Tổng thống Pháp giải tán Quốc hội để bầu lại vào ngày 30/6 và 7/7

KHẢI HOÀN| 10/06/2024 16:01

Theo kết quả thăm dò của hãng Elabe sau giờ bỏ phiếu bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) bỏ xa đảng cầm quyền Phục sinh và liên minh với tỷ lệ 31,8%-15,2%. Đây là một thất bại nặng nề đối với đảng cầm quyền, vì vậy ngay sau khi có kết quả sơ bộ vào tối 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu lại vào ngày 30/6 và 7/7.

Tối 9/6, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo trên truyền hình về quyết định giải tán Quốc hội để bầu lại ngay sau khi có tin đảng cựu hữu RN dẫn đầu cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Tối 9/6, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo trên truyền hình về quyết định giải tán Quốc hội để bầu lại ngay sau khi có tin đảng cựu hữu RN dẫn đầu cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Kết quả thăm dò sau bỏ phiếu không khác nhiều so với dự đoán trước ngày bầu cử. Theo đó, RN có thể giành được 33% phiếu ủng hộ, còn Liên minh cầm quyền chỉ ở mức 15%. Như vậy, đảng cực hữu RN đã tiến một bước dài trong mấy cuộc bầu cử vừa qua do phe cánh hữu và cánh tả truyền thống tiếp tục bị chia rẽ và mất tầm ảnh hưởng.

Đảng Xã hội và liên minh có thể giành được 14% phiếu, tiếp đó là đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất của ông Jean-Luc Mélenchon (10,1% phiếu), đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (7,2%). Còn Đảng Cộng sản Pháp chỉ có 2,7%, dưới ngưỡng 5% để có ghế tại EP.

Còn các đảng Xanh - Sinh thái châu Âu tại Pháp và một số nước đã không duy trì được đà tiến khi số phiếu tụt hẳn so với cuộc bầu cử năm 2019. Tại Pháp, đảng Xanh chỉ được 5,5% so với 13,4% năm 2019.

Tỷ lệ không đi bỏ phiếu là 47,20% so với 49,88% trong cuộc bầu cử năm 2019.

Trước đó vào ngày 6/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ lo ngại về việc Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ bị cản trở bởi sự hiện diện đông đảo hơn của phe cực hữu trong Nghị viện châu Âu (EP) sau cuộc bầu cử. Và nếu đảng cực hữu tại Pháp và các nước khác trong EU chiếm được số ghế đáng kể trong EP sẽ dẫn đến tình trạng tê liệt trong việc ra quyết định giải quyết các vấn đề cấp bách.

Theo kết quả thăm dò do hãng Elabe thực hiện trong ngày 9/6, có tới 52% cử tri Pháp ủng hộ việc giải tán Quốc hội nếu liên minh cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tuyên bố giải tán Quốc hội, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng đây là "một quyết định nặng nề" và "đây không phải là kết quả tốt cho các đảng bảo vệ châu Âu."

Trước đó vào năm 1997, Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng phải giải tán Quốc hội để bầu lại, chỉ hai năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ 7 năm. Lý do là vì phe cánh tả đã giành đa số ghế, lập liên minh để cản trở các quyết sách của tổng thống.

Phát biểu sau khi có kết quả thăm dò, ông Jordan Bardella, Chủ tịch và đứng đầu danh sách ứng cử của đảng RN, cho rằng kết quả này phản ánh quyết định của cử tri Pháp khi từ chối và bác bỏ chính sách của Tổng thống và liên minh cầm quyền.

Phó Chủ tịch đảng RN Sébastien Chenu còn đề cập đến mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc bầu cử lại sắp tới. Đó là giành được đa số để ông Jordan Bardella trở thành thủ tướng và buộc Tổng thống Pháp phải "chung sống chính trị."

Đại diện của một số đảng phái tại Pháp cũng cho rằng việc giải tán Quốc hội là việc cần phải làm để chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua trong bối cảnh đảng cầm quyền và liên minh không có đa số tuyệt đối.

Nhân dịp này, một số đảng phái chỉ trích thất bại nặng nề của đảng cầm quyền và liên minh vì đã "mở cánh cửa quyền lực" cho bà Marine Le Pen và phe cực hữu.

Cuộc bỏ phiếu vừa xong được coi như cuộc trưng cầu dân ý đối với Tổng thống Emmanuel Macron và liên minh cầm quyền, với kết quả rất thất vọng. Còn đảng cựu hữu RN đã tận dụng được cơ hội để thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri, nhất là giới trẻ.

Tiến hành chiến dịch vận động ngay từ tháng 9/2023, đảng cực hữu RN đã khai thác những vấn đề trong nước mà cử tri hết sức quan tâm như lạm phát, khủng hoảng nông nghiệp, an ninh, nhập cư. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Gabriel Attal chỉ vận động trong một tháng trước khi diễn ra bầu cử. Các chính đảng truyền thống đều bị lép về, do vậy đảng cực hữu RN đã chiếm ưu thế.

Hai nội dung chính trong chiến dịch tranh cử của đảng cực hữu RN là chống nhập cư và chống bảo vệ môi trường mang tính trừng phạt. Như vậy là RN đã đánh trúng tâm lý của người dân Pháp.

Theo kết quả của một số cuộc thăm dò trong tháng 5 cũng cho thấy đối với 40-50% dân Pháp xung đột ở Ukraine và dải Gaza là những vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nhưng không quan trọng bằng các vấn đề trong nước. Đó là sức mua, an ninh và y tế.

Đảng cực hữu RN tiếp tục xu hướng lớn mạnh và sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho Tổng thống Emmanuel Macron trong thời gian tới, gần nhất là cuộc bầu cử lại Quốc hội.

Theo điều 12 của Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, Tổng thống có thể giải tán Quốc hội sau khi tham khảo ý kiến của Thủ tướng và Chủ tịch hai viện (Quốc hội và Thượng viện). Các cuộc bầu cử mới sau đó sẽ được tổ chức trong vòng hai mươi đến bốn mươi ngày.

Việc giải tán Quốc hội cho phép cơ quan hành pháp giảm bớt các tình huống khủng hoảng hoặc tắc nghẽn thể chế, như đã diễn ra vào năm 1962, 1968, 1981 và 1988, do sự bất hòa giữa đa số nghị viện và cơ quan hành pháp.

Nhưng “vũ khí Hiến pháp” này có thể gây ra tác dụng ngược lại. Đây là trường hợp xảy ra vào năm 1997, khi Tổng thống Jacques Chirac, người muốn củng cố đa số cánh hữu của mình trong Quốc hội, đã quyết định tổ chức bầu cử lại. Tuy nhiên, kết quả là phe cánh tả chiếm đa số.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tong-thong-phap-giai-tan-quoc-hoi-de-bau-lai-vao-ngay-306-va-77-post813563.html
Copy Link
https://nhandan.vn/tong-thong-phap-giai-tan-quoc-hoi-de-bau-lai-vao-ngay-306-va-77-post813563.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tổng thống Pháp giải tán Quốc hội để bầu lại vào ngày 30/6 và 7/7
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO