Bất ngờ lớn đã xảy ra tại vòng hai bầu cử quốc hội Pháp. Khác hoàn toàn với dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, khối chính trị giành vị trí dẫn đầu không phải là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh, mà là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP).
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy NFP vươn lên vị trí dẫn đầu về số ghế, đẩy RN và đồng minh xuống vị trí thứ ba.
Liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron chính thức mất đa số tương đối và dự kiến chỉ còn giữ được từ 160-162 ghế so với 254 ghế trong quốc hội cũ.
Kết quả vòng hai càng khẳng định sự phân cực của chính trường Pháp, với 3 khối có số ghế không chênh nhau quá nhiều trong cơ quan lập pháp.
Kết quả không lường trước được khiến các lá bài bị xáo trộn, buộc Điện Elysée phải xem lại các kịch bản của mình.
Phát biểu chúc mừng thành công của cánh tả thống nhất, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cánh tả cấp tiến Nước Pháp bất khuất (LFI), nhấn mạnh các cử tri đã "loại trừ giải pháp tồi tệ nhất," tức là RN chiếm được đa số tuyệt đối trong quốc hội.
Thất bại nằm ngoài mọi dự đoán của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui của “Mặt trận Cộng hòa,” mà nòng cốt chính là phe cánh tả thống nhất và phe của Tổng thống Macron, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi.
Các thông điệp và hướng dẫn bầu cử của các đảng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cử tri.
Với kết quả này, RN đã không còn cơ hội nắm quyền lực mặc dù vẫn được hưởng một vị thế mạnh nhất trong lịch sử tồn tại của mình.
“Thủy triều lần này không dâng đủ cao, nhưng nó vẫn tiếp tục dâng. Chiến thắng của chúng tôi chỉ bị trì hoãn,” cựu Chủ tịch RN Marine Le Pen phát biểu như vậy sau khi biết kết quả bỏ phiếu.
Bà cũng nhấn mạnh rằng đa số tuyệt đối dành cho RN sẽ nằm trong tầm tay nếu như không có “thỏa thuận không tự nhiên” giữa liên minh cánh tả và phe của Tổng thống Macron.
Với số ghế đạt được ít hơn nhiều so với trước, phe đa số của Tổng thống Macron đã chính thức trở thành phe thiểu số.
Nhiều cử tri Pháp đã không thay đổi quyết định tiếp tục bỏ phiếu trừng phạt ông trong vòng hai, khiến kế hoạch thu hút trở lại các cử tri của khối trung dung thất bại.
Nhiệm vụ cấp bách của Tổng thống Macron là phải nhanh chóng quên đi thất bại do chính mình gây ra để giải quyết một bài toán hóc búa là kế hoạch "sống chung" như thế nào trong những tháng tới.
Cho đến nay, giới quan sát vẫn chưa biết Tổng thống Macron sẽ lựa chọn chung sống theo giải pháp nào nhưng chắc chắn rằng mọi kịch bản đều không hứa hẹn những điều tốt lành đối với ông.
Theo giới quan sát, một trong những kịch bản tiềm năng nhất là thành lập một “chính phủ cầu vồng,, gồm nhiều sắc thái chính trị như thường thấy tại Bỉ, trên cơ sở một quốc hội đa nguyên.
Tổng thống Macron có thể chỉ định một nhân vật đủ uy tín, trong trường hợp này là người của cánh tả, đứng ra xây dựng một liên minh giữ đa số tuyệt đối, với sự góp mặt của “một phần cánh tả, một phần cánh hữu và các đại biểu thuộc phe của ông.”
Nhưng “giải pháp tình thế” này không dễ trở thành hiện thực do sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng cánh tả LFI và đảng Sinh thái.
Đánh giá tình thế hiện nay, ông Jean-Luc Mélenchon cho rằng: “Thất bại của phe Tổng thống Macron là không thể thay đổi và ông ấy không thể lảng tránh bằng mọi cách. Thủ tướng phải ra đi và có nghĩa vụ kêu gọi NFP điều hành chính phủ. Và NFP sẽ áp dụng toàn bộ chương trình của mình.”
Một trong những điều kiện tham gia bất cứ liên minh nào của LFI là phải giữ nguyên chương trình hành động của NFP, trong đó có việc bãi bỏ cải cách hưu trí mà Tổng thống Macron đã phải rất khó khăn mới đạt được năm 2023.
Chia sẻ quan điểm với lãnh đạo LFI sau cuộc bỏ phiếu, ông Olivier Faure, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội, cũng khẳng định: “Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ liên minh đối lập nào phản bội phiếu bầu của người dân (...) Các chính sách theo chủ nghĩa Macron sẽ không thể được tiếp tục. Chúng ta sẽ chỉ có một la bàn duy nhất, đó là chương trình của NFP.”
Nếu mục tiêu thành lập “chính phủ cầu vồng” hay “Liên đoàn các dự án” như ý tưởng của Tổng thống Macron không thể trở thành hiện thực, ông có thể nghĩ tới việc thành lập một chính phủ kỹ trị như một phương án tối thiểu.
Đó sẽ là một nhóm gồm các học giả, chuyên gia và công chức cấp cao, không liên quan đến bất kỳ đảng phái chính trị nào, làm việc dưới sự điều hành của một nhân vật được đề cử vào Phủ Thủ tướng theo nguyên tắc đồng thuận, giống như một chính phủ tại Italy năm 2021-2022 do cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi lãnh đạo.
Các bộ trưởng trong chính phủ kỹ trị sẽ được quyền bỏ phiếu về ngân sách. Tuy nhiên, với một chính phủ kỹ trị, Tổng thống Macron sẽ phải chấp nhận từ bỏ các tham vọng cải cách mà ông muốn hoàn thành trong phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai.
Với những phân tích ở trên, khả năng là với “cấu hình” mới tại Quốc hội, Tổng thống Macron có thể sẽ chung sống với một phần cánh tả, gồm các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Sinh thái và có thể cả các đại biểu của đảng Cộng sản vì LFI đã loại trừ mọi ý tưởng làm việc với ông.
Trong trường hợp này, thủ tướng tiếp theo sẽ là người thuộc cánh tả, nhưng với điều kiện NFP cần tìm ra một chính trị gia có cá tính đủ mạnh và không thể tranh cãi để tập hợp được phe trung dung và cánh hữu lại với nhau.
Thất bại bất ngờ của RN và các đồng minh đã giúp Tổng thống Pháp loại trừ được kịch bản tồi tệ nhất, bởi nếu đảng này nắm quyền lực, nước Pháp sẽ chứng kiến sự chia rẽ mang tính lịch sử giữa hai nhân vật đứng đầu của Nhà nước.
Nhưng việc phải chung sống với cánh tả cũng sẽ là điều trớ trêu đối với Tổng thống Macron, bởi ông đã ấn định nhiệm kỳ thứ hai của mình theo hướng hữu khuynh, mà nổi bật là dự án cải cách hưu trí và Luật nhập cư mới.
Như vậy, bất kỳ viễn cảnh nào cũng dẫn tới một điều chắc chắn rằng cuộc bầu cử sớm sẽ không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp hiện nay.
“Không có tình huống nào dẫn đến một kết quả tốt đẹp,” một quan chức cấp cao không muốn nêu tên thuộc phe tổng thống nhấn mạnh.
Theo quan chức này, Tổng thống Macron đã suy yếu và đơn độc hơn bao giờ hết khi phía trước ông là một quốc hội và chính phủ không dễ kiểm soát.
Cần biết rằng theo Hiến pháp, trong mọi trường hợp và với mọi kịch bản, nếu khủng hoảng xảy ra, Quốc hội mới được bầu của nước Pháp cũng không thể bị giải tán trong vòng một năm, tức là trước ngày 9/6/2025./.