Tột cùng nỗi đau da cam

Hoàng Bảo| 10/08/2016 10:56

Cùng với cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đắk R’lấp, chúng tôi đến nhà ông Đào Xuân Kế ở thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp).

ADQuảng cáo

Tại đây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là con gái của ông tên là Đào Thanh Hoa, SN 1991, nhưng đặt đâu ngồi đấy. Trong căn nhà tình nghĩa mới được hỗ trợ xây dựng, Hoa ngồi nhìn dáo dác hết chỗ này đến chỗ khác.

Hơn 25 tuổi, nhưng Hoa chẳng khác nào một đứa trẻ đang ở thuở bế bồng, chăm ẵm. Những ngày này, trái gió trở trời, Hoa bị ốm, nhưng ly nước, viên thuốc uống cũng phải nhờ vào đôi bàn tay của mẹ. Ngày tháng trôi qua, nhưng con vẫn vậy, ông Kế không khỏi chạnh lòng.

Đào Thị Hoa, con gái của ông Kế dù đã hơn 25 tuổi, nhưng vẫn chỉ như một đứa trẻ

Theo như ông Kế kể thì năm 1975, ông tham gia chiến đấu từ chiến trường Quảng Trị đến Khánh Hòa. Thời chiến, đâu có địch là đánh, phân công đi đâu thì đi đấy, chứ có bao giờ ông biết đến loại chất độc hại này. Chiến tranh kết thúc, ông phục viên về quê sinh sống rồi lấy vợ sinh con. Khi vợ mang thai đứa con đầu lòng, ông vui lắm, một niềm vui khó tả của người lần đầu làm cha. Ông lấy con làm mục tiêu sống, phấn đấu để khắc phục những khó khăn. Vậy mà, con sinh ra lại mắc nhiều bệnh và qua đời khi mới được 9 tuổi.

Mất đi đứa đầu, niềm hy vọng lại dồn hết cho đứa sau, nhưng không may, người con sau cũng càng lớn lại càng chậm, không được khôn ngoan như người ta, tính tình thì lúc nóng lúc lạnh, thích thì làm, không thích thì không ai cản được. Sau này, ông Kế mới biết đây là chứng bệnh tâm thần nhẹ.

Mãi đến năm 1991, khi nỗi buồn mất con đã tạm lắng hơn 10 năm, ông bà mới hạ quyết tâm sinh thêm đứa nữa cho “vui cửa, vui nhà” là chị Hoa, nhưng vui đâu chưa thấy mà buồn thì cứ đến dồn dập. Từ lúc sinh ra, Hoa đã giống như “cọng bún” mềm nhũn, đôi mắt ráo hoảnh và đến bây giờ lớn rồi nhưng vẫn như cái thuở còn trong nôi.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Ông Kế cho biết: “Thời ấy, tôi có biết mình bị nhiễm chất độc da cam, rồi ảnh hưởng đến các thế hệ con cái như vậy đâu. Vì vậy, thấy những đứa đầu không được như con người ta thì đặt hết niềm tin vào đứa sau để làm hy vọng, nhưng nào ngờ… Bây giờ, con mình không may bị khuyết tật thì người làm cha mẹ cần phải chấp nhận, đối diện thực tế để chăm sóc mà thôi”.

Cũng may, khi nước mắt không thể rơi nữa thì niềm vui đã đến với vợ chồng ông, đứa con gái út là Đào Thị Bích Ngọc phát triển bình thường như những đám bạn cùng lứa.

Rời nhà ông Kế, chúng tôi đến thăm nhà ông Đàm Văn Luyện ở thôn 10, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) năm nay đã 76 tuổi với tỷ lệ thương tật là 65%. Tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi từ những năm 1965 đến tháng 12/1973 thì ông phục viên về quê Hưng Yên sinh sống. Những tưởng trở về quê có gia đình thì cuộc sống sẽ viên mãn. Thế nhưng, những đứa con ra đời không lâu lại lần lượt ra đi. Những đứa may mắn sống sót thì lại có nhiều khiếm khuyết bởi ảnh hưởng chất độc hóa học di truyền từ ông.

Con trai Đàm Văn Quyền, SN 1982, sức khỏe yếu, chân tay thường xuyên lở loét không thể chữa khỏi. Đáng buồn hơn, đứa cháu nội con anh Quyền mà ông Luyện dành hết tình thương thì trí tuệ lại kém phát triển dù nhìn vẻ bề ngoài rất lành lặn. Năm nay học lớp 4, nhưng em không biết đọc một chữ nào dù thầy cô tận tình chỉ dạy.

Con gái thứ là Đàm Thị Bến SN 1984, do mắc chứng bệnh về thần kinh, tụt 2 đốt xương sống nên cũng không được bình thường, lấy chồng 2 lần thì đều bị chồng bỏ. Còn anh Đàm Văn Lương, SN 1988 thì chậm phát triển, tâm thần mức độ nặng, làm gì cũng phải có người chỉ dẫn.

Ông Luyện nghẹn ngào: “Chiến tranh là vậy, có người còn phải hy sinh thì sao. Giờ già rồi, chẳng biết sống chết thế nào, nên tôi lo lắng nhất chính là đứa con út. Cũng may, có sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình đã làm được căn nhà để sau này khi mất đi, mấy đứa con còn chỗ dựa, nên phần nào cũng tạm yên lòng”.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tột cùng nỗi đau da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO