổng thống Biden cáo buộc đề xuất của đảng Cộng hòa sẽ dẫn tới những cắt giảm lớn dành cho các chương trình quan trọng mà hàng triệu người Mỹ trông đợi.
Từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 78 lần nâng trần nợ công, phần lớn trong đó diễn ra khá suôn sẻ. Giới phân tích tin rằng, bằng cách này hay cách khác các chính trị gia Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận hay nhượng bộ nhất định để vượt bế tắc như họ đã từng làm trong quá khứ, bởi tất cả đều hiểu hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào nếu vỡ nợ.
Tổng thống Joe Biden đã cắt ngắn chuyến công du quốc tế để quay trở lại Mỹ đàm phán về giới hạn nợ, thay vì thăm Papua New Guinea và Australia như kế hoạch ban đầu. Tổng thống Mỹ thuộc phe Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc phe Cộng hòa Kevin McCarthy đều tuyên bố mong muốn sớm đạt được một thỏa thuận để nâng trần nợ công. Ông Biden nói rằng, hai bên sẽ thỏa hiệp vì không có lựa chọn nào khác.