Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu dự báo 2 tháng còn lại của quý II/2023, tốc độ tăng giá cà phê có thể chậm lại do các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo không có nhiều khả quan trong năm nay. Việc Fed nâng lãi suất lên thêm 0,25 điểm phần trăm tại phiên họp điều hành đầu tháng 5 góp phần gia tăng gánh nặng cho việc đầu cơ hàng hóa tác động tiêu cực lên giá cà phê.
Quý I/2023, giá cà phê thế giới tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2023, song đà tăng giá chậm lại trong các phiên kể từ ngày 26/4 đến 10/5.
Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định giá cà phê tăng trong thời gian qua do được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản của thị trường, với việc thị trường cà phê thế giới dự kiến sẽ thâm hụt năm thứ hai liên tiếp trong niên vụ 2022-2023.
Trong đó, đà tăng giá chủ yếu diễn ra trong giai đoạn cuối tháng 3 đến tuần thứ ba của tháng 4/2023 sau khi ICO đưa ra dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh lên đã phần nào khiến giá cà phê suy giảm trong đầu tuần thứ ba của tháng 4/2023.
Tính đến ngày 10/5, giá cà phê robusta đóng cửa ở mức 2.487 USD/tấn, giá cà phê arabica giao dịch ở mức 185 USCent/pound.
Lo ngại rủi ro tăng cao khi báo cáo GDP quý I/2023 của Mỹ thấp hơn dự kiến có thể làm nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm khiến các giới đầu cơ dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường chứng khoán đang có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Ở thị trường nội địa, trái với xu hướng chững lại trên thế giới, giá cà phê vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, đạt ngưỡng kỷ lục 54.400 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết nguyên nhân của việc giá cà phê trong nước ở mức cao trong khi xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp khó khăn trong mua hàng.
Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua.
Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ thất thường.
“Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hoá ở mức thấp. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu”, ông Hiền nói.
Ngoài ra, theo ông Hiền các doanh nghiệp FDI với lợi thế về nguồn tiền dồi dào nên đã gom hàng từ trước đợi khi nào doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng thì bán ra. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở niên vụ 2021 - 2022.
“Nếu như niên vụ 2021 - 2022, tình trạng thiếu hàng chỉ xảy ra ở trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 thì niên vụ năm nay (2022 - 2023), tình trạng này xảy ra ngay từ 2 tháng đầu năm. Do đó, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều. Các doanh nghiệp FDI có nguồn tài chính dồi dào đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Hiền nói.