Quản lý và thu thập thông tin có nguyên tắc chặt chẽ
Trong thời gian vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng: "Từ ngày 01/01/2025 cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử (TMĐT)". Về nội dung thông tin này Tổng cục Thuế khẳng định nội dung trên là không chính xác theo quy định pháp luật thuế.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, tất cả cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế vào NSNN và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh TMĐT.
Như vậy, theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan bao gồm: Sàn giao dịch TMĐT, Ngân hàng Thương mại, đơn vị vận chuyển… cung cấp các thông tin liên quan phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp của NNT và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Do vậy, thông tin cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân từ 01/01/2025 là không đúng.
Trên cơ sở thông tin thu thập được từ nhiều nguồn, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu thông tin người nộp thuế (NNT) đã kê khai để xác định những NNT không thực hiện việc khai, nộp thuế hoặc khai không đầy đủ số thuế phải nộp và thực hiện xử lý truy thu, xử phạt theo quy định. Trường hợp xác định NNT có hành vi trốn thuế thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật.
Trong thời gian qua, ngành thuế luôn chú trọng, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ NNT trong việc thực hiện các quy định chính sách về thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số thông qua truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình, mạng xã hội …), xây dựng ứng dụng AI "Trợ lý ảo trong hỗ trợ người nộp thuế" với mục tiêu kịp thời giải đáp, hỗ trợ 24/7 các câu hỏi, vướng mắc của NNT; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành tốt quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế.
Quy định quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT
Theo quy định về pháp luật quản lý thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Số thuế phải nộp được xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu. Tỷ lệ % (thuế suất) áp dụng đối với cá nhân kinh doanh theo lĩnh vực ngành nghề quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính.
Theo đó, cá nhân bán hàng online nộp thuế TNCN với thuế suất 0,5%, thuế GTGT với thuế suất 1%; cá nhân có thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ khác nộp thuế TNCN với thuế suất 2%, thuế GTGT với thuế suất 5%, ...
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa hỗ trợ NNT thực hiện các thủ tục thuế theo phương thức điện tử, từ ngày 19/12/2024, ngành Thuế đã chính thức vận hành "Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số" nhằm hỗ thêm một kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Đồng thời, Luật số 56/2024/QH15 đã quy định trách nhiệm của nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nền tảng số, bao gồm tổ chức trong nước và nước ngoài) trong việc khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế khấu trừ thay cho hộ, cá nhân kinh doanh và quy định việc trực tiếp khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT, quy định này có hiệu lực từ 01/04/2025.
Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ qua đó góp phần giảm chi phí toàn xã hội, thúc đẩy hoạt động TMĐT phát triển.