Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể EEF-2023. (Ảnh: KREMLIN.RU) |
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng Viễn Đông và cho rằng, mặc dù có vị trí địa lý xa thủ đô, nhưng khu vực này luôn là ưu tiên tuyệt đối của Liên bang Nga.
“Khi đến Viễn Đông, mọi thứ thực sự rối tung trong đầu bạn. Không rõ thời điểm hiện diện tại đây đang là ngày, sáng hay tối. Nhưng chúng ta sẽ không nhầm lẫn một điều - Viễn Đông là ưu tiên tuyệt đối của Nga xuyên suốt toàn bộ thế kỷ 21”, ông Putin nói.
Toàn cảnh phiên toàn thể EEF-2023. (Ảnh: KREMLIN.RU) |
Chào mừng khách mời và những người tham gia EEF-2023, Tổng thống Putin nhấn mạnh, theo truyền thống, Diễn đàn kinh tế Phương Đông hằng năm là nơi quy tụ nhiều lãnh đạo tập đoàn, chuyên gia, quan chức Nga và lãnh đạo các nước trên thế giới. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu thảo luận những phương hướng chiến lược và triển vọng phát triển vùng Viễn Đông của Nga, Bắc cực và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Người đứng đầu Nhà nước Nga, Vùng liên bang Viễn Đông chiếm 40% lãnh thổ Liên bang Nga. Tại đây chiếm gần một nửa diện tích rừng và trữ lượng vàng của cả nước, hơn 70% lượng đá, kim cương và 30% titan, đồng. Nơi đây, còn có các doanh nghiệp chiến lược, cảng biển và đường sắt quan trọng bậc nhất của Nga hoạt động. Vì vậy, vai trò của Viễn Đông đối với đất nước, tương lai và vị thế của Nga trong một thế giới đa cực đặc biệt to lớn.
Về phương hướng phát triển khu vực này thời gian tới, Tổng thống Putin cho rằng, chính quyền cần tích cực cải thiện các điều kiện kinh doanh trong khu vực vĩ mô, duy trì các điều kiện này ở mức cạnh tranh toàn cầu và cung cấp nguồn tài chính dài hạn, giá rẻ cho các dự án đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các tập đoàn sản xuất lớn.
Các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể. (Ảnh: KREMLIN.RU) |
Đánh giá về tình hình thế giới hiện nay, lãnh đạo Nga nhấn mạnh, trong những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã và đang tiếp tục thay đổi, trong đó một số nước, chủ yếu là các nước phương Tây, đã tự tay phá hủy hệ thống quan hệ tài chính, thương mại và kinh tế mà chính họ đã tạo dựng bằng nhiều cách.
Tuy nhiên, trên thế giới đang phát triển không gian hợp tác kinh doanh thật sự giữa các quốc gia không chịu áp lực bên ngoài mà theo đuổi lợi ích quốc gia của mình. Ngày càng có nhiều quốc gia như vậy và mô hình này đang diễn ra ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu.
Các nước này thực hiện chính sách rất rõ ràng, không đặt nặng tính chính trị cơ hội, mà chủ yếu thúc đẩy các dự án thật sự mang lại lợi ích trực tiếp và lâu dài cho người dân trong các lĩnh vực khác nhau, như giao thông, năng lượng, công nghiệp, tài chính, nhân đạo. Điều này làm xuất hiện một mô hình quốc tế mới phục vụ cho toàn thể nhân loại, cũng như thế giới đa cực đang phát triển.
Đề cập đến các lệnh trừng phạt, Tổng thống Putin cho biết, việc tịch thu tài sản của các công ty Nga ở nước ngoài như một phần của lệnh trừng phạt “vượt qua mọi ranh giới”. Ông cho rằng, phương Tây không hiểu được những hậu quả tiêu cực của những quyết định như vậy đối với chính họ.
Tổng thống Putin khẳng định, Nga đã có được nguồn dự trữ ngoại hối và vàng nhiều gấp đôi số lượng nước này bị đóng băng.
Sự kiện được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình Nga. (Ảnh: KREMLIN.RU) |
Về thuế, lãi suất cơ bản, ông Putin đánh giá, hiện nay Chính phủ Nga chưa thấy cần thiết phải tăng thuế. Ngân hàng Trung ương buộc phải tăng lãi suất cơ bản lên 12%, bởi lạm phát bắt đầu tăng nhẹ. Đây là quyết định đúng đắn.
Về sự bất ổn của đồng rúp, theo ông Putin, cần sự nghiên cứu tỉ mỉ và nghiêm túc của Ngân hàng trung ương và Chính phủ Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng, không có bất kỳ trở ngại nào không thể vượt qua trong vấn đề này.
Diễn ra từ ngày 10 đến 13/9, EEF năm nay có chủ đề “Con đường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng”. Tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn có khoảng 7.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.