Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hệ thống ngân hàng của nước này vẫn an toàn, trong bối cảnh dấy lên nhiều lo ngại đối với các tác động tiềm ẩn từ các vụ ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản, ngân hàng Signature và Silvergate đóng cửa.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định người dân Mỹ có thể tin tưởng vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước, nhấn mạnh rằng người dân có thể rút tiền gửi của họ bất cứ lúc nào.
Liên quan vụ sụp đổ của SVB, ông Biden cho biết chính phủ sẽ đảm bảo những người gửi tiền ở SVB có thể nhận lại tiền của họ, đồng thời cho biết những người trả thuế sẽ không phải chịu tổn thất nào. Theo ông Biden, số tiền này là tiền phí mà các ngân hàng đã trả cho tiền gửi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng hối thúc Quốc hội ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng, tránh để vụ việc tương tự lặp lại. Ông lưu ý một gói cứu trợ lớn, như đã được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không nằm trong số các biện pháp đang được chính phủ cân nhắc. Ông cho biết khi chính phủ tiếp quản ngân hàng này, ban điều hành SVB sẽ buộc phải thôi việc, trong khi các cổ đông của SVB cũng không nhận được tiền hỗ trợ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ đã cam kết sẽ làm mọi cách để giảm thiểu các tác động từ vụ SVB và Ngân hàng Signature đóng cửa. Tuy nhiên, tâm lý các nhà đầu tư tại Mỹ vẫn bị ảnh hưởng, dẫn đến việc các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 13/3.
Tính đến 9h40 (giờ địa phương), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,38% xuống 31.788,83 điểm, trong khi S&P 500 cũng giảm 1,12% xuống còn 3.818,50 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 1,09% còn 11.017,85 điểm. Chỉ có cổ phiếu của hãng dược phẩm Pfizer tăng 0,7% sau khi công bố thương vụ mua lại công ty công nghệ sinh học Seagen.
Giá dầu mỏ cũng giảm trong phiên giao dịch ngày 13/3, trong đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5% xuống còn 72,80 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 4,5% xuống 79,07 USD/thùng, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều dấu hiệu lao dốc.
Trước đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Mỹ như JPMorgan, Chase, Morgan Stanley và Bank of America đồng loạt giảm trong các mức dao động từ 2,8%-6,3%. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW - gồm cổ phiếu của 24 ngân hàng lớn nhất của Mỹ giảm 11,2%, trong khi chỉ số S&P 500 đã giảm 7,7%.
Vụ sụp đổ của SVB khiến các nhà đầu tư đồn đoán rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ lưỡng lự về dự kiến tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng này. Hiện các nhà đầu tư tập trung theo dõi số liệu lạm phát dự kiến được công bố ngày 14/3 để dự đoán mức tăng lãi suất của Fed.
Phản ứng trước việc 2 ngân hàng Mỹ đóng cửa, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni khẳng định vụ việc không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với thị trường tài chính châu Âu, bất chấp nhiều lo ngại của giới đầu tư khiến chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 13/3.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bỉ Vincent Van Peteghem cho rằng hai nước này sẽ không đối mặt các tác động lan rộng từ việc SVB phá sản. Các bộ trưởng cho biết cả hai nước vẫn duy trì giám sát chặt chẽ đối với các diễn biến thị trường, đồng thời nhấn mạnh sự khác biệt giữa mô hình tài chính của các ngân hàng châu Âu so với SVB của Mỹ.
Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết các nhà chức trách nước này đang theo dõi sát sao các diễn biến.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael McGrath bày tỏ hoan nghênh trước động thái mua lại chi nhánh SVB Anh của ngân hàng HSBC.
Phát biểu trước cuộc họp với bộ trưởng tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại thủ đô Brussels, ông McGrath lưu ý thời điểm hiện nay chỉ mới là giai đoạn đầu trong chuỗi các tác động của vụ SVB sụp đổ.
Cùng ngày, phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan Traisuree Taisaranakul cho biết sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ hầu như không gây bất kỳ tác động nào đối với kinh tế Thái Lan, do các tổ chức tài chính nước này cũng không thực hiện giao dịch thông qua 3 ngân hàng trên.
Bà Traisuree nhấn mạnh Bangkok luôn đặt trọng tâm ở các bước quản lý rủi ro, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, do đó các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước Thái Lan vẫn được duy trì ổn định qua nhiều cuộc khủng hoảng.
Tính đến cuối năm ngoái, các ngân hàng thương mại Thái Lan có tỷ lệ an toàn vốn (tỷ lệ BIS) là 19,4% và tỷ lệ bao phủ thanh khoản là 197,3%. Nợ xấu chỉ hình thành 2,73% trong tổng số các khoản cho vay và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao tới 171,9%.
Bên cạnh đó, bà Traisuree cho biết Cơ quan Bảo vệ Tiền gửi có một quỹ trị giá 134 tỷ baht để bảo vệ tiền của 98% người gửi tiền ở Thái Lan./.