Những câu chuyện của chúng tôi ở Sài Gòn chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối tháng 9 mưa tầm tã, không liên quan đến công việc. Và nhờ thế tôi cũng nhận ra một bầu Đức, một doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) rất khác.
Cũng phải gần 2 năm tôi mới gặp lại bầu Đức, dù trong khoảng thời gian đó, vẫn nhận được sầu riêng ông gửi. Bầu Đức bảo ông đang trong giai đoạn "lặn sâu", khiến tôi bất giác giật mình. Tôi nhớ lần "lặn sâu" trước, ông bặt tăm tới gần 5 năm mới xuất hiện. Bầu Đức cười lớn trấn an: "Lặn là để làm, lặn để bắt cá lớn".
Dù vẫn cười nói sảng khoái, bầu Đức trong buổi chiều hôm ấy có sự tĩnh tại thầm kín mà không phải ai cũng nhận ra. Tôi cảm giác đến giai đoạn này, ông đã đủ cả tâm và thế để đứng sang một bên khi nhìn về những thăng trầm, kể cả những đắng cay nhân tình thế thái mà ông đã trải qua, để "thụ hưởng" nó nhiều hơn là chứng minh bản thân mình. Bởi ông đã nhận ra khi ông ít tiền bạc nhất cũng là lúc ông giàu tình cảm nhất, không chỉ từ người quen mà cả người sơ, thậm chí cả những người chưa hề gặp ông. Những mối thiện cảm đó, vô tình hay cố ý đã tác động tích cực đến nhiều vấn đề "sinh tử" với HAGL, giúp ông từ vực sâu đứng lên làm lại.
Như "cuộc hôn phối tỉ USD" giữa 2 tập đoàn tư nhân là Thaco và HAGL năm 2018. Tính đến thời điểm hiện tại, đó có lẽ là thương vụ đầu tư vượt ra khỏi những nguyên tắc kinh doanh thông thường. Bởi trước khi Thaco và HAGL ký kết hợp tác chiến lược, 2 ông chủ doanh nghiệp chỉ biết nhau sơ sơ. Thế nhưng trong bối cảnh HAGL như "con tàu khổng lồ đang chìm giữa đại dương", ông Đoàn Nguyên Đức gửi bức thư viết tay cho ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) với lý do duy nhất: Ông nghĩ ông Dương có tiền. Còn ông Trần Bá Dương trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên năm 2020 thừa nhận một trong những lý do ông đầu tư vào HAGL là vì "gặp ai cũng khen ông Đức". Diễn biến sau đó thì chúng ta đã chứng kiến, một cuộc "hôn phối tỉ USD" khiến thị trường dậy sóng, báo chí tốn không ít giấy mực.
Nhưng đó chỉ là bên ngoài, còn có những câu chuyện giữa 2 doanh nhân không phải ai cũng biết. Bầu Đức kể khi ông dẫn ông Trần Bá Dương qua Lào, Campuchia thị sát cơ sở nông nghiệp của HAGL, ông Trần Bá Dương đã quyết "cực nhanh, cực dứt khoát". Ngay sau đó, ông Dương đã chuyển cho ông Đức hàng ngàn tỉ đồng để xử lý các vấn đề cấp bách của HAGL mà "không một tờ biên nhận". Tất nhiên, các thủ tục đã được tiến hành đầy đủ ngay sau đó. Nhưng hành động của ông Dương thì đến khi ngồi trà chiều với chúng tôi ở khách sạn Rex những ngày cuối tháng 9 vừa rồi, bầu Đức vẫn khẳng định, đó là "tầm vóc của một doanh nhân lớn, dữ dằn và quyết liệt". Thương vụ tỉ USD nhuốm màu "anh hùng Lương Sơn Bạc" giữa 2 doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam có lẽ là rất hiếm hoi. Nó cho thấy bản lĩnh, sự quyết đoán cũng như tầm nhìn chiến lược của những doanh nhân nghĩ lớn, làm lớn.
Tương tự, việc hàng chục nhà băng thống nhất trình lên Ngân hàng Nhà nước xin tái cấu trúc HAGL, rồi Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan có công văn đề nghị Chính phủ quan tâm tái cấu trúc HAGL để duy trì hoạt động tại Lào, Campuchia… cũng là chuyện đặc biệt. Đó là ngày 31.12.2016, bầu Đức quyết định công bố "HAGL mất thanh khoản". Nhiều người cản ông, vì nói ra gần như chắc chắn phá sản. Nhưng ông đã quyết. Ông bảo giấu bệnh thì càng làm bệnh tăng. Khi đó, khối nợ của HAGL đã lên tới hơn 28.000 tỉ đồng, không có khả năng trả lãi và trả góp, không còn dòng tiền để duy trì hoạt động. "Coi như chết rồi", bầu Đức nhớ lại. Giây phút đen tối đó, bầu Đức đang ngồi trong khách sạn Rex. Tôi không hỏi ông ngồi với ai, hay một mình. Nhưng ngay cả nhiều hơn một người thì tôi tin rằng thời khắc đó không chỉ "đen tối nhất" như lời bầu Đức thú nhận mà có lẽ còn cô đơn nhất. Đó là ngày cuối cùng của năm cũ, đất trời chuyển mình đón một mùa xuân mới còn bầu Đức vẫn vật lộn với những kịch bản khó lường của đời mình.
Trong thâm tâm, ông đánh cược giữa niềm tin được tái cấu trúc và thực tế phũ phàng của cuộc đời. Niềm tin đó bắt nguồn từ suy nghĩ "đậm chất bầu Đức", rằng khó khăn của HAGL là do khách quan chứ ông không "xách tiền đi làm bậy". Các dự án đầu tư của HAGL đều được ngân hàng thẩm định kỹ, đánh giá tốt, vốn vay sử dụng đúng mục đích… Tất cả các lý lẽ đó không sai. Nhưng cuộc đời có biết bao trường hợp làm đúng, làm tốt vẫn phải cay đắng rời cuộc chơi nếu thất bại? Tất nhiên, bầu Đức cũng lường trước kịch bản xấu nhất: "Thông cảm thì hỗ trợ, cùng nhau tái cấu trúc. Còn không thì tất cả nợ đều có tài sản thế chấp, bán thu hồi thôi".
Cuối cùng thì niềm tin của ông đã chiến thắng, HAGL chính thức được phê duyệt tái cấu trúc. Đây cũng là cột mốc đánh dấu cho một hành trình mới, hành trình lao vào làm điên cuồng để trả nợ của bầu Đức. Cay đắng ngọt bùi, nhân tình thế thái... ông đều nếm trải, không thiếu thứ gì. Đến thời điểm hiện tại, HAGL còn nợ khoảng hơn 4.000 tỉ đồng. "Theo kế hoạch, năm 2026 HAGL sẽ dứt điểm để trở thành công ty ngàn tỉ không nợ đầu tiên của Việt Nam", bầu Đức quả quyết nhưng vẫn không quên đế thêm một câu thoang thoảng mùi vị của sự đắng cay nhân tình thế thái: "Vì mình nợ nhiều rồi, người ta nói về mình là gắn với nợ. Nên HAGL có nợ 1 đồng vẫn mang tiếng nợ. Trong khi nhiều ông nợ cả trăm ngàn tỉ chẳng ai biết. Nên nên thôi, quyết tâm trả quách đi cho xong".
Tôi hỏi bầu Đức ông có bao giờ tự hỏi vì sao ông được nhiều người yêu quý? Ông trầm ngâm thừa nhận ông không rõ lắm. Nhưng ông không bao giờ đẩy người khác vào thế khó xử vì việc của mình. "Có thể qua quá trình làm việc người ta có cảm giác thân thiện, chắc là do ở hiền gặp lành, nên cứ từ cái hên này tới hên khác", bầu Đức tự phỏng đoán.
Cũng chính câu trả lời này mà tôi chợt nhận ra một bầu Đức, một doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã rất khác. Chẳng dễ gì để một người từng giàu nhất trên sàn chứng khoán trở thành con nợ tai tiếng nhất Việt Nam lại thấy mình hên cả. "Nếu anh sống cà chớn thì người ta né liền, chứ ai giúp mình", bầu Đức nói thêm và bảo, cũng từ đó, ông càng thấm thía phải sống thực sự nghiêm túc. Không bao giờ để xã hội, để người đời chê trách. Và vì thế, ông tự hào những gì ông xây dựng hiện nay "tuy không lớn như ngày trước nhưng rất bền vững, đi đúng hướng xã hội cần". Đó chính là nông nghiệp.
Bầu Đức đang nỗ lực chứng minh, nông nghiệp hoàn toàn có thể mang về lợi nhuận 5.000 - 7.000 tỉ đồng/năm. "Đó là điều hồi nào không ai dám nghĩ. Không ai dám nghĩ mà mình làm được thì người ta mới bảo nó lặn sâu một thời gian xong làm được điều cũng đáng", ông lại cười sảng khoái, thoát khỏi phút tự sự hiếm hoi. "Anh khẳng định với em, nông nghiệp nếu làm đúng mức thì lợi nhuận rất tốt, mà có sản phẩm tiêu dùng thật sự cho xã hội. Chứ nhiều ông cứ công bố giàu mà chẳng ai biết có sản phẩm gì. Nhưng ở Việt Nam hỏi ông Dương thì ai cũng biết làm ra xe hơi, ông Long làm ra thép… Phải có sản phẩm thì xã hội người ta mới ghi nhận, mới tôn trọng mình", bầu Đức triết lý.
Bầu Đức của hôm nay chiêm nghiệm nhiều hơn, triết lý nhiều hơn.
Ông bảo HAGL đang có khoảng 2.000 ha sầu riêng, ông cũng chốt ở con số này chứ không mở rộng thêm nữa "để còn làm việc khác". Tôi hỏi chuyện gì, ông bảo bí mật. Từ sau biến cố nợ nần, bầu Đức thận trọng hơn. "Khi nào có thu nhập thực sự, có doanh số báo cáo, có sản phẩm ra thị trường mới công bố. Còn giờ mình đang làm đã nói, người ta bảo mình chém gió". Tôi chất vấn: "Anh đã tuyên bố chốt 2 cây - 1 con...?". Bầu Đức phân trần: "Ngày trước chốt là để trấn an anh em, rằng mình không làm tràn lan. Nhưng không tràn lan là không làm ngành khác, chỉ làm nông nghiệp. Mà trong ngành nông nghiệp phải chia trứng ra nhiều rổ cho an toàn". Như để chứng minh nông nghiệp kiên định của mình, Bầu Đức kể ngay cả khi có người rủ ông làm dự án này, dự án kia tốt lắm, kiếm ngàn tỉ thì ông cũng "cảm ơn và không bao giờ". Ông đã và luôn tâm niệm trong lòng chỉ làm nông nghiệp và không bao giờ vươn ra nữa. "Anh đã định nghĩa được lòng tham rồi, con người ta phải dừng đúng lúc. Em không cắt bỏ được lòng tham, cứ lao vào là chết", bầu Đức lại triết lý.
Đã từng là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam, bầu Đức thừa nhận lĩnh vực này lôi cuốn, tạo lòng tham lớn đến mức làm người ta mê muội, ông cũng từng như vậy. Nhưng lợi nhuận của ngành này theo bầu Đức chỉ là "đếm cua trong lỗ". Rủi ro ở chỗ đó và lòng tham cũng khởi tại đó. "Ví dụ dự án mua 1 đồng, cộng trừ nhân chia bán 5 đồng, lãi quá đúng không? Nhưng sai hoàn toàn với thực tế. Vì bất động sản ở Việt Nam gánh lãi vay rất cao mà thời gian thực hiện quá lâu nên tính đúng, tính đủ có còn gì đâu. Em nghĩ đi, nếu đúng quy trình, một dự án từ chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép, khởi công, xây dựng, hoàn thiện các loại giấy tờ cho tới khi bán cho khách hàng mất cả chục năm, chưa tính các yếu tố rủi ro về thị trường, quản trị, chính sách... Nhưng ai cũng quên chi phí cái đoạn đó mà cứ tính làm 1 đồng bán 5 đồng nên thấy toàn tỉ phú. Thực chất thì có còn gì đâu", bầu Đức phân tích và nói thêm khi ngộ ra điều đó thì ông quyết định rút khỏi bất động sản, chuyển qua nông nghiệp.
Nhưng hơn cả "ngộ ra", ông đã đến cảnh giới "mê muội" cây- con. Khi tôi đang viết bài này, bầu Đức có việc nhắn tin cho tôi. Ông đã lại đang ở Campuchia. Trong đầu tôi lại hình dung cảnh ông lái xe giữa mênh mông sầu riêng, chuối... Nhớ đến cảnh chiếc xe ông lái trượt một bên bánh xuống cái rãnh sâu ven đường bị cỏ che khuất, nghiêng một góc 45 độ ở cao nguyên Bolaven (Lào) khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng mênh mông 2 năm trước.
Chẳng có gì cản được bầu Đức tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Giờ thì bầu Đức đang đi tới chặng cuối của hành trình trả nợ. "5 năm trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp đều tăng nợ nhưng anh từ nợ hơn 28.000 tỉ xuống chỉ còn hơn 4.000 tỉ đồng. Trả hết nợ cũng là anh hùng rồi", bầu Đức ví von rồi cười lớn, trở về nguyên bản một bầu Đức sảng khoái mà tôi biết bao năm qua. Bầu Đức của ngày hôm nay có nhiều cái để tự trào và tự hào. Ông tự hào vì được trải nghiệm cả đỉnh cao và vực sâu. Ông tự hào vì dám công bố sự thật về việc HAGL mất thanh khoản. Ông tự hào nhận được tình cảm của nhiều người, ngay cả khi ông rơi xuống vực sâu...
Rồi ông lại trầm ngâm bảo trả nợ tiền xong, ông sẽ trả nợ những ân tình mà cuộc đời mang lại cho ông. Những người ở lại với ông tới giờ, ông muốn làm một cái gì đó cho người ta. Vì nếu không có họ, ông chắc chắn sẽ không làm được. "Ngay lúc này anh ngồi đây uống trà với em, bộ máy vẫn cứ chạy, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra. Công ty có thời điểm 5 tháng không trả lương, mọi người vẫn làm bình thường vui vẻ. Nên không có những người đó anh không thể vượt qua chặng đường vừa rồi được. Bằng cách nào đó chưa biết, nhưng anh sẽ giúp người ta một cách sòng phẳng. Giờ anh 63 tuổi, tới 65 tuổi trả nợ tiền xong trả ơn cuộc đời nữa là toại nguyện. Cuối cùng thì cũng có mang bao tiền xuống đất được đâu mà tranh giành", bầu Đức quả quyết.
Tôi nhớ lại lần đầu tiên gặp bầu Đức, khoảng 16 - 17 năm trước, cũng tại khách sạn Rex. Ông có chuyện muốn nói lại cho rõ với thị trường. Ông nói ào ào, cứ như là tôi đã nắm ngọn ngành câu chuyện, cũng chẳng hỏi tôi có cần 1 ly nước, theo phép ngoại giao thông thường không. Thời điểm đó, bầu Đức đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, dự án nhiều, tiền không biết làm gì cho hết. Đến năm 2009, tôi có bài phỏng vấn bầu Đức khi ông trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán, cũng là người tiềm năng nhất trở thành tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Thế nhưng kịch bản đó đã không xảy ra. Bởi không lâu sau, bầu Đức rút khỏi lĩnh vực bất động sản, chính thức chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp. Bầu Đức chẳng bao giờ ngờ được đấy cũng chính là khởi đầu cho hành trình lao xuống vực thẳm của HAGL. Từ người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông trở thành con nợ tai tiếng nhất Việt Nam. Nhưng cũng từ trong bão giông cuồng nộ đó, ông đã đưa HAGL trở lại, theo một cách có lẽ còn ngoạn mục hơn cả khi lao dốc.
Khi tôi đứng lên, tuần trà thứ hai đã cạn, mưa đã tạnh...
Tôi có hẹn với bầu Đức đi thăm những "bí mật" của ông ở Lào vào một ngày gần nhất.