Đời sống

Trách nhiệm ngành Y và nỗi niềm cơm, áo

Thanh Hằng 27/02/2024 06:00

Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã đạt nhiều kết quả trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác, ngành Y tế gặp những khó khăn về nguồn nhân lực vì chuyện cơm, áo.

Nỗ lực thu hút bệnh nhân

Năm 2023, cùng với hệ thống y tế cả nước, ngành Y tế Đắk Nông đã bắt nhịp ổn định. Tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện đạt gần 600.000 lượt, tăng khoảng 82.800 lượt so với cùng kỳ.

Để thu hút bệnh nhân, thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị y tế...

Một số cơ sở y tế kịp thời bổ sung hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính CT Scaner, máy tán sỏi, máy phẫu thuật nội soi, máy chạy thận nhân tạo… Việc tăng cường đầu tư máy móc giúp đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từng bước làm chủ các kỹ thuật khó trong y học hiện đại và góp phần thu hút người bệnh đến điều trị, thay vì phải sang tỉnh thành khác như trước đây.

Để thu hút người bệnh, tăng nguồn thu, các cơ sở y tế còn phát triển nhiều danh mục kỹ thuật vượt tuyến. Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện việc kết nối với các bệnh viện lớn trong nước, với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành để hội chẩn, chẩn đoán từ xa qua các hệ thống công nghệ thông tin. Điều này góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, chuyển tuyến.

hinh-1.jpg
TTYT huyện Đắk Mil tập trung nâng cao chất lượng phục vụ để nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân

Hiện nay, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đều được giao tự chủ, lương thưởng nhân viên phụ thuộc vào nguồn thu từ khám, chữa bệnh. Để thực hiện việc này, các trung tâm y tế đều xây dựng kế hoạch tự chủ, xã hội hóa trong công tác mua sắm trang thiết bị.

Bác sĩ Trương Thị Kha, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đắk Mil, cho biết, đơn vị được giao tự chủ khoảng 50%. Để bảo đảm nguồn thu phục vụ hoạt động, TTYT huyện Đắk Mil đã xây dựng phương án mua sắm hệ thống chụp cắt lớp từ nguồn xã hội hóa. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là dịch vụ thu hút người dân tới thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại đơn vị. “Bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng kỹ thuật, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, giúp bệnh nhân tiết kiệm được tối đa thời gian. Giải pháp này đã đem lại lợi ích cho cả bệnh nhân và y, bác sĩ, qua đó nâng cao sự hài lòng của bệnh viện”, bác sĩ Kha nói thêm.

ttyt-dak-song-3(1).jpg
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính

Là đơn vị tuyến cuối của tỉnh, hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã được đầu tư bổ sung các trang thiết bị y tế cơ bản và hiện đại để triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu trong khám, chữa bệnh. Trong thời gian tới, khi Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông hoàn thành, đi vào sử dụng, sẽ đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh và khu vực lân cận.

Tương tự TTYT huyện Đắk Mil, để bảo đảm tự chủ tài chính, hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút bệnh nhân như “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”…

Sự chuyển dịch là tất yếu

Năm 2014, HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 09 quy định chính sách thu hút đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, chính sách này chưa thực sự hấp dẫn nên kết quả thu hút chỉ đạt ở mức độ khiêm tốn.

Từ năm 2015 đến nay, Đắk Nông chỉ thu hút được 47 trường hợp (tổng ngân sách Nhà nước chi cho thu hút bác sĩ là 9,7 tỷ đồng) nhưng sau đó có đến 10 trường hợp xin thôi việc, từ chối hưởng chính sách thu hút.

Tuyển dụng nhân sự mới gặp khó, giữ chân đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế càng khó hơn. Do mức lương, phụ cấp thấp cùng với áp lực công việc, nên trong 5 năm trở lại đây, có tới 196 trường hợp y, bác sĩ thôi việc, xin chuyển công tác. Trong số này có 77 bác sĩ xin thôi việc, chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Hầu hết các trường hợp này đều chuyển đến những bệnh viện, phòng khám tư nhân có mức thu nhập hấp dẫn hơn.

Một bác sĩ hiện đã chuyển công tác xuống TP. HCM chia sẻ: “Dù công tác ở đơn vị nào, trách nhiệm của chúng tôi vẫn là chữa bệnh, cứu người, giữ trọn lời thề Hippocrates. Để bảo đảm đời sống cho gia đình, tôi cần lựa chọn một chỗ làm phù hợp với mức thu nhập tốt hơn. Tại Đắk Nông, mỗi tháng tôi chỉ có thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng. Trong khi đó, làm việc tại một cơ sở y tế tư nhân, mức lương của tôi cao hơn và có cơ hội được nâng cao tay nghề”.

Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế, mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển. Tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao xảy ra rộng khắp ở các địa phương, trong đó có cả tỉnh Đắk Nông.

hinh-2(1).jpg
Hiện nay nhiều cơ sở y tế đã thu hút được bác sĩ có chuyên môn cao, thực hiện được nhiều can thiệp y khoa phức tạp (Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp).

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho rằng, sự chuyển dịch này là một xu thế tất yếu và dù làm việc ở môi trường nào, trách nhiệm và sứ mệnh của nhân viên y tế vẫn là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. “So với các địa phương khác, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác của tỉnh Đắk Nông không quá lớn, diễn ra theo đúng quy luật và nhu cầu phát triển của xã hội. Hàng năm, tỉnh đều tuyển dụng, tiếp nhận mới, thu hút thêm nhân sự mới nhằm bồi đắp cho các vị trí còn thiếu. Kết quả đạt được, đó là tỉnh Đắk Nông đã đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân năm 2023, phấn đất 8,9 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025”, bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho hay.

Đánh giá khách quan về sự chuyển dịch hiện nay, người đứng đầu ngành Y tế Đắk Nông cho biết có cả mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó, sự chuyển dịch ít nhiều tạo ra sự xáo trộn, thiếu tính ổn định, đồng thời buộc các y, bác sĩ, các cơ sở y tế công lập và tư nhân phải liên tục phấn đấu, đưa ra những giải pháp linh hoạt, thích ứng và hữu hiệu. “Chiến lược phát triển y tế giữa các tỉnh có sự cạnh tranh sâu sắc, đòi hỏi tỉnh Đắk Nông cần kịp thời xây dựng nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để giữ chân y bác sĩ. Trước những yêu cầu, thách thức hiện nay, ngành Y tế đặt ra 6 giải pháp, trong đó đáng lưu ý nhất là tham mưu ban hành quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để trình HĐND tỉnh thông qua vào tháng 7/2024”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Võ Thị Ái Liễu thông tin thêm.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Trách nhiệm ngành Y và nỗi niềm cơm, áo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO