Đời sống

Trải nghiệm văn hóa truyền thống trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Mỹ Hằng 19/10/2023 05:43

Cùng những di tích lịch sử, thắng cảnh Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông còn lưu giữ những nét giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa.

ADQuảng cáo

Nghề đan lát ở bon Kon Hao

Nằm trên tuyến du lịch "Trường ca của Lửa và nước", điểm di sản "Làng đan lát truyền thống của người M'nông" ở bon Kon Hao (điểm số 3), xã Đắk Ha (Đắk Glong) là nơi du khách có thể tham quan trải nghiệm, thực hành nghề đan lát của người M'nông.

img_2387(1).jpg
Nghề đan lát của đồng bào dân tộc M'nông ở bon Kon Hao xã Đắk Ha (Đắk Glong) chủ yếu do nam giới đảm nhận.

Nghề đan lát của người M’nông được lưu giữ bằng trí nhớ, truyền từ đời này sang đời khác. Nghề thường do người nam trong gia đình đảm nhiệm để đan các vật dụng phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt cần thiết như gùi, nia, nơm… chất liệu chủ yếu được làm từ cây tre, nứa và cây mây. Kỹ thuật đan chủ yếu là cài lóng mốt, đôi, ba hoặc cài nan hình lục giác cùng kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp, tinh vi và rất sáng tạo. Từ đó, tạo nên nhiều hình dạng hoa văn đơn giản như hình xương cá, quả trám, lượn sóng đan xen xung quanh thân, theo mảnh. Màu sản phẩm chủ yếu là màu da lươn, màu đen. Tất cả các sản phẩm sau khi hoàn thiện đều được đặt trên dàn bếp lửa để hun khói để tạo thêm độ bền.

Bon Kon Hao có diện tích 963,5 ha, khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc M’nông. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đồng bào M’nông nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa như đan lát, dệt thổ cẩm… Hiện nay, bon Kon Hao còn hơn 10 nghệ nhân đan lát giỏi cùng lớp thanh niên được truyền nghề, tập huấn.

Trên cơ sở khảo sát và nghiên cứu thực tế, hiện nay tỉnh Đắk Nông đã xây dựng bon Kon Hao thành “Làng đan lát của người M’nông” để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống và tạo sinh kế cho người dân gắn phát triển du lịch.

Văn hóa truyền thống của người Ê đê

Nằm trên tuyến “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, "Buôn văn hóa Ê đê" (điểm số 17) thuộc buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) sẽ đưa du khách đến với những nét văn hóa truyền thống của người Ê đê bản địa.

dsc08994(1).jpg
Du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống tại Buôn văn hóa Ê đê huyện Cư Jút.
ADQuảng cáo

Buôn Nui viết theo chữ Ê đê là buôn Hnui, được lấy tên theo dòng suối Ea Hnui (nghĩa là “nguồn nước muộn”). Buôn được hình thành từ những năm 1965 do chế độ Mỹ - ngụy dồn đồng bào Êđê về giáp cầu 14 (cạnh sông Sêrêpốk) để lập ấp chiến lược. Năm 1975 thống nhất đất nước, đồng bào Ê đê Kpă chọn nơi đây để an cư sinh sống. Sau này Buôn Nui tách thành 4 buôn: Nui, Buôr, Trum và Ea Pô như hiện nay.

Đến đây, du khách được thưởng thức, khám phá, tìm hiểu văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng của cộng đồng dân tộc Ê đê vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Nét văn hóa ấy được thể hiện rõ nét qua các lễ hội như Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới; kiến trúc nhà dài, với những chiếc ghế Kpan đặt bên trong. Đặc biệt, du khách còn được hòa mình vào văn hóa cồng chiêng, múa xoang, hát aray của các chàng trai cô gái Ê đê…

Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ

Nằm trên tuyến du lịch “Thanh âm từ Trái đất”, Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ (điểm số 39) ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) là nơi không gian chứa đựng văn hóa truyền thống của người Mạ. Công trình nằm trong hệ thống các điểm di sản thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

img_2401(1).jpg
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M'nông vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Với diện tích rộng hơn 200m2, Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ trưng bày nhiều vật dụng, nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ ở Đắk Nông được sắp xếp thành 5 nhóm chính: Khu trưng bày ché cổ; Khu Cồng chiêng; Kèn bầu - tù và các nhạc cụ truyền thống; Khu trưng bày các vật dụng trong đời sống hàng ngày như gùi, rổ - rá, thổ cẩm và các trang phục truyền thống. Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ góp phần lưu giữ, lan tỏa và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Mạ trên địa bàn xã Đắk Nia nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Cũng tại Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ, các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia thực hành và đưa du khách trải nghiệm các bước làm nên một tấm thổ cẩm đẹp của người Mạ. Công cụ dệt thổ cẩm của người Mạ đơn giản bao gồm khung quay sợi và khung dệt. Nguyên liệu dùng để dệt là những sợi được tạo ra từ bông vải do người dân tự trồng trên rẫy. Màu nhuộm vải được tạo ra từ lá cây, quả và vỏ cây rừng. Tùy theo mục đích sử dụng, người Mạ dùng những loại vỏ, lá cây để tạo ra các màu khác nhau.

Gắn với phát triển du lịch

Theo Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, không phải ngẫu nhiên mà tỉnh chọn và xây dựng 3 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông để giới thiệu cho du khách. Bởi văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng. Mỗi sản phẩm như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần… đều được làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Tuy mang tính đơn sơ nhưng thể hiện được nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa.

Các giá trị văn hóa đó cấu thành bản sắc văn hóa hết sức độc đáo, thu hút sự tham quan, tìm hiểu của người dân cũng như du khách. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Đắk Nông chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để qua đó, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, tạo cơ hội cho du khách đến trải nghiệm và thưởng thức.

Hiện nay, tại các điểm di sản "Làng đan lát truyền thống của người M'nông", "Buôn văn hóa Ê đê", "Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ"… ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất và trưng bày các hiện vật đặc trưng, việc quản lý, giới thiệu cũng được các địa phương triển khai thực hiện. Tại mỗi một điểm di sản, các địa phương đều bố trí người bảo vệ, giới thiệu, để quảng bá các vật dụng, chỉ dẫn khi có đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm văn hóa truyền thống trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO