Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhà văn hóa lớn – vị lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức
Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng là một vị lãnh đạo của Đảng, một chiến sỹ cộng sản kiên trung, đồng thời là một nhà văn hóa lớn, hết lòng vì nước vì dân. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư đã dành tình cảm và tâm trí cho đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa với những làn điệu dân ca quan họ nồng nàn, thấm đẫm tình đất, tình người đã hun đúc tâm hồn và nhân cách văn hóa của Tổng Bí thư ngay từ thời ấu thơ. Có thể nói, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình từ khi còn là sinh viên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến sau này trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hầu hết các bài phát biểu tại các Hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều bày tỏ tâm huyết, dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Là một người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư đã thể hiện một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, luôn để lại ấn tượng sâu sắc về khí chất, cốt cách của một con người có nhân cách văn hóa cao đẹp. Những điều đó được thể hiện trong lối sống giản dị, nho nhã, khiêm nhường, trong từng lời nói, từng cử chỉ thực hành văn hóa, trong đạo đức và lối sống. Tổng bí thư là một trong những nhà lãnh đạo suốt đời phấn đấu, học tập và cống hiến cho Đảng, cho đất nước và Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ đã đã lựa chọn. Với trái tim nhân hậu, giản dị, thanh cao, luôn phấn đấu vì sự phát triển trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Tổng Bí thư đã từng căn dặn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc.Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng trong quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là từ sau khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Là người trực tiếp tham gia soạn thảo và chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Đảng, từ Đại hội lần thứ VI đến Văn kiện Đại hội lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng kế thừa và tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới. Các bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư qua nhiều cương vị, nhiều thời kỳ đều cho thấy tầm nhìn, tư duy sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa. Gần đây nhất, tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt ngày 21/6/2024, với độ dày 930 trang, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn… của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Có thể nói rằng cuốn sách đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc của Tổng Bí thư đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Những ý kiến của người đứng đầu Đảng ta về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản thể hiện trong cuốn sách đã bao quát một cách hệ thống, đầy đủ, sáng tạo về những vấn đề của từng lĩnh vực, có giá trị khơi gợi khát vọng sáng tạo, cống hiến của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng. Tác phẩm này thực sự trở thành một cẩm nang quý cho những người làm công tác quản lý cũng như thực hành văn hóa hiện nay.
Với vai trò là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ. Trong các sự kiện văn hóa lớn, Tổng bí Thư đều dành thời gian đến tham dự và phát biểu chỉ đạo với đội ngũ văn nghệ sỹ. Trong những lần tham dự và phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những vấn đề về lý luận và thực tiễn đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tổng Bí thư luôn trăn trở làm sao để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, rung động lòng người và sống mãi trong Nhân dân. Đó không chỉ là câu hỏi, là sự trăn trở, là lời nhắc nhở, còn là một nhiệm vụ quan trọng mà Tổng Bí thư giao cho đội ngũ văn nghệ sĩ, bởi để xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phải có những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc và nhiệm vụ đó nằm trên vai những văn nghệ sĩ. Ở mỗi ngành nghệ thuật biểu diễn hay văn học, mỹ thuật… Tổng Bí thư đều có những sự chỉ đạo cụ thể. Tại Đại hội đại biểu liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Tổng Bí thư đã nhắc nhở đến đội ngũ văn nghệ sỹ: Hơn lúc nào hết, văn học, nghệ thuật nước nhà phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Công chúng, bạn đọc mong muốn có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam, khẳng định những giá trị to lớn, những điều tốt đẹp, nhân văn, đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu trong xã hội; phấn đấu làm cho mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ đất nước và Nhân dân. Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da. Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn học nghệ thuật; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực cả về vật chất và tinh thần để văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tôi tin rằng, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Hôm nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi nhưng di sản để lại cho toàn đảng, toàn dân ta là rất lớn, đặc biệt những lời căn dặn của Tổng Bí thư với đội ngũ văn nghệ sỹ là những giáo huấn, kim chỉ nam soi đường, dẫn lối để văn nghệ sỹ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, bản lĩnh, sức sáng tạo nghệ thuật, để có những tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hùng cường và thịnh vượng như Tổng Bí thư hằng mong ước.