Giải trí

3 bài văn mẫu phân tích tác phẩm "Người trong bao" của Sê - khốp hay nhất (Ngữ văn 11)

Hùng Cường 25/03/2024 10:44

Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm "Người trong bao" của Sê- khốp bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 11.

Mục lục

I. Tìm hiểu chung về tác phẩm "Người trong bao" của Sê - khốp

1. Tác giả Sê - khốp

a. Tiểu sử

- An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904)

- Ông sinh trưởng trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp.

- Năm 1884, tốt nghiệp Khoa Y, Trường Đại học Tổng Mát-xcơ-va. Ông vừa là nhà văn vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục.

- Năm 1887, ông được nhận giải thưởng Pu-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga.

- Năm 1900, Sê-khốp được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga.

- 1904, bị mắc bệnh phổi nặng, sang Đức chữa bệnh và mất ở nước ngoài. Gia đình và bạn bè đã đưa thi hài ông về nước.

b. Sự nghiệp văn học

- Sự nghiệp sáng tác đồ sộ ở nhiều thể loại:

+ Hơn 500 truyện ngắn và truyện vừa: Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6…

+ Nhiều vở kịch: Hải âu, Cậu Va-ni-a, Ba chị em,…

- Đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Sê-khốp là sự giản dị, thâm trầm, hàm súc.

- Cốt truyện thường đơn giản, ít yếu tố gay cấn, nhưng thường đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, nhân bản sâu xa.

- Đặc biệt ông rất chú ý tới các chi tiết khắc họa nhân vật, tô đậm chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

⇒ Sê-khốp được xem là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỉ XIX, là nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói.

2. Tác phẩm Người trong bao

a. Hoàn cảnh ra đời

- Bối cảnh hẹp: Viết 1898 trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.

- Bối cảnh rộng: Xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế, u ám, nặng nề của nước Nga cuối thế kỷ XIX.

b. Thể loại và ngôi kể

Tác phẩm được viết theo thể loại truyện ngắn và theo ngôi kể thứ 3

c. Ý nghĩa nhan đề

- Nhan đề Người trong bao nhằm chỉ một kiểu người, một hiện tượng xã hội phổ biến đã và đang tồn tại trong một bộ phận trí thức Nga đương thời.

→ Lối sống khép kín, thu mình trong vỏ ốc, trốn tránh hiện thực một cách hèn nhát.

- Ý nghĩa chiếc bao:

+ Chiếc bao được nhắc đến trong phần nhan đề trước hết nó mang ý nghĩa tả thực, đó là vật dụng gắn liền với cuộc sống của Bê-li-cốp, nơi hắn ta có thể chứa đựng mọi đồ dùng, vật dụng.

+ Chiếc bao cũng chính là chiếc vỏ bọc, thứ ngăn cách, bảo vệ Bê-li-cốp khỏi những tác động của cuộc sống.

→ Đó là biểu tượng cho một lối sống khép kín, lối sống thụ động với nhiều nỗi sợ.

d. Bố cục

- Mở truyện: Cuộc trò chuyện ở gần nhà kho giữa hai người bạn: bác sĩ thú y và thầy giáo.

- Thân truyện: Về cuộc đời và tính cách của Bê-li-cốp.

- Kết truyện: Nhận xét của bác sĩ thú y – người nghe chuyện.

e. Giá trị nội dung

- Thể hiện cuộc đấu tranh giữa con người với cái “bao” chuyên chế và khát vọng sống là mình, loại bỏ lối sống “trong bao"

- Thức tỉnh “con người không thể sống mãi như thế này được”.

g. Giá trị nghệ thuật

- Cách kể, giọng chuyện chậm rãi, u buồn, giễu cợt một cách sâu cay.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình mang tính biểu tượng cho một giai cấp xã hội.

- Nghệ thuật xây dựng biểu tượng độc đáo, giàu tính khái quát.

h. Tóm tắt

Bê-li-cốp là giáo viên trung học dạy tiếng Hi Lạp cổ. Ông nổi tiếng khắp thành phố nước Nga với phong cách ăn mặc đặc biệt. Tất cả những vật dụng của ông đều được để trong một cái bao. Ông khát khao thu mình vào trong một cái vỏ và tạo cho mình một cái bao để ngăn cách với bên ngoài. Ông luôn có những ý nghĩ không thực, luôn ngợi ca quá khứ, ca ngợi tiếng Hi lạp. Ngay cả ý nghĩ cũng được ông giấu kĩ vào bao. Ông có thói quen kì quặc là đi hết nhà các đồng nghiệp, kéo ghế ngồi rồi chẳng nói gì, chỉ nhìn xung quanh độ một giờ sau thì ra về khiến ai cũng sợ. Ông cũng nghĩ đến chuyện cưới Va-ren-cô làm vợ. Có người đã vẽ bức tranh châm biếm về ông và Va-ren-cô. Ngày chủ nhật hôm sau, ông chứng kiến cảnh hai chị em Va-ren-ca phóng xe vụt qua khiến ông ngạc nhiên và sửng sốt. Ông quyết định đến nhà Va-ren-ca để góp ý cho hai chị em. Ông và cô em gái Cô-va-len-cô đã cãi nhau. Bê-li-cốp đoạn sẽ báo cáo với hiệu trưởng nên Cô-va-len-cô đã túm áo và xô mạnh khiến Bê-li-cốp ngã xuống cầu thang. Vừa lúc đó, Va-ren-ca nhìn thấy, cười phá lên khiến Bê-li-cốp cảm thấy nhục nhã, lo sợ và vội vã về nhà. Một tháng sau, Bê-li-cốp qua đời. Mọi người ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng nhưng lâu sau họ lại cảm thấy nặng nề, mệt nhọc, vô vị. Bê-li-cốp qua đời nhưng trong thành phố hiện còn nhiều người trong bao. Trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu người “trong bao” như thế nữa.

nguoi-trong-bao-sekhop.png
Phân tích tác phẩm Người trong bao của Sê - khốp

II. Dàn ý chung phân tích tác phẩm "Người trong bao" của Sê - khốp

A. Mở bài

Sê-khốp là một nhà văn kiệt xuất được sinh ra ở một thị trấn nhỏ. Ông là một trong những đại biểu kiệt xuất cuối cùng trong văn học hiện thực của nước Nga. Ông đã để lại cho nền văn học hơn 500 truyện ngắn truyện vừa và các vở kịch đặc sắc. Nổi bật bà tác phẩm Người trong bao. Tác phẩm nói về hình tượng một người luôn sống trong một cái vỏ bọc, lo sợ cuộc sống, chúng ta cùng đi tìm hiểu tác phẩm để hiểu rõ về phong cách nghệ thuật của Sê-khốp.

B. Thân bài

a. Luận điểm 1: Chân dung nhân vật Bê - li - cốp

* Ngoại hình

- Đi giày cao su, cầm ô, nhất thiết phải mặc áo bành tô

- Đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tai nhét bông

- Khuôn mặt luôn giấu sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên

=> Một con người kì quái, dị biệt, thu mình trong bao

* Thói quen sinh hoạt

- Mọi thứ đều để trong bao: từ vật dụng nhỏ (dao, đồng hồ quả quýt) -> lớn (ô, khuôn mặt)

- Khi ra ngoài: Kín mít từ đầu tới chân, đi xe ngựa thì cho kéo mui lên

- Khi ở nhà: Mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then, có đủ sự ngăn cấm và hạn chế; buồng ngủ chật như cái hộp, giường nằm thì móc màn; lúc ngủ: kéo chăn trùm đầu kín mít, trong phòng nóng bức, ngột ngạt...=> Con người lập dị, khó hiểu

=> Những cái bao vật chất, hữu hình: thu mình lại trong một thế giới riêng, bé nhỏ, tránh ảnh hưởng từ bên ngoài để được an toàn.

b. Luận điểm 2: Tính cách, ảnh hưởng của Bê - li - cốp

* Bảo thủ, sùng cổ:

- Ca ngợi quá khứ, ghê tởm hiện tại, sợ hãi tương lai (nhỡ lại xảy ra chuyện gì, cần phải cân nhắc một chút...)

- Giáo viên dạy tiếng Hi Lạp - thứ tiếng cổ, lạc hậu, lỗi thời, không có giá trị ở hiện tại

=> Không có tính thời sự, một khoảng không an toàn.

* Sợ hãi với mọi thứ:

- Giấu ý nghĩ vào trong bao vì sợ phiền phức, chỉ “những chỉ thị, thông tư lệnh cấm mới là rõ ràng”...

- Sợ sự thay đổi: ép mình vào những khuôn khổ, trật tự của một nhà giáo dục: kính trọng đối với chính quyền; giữ gìn tư thế của một nhà giáo dục

- Sợ dị nghị, sợ nghe những lời đàm tiếu, gán ghép của người xung quanh với Cô - va - len cô

- Ngại giao tiếp: việc duy trì các mối quan hệ được thực hiện như một nghĩa vụ: “trường học đông đúc quả là đáng sợ”; “việc đi cạnh ai đó quả là nặng nề”, đến nhà đồng nghiệp, người quen kéo ghế ngồi, không nói gì, mắt nhìn xung quanh khoảng 1h rồi về

=> Những cái bao vô hình: che đậy sự run sợ trước cái mới, trước quyền lực; che đậy sự hèn nhát, tự ti, bảo thủ, lạc hậu của Bê - li - cốp.

=> Bê-li-cốp dễ bị tổn thương và có khuynh hướng tự diệt.

* Ảnh hưởng của Bê - li - cốp

- Lối sống của Bê-li-cốp đã đầu độc, làm ô nhiễm, khiến con người sợ hãi suốt 15 năm -> kéo dài, dai dẳng

- Phạm vi: trong nhà trường và cả khu phố, mọi người đều sợ sệt và xa lánh.

c. Luận điểm 3: Cái chết của Bê - li - cốp

* Nguyên nhân:

- Do sự cười cợt và chế nhạo của Va-ren-ca

- Do chính tính cách của hắn gây nên

- Chế độ xã hội ngột ngạt, bí bách đương thời đã tạo ra những con người, tính cách Bê-li-cốp: bạc nhược, khiếp đảm, sợ hãi trước những biến động nhỏ của cuộc sống.

* Cái chết của Bê - li - cốp:

- Nằm yên trong màn, đắp chăn kín và im lặng, hỏi chỉ đáp “không” hay “có”, không nói thêm điều gì

- Khi nằm trong quan tài: vẻ mặt hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh nữa

-> Bê-li-cốp đã đạt được mục đích của cuộc đời, chui vào cái bao mà không bao giờ phải thoát ra nữa.

=> Những cái bao vô hình, hữu hình kết tinh lại thành cái bao cuối cùng của cuộc đời hắn: chiếc quan tài. Sự hèn nhát, không dám đấu tranh của người dân tiếp tay cho Bê-li-cốp càng ảnh hưởng sâu rộng.

=> Bê-li-cốp vừa yếu ớt như một nhân cách, vừa mạnh mẽ như một căn bệnh, dễ dàng thôi miên và ảnh hưởng tới họ

=> Khả năng khai thác chiều sâu tâm lí của Sê-khốp.

d. Nhận xét về hình tượng nhân vật Bê - li - cốp

* Bê - li- cốp hiện lên là một con người kì lạ, quái dị với những lớp bao chồng chéo:

- Lớp bao hữu hình: giúp Bê-li-cốp cách biệt với thế giới bên ngoài, an toàn trong thế giới chật chội, bí bách của mình.

- Lớp bao vô hình: che đậy sự hèn nhát, lo sợ, tự ti của Bê-li-cốp trước sự đổi thay của thời đại.

-> Nghệ thuật miêu tả: chi tiết tỉ mỉ, chi tiết điển hình, lặp lại (cái bao)...

* Bê-li-cốp đáng thương hay đáng trách?

- Đáng trách: Không chỉ tự ép mình như con gián mà còn muốn tất cả mọi người cũng đều ép mình như thế; ngăn cản, bóp nghẹt mọi khát vọng và biểu hiện tự nhiên trong cuộc sống của mọi người; khống chế mọi người bằng cách đem mọi chỉ thị, quy định của cấp trên ra dọa dẫm; trở thành nô lệ, tay sai đắc lực cho chế độ chuyên chế; thể hiện bản chất phản động, thù địch với cuộc sống.

- Đáng thương: Hắn tự bóp nghẹt chính bản thân; không dám yêu, không dám lập gia đình; sống một cuộc đời vô ích.

C. Kết bài

- Từ đó nhà văn đã lên tiếng phản đối xã hội, chính sự hà khắc của luật lệ, của chính quyền chuyên chế, đã giết chết sáng tạo làm cho con người ta luôn sợ cấp trên, không dám có ý nghĩ của riêng mình. Tâm lý hèn nhát ấy đã lây lan cho tất cả mọi người, người ta sợ Bêlicốp tố cáo với cấp trên, sợ đến mức họ không dám làm gì nữa.

- Những việc như diễn kịch, ăn thịt không dám làm, ngay cả những việc tiến bộ như viết thư làm quen, đọc sách... Lối sống ấy đã kìm hãm biến cuộc sống con người thành địa ngục, tác phẩm là lời kêu gọi, phải có được 1 cuộc sống khác mà trước hết phải thay đổi xã hội.

III. Viết đoạn văn ngắn phân tích tác phẩm "Người trong bao" của Sê - khốp

1. Phân tích và diễn đạt cảm nhận về Người trong bao của Sê - khốp

Sê-khốp là một bậc thầy văn học Nga, tác phẩm của ông là kho tàng vô song. Dưới bàn tay tài năng, bức tranh xã hội Nga cuối thế kỷ XIX hiện lên sống động, đầy chân thực. Một đất nước tù túng, ngột ngạt dưới triều đại của Nga hoàng. Phong cách viết của Sê-khốp cuốn hút, ngôn ngữ sống động, phản ánh chân thực con người và xã hội Nga thời kỳ ấy.

Truyện ngắn 'Người trong bao', sáng tác năm 1898, tài ba trong việc vẽ nên hình ảnh Bê-li-cốp - một giáo chức tỉnh lẻ với tâm hồn chật chội. Tác giả châm biếm, đả kích những người tri thức Nga sống trong bảo thủ, cổ lỗ và thường xuyên phê phán, lo sợ trước những thách thức của thế giới bên ngoài. Họ tự coi đó là lỗi lầm của người khác.

Nhân vật chính trong truyện là Bê-li-cốp, giáo viên dạy tiếng Hy Lạp với lối sống kỳ quặc, sống 'đơn độc như con ốc'. Hắn khác biệt với cách suy nghĩ và sống cách mạng. Bất kể thời tiết ra sao, hắn luôn khoác trên mình trang phục độc đáo, đi giày cao su, tay cầm ô, mặc áo ấm cốt bông. Chiếc bao da hươu luôn bên hắn, đựng cả thế giới của mình, giấu mặt sau chiếc áo bành tô. Miêu tả sinh động của Sê-khốp khiến Bê-li-cốp trở nên dị hợm và hài hước. Giọng văn hóm hỉnh, hài hước của tác giả tạo nên hình ảnh 'người trong bao' - biểu tượng của thời kỳ.

Bê-li-cốp sống không giống như bình thường, có thể hắn chỉ tồn tại, chán ghét cuộc sống và sợ hãi mọi thứ. Để bào chữa cho thái độ nhút nhát và hèn kém, hắn luôn hồi tưởng về quá khứ, 'khen ngợi những điều không bao giờ tồn tại'. Bê-li-cốp dạy tiếng Hy Lạp, một ngôn ngữ cổ, có vẻ như là một môn học an toàn, không có gì phải than phiền 'điều đó giúp hắn tránh được cuộc sống thực'. Hắn sống trong thời kỳ tù túng và ngột ngạt, mọi việc đều phải tuân theo 'chỉ thị, thông tư', nếu không, không được phép thực hiện. Mỗi khi muốn thoát ra khỏi 'cái bao' của mình, hắn lại sợ hãi với ý nghĩ 'lỡ có chuyện gì xảy ra', và như vậy, hắn không bao giờ thoát khỏi cái 'vỏ ốc sên' đó suốt đời.

Lối sống của Bê-li-cốp rất kỳ cục và lạ thường. Hắn cho rằng việc ngồi im cả tiếng đồng hồ ở nhà đồng nghiệp là để 'duy trì mối quan hệ tốt với bạn bè'. Bê-li-cốp có vẻ sợ cô đơn, nhưng hắn đã mất đi khái niệm về lối sống đúng đắn, làm 'kẻ dị hợm' thống trị thành phố nhỏ này, khiến mọi người đều 'sợ tất cả'. Ngay cả khi ở nhà, hắn sống trong sợ hãi: 'mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then', như một người mắc bệnh hoang tưởng, hắn sợ mọi thứ. Sê-khốp vẽ nên một bức tranh đen tối và đầy bi hài, khi những 'người trong bao' đã chết ngay khi còn sống, luôn mang trên mình tâm hồn nặng nề như người sống trong ngục tù âm u.

Mặc dù là người kỳ cục như Bê-li-cốp, nhưng hắn lại suy nghĩ đến việc kết hôn. Mọi người cố ghép hắn với nàng Va-ren-ca xinh đẹp, hy vọng hắn sẽ thay đổi với tình yêu của một người phụ nữ sôi động. Điều này khiến hắn 'gầy gò hẳn đi, mặt mày nhợt nhạt'. Thế nhưng, sự kiện đột ngột khiến một kẻ nhút nhát như hắn 'thu mình sâu hơn vào trong bao'. Bê-li-cốp trở thành kẻ có tính cách lạ lùng với đầu óc chứa đầy thành kiến. Sự việc có vẻ bi hài khi cuộc đời của nhà giáo tỉnh lẻ này kết thúc chỉ vì một tiếng cười của Va-ren-ca khi hắn bị xô ngã. Một tháng sau, hắn chết với vẻ mặt 'hiền lành' và 'tươi tỉnh', hạnh phúc khi được chôn trong cái bao của mình, không còn đối mặt với thế giới bên ngoài.

Khi Bê-li-cốp mất, cuộc sống trong thành phố không thay đổi nhiều, chỉ là cuộc sống trở nên 'vô vị' và 'nhàm chán'. Những người 'sống trong bao' không chỉ có Bê-li-cốp mà còn rất nhiều trong xã hội Nga, và 'trong tương lai sẽ còn bao nhiêu người như thế nữa'. Sê-khốp đã thành công trong việc tái hiện cuộc sống lạc hậu, thường tình, giáo điều độc đoán thống trị tâm trí người dân Nga, đẩy họ vào cuộc sống khổ sở và tù túng. Ngôn ngữ chân thực, mộc mạc và sinh động giúp xây dựng cốt truyện hấp dẫn, tạo nên hình ảnh 'Người trong bao' đặc sắc - biểu tượng của thời kỳ.

2. Viết đoạn văn ngắn bàn về lối sống và con người nhân vật Bê - li - cốp trong tác phẩm Người trong bao của Sê - khốp

Tác phẩm "Người trong bao" nổi tiếng và gây ấn tượng bởi tính thời sự và thiết thực của nó. Nổi bật là lối sống đáng phê phán - thực trạng của Nga lúc bấy giờ là tồn tại lối sống trong bao. Đọc tác phẩm ta sẽ thấy rõ lối sống trong bao được khắc họa vô cùng rõ nét qua nhân vật Bê-li-cốp. Một thầy giáo luôn luôn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên, đeo kính râm, lỗ tai nhét bông, luôn kéo mui khi ngồi xe ngựa, đồ đạc lúc nào cũng cất kĩ trong bao, khi ngủ thì hắn kéo chăn trùm đầu kín mít… thời tiết nào hắn cũng ăn mặc như vậy. Hơn nữa Be-li-cốp còn làm theo những thông tư, chỉ thị nghị quyết hết sức máy móc vì hắn luôn cảm thấy sợ hãi và muốn được an toàn; tự cho là mình sống đúng mẫu mực nên hắn luôn săm soi người khác, ai có biểu hiện sống khác hắn là hắn sẽ hăm doạ, rồi đi báo cáo thanh tra. Một lối sống giáo điều, khép kín,quá cứng ngắc, luôn chỉ tuân theo quy tắc, ích kỉ. Đây gọi là lối sống trong bao. Luôn tự giấu mình trong chiếc bao vô hình mà mình tự tạo ra. Từ đó mà trở nên nhút nhát, sợ hãi với những điều tầm thường xung quanh. Giống như nhân vật chính trong truyện, Bê-li-cốp đã ốm và chết vì bị Kô-va-len-cô đẩy ngã xuống cầu thang trong tiếng "cười âm vang, lảnh lót", "cười phá lên" của Va-ren-ca. Như vậy có thể kết luận rằng lối sống trong bao là lối sống không tốt vì nó quá khép kín, quá an toàn, không có sự mạo hiểm, lí tưởng trong cuộc sống nên dần bị động và bị mọi người ghét bỏ.

3. Phân tích hình tượng cái bao trong tác phẩm Người trong bao của Sê - khốp

Sê-khốp là nhà văn nổi tiếng người Nga với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn độc đáo, hấp dẫn đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân bản sâu xa. Và có thể nói, truyện ngắn “Người trong bao” sáng tác năm 1898 là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Truyện ngắn “Người trong bao” đã xây dựng được hình tượng nhân vật độc đáo, chi tiết nghệ thuật đặc sắc và hình tượng cái bao là một chi tiết nghệ thuật, một hình tượng như thế.

Như chúng ta đã biết, cái bao là một vật dụng gần gũi, phổ biến trong đời sống của con người, được dùng để đựng, gói đồ vật, hàng hóa và trong truyện ngắn “Người trong bao”, hình tượng cái bao trước hơn hết là một vật dụng mang ý nghĩa như thế. Cái bao được nhân vật Bê-li-cốp đựng những đồ vật cần thiết trong cuộc sống của mình “ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao bằng da hươu” và đến cả chiếc dao dùng để gọt bút chì cũng được Bê-li-cốp để ở trong bao. Như vậy, trong tác phẩm, trước hơn hết là hình ảnh mang ý nghĩa tả thực.

Nhưng không dừng lại ở đó, trong truyện ngắn “Người trong bao”, hình ảnh chiếc bao còn là hình ảnh xuyên suốt và mang ý nghĩa tượng trưng. Trước hết, chiếc bao là hình ảnh tượng trưng cho lối sống thu mình, hèn nhát và luôn sống trong nỗi sợ hãi của Bê-li-cốp. Không chỉ dùng bao để cất, đựng những đồ vật của mình như chiếc ô, dao gọt bút chì, chiếc đồng hồ mà ngay cả đến bản thân của Bê-li-cốp cũng được giấu kĩ trong một “cái bao”. Đọc những câu văn tác giả Sê-khốp miêu tả nhân vật Bê-li-cốp chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra dường như nhân vật đang giấu mình trong một chiếc bao kín mít từ đầu cho tới chân – cái mặt được giấu sau một chiếc cổ áo bành tô lúc nào cũng được bẻ đứng lên, mắt đeo kính râm, tai nhét bông, chân đi giày cao su và tay lúc nào cũng cầm ô. Không chỉ qua chân dung của nhân vật, nơi ở của Bê-li-cốp cũng ở trong bao bởi đó là một căn phòng chật như cái hộp và những ô cửa thì lúc nào cũng kín mít. Và như vậy, qua những chi tiết trên có thể thấy nhân vật Bê-li-cốp được bao bọc bởi rất nhiều lớp bao, từ chiếc áo chần bông, cái kính râm, đôi giày cho đến căn phòng nơi hắn sống. Thêm vào đó, ngay cả ý nghĩ của mình, Bê-li-cốp cũng cho nó vào trong bao. “Đối với hắn, chỉ có những chỉ thị, thông tư, những bài báo cấm đoán điều này, điều nọ mới là cái rõ ràng”. Cái bao ấy là do chính nhân vật tự tạo ra cho mình ấy chính là một lớp vỏ để che giấu những nỗi sợ hãi, hèn nhát của hắn, để bảo vệ hắn trước những âu lo, khó chịu của cuộc sống bên ngoài, để hắn có thể sống, có thể sống đắm chìm trong quá khứ với những lạc hậu và bảo thủ. Có thể nói, Bê-li-cốp với lối sống, lối suy nghĩ trong bao của mình là một điển hình cho một bộ phận người tri thức Nga. Đó chính là lối sống hèn nhát, bảo thủ, luôn sống thu mình trong nỗi sợ hãi, lo âu và chính điều đó khiến cho cuộc sống của họ ngày càng trở nên tù túng, ngột ngạt. Không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng chiếc bao trong tác phẩm còn là hình ảnh tượng trưng cho chế độ Nga hoàng chuyên chế bảo thủ, trì trệ đã bóp nghẹt cuộc sống của con người, khiến cho cuộc sống của họ ngày càng trở nên ngột ngạt, tù túng hơn.

Tóm lại, hình tượng cái bao trong truyện ngắn “Người trong bao” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Sê-khốp. Đồng thời, qua hình tượng cái bao, tác giả đã phê phán những con người có lối sống trì trệ, bảo thủ, hèn nhát, luôn sống trong nỗi sợ hãi và tự tạo ra một chiếc vỏ bọc cho chính mình.

4. Truyện ngắn “Người trong bao” kể về lối sống trong bao của Bêlicốp với cảm hứng phê phán sâu sắc.

Có thể nói suốt cuộc đời mình Bêlicốp chưa dám sống một phút giây nào. Hắn tìm kiếm sự an toàn trong cái bao cả về thể xác lẫn nội tâm. Thứ tiếng hắn dạy là tiếng Hi Lạp cổ lỗ, lỗi thời. Sinh hoạt hàng ngày của hắn cũng hết sức khác thường, y luôn bao kín mình trong đống quần áo, mũ, kính, ủng bất kỳ mưa hay nắng. Hắn lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt là thu mình vào trong một cái bao để ngăn cách, bảo vệ hắn với thế giới bên ngoài. Về mặt tinh thần cũng vậy, Bêlicốp chỉ ca ngợi quá khứ, những cái không bao giờ có thực để trốn chạy hiện tại. Ngay cả ý nghĩ hắn cũng cố giấu trong bao bởi hắn luôn sợ “Nhỡ xảy ra chuyện gì”.

Lối sống của Bêlicốp vừa khiến ta giận vừa khiến ta thương bởi kiếp người sống lay lắt mỏi mòn, lúc nào cũng lo âu, sợ sệt…Đây là phân nhân bản tiêu cực của con người được nhìn nhận bằng thái độ nhân bản đầy cảm thông, yêu thương. Phê phán lối sống trong bao này, Sêkhốp đã gián tiếp cho con người thấy họ sống nhàm chán, buồn tẻ, vô vị, vô nghĩa và cần thay đổi lối sống trong bao đó để sống có ý nghĩa, có nhân bản hơn.

Nhưng Sêkhốp không chỉ dừng lại ở một cá nhân, ông đã miêu tả tác hại của lối sống đó ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Bằng tiếng thở dài và lời than vãn của mình Bêlicốp như làm một cuộc thôi miên tập thể cả thành phố. Họ sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen… Từ đó, Sêkhốp phê phán xã hội không có nhân bản khi con người không dám làm việc tốt (đọc sách, làm từ thiện, giúp người nghèo…), không dám vui chơi giải trí (xem hát, diễn kịch, nói to, làm quen,…). Sêkhốp đã đánh thức trong lòng người đọc nhận biết tâmlí trong bao nô lệ mà tránh xa nó, để sống có ý nghĩa, sống hành động, sống hoà hợp với thiên nhiên, con người, xã hội, xoá bỏ tâm lí nô lệ sợ hãi để xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn.

5. Chỉ ra sự chết dần của chất người trong con người qua nhân vật bê - li - cốp trong truyện ngắn Người trong bao của Sê - khốp

Bêlicốp sống không mơ ước, không khát vọng, sống không làm việc có ích, anh ta luôn cố thu mình trong bao, luôn sợ “Nhỡ xảy ra chuyện gì”…Đó chính là sự chết dần của nhân tính, của chất người, đó ngược lại với nhu cầu và ý nghĩa nhân sinh.

Tác hại của lối sống trong bao rất lớn nên mọi người phải có trách nhiệm phá bỏ nó đi để có một cuộc sống khác. Con người phải phát huy phần tốt đẹp chứ không được thui chột nó đi. Trong truyện, dưới ảnh hưởng của lối sống trong bao, phần chất người bị thui chột dần đi. Những việc làm có ích như đọc sách,làm từ thiện, giải trí…hay những việc vô hại như nói to, làm quen, gửi thư… mà con người cũng không dám làm. Điều đó chứng tỏ xã hội này là xã hội vô nhân bản và chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống để có một xã hội khác tốt đẹp hơn.

IV. Danh sách đề thi phân tích tác phẩm Người trong bao của Sê - khốp

1. Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê - khốp

Sê-khốp (1860-1904) là một trong những cây đại thụ của rừng văn học Nga, đã để lại nhiều kịch bản và hơn năm trăm truyện ngắn. Tác phẩm của Sê-khốp làm hiện lên toàn cảnh xã hội nước Nga cuối thế kỉ XIX ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế bảo thủ nặng nề dưới thời Sa hoàng.

Truyện ngắn "Người trong bao" được Sê-khốp viết vào năm 1898. Qua nhân vật Bê-li-cốp, tác giả châm biếm và đả kích người trí thức Nga sống tầm thường, hủ lậu, hèn nhát và giáo điều, đê tiện và dung tục; đồng thời chỉ ra lối sống ấy đã để lại nhiều di hại đầu độc tâm hồn người, đầu độc cuộc sống, gây ảnh hưởng và hậu quả nặng nề, dai dẳng trong xã hội nước Nga. Cái bao mang hàm nghĩa về một kiếp người, một lối sống, một xã hội đen tối, tù túng, nặng nề mà không sao thoát ra được, chết rồi cũng không thoát ra được!

Cuộc đời của anh giáo chức tỉnh lẻ Bê-li-cốp là những trang hài, là một bức tranh biếm hoạ cười ra nước mắt. Chả thế mà cô giáo Va-ren-ca đã "cười phá lên" khi Bê-li-cốp bị xô ngã "lộn nhào" xuống chân cầu thang, và cô đã "oà lên khóc" khi hắn đã nằm trong bao đi chầu âm phủ !

Bê-li-cốp, giáo viên trung học dạy tiếng Hi Lạp cổ. Hắn quen sống trong tù túng, nô lệ. Với hắn thì "nếu không có chỉ thị nào cho phép thì ta không được làm. Hắn sống vì quá khứ, như một kẻ mang bệnh tâm thần, lúc nào cũng sống trong tâm trạng "sợ hãi", "lo âu", "nhút nhát" . Hắn chỉ có một chút niềm vui do bệnh nghề nghiệp sinh ra. Hắn nói "ngọt ngào”: "Ôi, tiếng Hi Lạp nghe thật tuyệt vời êm tai", rồi "nheo mắt lại", "giơ một ngón tay lên" và thốt ra tiếng: "An-thro-pos”. Phải chăng lúc đó gã Bê-li-cốp hạnh phúc nhất. Chắc lúc ấy hắn đã thò đầu ra khỏi cái bao trong khoảnh khắc!

Bê-li-cốp sống một cách kì quặc, vừa lập dị vừa lẩm cẩm. Con người hắn cuộc đời hắn, từ cử chỉ, hành động đến ngôn ngữ sinh hoạt. Hắn như đã bị cầm tù, đã bị nhốt vào bao. Quanh năm suốt tháng, nắng mưa, ngay cả mùa hạ hắn vẫn khoác áo bành tô ấm cốt bông! Lúc nào chân cũng đi giày cao su. Chiếc ô, đồng hồ quả quýt, con dao nhỏ để gọt bút chì... tất cả đều đút trong bao. Ngồi xe ngựa, hắn bắt phải hạ mui xe. Bộ mặt hắn cũng được giấu kín trong bao, đó là cái cổ áo bành tô cổ bẻ. Lỗ tai hắn cũng nhét bông. Mọi ý nghĩ, hắn "cũng giấu vào bao". Với hắn thì cái bao là một thứ vỏ bọc để "ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài". Nhưng thật hài hước, đầu óc hắn cũng chỉ là một cái bao cổ hủ để bọc lấy những chỉ thị, thông tư, những bài báo quy định cấm đoán điều này điều nọ mà hắn cho là "rõ ràng". Hắn vừa hèn vừa đáng thương! Hắn thật tội nghiệp!

Qua các chi tiết nói về cái bao, Sê-khốp châm biếm một loại "linh hồn chết" trong xã hội Nga cuối thế kỉ XIX, đó là loại trí thức sống lạc hậu, cổ hủ, nô lệ, mù quáng, sống cuộc đời chật hẹp, quẩn quanh tù túng.

Cách sống của Bê-li-cốp cũng rất kì lạ. Hắn có một thói quen "kì quặc". Hắn thường đến các nhà giáo viên, như hắn nói đến để "duy trì những mối quan hệ tốt với bạn bè". Nhưng hắn đến mà "chẳng nói chẳng rằng", cứ “ngồi im như phỗng", mắt thì nhìn quanh "như tìm kiếm vật gì", độ một giờ sau thì cáo từ. Tính hắn hâm hay hắn là một mật vụ lân la dò xét? Vì thế, giáo viên nào trong trường cũng sợ hắn. Cả hiệu trưởng, oai quyền thế cũng sợ hắn. Cả thành phố đều sợ hắn. Các bà, các cô không dám diễn kịch vào tối thứ bảy vì sợ rằng "nhỡ hắn biết thì lại phiền". Giới tu hành không dám ăn thịt và đánh bài khi có mặt hắn. Bê-li-cốp như một bóng ma, một hung thần gieo rắc sợ hãi, làm cho dân chúng trong thành phố suốt một thời gian dài mười lăm năm trời “sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, sợ giúp đỡ người nghèo, sợ dạy học chữ...".

Sê-khốp đã chỉ ra và cho thấy loại người trong bao, lối sống trong bao thật vô cùng đáng sợ. Loại người ấy, lối sống ấy đã toả chiết tâm hồn người, bao phủ lên khắp mọi nơi một bóng đen đáng sợ.

Vì quanh năm suốt tháng tự nhốt mình trong bao nên Bê-li-cốp sống như một người bệnh tưởng, trầm cảm. Hắn sợ ánh sáng, sợ bóng tối, sợ trộm vào nhà, sợ lão nấu bếp cắt cổ hắn. Nhà lúc nào cũng đóng chặt cửa, cài then, chăn trùm đầu kín mít lúc ngủ, ở nhà mùa hè cũng như mùa đông, lúc nào hắn cũng mặc áo khoác ngoài. Suốt đêm, "hắn toàn mơ những điều khủng khiếp" vì thế buổi sáng đến trường, mặt hắn "tái nhợt, rầu rĩ" một cách thảm hại! Lối sống đó là sống khổ, sống mà như chết. Bê-li-cốp đã tự cầm tù mình, đày đọa mình, gây đau khổ cho thân mình. Hắn thật đáng thương hại.

Hóm hỉnh và ý vị biết bao khi Sê-khốp nói về bi kịch ái tình của người trong bao. Cô giáo Va-ren-ca khoảng ba mươi tuổi mới về trường, thế là nữ thần ái tình đến gõ trái tim Bê-li-cốp. Trên bàn trong ngôi nhà "chật như cái hộp", hắn trân trọng đặt tấm ảnh người đẹp. Ý định lấy vợ choáng ngợp tâm hồn hắn, nhưng vì quen sống trong bao nên hắn cứ lần lữa đắn đo, suy tính, lúc nào mặt mày cũng nhợt nhạt đáng thương. Hắn bị gán ghép, rồi hắn có vẻ thích Va-ren- ca... Thế là bức tranh biếm hoạ "An-thro-pos si tình" (kẻ si tình) được gửi đến tất cả các giáo viên ở hai trường nam nữ, giáo viên chủng viện, các viên chức và cả Bê-li-cốp nữa. Bức biếm hoạ mới gợi tình làm sao: hình ảnh "Bê-li-cốp đang đi, chân xỏ trong giày mưa, quần túm ống, tay cầm ô, tay khoác tay Va-ren-ca". Chà! Người trong bao lãng mạn và đa tình quá! Nhưng Bê-li-cốp lại bị sốc, bị bức tranh châm biếm gây cho hắn "một ấn tượng nặng nề".

Sê-khốp đã tạo nên những chi tiết điển hình, những tình huống điển hình để khắc họa tính cách của Bê-li-cốp người trong bao. Dư vị chua cay, hài hước của câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn.

Bê-li-cốp chẳng gặp "hên" một chút nào! Ngày chủ nhật, mùng một tháng năm hôm ấy, thầy trò cả trường trung học tổ chức cùng đi ra ngoài thành phố vào rừng chơi. Nhưng anh chàng Bê-li-cốp đã bỏ về giữa chừng. Giữa đường hắn bất ngờ thấy hai chị em Va-ren-ca cưỡi xe đạp phóng qua. Cô chị "mặt mày ửng đỏ... vui vẻ, hớn hở" gào to: "Trời hôm nay đẹp thật, đẹp tuyệt, đẹp ghê gớm!". Bê-li-cốp "ngẩn người ra", như bị choáng, bị ma ám: "Mặt mày đang từ xanh mét chuyển sang trắng bệch". Người trong bao phàn nàn, trách cứ: "Chẳng lẽ giáo viên và đàn bà, con gái lại có thể cưỡi xe đẹp, làm như thế coi sao tiện?".

Phải chăng hắn là một kẻ cổ hủ đáng cười? Phải chăng hắn là một nhà mô phạm đang bảo vệ nên đạo đức chính thống?

Suối ngày hôm sau, người trong bao đau khổ dằn vặt, bực dọc, toàn thân run lên", thậm chí hắn bỏ cả buổi lên lớp, bỏ cả cơm trưa. Tối hôm đó, dù đang tiết mùa hạ, nhà đạo đức bèn "mặc áo ấm" lần mò đến nhà hai chị em Va-ren- ca. Cô chị đi vắng, hắn chỉ gặp được người em. Hắn thật thà thanh minh về bức tranh châm biếm. Hắn khẳng định nhân cách "tử tế, đứng đắn" của mình. Lấy tư cách là "bạn đồng nghiệp đi trước", hắn nhắc nhở kẻ "mới bắt đầu đi làm" đôi điều. Hắn chê trách việc đi xe đạp của hai chị em Va-ren-ca "hoàn toàn không hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên". Hắn cảnh cáo việc đi xe đạp ấy là thiếu gương mẫu, là trái pháp luật, trái nội quy vì "chưa có chỉ thị nào cho phép thì không được làm". Hắn bày tỏ thái độ nào là "phát kinh lên", nào là mắt hoa lên" khi nhìn thấy cảnh đàn bà, con gái đi xe đạp! Hắn khuyên nhủ Cô- va-len-cô phải xử sự "thận trọng", không được buông thả quá chừng như mặc áo thêu ra đường, trong tay còn cầm sách này nọ, lại còn cưỡi xe đạp nữa. Hắn nhắc nhở nếu chuyện ấy đến tai ông hiệu trưởng, ông thanh tra thì "còn ra cái thể thống gì”.

Khi bị Cô-va-len-cô cự lại, hắn răn dạy: "Anh cần phải có thái độ kính trọng đối với chính quyền". Hắn doạ "sẽ báo cáo với ngài hiệu trưởng nội dung câu chuyện" đã xảy ra mà hắn đã nói với Cô-va-len-cô.

Cuộc đôi co diễn ra. Cô-va-len-cô “thô bạo" chỉ vào mặt Bê-li-cốp và bảo hắn là "tên mách lẻo”, rồi túm lấy cổ áo hắn, tống cổ ra khỏi nhà. Người trong bao "lộn nhào xuống chân cầu thang”. Sự việc diễn ra đầy kịch tính. Khi Bê-li- cốp "sờ lên mũi xem cặp kính có còn nguyên vẹn không", thì hai người đàn bà và Va-ren-ca bỗng từ đâu xuất hiện, nhìn thấy. Bê-li-cốp đau khổ cảm thấy thà "tự vặt cổ” còn hơn là biến thành trò cười cho thiên hạ. Hắn vô cùng lo sợ câu chuyện sẽ đến tai ngài hiệu trưởng, ngài thanh tra. Người ta sẽ vẽ tranh châm biếm hắn, sẽ ép hắn về hưu...

Có bao chi tiết bi hài. Nhất là khi Va-ren-ca "cười phá lên vang khắp khu nhà". Tiếng cười "ha-ha-ha!" lảnh lót, âm vang ấy "đã chấm dứt tất cả”: "chấm dứt chuyện cưới xin, chấm dứt cả cuộc đời của Bê-li-cốp". Cái ngã của Bê-li-cốp xuống chân cầu thang, điệu cười "lảnh lót" của Va-ren-ca có giá trị và ý nghĩa phê phán một cách chua cay lối sống giáo điều, dung tục của hạng người trong bao. Kẻ hủ lậu lên mặt đạo đức giả, dạy đời bằng bài học luân lý cổ lỗ đã bị Sê- khốp châm biếm qua một tình huống bi hài.

Chỉ một tháng sau bị xô ngã, Bê-li-cốp chết. Trước khi đi chầu Diêm Vương, hắn không quên cất tấm ảnh Va-ren-ca để trên bàn đi. Hắn nằm trong quan tài với vẻ mặt "hiền lành, dễ chịu, tươi tỉnh". Phải chăng hắn "mừng" vì được "chui vào cái bao" vĩnh viễn. Đám ma hắn được cử hành trong một buổi , trời mưu dầm âm u". Lúc hạ huyệt, Va-ren-ca "bỗng oà lên khóc". Nàng khóc vì thương tiếc một thiên tình sử chăng? Nàng khóc vì thương hại một con người bảo thủ, cổ hủ từng làm trò cười cho thiên hạ chăng?

Sau khi Bê-li-cốp chết, lúc đầu ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng rồi chưa đầy một tuần sau, ai cũng cảm thấy "nặng nề, mệt nhọc, vô vị" vì cuộc sống đã lại diễn ra như cũ, "chẳng tốt đẹp gì hơn trước". Một Bê-li-cốp chết, một người trong bao đã về chầu âm phủ nhưng còn lại bao nhiêu người trong bao, và "trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu người như thế nữa!". Sê- khốp đã chỉ rõ: lối sống tầm thường, hủ lậu, giáo điều, dung tục đã đầu độc con người, đầu độc cuộc sống, sẽ gây bao hậu quả nặng nề, sẽ tồn tại dai dẳng trong xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Mọi quái thai, mọi ung nhọt trong xã hội xưa nay đâu dễ một sớm một chiều mà tiệt nọc, mà bị quét sạch! Một Bê-li-cốp chết đi nhưng sẽ còn lại bao nhiêu Bê-li-cốp nữa. Chí Phèo đã ngoẻo nhưng Thị Nở vẫn còn, và cái lò gạch cũ vẫn còn đó. Cái loại người "mũ nỉ che tai", “vòi rụt cổ", "hủ lậu mà tinh tướng" thời nào, xã hội nào chẳng có!

Phải biết coi khinh lối sống cổ hủ, coi khinh tính cách bọn người trong bao. Phải biết sống và dám sống với tinh thần tự chủ, sống có trí tuệ và đạo đức của con người mới. Đọc truyện "Người trong bao", ta tự hỏi bản thân mình phải sống như thế nào cho đáng sống:

Sê-khốp đã có một lối viết khá hấp dẫn. Diễn biến câu chuyện được kể một cách tự nhiên, chân thực và sinh động. Nhân vật Bê-li-cốp từ vật dụng, cử chỉ, hành động, ý nghĩ đến lối sống được thể hiện bằng nhiều chi tiết rất điển hình. Hắn là sản phẩm tất yếu của một xã hội tù túng, trì trệ.

Nhân vật Va-ren-ca là một nét vẽ tương phản đầy ấn tượng. Nàng yêu đời, sống hồn nhiên, hay hát, hay cười, động một tí là cười phá lên. Cuộc sống tự do, phóng túng của hai chị em Va-ren-ca đã làm xao động cái không khí buồn thảm nơi tỉnh lẻ và đã làm "rách nát" cái bao của Bê-li-cốp, đẩy hắn ta xuống nằm yên trong quan tài - cái bao nơi âm phủ. Bức tranh biếm hoạ, cái ngã cầu thang, cái chết lặng lẽ và đám ma của Bê-li-cốp có giá trị và ý nghĩa phê phán, châm biếm sâu cay.

"Người trong bao" là một truyện ngắn đầy dư vị đưa độc giả "tự đi tìm bóng mình và soi vào bóng người" để mà sống có ý nghĩa hơn như văn hào Lỗ Tấn đã nói.

2. Phân tích nhân vật Bê - li - cốp trong tác phẩm Người trong bao của Sê - khốp

Sê Khốp được biết đến là một nhà văn nổi tiếng của nước Nga, dòng văn mà ông theo đuổi và thành công đó chính là văn hiện thực. Ông là một người có công cách tân truyện ngắn và kịch nói. Sáng tác của ông luôn là chiếc gương phản chiếu lên án những hiện thực ở nước Nga. Trong những tác phẩm của ông tiêu biểu có tác phẩm Người trong bao. Mà qua chân dung và tính cách của nhân vật Bê-li-cốp ta thấy được những cái nhà văn muốn lên án xã hội con người Nga. Cụ thể ở đây chính là phê phán lối sống tầm thường dung tục của tiểu tư sản Nga.

Nhan đề của tác phẩm cũng thật đặc biệt khi ta thấy được rằng chính cái tên ấy đã nói lên phần nào nhân vật Bê-li-cốp. Nhân vật ấy đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản với lối sống dung tục, nhút nhát, giáo điều. Đối với Bê-li-cốp "nếu không có chỉ thị nào cho phép thì ta không được làm". Và cuối cùng thì anh ta cũng phải nằm trong bao mà đi trầu Diêm Vương. Nhan đề ấy thể hiện được cái sự hèn nhát của những người tri thức Nga. Và kết cục của những con người như thế thì không tốt. Lối sống nhút nhát, dung tục ấy sẽ có hại cho người dân Nga, nó gây đầu độc cuộc sống, gây hậu quả nghiêm trọng về sau. Ngoài ra cái bao kia cũng mang hàm ý đó là cái bao bọc bó hẹp, cuộc sống tù túng, đen tối của người tri thức Nga mà sống không thoát ra được chết đi cũng thế.

Trước hết là chân dung của Bê-li-cốp thì nhân vật hiện lên với những cách ăn mặc và bộ mặt của mình. trang phục mà Bê-li-cốp diện thường xuyên đó chính là một chiếc áo bành tô, đi giày cao su và cầm ô. Những trang phục ấy khiến cho ta thấy được Bê-li-cốp là một người chỉ sống vì quá khứ mà thôi. Những chiếc áo bành tô từ thời xưa cũng được anh diện suốt ngày, ngặt một nỗi nữa là mặc quang năm mặc là mưa nắng hay gió bão gì, đã thế lại còn cầm ô, đi giày cao su nữa. Trông Bê-li-cốp giống như những người của thế kỉ xưa cũ. Đã thế bộ mặt của anh ta lúc nào cũng dấu sau cái cổ áo bành tô ấy, đi xe ngựa thì lại phải kéo mui xe xuống để che mặt. Không những thế tai hắn còn nhét bông mà người ta thầm nghĩ rằng là nhét "trong bao". Vậy đấy chân dung của Bê-li-cốp hiện lên với những vật dụng có từ ngày xưa và những lập dị của hắn. Không những thế tất cả mọi thứ từ con người cho đến những vật dụng của anh ta đều được để gọn gàng dấu kín trong bao. Chính vì thế mà ta có thấy cảm nhận thấy được rằng chính Bê-li-cốp đang cố tạo cho mình một cái bao ngăn cách với những người xung quanh, để tránh ảnh hưởng đến bản thân mình. Phải chăng đó chính là sự ích kẻ hèn nhát của những con người trí thức trong xã hội Nga thời bấy giờ? Nói chúng qua chân dung của Bê-li-cốp ta thấy được rằng đại đa số trí thức Nga lúc bấy giờ có lối sống dung tục hèn nhát như thế, mọi thứ trở nên lập di với xã hội và chính những điều ấy gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người Nga.

Về phần tính cách của nhân vật này cũng rất kì lạ. Thu mình trong vỏ bọc là thế nhưng Bê-li-cốp lại có những ước mơ khát vọng khó hiểu lập dị. Đó là khát vọng ngăn cách với cuộc sống con người, chỉ biết sống cho mình, mình được an toàn và tránh xa mọi điều làm tổn hại đến sự an toàn ấy. Tính cách của Bê-li-cốp đó là sợ hãi hiện tại và tôn sùng những gì là của quá khứ. Anh ta say mê tiếng Hi Lạp cổ vì thế mà anh ta hạnh phúc nhất khi thốt lên câu "An- thro- pos". Có lẽ đó là khoảnh khắc duy nhất để anh ta chui ra khỏi cái bao bọc của mình. Tính tình anh ta giống như một kẻ tâm thần chỉ biết "lo âu", "sợ hãi", "nhút nhát". Không những thế Bê-li-cốp chỉ thích sống theo thông tư chỉ thị. Một khi chưa có thông tư chỉ thị thì không thể làm được. Làm theo thông tư là tốt nhưng có những chuyện đợi thông tư đến thì sẽ muộn mất thì hắn vẫn không dám giải quyết. Điều đó thể hiện lối sống cứng nhắc quá mức. Chính bởi thế mà anh ta không thể nào thoát khỏi cái vỏ bọc của bản thân mình. Sống trong sợ hãi thì còn sống làm gì nữa. Đồng thời anh ta luôn bằng lòng với lối sống cổ hủ lạc hậu và không chịu được cách sống thức thời của chị em nhà Va-ren-ca.

Có thể nói nhân vật hiện lên như một thảm họa của tạo hóa, một con người cô độc lạc lõng, kì quái, khủng khiếp và không hiểu cuộc sống đương thời.

Chính vì cái kì quái ấy mà khiến cho biết bao nhiêu ngươi sợ hắn. Các giáo viên trong trường hay đến hiệu trưởng cũng sợ hắn. Bình thường hắn đến thăm nhà giáo viên mà hắn cho rằng công việc ấy nhằm suy trì tình bạn tốt đẹp thế nhưng khi đến thì hắn chẳng nói chẳng rằng, chỉ ngồi phỗng ra đó và rồi đưa mắt nhìn xung quanh khiến cho người ta phải sợ. Rồi một lát thì cáo từ về. Đến chơi mà không nói gì thì đến để làm gì? Các bà diễn kịch cũng không dám gặp mặt hắn, phải dấu. Các nhà tu thì không dám ăn thịt và đánh bài khi có mặt hắn. Qủa thật Bê-li-cốp giống như một con ma đáng sợ khiến cho cả thành phố con người Nga phải khiếp sợ hắn. Cuộc sống như thế có khác nào địa ngục mà hắn cứ chui cái thân thể và cả tâm hồn mình trong cái vỏ bọc. Có thể nói chính cái lối sống của hắn đã ảnh hưởng đến cuộc sống và con người Nga hiện tại và tương lai. Nhân vật ấy giống như nền phong kiến tối tăm của Nga lúc bấy giờ.

Hắn cứ thế sống quanh năm với những nỗi lo sợ của mình. Nào là sợ ánh sáng ban ngày, sợ bóng tối, sợ trộm. Trong nhà lúc nào cũng đóng then cái cửa, đắp chăn kín mít cả đầu. Hắn toàn mơ thấy những điều kinh khủng nhất và chính vì thế mà hắn luôn thức dậy với bộ mặt tái nhợt. Không thể nào quên kể đến câu chuyện tình của Bê-li-cốp với cô nàng Va-ren-ca khi nàng đến thì Bê-li-cốp đã yêu nàng. Và chính vì thế mà anh ta để hắn cả một tấm hình của người đẹp lên trên bàn làm việc của mình. Anh ta còn tính đến chuyện cưới xin nữa, thế rồi có người vẽ tranh biếm họa về đám cưới của anh ta và Va-ren-ca. Bức biếm họa ấy được gửi đến cả trường nam và trường nữ. Trong một lần Bê-li-cốp nhìn thấy chị em nhà Va-ren-ca cưỡi xe đạp giữa đường thì hắn cho rằng như thế chẳng ra thể thống gì cả. và hắn quyết định đến nói với chị em họ. Cô chị không có nhà chỉ có cô em. Hai bên cãi vã nhau và Va-ren-cô đẩy Bê-li-cốp xuống cầu thang khiến cho anh ta ngã nhào. Không thể quên được tiếng cười ha ha của Va-ren-cô. Tiếng cười ấy không những chấm dứt chuyện cưới xin mà còn phê phán cái lối sống trong bao của Bê-li-cốp nói riêng và người tri thức Nga nói chung. Và sau một tháng thì Bê-li-cốp chết, anh ta được nằm trong cái bao vĩnh viễn.

Qua đây ta thấy được nhà văn Sê-Khốp đã lên án cái lối sống của những con người tri thức cổ hủ lạc hậu, lo sợ chỉ biết sống cho chính bản thân mình. Cách sống ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con người Nga hiện tại và con người tương lại. Chính vì thế lên án để mà không sống như vậy nữa.

3. Qua nhân vật Bê li cốp ( Người trong bao- Sê khốp), em hiểu thế nào là lối sống trong bao? Hãy trình bày suy nghĩ của mình về lối sống của thanh niên hiện nay?

Trong xã hội suy tàn , người ta thường thấy xuất hiện những kiểu người kì quái, lạ lùng, không chỉ gây tò mò mà có khi làm vẩn đục không khí cuộc sống, đem lại tai họa cho những người chung quanh. Bê li cốp trong tác phẩm Người trong bao là một kiểu người kì quái như thế. Viết truyện ngắn này, nhà văn đã đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội xưa và nay khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Đọc truyện, chúng ta thấy thầy giáo Bê-li- cốp vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân, một nạn nhân bi thảm, của cái xã hội ngột ngạt của chế độ chuyên chế Nga Hoàng thời bấy giờ. Chân dung của Bê-li-cốp là bức chân dung dị thường. Con người này lúc nào cũng vậy, luôn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên, đeo kính râm, lỗ tai nhét bông, luôn kéo mui khi ngồi xe ngựa,đồ đạc lúc nào cũng cất kĩ trong bao. Đã thế khi ngủ thì hắn kéo chăn trùm đầu kín mít… thời tiết nào hắn cũng ăn mặc như vậy. Cái bộ dạng này dường như ngay lập tức khiến độc giả cảm thấy hài hước bởi sự phi lí quá đáng. Dường như cả bộ mặt của hắn “cũng để ở trong bao”. Cả ý nghĩ của mình, Bê-li-cốp cũng cố giấu vào bao. Hắn không nói những điều mình nghĩ, hắn nói theo thông tư, chỉ thị, những lời nói rao giảng, giáo điều. Sự khô khan cứng nhắc của Bê-li-cốp được tái hiện trong từng lời kể tỉ mỉ của Bu-rơ-kin như một thước phim quay chậm chạp. Để trốn tránh thực tại, Bê-li-cốp lúc nào cũng ngợi ca, tôn sùng quá khứ, muốn trở về những cái không có thật. Hắn chỉ biết đến bản thân, một lối sống ích kỉ; không chỉ có vậy, hắn áp đặt mọi người, mọi chuyện xung quanh mình theo suy nghĩ cực đoan.

Có thể khái quát con người và tính cách cửa Bê-li-cốp bằng những hình ảnh, từ ngữ như hèn nhát, cô độc, máy móc, giáo điều, thu mình trong “bao”, trong vỏ ốc và cảm thấy yên tâm, mãn nguyện về lối sống đó. Anh chị em giáo viên trong trường nơi y làm việc, dân cư trong thành phố nơi y sống, tất cả mọi người đều sợ y, ghét y, tránh xa y, ghê tởm y. Khi Bê li cốp chết, mọi người thấy nhẹ nhàng, thoải mái, nhưng một tuần sau người ta thấy xuất hiện nhiều người như hắn. Cuộc sống chẳng tốt đẹp gì hơn trước. Rõ ràng Bê- li-cốp không phải là một con người cụ thể, một trường hợp duy nhất mà đã trở thành nhân vật điển hình trong xã hội. Lối sống, kiểu người Bê-li-cốp là một lối sống mang tính phổ biến trong xã hội. Lối sống ấy đã đầu độc không khí trong sạch, lành mạnh của đạo đức, văn hoá nước Nga đương thời.

Kết thúc truyện, tác giả mượn lời bác sĩ i van nứt để bày tỏ thái độ, quan điểm: "không thể sống mãi như thế được”. Qua truyện ngắn này, Sê-khốp phê phán mạnh mẽ kiểu “người trong bao”, “lối sống trong bao” cùng tác hại của nó đối với hiện tại và tương lai nước Nga; đồng thời cảnh báo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cách sống, không thể sống tầm thường, hèn nhát, ích kỉ, vô vị và hủ lậu mãi như thế.

Đó là bài học về cách sống, còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay với một số bộ phận thanh niên nước ta. Bê-li-cốp đã vĩnh viễn nằm trong bao cách đây hơn thế kỉ, nhưng kiểu “người trong bao” và lối sống “trong bao” cùng những biến thể của nó vẫn tồn tại đây đó trong xã hội hiện đại. Trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện giống Bê li cốp: Còn một bộ phận thanh niên sống thu mình, hèn nhát, ích kỉ. Họ chỉ biết đến mình, lo vun vén cho bản thân mình, không quan tâm chia sẻ , giúp đỡ những người xung quanh. Đôi khi, họ sống cô độc, không tham gia vào các hoạt động tập thể, không hi sinh vì lợi ích chung. Mặt khác, xã hội ngày nay thường sản sinh ra những con người vô cảm, lạnh lùng, làm việc như một cái máy, không hề quan tâm đến suy nghĩ của những người xung quanh. Có nhiều bạn trẻ sống lạc hậu, không hòa nhập với cộng đồng… Chúng ta ít nhiều đều có phần giống với Bê Li cốp. Tất cả những biểu hiện của lối sống Bê li cốp đều xuất hiện phổ biến quanh ta, trong bạn, trong tôi và trong tất cả mọi người.

Tác hại của lối sống ấy trong xã hội ngày nay? Chắc không cần nói nhiều mọi người cũng có thể nhận rõ: nó ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề tới những người xung quanh và đối với toàn xã hội.

Vậy phải làm gì để loại bỏ lối sống ấy ra khỏi cộng đồng? Rõ ràng vấn đề không phải là chống lại, tiêu diệt những “người trong bao” mà là phải thay đổi, xoá bỏ môi trường đã sản sinh ra những “người trong bao” ấy. Chừng nào cái chế độ tàn bạo, thối nát, bất công còn tồn tại thì những sản phẩm và cũng là nạn nhân của nó vẫn không thể mất đi. Trong xã hội ngày nay, muốn xóa bỏ lối sống Bê li cốp thì mỗi chúng ta trước hết phải xây dựng cho mình lối sống lành mạnh,dám thử sức, dám đấu tranh, dám tiếp thu cái mới, gần gũi, giúp đỡ những kẻ sống hèn nhát. Đồng thời chúng ta cần lên án, bài trừ lối sống đó, hãy đừng thờ ơ, vô cảm và thụ động, thu mình như người trong bao để rồi cuộc đời bị bóp nghẹt trong cái bao của chính mình.

Đọc truyện Người trong bao, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về tác hại của lối sống bê li cốp để xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, nhân ái, hòa đồng. Là học sinh, sinh viên, trước hết mỗi chúng ta cần rèn luyện cho mình lối sống đoàn kết, gắn bó với tập thể lớp, tích cực tham gia các hoạt động chung để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kết bạn bốn phương. Đồng thời chúng ta cũng nên lắng nghe những ý kiến góp ý của tập thể để tự hoàn thiện mình.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        3 bài văn mẫu phân tích tác phẩm "Người trong bao" của Sê - khốp hay nhất (Ngữ văn 11)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO