Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 25/3, đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) đã chính thức đề cử Thủ tướng Prayut Chan-ocha vào vị trí ứng cử viên số 1 của đảng này vào chức thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào ngày 14/5 tới.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng UTN, ông Pirapan Salirathavibhaga, cũng đã được đề cử làm ứng cử viên số 2.
Ông Prayut Chan-ocha, 69 tuổi, lên nắm quyền từ năm 2014 sau cuộc đảo chính của quân đội và chính thức được bầu vào vị trí thủ tướng trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2019.
Với khẩu hiệu “Đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục," ông Prayut và UTN hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều cử tri qua những lời hứa đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân và sự ổn định của đất nước, cũng như bảo vệ chế độ quân chủ.
Phát biểu trong sự kiện giới thiệu các ứng cử viên của UTN tại tất cả 400 khu vực bầu cử trên cả nước, ông Prayut nhấn mạnh: "Chúng tôi tình nguyện làm cho mọi người hạnh phúc nhất có thể… Điều quan trọng nhất là bảo vệ đất nước và bảo vệ thể chế của quốc gia."
Hôm 21/3, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) thông báo lịch trình tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu ra Hạ viện khóa mới vào ngày 14/5 tới. Các điểm bỏ phiếu sớm sẽ được mở một tuần trước đó, vào ngày 7/5.
Thông tin từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết các ứng cử viên cho 400 ghế Hạ viện theo khu vực bầu cử sẽ phải tiến hành đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 3-7/4 tới, tại một số địa điểm nhất định.
Từ ngày 4-7/4, các ứng cử viên tranh cử vào 100 ghế Hạ nghị sỹ theo danh sách đảng phái phải nộp đơn đăng ký tới Ủy ban Bầu cử. Bên cạnh đó, các đảng cũng phải đệ trình lên Ủy ban Bầu cử danh sách các ứng cử viên cho vị trí thủ tướng vào ngày 7/4. Theo Hiến pháp Thái Lan, mỗi đảng phái chính trị được phép đề cử 3 ứng cử viên cho vị trí thủ tướng.
Sau cuộc bầu cử ngày 14/5, các thành viên Hạ viện mới trúng cử sẽ cùng các Thượng nghị sỹ bầu ra thủ tướng chính phủ mới từ danh sách các ứng cử viên mà các đảng đề cử.
Thủ tướng mới sẽ cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu, tức hơn 50% số thành viên của hai viện Quốc hội. Ủy ban Bầu cử cho biết những công dân có đủ điều kiện và mong muốn được bỏ phiếu sớm có thể đăng ký nguyện vọng từ ngày 27/3-13/4.
Trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây, cô Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là một trong số các ứng cử viên thủ tướng tiềm năng, cạnh tranh với Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha.
Cùng ngày, các cử tri Thái Lan đủ điều kiện đã bắt đầu được phép đăng ký bỏ phiếu ngoài khu vực và không đúng ngày bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào ngày 14/5 tới.
Các cử tri có thể đăng ký trực tiếp tại các văn phòng bầu cử địa phương, hoặc qua đường bưu điện, hay đăng ký trực tuyến trang mạng www.election.dopa.go.th cũng như qua ứng dụng di động Smart Vote do Ủy ban bầu cử (EC) phát triển. Hạn chót để đăng ký bỏ phiếu kiểu này là đến ngày 9/4.
Hệ thống đăng ký này được áp dụng cho những cử tri không thể bỏ phiếu vào ngày bầu cử, những người sống bên ngoài khu vực bầu cử mà họ đã được ghi danh hoặc những người Thái Lan đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo quy định, cử tri đủ điều kiện phải là công dân Thái Lan từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày bầu cử và đã được đưa vào danh sách cử tri tại một khu vực bầu cử nhất định. Người nhập tịch phải có quốc tịch ít nhất 5 năm.
Các tu sỹ, linh mục, tù nhân và những người bị tước quyền bầu cử đều bị cấm tham gia bỏ phiếu.
Bỏ phiếu không đúng ngày bầu cử tại nơi cư trú phải được đăng ký trước ngày bầu cử ít nhất 20 ngày. Những người muốn bỏ phiếu bên ngoài khu vực họ đã được ghi danh phải đăng ký trước ngày bầu cử ít nhất 30 ngày.
Trong khi đó, phó phát ngôn của Chính phủ Thái Lan, bà Rachada Dhnadirek cho biết các đại sứ quán và lãnh sự quán Thái Lan ở nước ngoài sẽ công bố ngày và địa điểm bỏ phiếu cho người Thái Lan đang sống xa quê hương vào ngày 29/3./.