TOÀN VĂN: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

16/05/2023 22:20

Toàn văn Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia  thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

____________

 Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) với những nội dung chủ yếu sau:

 I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

b) Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.

c) Quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

d) Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

đ) Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Chuyển dịch năng lượng phải phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo bền vững, công bằng, công lý.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

- Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:

+ Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050:

. Điện thương phẩm: Năm 2025 khoảng 335,0 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.114,1 - 1.254,6 tỷ kWh.

. Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2025 khoảng 378,3 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 567,0 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.224,3 - 1.378,7 tỷ kWh.

. Công suất cực đại: Năm 2025 khoảng 59.318 MW; năm 2030 khoảng 90.512 MW; đến năm 2050 khoảng 185.187 - 208.555 MW.

+ Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

+ Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

- Về chuyển đổi năng lượng công bằng:

+ Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

+ Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

+ Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

- Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo:

+ Dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

+ Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. 

 III. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA

1. Phương án phát triển nguồn điện

a) Định hướng phát triển

- Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.

- Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: Giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.

- Phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.

- Phát triển nguồn điện mới với công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành. Tiến tới dừng hoạt động với các nhà máy không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển nguồn điện nhằm tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

b) Phương án phát triển

- Đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất:

+ Đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.

. Đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW).

. Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới.

Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW.

Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050.

+ Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. Trong đó:

. Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

+ Ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối (tiềm năng khoảng 7.000 MW), điện sản xuất từ rác, chất thải rắn (tiềm năng khoảng 1.800 MW) nhằm tận dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng, xử lý môi trường ở Việt Nam. Năm 2030, công suất các nguồn điện này đạt 2.270 MW, định hướng năm 2050 đạt 6.015 MW. Có thể phát triển qui mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, yêu cầu xử lý môi trường, điều kiện lưới điện, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

- Khai thác tối đa tiềm năng các nguồn thủy điện (tổng tiềm năng của Việt Nam khoảng 40.000 MW) trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Nghiên cứu mở rộng có chọn lọc các nhà máy thủy điện hiện có để dự phòng công suất; khai thác thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để tận dụng nguồn thủy năng. Tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện, bao gồm cả thủy điện nhỏ dự kiến đạt  29.346 MW, sản xuất 101,7 tỷ kWh, có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép (xem xét các dự án tiềm năng tại Phụ lục III). Định hướng năm 2050, tổng công suất đạt 36.016 MW, sản xuất 114,8 tỷ kWh.

- Nguồn điện lưu trữ:

+ Phát triển các nhà máy thủy điện tích năng với quy mô công suất khoảng 2.400 MW đến năm 2030 để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.

+ Pin lưu trữ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí phân tán gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc các trung tâm phụ tải. Đến năm 2030 dự kiến đạt công suất khoảng 300 MW.

+ Định hướng đến năm 2050, công suất thuỷ điện tích năng và pin lưu trữ đạt 30.650 - 45.550 MW để phù hợp với tỉ trọng cao của năng lượng tái tạo.

- Ưu tiên, khuyến khích phát triển các nhà máy điện đồng phát, nhà máy điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp. Năm 2030, dự kiến công suất các nguồn này đạt 2.700 MW và năm 2050, dự kiến khoảng 4.500 MW. Quy mô phát triển loại hình này có thể cao hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng và tiềm năng của các cơ sở công nghiệp trong cả nước nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

- Nhiệt điện than: Chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

+ Năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Khẩn trương hoàn thành 6 dự án /6.125 MW đang xây dựng: Na Dương II, An Khánh - Bắc Giang, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, Vân Phong I, Long Phú I. Không triển khai 13.220 MW nhiệt điện than: Quảng Ninh III, Cẩm Phả III, Hải Phòng III, Quỳnh Lập I, II, Vũng Áng III, Quảng Trạch II, Long Phú II, III, Tân Phước I, II. Chuyển dự án Quảng Trạch II sang sử dụng LNG trước năm 2030.

+ Định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh.

- Nhiệt điện khí: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp.

+ Nhiệt điện khí trong nước: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuỗi dự án khí điện Lô B, Cá Voi Xanh, trong đó đầu tư xây dựng 6.900 MW các nhà máy nhiệt điện khí: Ô Môn II, III, IV (3.150 MW), Miền Trung I, II và Dung Quất I, II, III (3.750 MW); chuyển Ô Môn I (660 MW) sang sử dụng khí Lô B. Thực hiện nhà máy tua bin khí hỗn hợp (TBKHH) Quảng Trị (340 MW) sử dụng khí mỏ Báo Vàng. Đẩy nhanh công tác thăm dò, thẩm lượng mỏ khí Kèn Bầu để lập kế hoạch phát triển mỏ khí và bổ sung các nhà máy điện hạ nguồn (định hướng tại khu vực Hải Lăng - Quảng Trị, Chân Mây - Thừa Thiên Huế) nếu điều kiện cho phép. Không triển khai dự án Kiên Giang 1 và 2 (2x750 MW) do không xác định được nguồn nhiên liệu.

Khu vực Đông Nam Bộ: Thực hiện các giải pháp, chú trọng xây dựng hạ tầng, nghiên cứu kết nối trong nước và khu vực phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên và LNG để đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch.

Khu vực Tây Nam Bộ: Thực hiện các giải pháp, đầu tư xây dựng hạ tầng, nghiên cứu kết nối trong nước và khu vực phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên và LNG để đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện tại Cà Mau.

Năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 14.930 MW, sản xuất 73 tỷ kWh. Đến năm 2050, khoảng 7.900 MW tiếp tục sử dụng khí trong nước hoặc chuyển sang sử dụng LNG, điện năng sản xuất 55,9 - 56,9 tỷ kWh; 7.030 MW dự kiến chuyển sang sử dụng hydro hoàn toàn, điện năng sản xuất 31,6 - 31,9 tỷ kWh.

+ Nhiệt điện LNG: Hạn chế phát triển các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giãn tiến độ dự án LNG Long Sơn (1.500 MW) đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh sang giai đoạn 2031 - 2035. Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG tối đa đạt 22.400 MW, sản xuất 83,5 tỷ kWh. Đến năm 2050, các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng hydro, tổng công suất 25.400 MW, sản xuất 129,6 - 136,7 tỷ kWh.

Tiếp tục thực hiện các dự án kho, cảng nhập khẩu LNG tại Thị Vải (cung cấp khí cho Nhơn Trạch 3 và 4 và bổ sung khí cho các nhà máy khu vực Đông Nam Bộ), Sơn Mỹ (cung cấp khí cho Sơn Mỹ I, II). Phát triển hệ thống kho, cảng nhập khẩu LNG đồng bộ với các nhà máy điện trong quy hoạch.

- Nguồn điện linh hoạt (nguồn khởi động nhanh): Đầu tư phát triển các nguồn điện linh hoạt để điều hòa phụ tải, duy trì ổn định hệ thống điện để hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn. Năm 2030, dự kiến phát triển 300 MW. Đến năm 2050 lên đến 30.900 - 46.200 MW.

- Xuất nhập khẩu điện: Thực hiện kết nối, trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực, bảo đảm lợi ích của các bên, tăng cường an toàn hệ thống điện; đẩy mạnh nhập khẩu điện từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tiềm năng về thủy điện. Quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn điện tại nước ngoài để cung ứng điện về Việt Nam. Năm 2030, nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, sản xuất 18,8 tỷ kWh; có thể tăng lên 8.000 MW. Đến năm 2050, nhập khẩu khoảng 11.000 MW, sản xuất 37 tỷ kWh trên cơ sở cân đối với xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tối ưu tổng thể.

Ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

Tiếp tục triển khai các dự án thủy điện nhỏ, điện gió, nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp, điện sinh khối, khí sinh học, điện sản xuất từ rác thải, chất thải rắn và phương án đấu nối đã được phê duyệt quy hoạch nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, các yêu cầu về tiêu chí, luận chứng dự án ưu tiên.

Các dự án nguồn điện than, khí, thủy điện vừa và lớn trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa đưa vào vận hành được điều chỉnh trong Quy hoạch này.

Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, phù hợp hạ tầng lưới điện, hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Các dự án điện mặt trời đã có quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 nhưng chưa giao chủ đầu tư thì chưa được phép triển khai mà xem xét sau năm 2030, trừ trường hợp triển khai theo hình thức tự sản, tự tiêu trên cơ sở không hợp thức hóa nếu có vi phạm về quy hoạch, đất đai và các quy định khác của pháp luật (Phụ lục IV).

c) Cơ cấu nguồn điện

- Đến năm 2030:

Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), trong đó:

+ Điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5% tổng công suất các nhà máy điện);

+ Điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn;

+ Điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất;

+ Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW (1,5%), trường hợp đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, có yêu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô lớn hơn;

+ Thủy điện 29.346 MW (19,5%), có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép;

+ Thủy điện tích năng 2.400 MW (1,6%);

+ Pin lưu trữ 300 MW (0,2%);

+ Điện đồng phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp 2.700 MW (1,8%), quy mô có thể tăng thêm phù hợp với khả năng của các cơ sở công nghiệp;

+ Nhiệt điện than 30.127 MW (20,0%), trừ các dự án trong Bảng 3 Phụ lục II;

+ Nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,9%);

+ Nhiệt điện LNG 22.400 MW (14,9%);

+ Nguồn điện linh hoạt 300 MW (0,2%);

+ Nhập khẩu điện 5.000 MW (3,3%), có thể lên đến 8.000 MW.

Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo.

- Định hướng năm 2050:

Tổng công suất các nhà máy điện 490.529 - 573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), trong đó:

+ Điện gió trên bờ 60.050 - 77.050 MW (12,2 - 13,4%);

+ Điện gió ngoài khơi 70.000 - 91.500 MW (14,3 - 16%);

+ Điện mặt trời 168.594 - 189.294 MW (33,0 - 34,4%);

+ Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 6.015 MW (1,0 - 1,2%);

+ Thủy điện 36.016 MW (6,3 - 7,3%);

+ Nguồn điện lưu trữ 30.650 - 45.550 MW (6,2 - 7,9%);

+ Điện đồng phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp 4.500 MW (0,8 - 0,9%);

+ Nhiệt điện than 0 MW (0%), không còn sử dụng than để phát điện;

+ Nhiệt điện sử dụng sinh khối và amoniac 25.632 - 32.432 MW (4,5 - 6,6%);

+ Nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG 7.900 MW (1,4 - 1,6%);

+ Nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro 7.030 MW (1,2 - 1,4%);

+ Nhiệt điện LNG đốt kèm hydro 4.500 - 9.000 MW (0,8 - 1,8%);

+ Nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro 16.400 - 20.900 MW (3,3 - 3,6%);

+ Nguồn điện linh hoạt 30.900 - 46.200 MW (6,3 - 8,1%);

+ Nhập khẩu điện 11.042 MW (1,9 - 2,3%).

2. Phương án phát triển lưới điện

a) Định hướng phát triển

- Phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

- Phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài, tăng cường sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung để giảm diện tích chiếm đất. Khuyến khích xây dựng các trạm biến áp truyền tải kết hợp cung cấp điện cho phụ tải lân cận.

- Lưới điện truyền tải 500 kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện vùng miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực. Giới hạn truyền tải liên miền ở mức hợp lý, giảm truyền tải điện đi xa, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền trước năm 2030.

- Xây dựng lưới điện 220 kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt. Xây dựng các trạm biến áp 220 kV đủ điều kiện vận hành tự động không người trực. Đẩy mạnh xây dựng các trạm biến áp GIS, trạm biến áp 220/22 kV, trạm ngầm tại các trung tâm phụ tải.

- Nghiên cứu ứng dụng hệ thống Back-to-Back, thiết bị truyền tải điện linh hoạt để nâng cao khả năng truyền tải, giảm thiểu diện tích chiếm đất. Tổ chức nghiên cứu công nghệ truyền tải điện xoay chiều và một chiều điện áp trên 500 kV.

- Định hướng sau năm 2030 sẽ phát triển các đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều kết nối khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ để khai thác mạnh tiềm năng điện gió ngoài khơi. Nghiên cứu các kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương.

Các dự án lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa đưa vào vận hành được điều chỉnh trong Quy hoạch này.

b) Khối lượng xây dựng lưới truyền tải

- Giai đoạn 2021 - 2030: Xây dựng mới 49.350 MVA và cải tạo 38.168 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 12.300 km và cải tạo 1.324 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 78.525 MVA và cải tạo 34.997 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 16.285 km và cải tạo 6.484 km đường dây 220 kV.

- Định hướng giai đoạn 2031 - 2050: Xây dựng mới 40.000 - 60.000 MW dung lượng trạm HVDC và 5.200 - 8.300 km đường dây HVDC; xây dựng mới 90.900 - 105.400 MVA và cải tạo 117.900 - 120.150 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 9.400 - 11.152 km và cải tạo 801 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 124.875 - 134.125 MVA và cải tạo 105.375 - 106.750 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 11.395 - 11.703 km, cải tạo 504 - 654 km đường dây 220 kV. Khối lượng lưới điện giai đoạn 2031 - 2050 sẽ chuẩn xác trong các quy hoạch điện thời kỳ tiếp theo.

3. Liên kết lưới điện với các nước trong khu vực

- Tiếp tục nghiên cứu hợp tác, liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước ASEAN ở các cấp điện áp 500 kV và 220 kV để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia.

- Thực hiện liên kết lưới điện với Lào bằng các tuyến đường dây 500 kV, 220 kV để nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào theo biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ.

- Duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng qua các cấp điện áp 220 kV, 110 kV, trung thế hiện có; nghiên cứu thực hiện giải pháp hòa không đồng bộ giữa các hệ thống điện bằng trạm chuyển đổi một chiều - xoay chiều ở cấp điện áp 220-500 kV.

- Xây dựng các công trình đấu nối các dự án xuất khẩu điện có hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.

4. Định hướng phát triển điện nông thôn

Xây dựng mới Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo để cấp cho các hộ dân chưa có điện và cải tạo lưới điện nông thôn hiện có. Thực hiện cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, kết hợp với cung cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; phấn đấu 100% số hộ dân nông thôn có điện đến năm 2025.

5. Định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo

- Dự kiến đến năm 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có điều kiện.

- Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng dự kiến bao gồm các nhà máy điện năng lượng tái tạo công suất 2.000 - 4.000 MW (chủ yếu là điện gió ngoài khơi); các nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị sản xuất năng lượng mới; thiết bị và phương tiện vận chuyển, xây dựng, lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo; các dịch vụ phụ trợ; các khu công nghiệp xanh, phát thải các-bon thấp; trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo về năng lượng tái tạo.

6. Nhu cầu vốn đầu tư

- Giai đoạn 2021 - 2030: Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm).

- Định hướng giai đoạn 2031-2050: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD (trung bình 18,2 - 24,2 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD (trung bình 1,7 - 1,9 tỷ USD/năm), sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

IV. Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển các công trình điện lực và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích 

 1. Bố trí sử dụng đất cho phát triển điện lực

Nhu cầu đất cho phát triển cơ sở và kết cấu hạ tầng điện lực khoảng 89,9 - 93,36 nghìn ha trong giai đoạn 2021 - 2030 và khoảng 169,8 - 195,15 nghìn ha giai đoạn 2031 - 2050, phù hợp với chỉ tiêu phân bổ đất đai trong Nghị quyết 39/2021/QH15, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển điện.

2. Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích

Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới để giảm phát thải khí ô nhiễm và khí gây hiệu ứng nhà kính, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Áp dụng công nghệ mới, hiện đại theo hướng chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, hướng đến đáp ứng các quy định về phát thải các-bon trên đơn vị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và thị trường các-bon. 

Tránh và hạn chế tối đa phát triển các công trình năng lượng và cơ sở hạ tầng năng lượng ở những vị trí có nguy cơ ảnh đến rừng, khu bảo tồn tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích và di sản văn hóa đã được xếp hạng. 

Cần tính đến các giải pháp chống biến đổi khí hậu và ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, ngập lụt, bão lũ, sạt lở, nắng nóng, lượng mưa, nước biển dâng… trong quá trình triển khai dự án điện lực để công trình vận hành an toàn, ổn định, giảm tối đa những rủi ro và thiệt hại.  

V. Danh mục dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành ĐIỆN và thứ tự ưu tiên thực hiện

1. Tiêu chí, luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện

Danh mục dự án quan trọng, ưu tiêu đầu tư của ngành điện được xây dựng dựa trên các tiêu chí và luận chứng sau đây:

- Các dự án có vai trò quan trọng trong cân đối cung - cầu điện quốc gia và các vùng, miền, các trung tâm phụ tải quan trọng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Các dự án đảm bảo an ninh quốc phòng; các dự án đảm bảo lợi ích tổng hợp kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng.

- Các dự án cần thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch năng lượng khác.

- Các dự án tăng cường nguồn điện cho các khu vực có nguy cơ thiếu điện.

- Các dự án nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia giữa nguồn điện chạy nền, nguồn điện năng lượng tái tạo và phụ tải (thủy điện tích năng, pin lưu trữ năng lượng...).

- Các dự án góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường (sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn, đồng phát, sử dụng khí dư…), thực hiện các cam kết về khí hậu.

- Các dự án tự sản, tự tiêu.

- Các dự án góp phần tạo ra hệ sinh thái tổng thể về công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo.

- Các dự án xuất khẩu điện, xuất khẩu năng lượng mới sản xuất từ năng lượng tái tạo.

- Các dự án sử dụng đất hiệu quả.

- Các dự án lưới điện 500 kV và 220 kV.

- Tính khả thi trong triển khai.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.

- Hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

2. Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư

Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư nêu tại các Phụ lục I, II.

VI. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện

- Đa dạng hóa nguồn nhiên liệu sử dụng cho phát điện, kết hợp hài hòa nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu.

- Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác than, dầu khí trong nước phục vụ sản xuất điện để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên, LNG, nhập khẩu than, phù hợp với cơ cấu nguồn nhiệt điện và xu thế chuyển dịch năng lượng.

- Phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Kịp thời cập nhật tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới về các nguồn năng lượng mới (hydro, amoniac…) để sử dụng cho phát điện.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, hydro…

- Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng phi truyền thống.

2. Giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện

- Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trong thị trường điện. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC…), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh...

- Đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công - tư…) đối với các dự án điện. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện. Tiếp tục đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam.

- Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu.

- Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.

- Từng bước tăng khả năng huy động tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

- Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển các dự án điện.

3. Giải pháp về pháp luật, chính sách

- Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu), sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các quy định khác có liên quan:

+ Xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Nghiên cứu xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực và hoàn thiện mô hình thị trường điện cạnh tranh.

+ Nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.

+ Ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng quy định thu phí đối với các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).

+ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Giá điện bảo đảm thu hồi đủ chi phí, có mức lợi nhuận hợp lý, thu hút đầu tư phát triển điện, khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ, sử dụng điện, chống lãng phí điện. Tiếp tục cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện hiện hành. Nghiên cứu thực hiện giá điện hai thành phần vào thời điểm thích hợp. Tiếp tục thực hiện minh bạch giá điện.

+ Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo.

+ Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, ban hành chế tài và các tiêu chuẩn, qui chuẩn bắt buộc về sử dụng hiệu quả năng lượng.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện.

- Xây dựng chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện để nâng cao tính độc lập tự chủ, giảm giá thành.

- Xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy nhập khẩu điện, đặc biệt từ Lào thông qua các Hiệp định, Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ...

4. Giải pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai

- Thực hiện chuyển dịch năng lượng, trong đó trọng tâm là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới; tăng quy mô bể hấp thụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thu giữ các-bon.

- Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý chất thải, đặc biệt là từ công nghiệp năng lượng tái tạo theo nguyên tắc giảm thiểu, thu hồi, tái sử dụng, tái chế để giảm tối đa lượng chất thải, tận dụng vật liệu thải bỏ làm nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác.

- Thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan ngay từ quá trình lựa chọn vị trí dự án, thiết kế, xây dựng công trình đến sản xuất vận hành.

- Hạn chế tối đa việc phát triển các công trình điện và cơ sở hạ tầng ở những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích và di sản văn hóa đã được xếp hạng, phù hợp với phân vùng bảo vệ môi trường quốc gia.

5. Giải pháp về khoa học và công nghệ

- Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) về điện lực. Hình thành các trung tâm nghiên cứu cơ bản và trung tâm phát triển về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghệ lưu trữ các-bon tại Việt Nam để nâng cao trình độ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, quản trị nhằm đẩy nhanh và mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và quản lý hệ thống điện sạch tại Việt Nam và khu vực.

- Sử dụng công nghệ hiện đại cho các công trình điện xây dựng mới; từng bước nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi các công trình hiện có.

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng. Đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh.

- Hiện đại hóa hệ thống thông tin dữ liệu, các hệ thống tự động hóa, điều khiển phục vụ công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, trong đó có chuyển đổi số trong ngành điện.

- Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành kinh tế sử dụng nhiều điện.

6. Giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

- Tăng cường nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội như tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị.

- Khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm toán năng lượng; đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng.

- Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những lĩnh vực, ngành có mức tiêu thụ điện cao.

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

7. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, điều độ, thị trường điện, lưới điện thông minh...

- Xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực điện lực; xây dựng các đơn vị mạnh về khoa học - công nghệ điện lực.

- Tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý ngành điện ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.

- Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo nhân lực, gắn đào tạo với thực tế sản xuất, đảm bảo đủ trình độ năng lực vận hành hệ thống điện quy mô lớn, tích hợp tỷ trọng cao các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.

8. Giải pháp về hợp tác quốc tế

- Triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác quốc tế, tận dụng tối đa hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính, coi JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

- Thực hiện chính sách đối ngoại năng lượng, khí hậu linh hoạt, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi. Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng với các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng.

- Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, triển khai kết nối lưới điện với các nước láng giềng, các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

- Mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điện lực, tranh thủ chuyển giao công nghệ, nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài.

9. Giải pháp về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện

- Hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất chế tạo, dịch vụ phụ trợ, các khu công nghiệp tập trung.

- Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện các công trình dự án điện phức tạp, kỹ thuật cao. Nâng cao năng lực thiết kế, tổ chức mua sắm, quản lý điều hành dự án của các doanh nghiệp trong nước, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò tổng thầu các dự án điện quy mô lớn.

- Nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước để tăng tỉ lệ thiết bị nội địa trong các công trình nguồn và lưới điện; nâng cao năng lực sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định các thiết bị điện trong nước.

10. Giải pháp về tổ chức quản lý, nâng cao hiệu  quả hoạt động điện lực

- Đổi mới mạnh mẽ quản lý ngành điện theo hướng công khai, minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả, tăng năng suất lao động, giảm giá thành các khâu, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Thực hiện tái cơ cấu ngành điện phù hợp với lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã được phê duyệt.

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực, áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động.

11. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

- Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Lựa chọn dự án ưu tiên căn cứ theo tiêu chí, luận chứng nêu tại khoản 1, mục V, Điều 1 của Quyết định này.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành điện lực, bao gồm dữ liệu về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để làm cơ sở giám sát tình hình thực hiện quy hoạch. Thường xuyên rà soát tình hình phát triển phụ tải toàn quốc và các địa phương, tiến độ thực hiện các công trình nguồn và lưới điện để đề xuất các giải pháp điều chỉnh cơ cấu nguồn điện, tiến độ nếu cần thiết, đảm bảo cung cầu điện của nền kinh tế.

- Quản lý hiệu quả việc phát triển các nguồn điện tự sản, tự tiêu, nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp, nguồn điện mặt trời mái nhà và các nguồn điện được các đơn vị phát điện và mua điện tự thỏa thuận mua bán điện trực tiếp với nhau.

- Phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực trong việc kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm về điện lực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

- Xây dựng và áp dụng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ trong việc tổ chức triển khai Quy hoạch điện VIII đối với các chủ đầu tư, các bộ, ngành, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương. Xây dựng chế tài xử lý, thu hồi các dự án chậm, không triển khai theo tiến độ được giao.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này.

b) Tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định này gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật; xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch dựa trên tiêu chí, luận chứng quy định tại Quyết định này để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch; tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực hiện quy hoạch trong tháng 6 năm 2023.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án trong Bảng 3 Phụ lục II đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

2. Các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai đúng tiến độ các dự án trong Quy hoạch điện VIII; đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy định.

4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao.

- Thường xuyên rà soát, đánh giá cân đối cung - cầu điện, tình trạng vận hành hệ thống điện toàn quốc và khu vực, báo cáo các cấp có thẩm quyền.

- Thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.

5. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

- Tăng cường tìm kiếm, thăm dò và khai thác các nguồn khí trong nước để cung cấp cho phát điện, phù hợp với nhu cầu phụ tải điện. Triển khai nhanh, có hiệu quả các mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu... theo tiến độ được duyệt.

- Thực hiện các giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng kho, cảng, kết nối hệ thống khí trong nước và khu vực phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên và LNG để đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện.

- Thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện được giao.

6. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc

- Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng. Trước mắt nâng cao năng lực sản xuất than trong nước, kết hợp với nhập khẩu than để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện.

- Đầu tư các dự án nguồn điện theo nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Phụ lục I
DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN/DỰ ÁN ƯU TIÊN VỀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VÀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CỦA NGÀNH ĐIỆN

(Kèm theo Quyết định số: 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

__________

1. Các đề án/dự án xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật.

2. Đề án/dự án tăng cường năng lực khoa học công nghệ, xây dựng trung tâm nghiên cứu cơ bản, trung tâm phát triển bao gồm:

- Trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới;

- Trung tâm nghiên cứu năng lượng và biến đổi khí hậu;

- Trung tâm nghiên cứu phát triển điện hạt nhân;

- Nghiên cứu đề án hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.

3. Đề án/dự án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phụ lục II

DANH MỤC VÀ TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN NGUỒN VÀ LƯỚI ĐIỆN

QUAN TRỌNG, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CỦA NGÀNH ĐIỆN

(Kèm theo Quyết định số: 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của

Thủ tướng Chính phủ)

__________

Bảng 1: Danh mục các nhà máy nhiệt điện LNG

TT
Dự án
Công suất (MW)
Giai đoạn
Ghi chú
1
LNG Quảng Ninh
1500
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
2
LNG Thái Bình
1500
2021-2030
3
LNG Nghi Sơn
1500
2021-2030
4
LNG Quảng Trạch II
1500
2021-2030
Đã được Lãnh đạo Chính phủ đồng ý chuyển đổi sang LNG tại Thông báo số 54/TB-VPCP ngày 25/2/2022
5
LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn
1500 
2021-2030
Xem xét trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập - Nghệ An, Nghi Sơn - Thanh Hóa
6
LNG Hải Lăng giai đoạn 1
1500
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
7
LNG Cà Ná
1500
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
8
NMNĐ Sơn Mỹ II
2250
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
9
NMNĐ BOT Sơn Mỹ I
2250
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
10
LNG Long Sơn
1500
2031-2035
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh, giãn tiến độ, Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của VPCP
11
NMĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4
1624
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
12
LNG Hiệp Phước giai đoạn I
1200
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
13
LNG Long An I
1500
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
14
LNG Long An II
1500
2031-2035
Đã có trong QHĐ VII điều chỉnh theo Văn bản số 1080/TTg-CN ngày 13/8/2020
15
LNG Bạc Liêu
3200
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
Các vị trí tiềm năng, dự phòng cho các dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai
Thái Bình, Nam Định, Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Vũng Áng, Chân Mây, Mũi Kê Gà, Hiệp Phước 2, Tân Phước, Bến Tre, Cà Mau,…

Ghi chú:

- Quy mô chính xác của các nhà máy điện sẽ được xác định cụ thể, phù hợp với gam công suất của tổ máy trong giai đoạn triển khai dự án.

- Trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII, nếu các dự án trong danh mục này gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên và/hoặc lựa chọn các dự án khác thay thế tại các vị trí tiềm năng để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Bảng 2: Danh mục các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than đang xây dựng

TT
Dự án
Công suất (MW)
Giai đoạn
Ghi chú
1
NMNĐ Na Dương II
110
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
2
NMNĐ An Khánh - Bắc Giang
650
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
3
NMNĐ Vũng Áng II
1330
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
4
NMNĐ Quảng Trạch I
1403
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh, EVN đã đấu thầu EPC
5
NMNĐ Vân Phong I
1432
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
6
NMNĐ Long Phú I
1200
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh

Bảng 3: Danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn

TT
Dự án
Công suất (MW)
Giai đoạn
Ghi chú
1
NĐ Công Thanh
600
2021-2030
Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
2
NMNĐ Nam Định I
1200
2021-2030
3
NMNĐ Quảng Trị
1320
2021-2030
4
NMNĐ Vĩnh Tân III
1980
2021-2030
5
NMNĐ Sông Hậu II
2120
2021-2030

Bảng 4: Danh mục nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp

TOÀN VĂN:P - Ảnh 4.

Bảng 5: Danh mục các nhà máy nhiệt điện khí trong nước

TT
Dự án
Công suất (MW)
Giai đoạn
Ghi chú
1
Nhiệt điện Ô Môn I*
660
2021-2030 
Sử dụng khí Lô B
2
NMNĐ Ô Môn II
1050
2021-2030 
3
NMNĐ Ô Môn III
1050
2021-2030 
4
NMNĐ Ô Môn IV
1050
2021-2030 
5
TBKHH Dung Quất I
750
2021-2030 
Sử dụng khí Cá Voi Xanh
6
TBKHH Dung Quất II
750
2021-2030 
7
TBKHH Dung Quất III
750
2021-2030 
8
TBKHH Miền Trung I
750
2021-2030 
9
TBKHH Miền Trung II
750
2021-2030 
10
TBKHH Quảng Trị
340
2021-2030 
Sử dụng khí mỏ Báo vàng

Ghi chú:

- (*) Nhà máy điện hiện có chuyển sang sử dụng khí Lô B;

- Quy mô chính xác của các nhà máy điện sẽ được xác định cụ thể, phù hợp với gam công suất của tổ máy trong giai đoạn triển khai dự án.

- Khi trữ lượng và tiến độ mỏ khí Kèn Bầu được xác định rõ, định hướng sẽ phát triển thêm các nguồn điện sử dụng khí Kèn Bầu tại khu vực Hải Lăng - Quảng Trị, Chân Mây - Thừa Thiên Huế (đang dự kiến giai đoạn 2031-2035).

Bảng 6: Danh mục các nguồn thủy điện vừa và lớn

TT
Dự án
Công suất (MW)
Giai đoạn
Ghi chú
1
TĐ Hòa Bình MR
480
2021-2030
Đã có trong QHĐVII điều chỉnh
2
TĐ Long Tạo
44
2021-2030
3
TĐ Yên Sơn
90
2021-2030
4
TĐ Sông Lô 6
60
2021-2030
5
TĐ Sông Lô 7
36
2021-2030
6
TĐ Pắc Ma
160
2021-2030
7
TĐ Nậm Củm 1,4,5
95,8
2021-2030
8
TĐ Nậm Củm 2,3,6
79,5
2021-2030
9
TĐ Thanh Sơn
40
2021-2030
10
TĐ Cẩm Thủy 2
38
2021-2030
11
TĐ Suối Sập 2A
49,6
2021-2030
12
TĐ Hồi Xuân
102
2021-2030
13
TĐ Sông Hiếu (Bản Mồng)
45
2021-2030
14
TĐ Mỹ Lý (*)
120
2021-2030
15
TĐ Nậm Mô 1 (Việt Nam) (*)
51
2021-2030
16
TĐ Đắk Mi 2
147
2021-2030
17
TĐ Sông Tranh 4
48
2021-2030
18
TĐ Ialy MR
360
2021-2030
19
TĐ Đắk Mi 1
84
2021-2030
20
TĐ Thượng Kon Tum
220
2021-2030
21
TĐ Trị An MR
200
2021-2030
22
TĐ Phú Tân 2
93
2021-2030
23
TĐ Đức Thành
40
2021-2030
24
TĐ La Ngâu (**)
46
2021-2030
25
TĐ cột nước thấp Phú Thọ
105
2021-2030

Ghi chú:

(*) Dự án thủy điện Mỹ Lý (180 MW), Nậm Mô 1 (90 MW) đã được phê duyệt quy hoạch. Chủ đầu tư có Văn bản số 200/MLNM-TĐ ngày 24/8/2022 kiến nghị điều chỉnh công suất thuỷ điện Mỹ Lý xuống 120 MW và Nậm Mô 1 xuống 51 MW.

(**) Dự án thủy điện La Ngâu được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 21/UBND-KT ngày 03/01/2020 đề nghị đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch. Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1986/BCT-ĐL ngày 20/3/2020 đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xử lý dứt điểm các nội dung nêu tại Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 25/5/2018 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bảng 7: Danh mục các thủy điện tích năng

TT
Dự án
Công suất (MW)
Giai đoạn
Ghi chú
1
TĐTN Bác Ái
1200
2021-2030
Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh
2
TĐTN Phước Hòa
1200
2021-2030
3
TĐTN Đông Phù Yên
900
2031-2035
Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh
4
TĐTN Đơn Dương #1
300
2031-2035
Đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh
Các dự án khác
Một số địa phương đề xuất thêm các dự án thuỷ điện tích năng: Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Khánh Hoà, Đắk Nông,... Tuy nhiên, số lượng các dự án, công suất, vị trí, sự cần thiết phải được tiếp tục đánh giá dựa trên nhu cầu hệ thống để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Bảng 8: Danh mục các trạm biến áp 500 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên trạm biến áp
Công suất (MVA)
Ghi chú
1
Tây Hà Nội
1.800
Cải tạo
2
Long Biên
1.800
Xây mới
3
Sơn Tây
900
Xây mới
4
Đan Phượng
1.800
Xây mới
5
Nam Hà Nội
900
Xây mới
6
Hải Phòng
1.800
Xây mới
7
Gia Lộc
900
Xây mới
8
Phố Nối
1.800
Cải tạo
9
Hưng Yên
900
Xây mới
10
Nam Định
2.700
Xây mới, dự phòng quỹ đất cho trạm 220kV nối cấp trong tương lai.
11
Thái Bình
1.200
Xây mới
12
Nho Quan
1.800
Cải tạo, đã thực hiện đóng điện
13
Hòa Bình 2
Trạm cắt 
Xây mới trạm cắt, đấu nối điện Lào
14
Lào Cai
2.700
Xây mới, cân nhắc lắp M3 theo tình hình phát triển thủy điện nhỏ và mua điện Trung Quốc
15
Thái Nguyên
900
Xây mới
16
Việt Trì
1.800
Cải tạo
17
Vĩnh Yên
1.800
Xây mới
18
Bắc Giang
900
Xây mới
19
Yên Thế
900
Xây mới
20
Bắc Ninh
1.800
Xây mới
21
Quảng Ninh
1.200
Cải tạo
22
Lai Châu
2.700
Cải tạo, đồng bộ nguồn điện khu vực và nguồn nhập khẩu từ Lào
23
Sơn La
2.700
Cải tạo, nâng công suất, đồng bộ với nguồn điện nhập khẩu từ Lào và nguồn khu vực
24
Hòa Bình
1.800
Cải tạo
25
Thanh Hóa
1.800
Xây mới
26
Nghi Sơn
1.800
Cải tạo
27
Nam Cấm
Trạm cắt 500 kV, đấu nối chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 500 kV Vũng Áng - Nho Quan (mới)
28
Quỳnh Lưu
1.800
Xây mới
29
Bắc Bộ 1 (**)
1.800
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
30
Bắc Bộ 2 (**)
1.800
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
31
Bắc Bộ 3 (**)
900
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
32
Lạng Sơn (*)
1.800
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
33
Dự phòng phát sinh TBA 500 kV xây mới, cải tạo nâng công suất
1.800
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện
Các công trình, dự án nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trạm điện, hệ thống điện
Bao gồm nhưng không giới hạn các dự án: Thay thế, lắp đặt kháng điện, tụ bù, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, máy bù đồng bộ…; mở rộng ngăn lộ trạm biến áp, cải tạo, hoàn thiện sơ đồ các trạm biến áp theo hướng linh hoạt; lắp đặt các thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch, thay thế nâng cấp thiết bị đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch, thiết lập mạch tự động; lắp đặt, thay thế các thiết bị, hệ thống điều khiển, hệ thống SCADA/ EMS, SCADA/DMS, tự động hóa trạm,...

Bảng 9: Danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên đường dây
Số
mạch
x
km
Ghi chú
1
Tây Hà Nội - Thường Tín
2
x
40
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Tây Hà Nội
2
Mạch 2 Nho Quan - Thường Tín
1
x
75
Xây mới, cải tạo một mạch thành hai mạch
3
Hải Phòng - Thái Bình
2
x
35
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Hải Phòng
4
NMNĐ Nam Định I - Phố Nối
2
x
123
Xây mới, đấu nối NMNĐ Nam Định I, trường hợp NMNĐ Nam Định I chậm tiến độ, xem xét xây dựng trước SPP 500 kV và TBA 500 kV NĐ Nam Định I hoặc chuyển đấu nối Thanh Hóa - NĐ Nam Định I - Thái Bình - Phố Nối để đảm bảo vận hành
5
NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa
2
x
73
Xây mới
6
Thái Bình - Rẽ NMNĐ Nam Định I - Phố Nối
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Thái Bình
7
Lào Cai - Vĩnh Yên
2
x
210
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Lào Cai, giải tỏa TĐN và dự phòng mua điện Trung Quốc
8
Vĩnh Yên - Rẽ Sơn La - Hiệp Hòa và Việt Trì - Hiệp Hòa
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Vĩnh Yên
9
Bắc Ninh - Rẽ Đông Anh - Phố Nối
2
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Bắc Ninh
10
Đấu nối TĐ Hòa Bình MR
2
x
2
Xây mới, đồng bộ TĐ Hòa Bình MR, chuyển tiếp Hòa Bình - Nho Quan
11
Thanh Hóa - Rẽ Nho Quan - Hà Tĩnh
2
x
5
Xây mới, đấu nối tạm TBA 500 kV Thanh Hóa, đảm bảo cấp điện
12
NĐ Công Thanh - Rẽ Nghi Sơn - Nho Quan
2
x
5
Xây mới, đấu nối NĐ Công Thanh, đồng bộ nguồn điện
13
Quỳnh Lưu - Thanh Hóa
2
x
91
Xây mới, tăng cường năng lực truyền tải Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ, thay thế cho đường dây NĐ Quỳnh Lập - Thanh Hóa
14
Quảng Trạch - Quỳnh Lưu
2
x
226
Xây mới, tăng cường năng lực truyền tải Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ, thay thế cho đường dây 500kV NĐ Vũng Áng 3 - Quỳnh Lập
15
Vũng Áng - Rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng (M3,4)
2
x
16
Xây mới, chuyển tiếp vào đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng mạch 2
16
Vũng Áng - Quảng Trạch
2
x
33
Xây mới
17
Long Biên - Rẽ Phố Nối - Thường Tín
2
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Long Biên
18
Tây Hà Nội - Vĩnh Yên
2
x
44
Xây mới
19
Nam Hà Nội - Rẽ Nho Quan - Thường Tín
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Nam Hà Nội
20
Đan Phượng - Rẽ Tây Hà Nội - Vĩnh Yên
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Đan Phượng
21
Sơn Tây - Đan Phượng
2
x
20
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Sơn Tây
22
Gia Lộc - Rẽ Thái Bình - Phố Nối
4
x
13
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Gia Lộc
23
Hưng Yên - Rẽ LNG Nghi Sơn - Long Biên
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Hưng Yên
24
Trạm cắt 500 kV Hòa Bình 2 - Rẽ Hòa Bình - Nho Quan
4
x
5
Đấu nối trạm cắt 500 kV Hòa Bình 2
25
Sam Nuea - Trạm cắt 500 kV Hòa Bình 2
2
x
110
Xây mới, đấu nối nguồn điện Lào, chiều dài trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 110km
26
Trạm cắt 500 kV Hòa Bình 2 - Tây Hà Nội
2
x
80
Xây mới, giải tỏa công suất TĐ Lào
27
Lạng Sơn - Rẽ Bắc Bộ 3 - Thái Nguyên (*)
4
x
5
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực. Trường hợp ĐD 500 kV Bắc Bộ 3 - Thái Nguyên chậm tiến độ, xây dựng trước ĐD 500kV mạch kép Lạng Sơn - Yên Thế dài 110 km.
28
Hiệp Hòa - Thái Nguyên
2
x
34
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Thái Nguyên
29
Bắc Giang - Bắc Ninh
2
x
40
Xây mới
30
Bắc Giang - Rẽ Quảng Ninh - Hiệp Hòa
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Bắc Giang
31
Yên Thế - rẽ Bắc Bộ 3 - Thái Nguyên 
4
x
10
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Yên Thế. Trường hợp ĐD 500 kV Bắc Bộ 3 - Thái Nguyên chậm tiến độ, xây dựng trước ĐD 500kV mạch kép Yên Thế - Thái Nguyên dài 70 km.
32
LNG Quảng Ninh I - Quảng Ninh
2
x
30
Xây mới, đồng bộ NĐ LNG Quảng Ninh I
33
Cải tạo Vũng Áng - Nho Quan (mạch 1)
2
x
360
Cải tạo đường dây 500 kV hiện hữu thành 02 mạch, xem xét chuyển đấu nối vào Trạm cắt 500 kV Hòa Bình 2
34
Nam Cấm - Rẽ Vũng Áng - Nho Quan
2
x
12
Xây mới, chuyển tiếp trên đường dây mạch đơn Vũng Áng - Nho Quan
35
LNG Quảng Trạch II - Quảng Trạch
2
x
1
Xây mới, đồng bộ LNG Quảng Trạch II
36
Bắc Bộ 1 - Hải Phòng (*)
2
x
25
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
37
Bắc Bộ 3 - Thái Nguyên (*)
2
x
250
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực. Trường hợp TBA 500kV Lạng Sơn, triển khai trước, xây mới đường dây 500kV mạch kép Bắc Bộ 3 - Lạng Sơn dài 80km.
38
Bắc Bộ 2 - Thái Bình (*)
2
x
50
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
39
LNG Nghi Sơn - Long Biên
2
x
212
Xây mới, đồng bộ LNG Nghi Sơn
40
LNG Nghi Sơn - LNG Quỳnh Lập
2
x
25
Xây mới, đồng bộ LNG Nghi Sơn
41
Đấu nối LNG miền Bắc (Quỳnh Lập/Nghi Sơn)
40
Xây mới, đồng bộ LNG miền Bắc (Quỳnh Lập/Nghi Sơn). Phương án cụ thể sẽ được chuẩn xác trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch
Dự phòng phát sinh Đường dây 500 kV cải tạo và xây mới
400
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện

Bảng 10: Danh mục các trạm biến áp 220 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên trạm biến áp
Công suất (MVA)
Ghi chú
1
Vân Trì
750
Cải tạo
2
Tây Hà Nội
750
Cải tạo
3
Long Biên
750
Cải tạo
4
Thanh Xuân
750
Xây mới
5
Đại Mỗ (Mỹ Đình)
750
Xây mới
6
Hòa Lạc
500
Xây mới
7
Mê Linh
500
Xây mới
8
Văn Điển
750
Xây mới
9
Long Biên 2 (Gia Lâm)
750
Xây mới
10
Sóc Sơn 2
500
Xây mới
11
Phú Xuyên
500
Xây mới
12
Hòa Lạc 2
500
Xây mới
13
Đan Phượng
500
Xây mới, nối cấp trạm 500 kV Đan Phượng
14
Chương Mỹ
250
Xây mới
15
Cầu Giấy
500
Xây mới
16
Hai Bà Trưng
500
Xây mới
17
Ứng Hòa
500
Xây mới
18
Vật Cách
500
Cải tạo
19
NĐ Hải Phòng
500
Cải tạo
20
Thủy Nguyên
500
Cải tạo
21
Dương Kinh
500
Xây mới
22
An Lão
500
Xây mới, xem xét máy 3 nếu cần thiết
23
Cát Hải
500
Xây mới
24
Đại Bản
250
Xây mới
25
Đồ Sơn
250
Xây mới
26
Tiên Lãng
250
Xây mới
27
Gia Lộc
500
Xây mới
28
Tân Việt
500
Xây mới
29
NĐ Phả Lại
750
Cải tạo
30
Thanh Hà
250
Xây mới
31
NĐ Hải Dương
500
Cải tạo
32
Tứ Kỳ
250
Xây mới
33
Nhị Chiểu
250
Xây mới
34
Yên Mỹ
500
Xây mới
35
Phố Nối 500 kV nối cấp
500
Xây mới
36
Phố Cao
500
Xây mới
37
Bãi Sậy
500
Xây mới
38
Hưng Yên nối cấp (TP Hưng Yên)
250
Xây mới
39
Văn Giang
250
Xây mới
40
Đồng Văn
500
Xây mới
41
Lý Nhân
500
Xây mới
42
Hải Hậu
500
Xây mới
43
Nam Định 3
750
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
44
Nam Định 2
250
Xây mới
45
Nghĩa Hưng
250
Xây mới
46
Thái Thụy
500
Cải tạo
47
Vũ Thư
500
Xây mới
48
Quỳnh Phụ
250
Xây mới
49
Thái Bình 500 kV nối cấp
250
Xây mới
50
Nho Quan 500 kV nối cấp
500
Cải tạo
51
Ninh Bình 2
500
Xây mới
52
Tam Điệp
250
Xây mới
53
Gia Viễn
500
Xây mới, thực hiện trong trường hợp di dời TBA 220kV Ninh Bình
54
Bắc Quang
500
Xây mới
55
Hà Giang
375
Cải tạo
56
Cao Bằng
500
Cải tạo
57
Bát Xát
500
Xây mới
58
Lào Cai 500 kV nối cấp
500
Xây mới
59
Văn Bàn
250
Xây mới
60
Bắc Hà
250
Xây mới
61
Bắc Kạn
375
Cải tạo
62
Đồng Mỏ
250
Xây mới
63
Lạng Sơn
500
Xây mới
64
Lạng Sơn 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
65
Lạng Sơn 2 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
66
Tuyên Quang
500
Cải tạo
67
Nghĩa Lộ
250
Xây mới
68
Lục Yên
250
Xây mới
69
Yên Bái
500
Cải tạo
70
Lưu Xá
500
Cải tạo
71
Sông Công
250
Xây mới
72
Phú Bình 2
750
Xây mới
73
Đại Từ
250
Xây mới
74
Bắc Giang 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
75
Việt Trì 500 kV nối cấp
500
Xây mới
76
Phú Thọ 2
500
Xây mới
77
Phú Thọ 3
250
Xây mới
78
Vĩnh Tường
500
Cải tạo
79
Bá Thiện
500
Xây mới
80
Phúc Yên
250
Xây mới
81
Chấn Hưng
250
Xây mới
82
Tam Dương
500
Xây mới
83
Yên Dũng
500
Xây mới
84
Lạng Giang
500
Xây mới
85
Hiệp Hòa 2
250
Xây mới
86
Bắc Giang 500 kV nối cấp
250
Xây mới
87
Việt Yên
250
Xây mới
88
Tân Yên
250
Xây mới
89
Bắc Ninh 6
500
Xây mới
90
Bắc Ninh 4
500
Xây mới
91
Bắc Ninh 500 kV nối cấp
500
Xây mới
92
Bắc Ninh 7
250
Xây mới
93
Bắc Ninh 5
500
Xây mới
94
Tràng Bạch
500
Cải tạo
95
Hoành Bồ
500
Cải tạo
96
Quảng Ninh 500 kV nối cấp
500
Cải tạo
97
Hải Hà
500
Cải tạo
98
Yên Hưng
750
Xây mới
99
Cộng Hòa
250
Xây mới
100
Khe Thần
126
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
101
Móng Cái
250
Xây mới
102
Cẩm Phả
500
Cải tạo
103
Nam Hòa
500
Xây mới
104
KCN Hải Hà
500
Xây mới, máy 2 dự phòng phát triển cao KCN Hải Hà
105
Quảng Ninh 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
106
Mường Tè
750
Cải tạo
107
Than Uyên
750
Cải tạo
108
Sìn Hồ
250
Xây mới, giải phóng TĐN
109
Phong Thổ
750
Xây mới, giải phóng TĐN
110
Pắc Ma
750
Xây mới, giải phóng TĐN
111
Điện Biên
500
Xây mới, cải tạo
112
Điện Biên 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
113
Mường La
500
Cải tạo
114
Suối Sập 2A
200
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện theo Văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/01/2021
115
Phù Yên
375
Xây mới, cấp điện phụ tải chuyên dùng
116
Mộc Châu
250
Xây mới
117
Sông Mã
250
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
118
Sơn La 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
119
Yên Thủy
250
Xây mới
120
Hòa Bình
500
Cải tạo
121
Tân Lạc
250
Xây mới
122
Bỉm Sơn
500
Cải tạo
123
Nông Cống
500
Cải tạo
124
KKT Nghi Sơn
750
Xây mới
125
Tĩnh Gia
500
Xây mới
126
Sầm Sơn
500
Xây mới
127
Hậu Lộc
500
Xây mới
128
Thiệu Hóa
250
Xây mới, thay thế TBA 220 kV Thanh Hóa nối cấp
129
Bá Thước
250
Xây mới
130
Thanh Hóa 1 (*)
250
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
131
Đồng Vàng
500
Xây mới
132
Thiệu Yên
250
Xây mới
133
Tương Dương
250
Xây mới, giải phóng TĐN
134
Nam Cấm
500
Xây mới
135
Quỳ Hợp
250
Xây mới, giải phóng TĐN
136
Đô Lương
500
Cải tạo
137
Hà Tĩnh
500
Cải tạo
138
Vũng Áng
500
Xây mới
139
Vũng Áng 2
500
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
140
Can Lộc
250
Xây mới
141
Nghi Sơn 2
500
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
142
Hà Tĩnh 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
143
Dự phòng phát sinh TBA 220 kV xây mới, cải tạo nâng công suất
2.000
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện
144
Thiết kế sơ đồ linh hoạt 4 phân đoạn thanh cái bao gồm nhưng không giới hạn cho các sân phân phối 220 kV TBKHH Thái Bình, TBA 500kV Quỳnh Lưu, Vĩnh Yên, Long Biên, Hải Phòng, TBA 220kV Hai Bà Trưng, Nghĩa Hưng, Hậu Lộc, Tam Điệp, Bắc Ninh 4, Đồng Kỵ, Cát Hải, Nam Hòa, Long Biên 2, Hòa Lạc, Tân Việt, Hiệp Hòa 2, Phú Bình 2, Đồng Văn, Lý Nhân, Dương Kinh, Phố Cao
Hạn chế dòng ngắn mạch, tăng độ tin cậy cung cấp điện
145
Lắp kháng hạn chế dòng ngắn mạch tại các thanh cái 220 kV TBA 500 kV Phố Nối, Tây Hà Nội, Hiệp Hòa, Đan Phượng, Bắc Ninh, NĐ Phả Lại, Tràng Bạch
Hạn chế dòng ngắn mạch
146
Cải tạo sơ đồ thanh cái 220 kV linh hoạt, 4 phân đoạn thanh cái tại các trạm 500 kV Nho Quan, Sơn La, Đông Anh và các trạm 220 kV Vân Trì, Vât Cách, Long Biên, Trực Ninh, Thái Bình, Hà Đông, Thanh Nghị, Bắc Ninh 2, NĐ Hải Dương 
Hạn chế dòng ngắn mạch, tăng độ tin cậy cung cấp điện
Các công trình, dự án nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trạm điện, hệ thống điện
Bao gồm nhưng không giới hạn các dự án: Thay thế, lắp đặt kháng điện, tụ bù, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, máy bù đồng bộ…; mở rộng ngăn lộ trạm biến áp, cải tạo, hoàn thiện sơ đồ các trạm biến áp theo hướng linh hoạt; lắp đặt các thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch, thay thế nâng cấp thiết bị đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch, thiết lập mạch tự động; lắp đặt, thay thế các thiết bị, hệ thống điều khiển, hệ thống SCADA/ EMS, SCADA/DMS, tự động hóa trạm,...

Bảng 11: Danh mục các đường dây 220 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên đường dây
Số mạch x km
Ghi chú
1
Văn Điển - Rẽ Hà Đông - Thường Tín
4
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Văn Điển, bao gồm chuyển đấu nối trạm Văn Điển hình thành Văn Điển - Hòa Bình; Văn Điển - Xuân Mai
2
Tây Hà Nội - Thanh Xuân
4
x
16
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Thanh Xuân
3
500 kV Đông Anh - Vân Trì
2
x
13
Xây mới
4
Nâng khả năng tải Hòa Bình - Chèm
1
x
74
Cải tạo, nâng khả năng tải, đảm bảo cấp điện Hà Nội
5
Nâng khả năng tải Hà Đông - Chèm
1
x
16
Cải tạo, nâng khả năng tải, đảm bảo cấp điện Hà Nội
6
Đại Mỗ (Mỹ Đình) - Rẽ Tây Hà Nội - Thanh Xuân
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đại Mỗ
7
Mê Linh - Rẽ Sóc Sơn - Vân Trì
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Mê Linh
8
500 kV Tây Hà Nội - Hòa Lạc
2
x
14
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Hòa Lạc
9
Ứng Hòa - Rẽ Hà Đông - Phủ Lý
2
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Ứng Hòa
10
Mạch 2 Hà Đông - Ứng Hòa - Phủ Lý
2
x
40
Xây mới, cải tạo một mạch thành hai mạch, mở rộng 02 ngăn lộ tại trạm 220 kV Ứng Hòa
11
Nâng khả năng tải Hiệp Hòa - Sóc Sơn
2
x
10
Nâng khả năng tải hai mạch ĐD 220kV Hiệp Hòa - Sóc Sơn, gỡ bỏ hai mạch còn lại để hạn chế dòng ngắn mạch
12
Nâng khả năng tải Hà Đông - Thường Tín
2
x
16
Cải tạo, nâng khả năng tải
13
Cải tạo đường dây 220 kV Sơn Tây - Vĩnh Yên 01 mạch thành 2 mạch
2
x
30
Xây mới, cải tạo một mạch thành hai mạch, đồng thời chuyển đấu nối thành đường dây 2 mạch Sơn Tây - Vĩnh Yên
14
Long Biên - Mai Động
2
x
16
Xây mới, cáp ngầm
15
Long Biên 2 - Rẽ Mai Động - Long Biên
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Long Biên 2
16
Nâng khả năng tải Thường Tín - Phố Nối
2
x
33
Cải tạo, nâng khả năng tải 1 mạch Thường Tín - TBA 220 kV Phố Nối, 1 mạch Thường Tín - TBA 500 kV Phố Nối
17
Nâng khả năng tải Xuân Mai - Hà Đông
1
x
25
Cải tạo, nâng khả năng tải
18
Nâng khả năng tải Vân Trì - Tây Hồ - Chèm
2
x
20
Cải tạo, nâng khả năng tải, đảm bảo cấp điện Hà Nội
19
An Lão - Rẽ Đồng Hòa - Thái Bình
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV An Lão
20
Cát Hải - Đình Vũ
2
x
12
Xây mới, trường hợp không mở rộng được ngăn lộ trạm biến áp 220 kV Đình Vũ, xem xét đấu chuyển tiếp 1 mạch đường dây 220kV Đình Vũ - Dương Kinh
21
Dương Kinh - Rẽ Đồng Hòa - Đình Vũ
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Dương Kinh, đồng thời chuyển đấu nối Hải Dương 2 - Đồng Hòa và Đồng Hòa - Đình Vũ thành Hải Dương 2 - Đình Vũ
22
Nam Hòa - Cát Hải
2
x
12
Xây mới
23
NĐ Hải Dương - Phố Nối 500 kV
2
x
60
Xây mới
24
Gia Lộc - Rẽ NĐ Hải Dương - Phố Nối
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Gia Lộc
25
Bãi Sậy - Kim Động
2
x
12
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bãi Sậy
26
500 kV Hải Phòng - Gia Lộc
2
x
35
Xây mới
27
Thanh Hà - Rẽ 500 kV Hải Phòng - Gia Lộc
2
x
7
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Thanh Hà
28
Tân Việt (Bình Giang) - Rẽ Gia Lộc - Phố Nối
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tân Việt
29
Yên Mỹ - Rẽ Phố Nối 500 kV - Thường Tín 500 kV
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Yên Mỹ
30
Phố Cao - Rẽ Thái Bình - Kim Động
4
x
1
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phố Cao
31
Mạch 2 Nho Quan - Phủ Lý
2
x
27
Xây mới cải tạo 1 mạch thành hai mạch
32
Lý Nhân - Rẽ Thanh Nghị - Thái Bình
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Lý Nhân
33
Đồng Văn - Phủ Lý
2
x
15
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đồng Văn, trường hợp Phủ Lý không mở rộng được ngăn lộ, xem xét đấu chuyển tiếp Hà Đông - Phủ Lý
34
NĐ Nam Định 500 kV - Ninh Bình 2
2
x
30
Xây mới, dây phân pha tiết diện lớn
35
Hải Hậu - Trực Ninh
2
x
16
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Hải Hậu
36
NĐ Nam Định 500 kV - Hải Hậu
2
x
10
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV NĐ Nam Định
37
NĐ Nam Định 500 kV - Hậu Lộc
2
x
48
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV NĐ Nam Định
38
NĐ Nam Định 500 kV - Nam Định 3
2
x
18
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
39
Vũ Thư - Rẽ Thái Bình - Nam Định và Thái Bình - Ninh Bình
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Vũ Thư
40
Nâng khả năng tải Đồng Hòa - Thái Bình
2
x
53
Cải tạo, nâng khả năng tải
41
Thái Bình 500 kV - Thanh Nghị
2
x
60
Xây mới
42
Thái Bình 500 kV - Rẽ Thái Bình - Kim Động
4
x
5
Xây mới, đấu nối phía 220 kV Thái Bình 500 kV
43
Tam Điệp - Rẽ Bỉm Sơn - Ninh Bình
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tam Điệp trên một mạch trước, đấu nối mạch còn lại đồng bộ với đường dây 220 kV Gia Viễn - Tam Điệp - Bỉm Sơn
44
Gia Viễn - Rẽ Nho Quan 500 kV - Ninh Bình
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Gia Viễn
45
Gia Viễn - Nam Định
2
x
7
Xây mới, chuyển đấu nối Gia Viễn - Nam Định, thực hiện trong trường hợp di chuyển TBA 220 kV Ninh Bình
46
Nâng khả năng tải Nho Quan 500 kV - Ninh Bình
2
x
26
Cải tạo, nâng khả năng tải
47
Cải tạo đường dây 220 kV Tam Điệp - Gia Viễn - Bỉm Sơn 01 mạch thành 02 mạch
2
x
34
Cải tạo đường dây 1 mạch thành hai mạch, thực hiện trong trường hợp thu hồi TBA 220 kV Ninh Bình, thay thế cho đường dây 220 kV Ninh Bình - Tam Điệp - Bỉm Sơn
48
Ninh Bình 2 - Rẽ Ninh Bình - Thái Bình
2
x
19
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Ninh Bình 2
49
Bắc Quang - Rẽ Bảo Thắng - Yên Bái (Bắc Quang - Lục Yên)
2
x
43
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bắc Quang, tăng cường mua điện Trung Quốc
50
Treo dây mạch 2 Hà Giang - Biên giới Việt Nam - Trung Quốc
1
x
30
Tăng cường mua điện Trung Quốc
51
Bắc Quang - Biên giới Việt Nam - Trung Quốc (địa phận tỉnh Hà Giang)
2
x
55
Xây mới, tăng cường mua điện Trung Quốc
52
Nâng khả năng tải Hà Giang - Rẽ TĐ Bắc Mê và Hà Giang - Thái Nguyên
42
+
51
Cải tạo, nâng khả năng tải các đoạn AC410 trên tuyến Hà Giang - TĐ Bắc Mê (42km) và Hà Giang - Thái Nguyên (51km)
53
Treo dây mạch 2 Cao Bằng - Bắc Kạn
1
x
71
Treo dây mạch 2 Cao Bằng - Bắc Kạn
54
Lào Cai - Bảo Thắng
2
x
18
Xây mới
55
Đấu nối 500 kV Lào Cai
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Lào Cai, rẽ Bảo Thắng - Yên Bái
56
Bát Xát - 500 kV Lào Cai
2
x
42
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bát Xát
57
Than Uyên - 500 kV Lào Cai
2
x
65
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Than Uyên, giải tỏa thủy điện nhỏ
58
TBA 500 kV Lào Cai - Biên giới Việt Nam - Trung Quốc
2
x
40
Xây mới, tăng cường mua điện Trung Quốc
59
TĐ Bắc Hà - chuyển đấu nối 500 kV Lào Cai
1
x
5
Giảm tải đường dây 220kV Bảo Thắng - Lào Cai 500 kV
60
Bắc Giang - Lạng Sơn
2
x
102
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Lạng Sơn
61
Đồng Mỏ - Rẽ Bắc Giang - Lạng Sơn
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đồng Mỏ
62
TĐ Yên Sơn - Rẽ TĐ Tuyên Quang - Tuyên Quang
2
x
8
Xây mới, đồng bộ TĐ Yên Sơn
63
Nâng khả năng tải Yên Bái - Việt Trì
2
x
67
Cải tạo, nâng khả năng tải
64
Huội Quảng - Nghĩa Lộ
2
x
103
Xây mới, giải tỏa thủy điện nhỏ
65
Nghĩa Lộ - Việt Trì (500 kV Việt Trì)
2
x
93
Xây mới, giải tỏa thủy điện nhỏ
66
Lục Yên - Rẽ Lào Cai - Yên Bái
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Lục Yên
67
Chuyển đấu nối Bắc Quang - Lục Yên
2
x
1
Xây mới, chuyển đấu nối Bắc Quang về Lục Yên
68
Nâng khả năng tải Yên Bái - Tuyên Quang
2
x
36
Cải tạo, nâng khả năng tải, tăng cường mua điện Trung Quốc
69
Nâng khả năng tải Lục Yên - Yên Bái
2
x
58
Cải tạo, nâng khả năng tải, tăng cường mua điện Trung Quốc
70
500 kV Hiệp Hòa - Phú Bình 2
2
x
14
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phú Bình 2
71
Sông Công - Rẽ Tuyên Quang - Phú Bình
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Sông Công
72
Phú Bình 2 - Rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang
2
x
13
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phú Bình 2
73
Nâng khả năng tải Hiệp Hòa - Phú Bình
1
x
10
Cải tạo, nâng khả năng tải mạch ACSR410
74
Nâng khả năng tải Thái Nguyên - Lưu Xá - Phú Bình
1
x
30
Cải tạo, nâng khả năng tải
75
500 kV Việt Trì - Việt Trì
2
x
10
Cải tạo, nâng khả năng tải
76
Nâng khả năng tải 500 kV Việt Trì - Vĩnh Tường
1
x
27
Cải tạo, nâng khả năng tải
77
Nâng khả năng tải 500 kV Việt Trì - Vĩnh Yên
1
x
36
Cải tạo, nâng khả năng tải
78
500 kV Việt Trì - Bá Thiện (500 kV Vĩnh Yên)
2
x
43
Xây mới
79
Phú Thọ 2 - Rẽ Sơn La - Việt Trì
2
x
1
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phú Thọ 2
80
Bá Thiện (Vĩnh Yên 500 kV) - Rẽ Vĩnh Yên - Sóc Sơn
2
x
13
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bá Thiện. Kết hợp cải tạo, nâng khả năng tải đoạn tuyến hiện hữu từ Vĩnh Yên 220kV đến điểm giao cắt.
81
Tam Dương - Rẽ 500 kV Việt Trì - Bá Thiện (500 kV Vĩnh Yên)
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tam Dương
82
Vĩnh Yên 500 kV - Mê Linh
2
x
25
Xây mới.
83
Mê Linh - Rẽ Sóc Sơn -Vân Trì (mạch 2)
2
x
2
Xây mới, chuyển đấu nối đường dây 220kV Vĩnh Yên 500kV - Mê Linh và Mê Linh - Vân Trì thành Vĩnh Yên - Vân Trì để hạn chế dòng ngắn mạch
84
Vĩnh Tường - Vĩnh Yên
2
x
8
Xây mới và cải tạo, chuyển đấu nối thành đường dây 02 mạch Vĩnh Tường - Vĩnh Yên
85
Mạch 2 NĐ Phả Lại - Bắc Giang
2
x
27
Cải tạo 1 mạch thành 2 mạch
86
Đấu nối NMNĐ An Khánh Bắc Giang
4
x
14
Xây mới, đồng bộ NMNĐ An Khánh Bắc Giang, đấu nối trên ĐD 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn
87
Lạng Giang - Rẽ Bắc Giang - Thái Nguyên
2
x
2
Xây mới, đấu nối trạm biến áp 220 kV Lạng Giang
88
Yên Dũng - Rẽ NĐ Phả Lại - Quang Châu
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Yên Dũng
89
Bắc Ninh 4 - Đông Anh
2
x
11
Xây mới, Đấu nối TBA 220 kV Bắc Ninh 4
90
Bắc Ninh 5 - Rẽ Bắc Ninh 500 kV - Phố Nối
2
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bắc Ninh 5
91
Bắc Ninh 6 - Rẽ Phả Lại - 500 kV Phố Nối
2
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bắc Ninh 6, xem xét sử dụng cột 04 mạch treo trước 02 mạch
92
Bắc Ninh 500 kV - Rẽ Bắc Ninh 2 - Phố Nối
4
x
3
Xây mới, đấu nối phía 220 kV Bắc Ninh 500 kV
93
Bắc Ninh 500 kV - Bắc Ninh 4
2
x
13
Xây mới
94
Khe Thần - Rẽ Tràng Bạch - Hoành Bồ
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Khe Thần
95
Cộng Hòa - Rẽ Cẩm Phả - Hải Hà
2
x
2
Xây mới 04 mạch, treo trước 02 mạch, đấu nối TBA 220 kV Cộng Hòa
96
Yên Hưng - Rẽ NMĐ Uông Bí - Tràng Bạch
2
x
12
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Yên Hưng
97
Yên Hưng - Nam Hòa
2
x
30
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nam Hòa
98
Hải Hà - Móng Cái
2
x
40
Xây mới
99
Phong Thổ - Than Uyên
2
x
65
Xây mới, giải tỏa thủy điện nhỏ
100
Mường Tè - Lai Châu
2
x
50
Xây mới, giải tỏa TĐ, đã đóng điện T2/2021
101
Pắc Ma - Mường Tè
2
x
36
Xây mới, giải tỏa TĐ
102
Nậm Ou 7 - Lai Châu
2
x
65
Xây mới, đấu nối TĐ Nậm Ou 5, 6, 7 (Lào). Toàn tuyến 2x97km, trên địa phận Việt Nam 2x65km. Đồng bộ nguồn TĐ từ Lào.
103
Nậm Ou 5 - Điện Biên
2
x
22
Xây mới, đấu nối TĐ Nậm Ou 5, 6, 7 (Lào). Toàn tuyến 2x73km, trên địa phận Việt Nam 2x22km. Đồng bộ nguồn TĐ từ Lào.
104
Nâng khả năng tải Sơn La - Việt Trì
1
x
167
Cải tạo, nâng khả năng tải
105
500 kV Sơn La - Điện Biên
2
x
133
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Điện Biên
106
Nâng khả năng tải 500 kV Sơn La - Sơn La
1
x
41
Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
107
Nâng khả năng tải 500 kV Sơn La - Mường La
1
x
21
Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
108
Nâng khả năng tải Mường La - Sơn La
1
x
32
Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
109
Suối Sập 2A - Rẽ Sơn La - Việt Trì
2
x
5
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện theo Văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/01/2021
110
Phù Yên - Rẽ Sơn La - Việt Trì
2
x
7
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phù Yên (cấp điện phụ tải chuyên dùng)
111
Yên Thủy - Rẽ Hòa Bình - Nho Quan
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Yên Thủy
112
KKT Nghi Sơn - Rẽ Nghi Sơn - NĐ Nghi Sơn
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV KKT Nghi Sơn
113
Nghi Sơn 2 - Rẽ NĐ Nghi Sơn - Nông Cống
4
x
2
Xây mới, đấu nối trạm 220kV Nghi Sơn 2, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
114
Thanh Hóa 500 kV - Sầm Sơn
2
x
36
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Sầm Sơn
115
500 kV Thanh Hóa - Rẽ Nông Cống - Thanh Hóa
4
x
7
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Thanh Hóa
116
500 kV Thanh Hóa - Hậu Lộc
2
x
35
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Hậu Lộc
117
Thanh Hóa 500kV - Bỉm Sơn
1
x
36
Xây mới, cải tạo 1 mạch thành 2 mạch đường dây 220 kV Ba Chè - Bỉm Sơn
118
TĐ Nam Sum (Lào) - Nông Cống
2
x
129
Xây mới, đồng bộ TĐ Nậm Sum Lào
119
Mạch 3 Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu
1
x
83
Treo dây mạch 2
120
Nâng khả năng tải Nông Cống - 500 kV Thanh Hóa
2
x
26
Cải tạo trong trường hợp giải tỏa NĐ Nghi Sơn 2 qua lưới điện 220 kV.
121
NĐ Nghi Sơn - Rẽ Nông Cống - Quỳnh Lưu
2
x
10
Xây mới, chuyển đấu nối Nông Cống - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Quỳnh Lưu thành Nông Cống - Quỳnh Lưu. Thay thế đường dây 220 kV NĐ Nghi Sơn - Rẽ Nghi Sơn - Vinh
122
Nông Cống - Nghi Sơn - chuyển đấu nối NĐ Nghi Sơn
2
x
42
Giai đoạn 2 của đường NĐ Nghi Sơn - Rẽ Nông Cống - Quỳnh Lưu, hoàn trả hiện trạng ĐD 220 kV Nông Cống - Quỳnh Lưu
123
Tĩnh Gia - Rẽ Nông Cống - Nghi Sơn
2
x
8
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tĩnh Gia
124
Mỹ Lý - Bản Vẽ
1
x
72
Xây mới, đồng bộ TĐ Mỹ Lý
125
Đồng Vàng - Rẽ NĐ Nghi Sơn - Nông Cống
4
x
4
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải
126
Nam Cấm - Rẽ Quỳnh Lưu - Hưng Đông
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nam Cấm
127
Quỳ Hợp - Quỳnh Lưu 500 kV
2
x
62
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Quỳ Hợp, giải phóng công suất TĐN.
128
Đấu nối TBA 500 kV Quỳnh Lưu
4
x
5
Xây mới, đấu nối phía 220 kV Quỳnh Lưu 500 kV
129
Đô Lương - Nam Cấm
2
x
32
Giải tỏa công suất TĐ Lào và TĐ phía Tây Nghệ An
130
Nâng khả năng tải Hưng Đông - Quỳnh Lưu - Nghi Sơn
2
x
100
Cải tạo, nâng khả năng tải 2 mạch, Giải tỏa công suất TĐ Lào và TĐ phía Tây Nghệ An
131
Nậm Mô 2 (Lào) - Tương Dương
2
x
77
Xây mới, đồng bộ cụm TĐ Nậm Mô (Lào)
132
Tương Dương - Đô Lương
2
x
100
Xây mới, đồng bộ cụm TĐ Nậm Mô (Lào)
133
Tương Dương - Rẽ Thủy điện Bản Vẽ - Đô Lương
2
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tương Dương
134
Vũng Áng - 500 kV NĐ Vũng Áng
2
x
13
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Vũng Áng
135
Vũng Áng 2 - Rẽ Vũng Áng - 500 kV NĐ Vũng Áng
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Vũng Áng 2, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
136
Nâng khả năng tải Hà Tĩnh - Hưng Đông
2(3)
x
66
Cải tạo, nâng khả năng tải, chống quá tải mùa khô. Xem xét cải tạo Mạch 1 đường dây vận hành từ năm 1990 thành 02 mạch, tháo dỡ hoặc giữ nguyên mạch còn lại nếu mở rộng được ngăn lộ 220 kV tại TBA 500 kV Hà Tĩnh và TBA 220 kV Hưng Đông.
137
500 kV Đan Phượng - Mê Linh
2
x
15
Xây mới, xem xét chuyển đấu nối thành mạch kép Vân Trì - Sóc Sơn và mạch kép Vĩnh Yên 500 kV - Mê Linh - Đan Phượng 500 kV
138
Đấu nối 500 kV Đan Phượng
4
x
11
Rẽ Chèm - Vân Trì và Chèm - Tây Hồ
139
Sóc Sơn 2 - Rẽ Hiệp Hòa - Đông Anh
2
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Sóc Sơn 2
140
500 kV Sơn Tây - Hòa Lạc 2
2
x
15
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Hòa Lạc 2
141
500 kV Sơn Tây - Hòa Lạc
2
x
12
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Sơn Tây
142
500 kV Sơn Tây - Rẽ Sơn Tây - Vĩnh Yên
4
x
5
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Sơn Tây
143
Đan Phượng 500 kV - Cầu Giấy
2
x
20
Xây mới, đường dây trên không và cáp ngầm (nội đô), đấu nối TBA 220 kV Cầu Giấy
144
Hai Bà Trưng - Thành Công
2
x
5
Xây mới, cáp ngầm, đấu nối TBA 220 kV Hai Bà Trưng
145
Hai Bà Trưng - Mai Động
2
x
3
Xây mới, cáp ngầm, đấu nối TBA 220 kV Hai Bà Trưng
146
Chương Mỹ - Rẽ Hòa Bình - Hà Đông
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Chương Mỹ
147
Nam Hà Nội 500 kV - Phú Xuyên
2
x
15
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phú Xuyên
148
Đấu nối 500 kV Nam Hà Nội
2
x
15
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Nam Hà Nội, rẽ Hà Đông Phủ Lý và Ứng Hòa - Phủ Lý
149
Long Biên 500 kV - Rẽ Long Biên 2 - Mai Động
4
x
10
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Long Biên
150
Hải Phòng 500 kV - Dương Kinh
2
x
8
Xây mới
151
Hải Phòng 500 kV - Tiên Lãng
2
x
14
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tiên Lãng
152
Bắc Bộ 1 - Đồ Sơn
2
x
10
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
153
Bắc Bộ 3 - Hải Hà
2
x
20
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
154
Đồ Sơn - Dương Kinh
2
x
8
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đồ Sơn
155
Đại Bản - Rẽ Hải Dương 2 - Dương Kinh
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đại Bản
156
Nhị Chiểu - Rẽ Mạo Khê - Hải Dương 2
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nhị Chiểu
157
Tứ Kỳ - Rẽ 500 kV Hải Phòng - Gia Lộc
4
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tứ Kỳ
158
Gia Lộc 500 kV - Rẽ Gia Lộc - Hải Phòng 500 kV
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Gia Lộc, trường hợp không bố trí được quỹ đất nối cấp Gia Lộc 220 kV
159
Hưng Yên 500 kV - Đồng Văn
2
x
14
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Hưng Yên
160
Văn Giang - Rẽ Long Biên 500 kV - Thường Tín 500 kV
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Văn Giang
161
Hưng Yên 500 kV (TP Hưng Yên) - Rẽ Kim Động - Phố Cao
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Hưng Yên
162
Nam Định 2 - Rẽ Trực Ninh - Ninh Bình và Trực Ninh - Nam Định
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nam Định 2
163
LNG Thái Bình - Tiên Lãng
2
x
56
Xây mới, đồng bộ LNG Thái Bình
164
LNG Thái Bình - Trực Ninh
2
x
50
Xây mới, đồng bộ LNG Thái Bình
165
Nghĩa Hưng - Rẽ NĐ Nam Định 500 kV - Hậu Lộc
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nghĩa Hưng
166
Quỳnh Phụ - Rẽ Thái Bình - Đồng Hòa
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Quỳnh Phụ
167
Cao Bằng - Lạng Sơn
2
x
120
Xây mới
168
Bảo Lâm - Bắc Mê
2
x
30
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện nhỏ Hà Giang
169
Văn Bàn - Rẽ Than Uyên - Lào Cai 500 kV
4
x
10
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Văn Bàn, giải phóng công suất thủy điện nhỏ
170
Lạng Sơn 1 - Đồng Mỏ (*)
2
x
60
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
171
Lạng Sơn 2 - Lạng Sơn 1 500kV (*)
2
x
20
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
172
Hiệp Hòa 2 - Rẽ Hiệp Hòa 500 kV - Phú Bình 2
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Hiệp Hòa 2
173
500 kV Thái Nguyên - Rẽ Malungtang - Thái Nguyên
2
x
12
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Thái Nguyên
174
500 kV Thái Nguyên - Rẽ Tuyên Quang (TBA) - Phú Bình
2
x
12
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Thái Nguyên
175
500 kV Thái Nguyên - Rẽ Lưu Xá - Phú Bình
2
x
9
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Thái Nguyên
176
Đại Từ - Rẽ Hà Giang - Thái Nguyên 500 kV và Tuyên Quang - Thái Nguyên 500 kV
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đại Từ
177
Phú Thọ 3 - Rẽ Nghĩa Lộ - 500 kV Việt Trì
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phú Thọ 3
178
Bắc Giang 500 kV - Rẽ NMNĐ An Khánh Bắc Giang - Lạng Sơn
4
x
8
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Bắc Giang
179
Đấu nối 500 kV Yên Thế
4
x
4
Xây mới, chuyển tiếp trên 02 mạch Phú Bình 2 rẽ Lạng Giang - Thái Nguyên
180
Yên Thế 500 kV - Việt Yên
2
x
25
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Việt Yên
181
Tân Yên - Rẽ Yên Thế - Việt Yên
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tân Yên
182
Phúc Yên - Rẽ 500 kV Vĩnh Yên - 220 kV Vĩnh Yên
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Phúc Yên
183
Chấn Hưng - Rẽ 500 kV Việt Trì - 220 kV Vĩnh Yên
2
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Chấn Hưng
184
Bắc Giang 1 - Lạng Sơn 1 (*)
2
x
35
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
185
Đồng Mỏ - Sơn Động
2
x
60
Xây mới
186
Bắc Ninh 7 - Rẽ 500 kV Đông Anh - Bắc Ninh 4
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bắc Ninh 7
187
Bắc Ninh 500 kV - Bắc Ninh
2
x
10
Xây mới, đồng bộ với chuyển đấu nối đường dây 220kV Phả Lại - Bắc Ninh và Bắc Ninh - Quang Châu thành Phả Lại - Quang Châu để hạn chế dòng ngắn mạch
188
KCN Hải Hà - Hải Hà
2
x
10
Xây mới, đảm bảo cấp điện KCN Hải Hà và giải phóng công suất NĐ đồng phát Hải Hà trong trường hợp gia tăng công suất bán điện lên lưới.
189
Nâng khả năng tải Quảng Ninh - Hoành Bồ
2
x
20
Xây mới
190
Quảng Ninh 1 - Rẽ Hoành Bồ - NĐ Sơn Động và Hoành Bồ - Tràng Bạch (*)
4
x
5
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
191
Lai Châu 500 kV - Phong Thổ
2
x
60
Xây mới, giải tỏa công suất TĐ, giảm tải TBA 500 kV Lai Châu, dây phân pha tiết diện lớn
192
Sìn Hồ - Rẽ Lai Châu 500 kV - Phong Thổ
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Sìn Hồ, giải tỏa nguồn điện khu vực
193
Mường Tè - Sìn Hồ
2
x
35
Giải tỏa công suất TĐN khu vực Mường Tè
194
Điện Biên 1 - Điện Biên (*)
2
x
23
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
195
Điện Biên 1 - Lai Châu (*)
2
x
52
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
196
Mộc Châu - Rẽ đấu nối TĐ Trung Sơn
2
x
35
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Mộc Châu
197
Sông Mã - Sơn La 500 kV
2
x
83
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện nhỏ
198
Sơn La 1 - Rẽ Sơn La - Suối Sập 2A (*)
2
x
4
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
199
Đấu nối Tân Lạc
6
x
5
Xây mới, Tân Lạc - Rẽ Hòa Bình - Yên Thủy và chuyển đấu nối TĐ Trung Sơn, hình thành các đường dây 220 kV mạch kép Hòa Bình - Tân Lạc, Tân Lạc -Yên Thủy và Tân Lạc - TĐ Trung Sơn - TĐ Hồi Xuân
200
Thiệu Hóa - Thanh Hóa 500 kV
2
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Thiệu Hóa
201
Thiệu Hóa - Thiệu Yên
2
x
25
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Thiệu Yên
202
TĐ Hồi Xuân - Bá Thước
2
x
30
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bá Thước
203
Thanh Hóa 1 - Rẽ Nghi Sơn - Nông Cống (*)
4
x
2
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
204
Tương Dương - Quỳ Hợp
2
x
80
Xây mới, giải phóng TĐN và tăng cường nhập khẩu điện Lào
205
TĐ Nậm Mô 1 - Rẽ Mỹ Lý - Bản Vẽ
2
x
18
Xây mới, đồng bộ TĐ Nậm Mô 1 (Việt Nam)
206
Can Lộc - Rẽ Hà Tĩnh - Hưng Đông
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Can Lộc
207
Hà Tĩnh 1 - Rẽ Vũng Áng - Hà Tĩnh (*)
4
x
4
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
208
Dự phòng phát sinh đường dây 220 kV cải tạo và xây mới
350 
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện

Bảng 12: Danh mục các trạm biến áp 500 kV xây mới và cải tạo miền Trung đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên trạm biến áp
Công suất (MVA)
Ghi chú
1
Lao Bảo (Hướng Hóa)
1.800
Xây mới, giải phóng nguồn điện khu vực. Kiến nghị thiết kế dự phòng đất mở rộng quy mô trong tương lai
2
Trạm cắt Quảng Trị 2
Trạm cắt 
Xây mới trạm cắt, chuyển tiếp mạch 3,4 (Quảng Trạch - Dốc Sỏi)
3
Quảng Trị
900
Xây mới
4
Quảng Bình (*)
900
Xây mới, đồng bộ nguồn điện khu vực
5
Thạnh Mỹ
1.800
Cải tạo
6
Dốc Sỏi
1.200
Cải tạo
7
Bình Định
900
Xây mới, chống quá tải, giải phóng nguồn điện khu vực
8
Vân Phong
1.800
Xây mới, đấu nối vào SPP NMNĐ Vân Phong I
9
Pleiku 2
1.800
Cải tạo, chống quá tải, giải tỏa công suất nguồn
10
Krông Buk
1.800
Xây mới, chống quá tải, giải tỏa công suất nguồn
11
Đắk Nông
1.800
Cải tạo, chống quá tải, giải tỏa công suất nguồn
12
Đà Nẵng
1.800
Cải tạo
13
Dung Quất
900
Xây mới,
14
Kon Tum
Trạm cắt 
Trạm cắt 500 kV đấu nối điện Lào trong trường hợp tăng cường nhập khẩu điện Nam Lào
15
Nhơn Hòa
1.800
Xây mới, dự kiến vào vận hành Máy 1 giai đoạn 2024-2025.
Dự phòng phát sinh TBA 500 kV xây mới, cải tạo nâng công suất
1.800
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện
Các công trình, dự án nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trạm điện, hệ thống điện
Bao gồm nhưng không giới hạn các dự án: Thay thế, lắp đặt kháng điện, tụ bù, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, máy bù đồng bộ…; mở rộng ngăn lộ trạm biến áp, cải tạo, hoàn thiện sơ đồ các trạm biến áp theo hướng linh hoạt; lắp đặt các thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch, thay thế nâng cấp thiết bị đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch, thiết lập mạch tự động; lắp đặt, thay thế các thiết bị, hệ thống điều khiển, hệ thống SCADA/ EMS, SCADA/DMS, tự động hóa trạm,...

Bảng 13: Danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Trung đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên đường dây
Số mạch
x
 km
Ghi chú
1
Quảng Trạch - Dốc Sỏi
2
x
500
Xây mới
2
Quảng Trị - Rẽ Vũng Áng - Đà Nẵng
4
x
6
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Quảng Trị
3
Trạm cắt Quảng Trị 2 - Rẽ Quảng Trạch - Dốc Sỏi
4
x
5
Xây mới, đấu nối trạm cắt Quảng Trị 2
4
 Lao Bảo - Trạm cắt 500 kV Quảng Trị 2
2
x
31
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV  Lao Bảo
5
Quảng Bình - Rẽ Vũng Áng - Quảng Trị (*)
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Quảng Bình
6
Monsoon - Thạnh Mỹ
2
x
45
Xây mới, đồng bộ ĐG Monsoon (Lào)
7
Thạnh Mỹ - Rẽ Quảng Trạch - Dốc Sỏi
4
x
35
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Thạnh Mỹ
8
TBKHH Dung Quất - Dốc Sỏi
2
x
8
Xây mới
9
TBKHH Dung Quất - Bình Định
2
x
200
Xây mới, giải tỏa công suất TBKHH Dung Quất.
10
Bình Định - Krong Buk
2
x
216
Xây mới, đồng bộ TBA 500 kV Bình Định
11
NMNĐ Vân Phong I - Thuận Nam
2
x
157
Xây mới, đồng bộ NMNĐ Vân Phong I
12
TĐ Ialy MR - TĐ Ialy
1
x
2
Xây mới, đồng bộ TĐ Ialy MR
13
Nhơn Hòa - Rẽ Pleiku - Đắk Nông
2
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Nhơn Hòa (vận hành giai đoạn 2024-2025) để gom các nhà máy NLTT bao gồm NMĐG Nhơn Hòa 1 (50 MW), Nhơn Hòa 2 (50 MW) và các nguồn NLTT lân cận. Phê duyệt theo Văn bản số 323/TTg-CN ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 1301/BCT-ĐL ngày 11/3/2021 của Bộ Công Thương
14
Krông Buk - Rẽ Pleiku 2 - Chơn Thành
4
x
2
Xây mới, đồng bộ TBA 500 kV Krông Buk
15
NMNĐ Quảng Trị - Quảng Trị
2
x
17
Xây mới, đấu nối NMNĐ Quảng Trị, đồng bộ nguồn điện
16
Cụm NMĐ Xebanghieng (Lào) - 500 kV Lao Bảo
2
x
20
Xây mới, đồng bộ cụm NMĐ Xebanghieng (Lào), toàn tuyến 45km, phần trên lãnh thổ Việt Nam 20km
17
TBKHH Miền Trung - Dốc Sỏi
2
x
18
Xây mới, đồng bộ TBKHH Miền Trung
18
Vân Phong - Bình Định
2
x
224
Xây mới
19
Hatsan (Lào) - Kon Tum
2
x
100
Xây mới, trường hợp tăng cường mua điện Lào
20
Kon Tum - Rẽ Thạnh Mỹ - Pleiku 2
4
x
5
Xây mới, đấu nối trạm cắt 500 kV Kon Tum, trường hợp tăng cường mua điện từ Lào
21
Cải tạo Thạnh Mỹ - Pleiku 2 thành 2 mạch
2
x
199
Xây mới, cải tạo mạch 1, chuyển đấu nối vào trạm biến áp 500 kV Pleiku. Tăng cường năng lực truyền tải, dự phòng đấu nối nguồn điện từ Lào
22
Krông Buk - Tây Ninh 1
2
x
313
Xây mới
23
Mạch 2 Đà Nẵng - Dốc Sỏi
2
x
100
Xây mới mạch 2, cải tạo mạch 1, trường hợp không mở rộng được ngăn lộ Dốc Sỏi, chuyển đấu nối mạch 2 về TBKHH Miền Trung
24
LNG Hải Lăng - NMNĐ Quảng Trị 
2
x
6
Xây mới, đồng bộ LNG Hải Lăng GĐ 1, trường hợp NMNĐ Quảng Trị chậm tiến độ, xây trước ĐD LNG Hải Lăng - Quảng Trị dài khoảng 23km đấu nối LNG Hải Lăng GĐ 1
25
Dự phòng phát sinh Đường dây 500 kV cải tạo và xây mới
336 
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện

Bảng 14: Danh mục các trạm biến áp 220 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Trung đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên trạm biến áp
Công suất (MVA)
Ghi chú
1
Đồng Hới
375
Cải tạo
2
Lệ Thủy (*)
500
Xây mới, giải phóng công suất nguồn khu vực
3
Ba Đồn
500
Cải tạo
4
Hướng Linh (*)
250
Xây mới, giải phóng công suất nguồn khu vực
5
Hướng Tân (*)
500
Xây mới, giải phóng công suất nguồn khu vực
6
Đông Hà
500
Cải tạo
7
Đông Nam
250
Xây mới
8
Lao Bảo
750
Cải tạo
9
Phong Điền
375
Cải tạo
10
Chân Mây
250
Xây mới
11
Hương Thủy
250
Xây mới
12
Ngũ Hành Sơn
500
Cải tạo
13
Hải Châu
250
Xây mới
14
Liên Chiểu
500
Xây mới
15
Sân Bay Đà Nẵng
250
Xây mới
16
Tiên Sa (An Đồn)
250
Xây mới
17
Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc
Trạm cắt
Trạm cắt, đấu nối thủy điện Lào
18
Duy Xuyên
250
Xây mới
19
Tam Hiệp
250
Xây mới
20
Thạnh Mỹ
500
Cải tạo
21
Tam Kỳ
500
Cải tạo
22
Điện Bàn
250
Xây mới
23
Nam Hội An
250
Xây mới
24
Dung Quất 2
500
Xây mới
25
Dốc Sỏi
500
Cải tạo
26
Quảng Ngãi 2
250
Xây mới
27
Nhơn Hội
500
Xây mới
28
Phước An
500
Cải tạo
29
Phù Mỹ
375
Cải tạo
30
Phù Mỹ 2
450
Xây mới, đồng bộ tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
31
Tuy Hòa
500
Cải tạo
32
Sông Cầu
500
Xây mới
33
Nam Phú Yên
250
Xây mới
34
Vân Phong
500
Cải tạo
35
Cam Ranh
500
Xây mới
36
Vạn Ninh
500
Xây mới
37
Cam Thịnh
250
Xây mới
38
Trạm cắt 220 kV Bờ Y
Trạm cắt
Trạm cắt, đấu nối thủy điện Lào
39
Bờ Y
250
Xây mới
40
Kon Tum
500
Cải tạo
41
TĐ Nước Long
175
Cải tạo, mở rộng để giải phóng công suất cụm thủy điện theo Văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/1/2021
42
Chư Sê
250
Xây mới
43
An Khê
250
Xây mới
44
Pleiku 2 500 kV nối cấp
250
Xây mới
45
Krông Pa
250
Xây mới, giải tỏa nguồn điện khu vực
46
Gia Lai 1 (*)
250
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
47
Krông Ana
375
Xây mới
48
Krông Buk 500 kV nối cấp (Cư M'Gar)
500
Xây mới
49
Ea Kar
250
Xây mới
50
Đắk Nông
500
Cải tạo
51
Đắk Nông 2
250
Xây mới
52
Điện phân nhôm
1.184
Xây mới, đồng bộ tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
53
Dự phòng phát sinh TBA 220 kV xây mới, cải tạo nâng công suất
500
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện
54
Cải tạo sơ đồ thanh cái 220 kV linh hoạt, 4 phân đoạn thanh cái tại TBA 500kV Dốc Sỏi
Hạn chế dòng ngắn mạch
55
Lắp kháng hạn chế dòng ngắn mạch tại các thanh cái 220 kV TBKHH Dung Quất (kháng đường dây 220kV Dốc Sỏi - TBKHH Dung Quất)
Hạn chế dòng ngắn mạch
Các công trình, dự án nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trạm điện, hệ thống điện
Bao gồm nhưng không giới hạn các dự án: Thay thế, lắp đặt kháng điện, tụ bù, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, máy bù đồng bộ…; mở rộng ngăn lộ trạm biến áp, cải tạo, hoàn thiện sơ đồ các trạm biến áp theo hướng linh hoạt; lắp đặt các thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch, thay thế nâng cấp thiết bị đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch, thiết lập mạch tự động; lắp đặt, thay thế các thiết bị, hệ thống điều khiển, hệ thống SCADA/ EMS, SCADA/DMS, tự động hóa trạm,...

Bảng 15: Danh mục các đường dây 220 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Trung đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên đường dây
Số mạch
x
 km
Ghi chú
1
Ba Đồn - Rẽ Vũng Áng - Đồng Hới
2
x
3
Xây mới, chuyển tiếp mạch còn lại, trường hợp nguồn điện khu vực đấu nối về trạm 220 kV Ba Đồn tăng cao
2
Điện gió B&T1 - Rẽ Đồng Hới - Đông Hà mạch 2
2
x
10
Xây mới, bổ sung công trình đấu nối điện gió B&T để đảm bảo N-1
3
Đấu nối 500 kV Quảng Trị
6
x
2
Xây mới, rẽ chuyển tiếp Đông Hà - Huế và Đông Hà - Phong Điền
4
Đông Hà - Huế mạch 3
1
x
78
Treo dây mạch 3 trên đường dây 220 kV Đông Hà - Huế mạch 2 hiện hữu
5
ĐG TNC Quảng Trị 1 - Hướng Tân
1
x
11
Xây mới, đồng bộ điện gió TNC Quảng Trị 1,2, phương án đấu nối được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
6
Hướng Linh - Lao Bảo (*)
1
x
12
Xây mới, giải tỏa điện gió, đề xuất sử dụng dây phân pha, tiết diện lớn, phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
7
ĐG LIG Hướng Hóa 1 - Hướng Tân
1
x
13
Xây mới, đồng bộ điện gió LIG Hướng Hóa 1, đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
8
ĐG LIG Hướng Hóa 2 - LIG Hướng Hóa 1
1
x
8
Xây mới, đồng bộ điện gió LIG Hướng Hóa 2, đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
9
ĐG Tài Tâm - Lao Bảo
1
x
12
Xây mới, giải tỏa điện gió, đề xuất sử dụng dây phân pha, tiết diện lớn, phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
10
Hướng Tân - Lao Bảo (*)
1
x
12
Xây mới, giải tỏa điện gió, đề xuất sử dụng dây phân pha, tiết diện lớn, phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
11
ĐG Amacao - Lao Bảo
1
x
8
Xây mới, giải tỏa điện gió, đề xuất sử dụng dây phân pha, tiết diện lớn, phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
12
500 kV Lao Bảo - Rẽ Lao Bảo - Đông Hà
4
x
5
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Lao Bảo
13
500 kV Lao Bảo - Rẽ ĐG Tài Tâm - Lao Bảo
2
x
5
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Lao Bảo
14
Phong Điền - Rẽ Đông Hà - Huế (mạch 2)
2
x
5
Xây mới, đấu nối chuyển tiếp thêm 01 mạch, tăng khả năng giải tỏa công suất nguồn điện từ TBA 220 kV Phong Điền; hiện nay mới chuyển tiếp trên 01 mạch
15
Chân Mây - Rẽ Hòa Khánh - Huế
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Chân Mây
16
Hải Châu - Hòa Khánh
2
x
10
Xây mới, xem xét chuyển tiếp một mạch Đà Nẵng - Hòa Khánh
17
Hải Châu - Ngũ Hành Sơn
2
x
10
Xây mới
18
Duy Xuyên - Rẽ Đà Nẵng - Tam Kỳ
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Duy Xuyên
19
500 kV Thạnh Mỹ - Duy Xuyên
2
x
69
Xây mới
20
Tam Hiệp - Rẽ Tam Kỳ - Dốc Sỏi
4
x
1
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tam Hiệp
21
Liên Chiểu - Rẽ Hòa Khánh - Huế
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Liên Chiểu
22
Đắk Mi 2 - Rẽ Đắk My 3 - Đắk My 4A
2
x
5
Xây mới, đồng bộ TĐ Đắk Mi 2
23
TĐ Nam Emoun - Trạm cắt Đắk Ooc
2
x
51
Xây mới, đồng bộ TĐ Nam Emoun (Lào), treo trước 1 mạch
24
Trạm cắt 220 kV Đắk Ooc - Rẽ Xekaman 3 - Thạnh Mỹ
4
x
2
Xây mới, đấu nối trạm cắt 220 kV Đắk Ooc, đồng bộ TĐ Nam Emoun Lào
25
Trạm cắt 220 kV Đắk Ooc - TĐ Sông Bung 2
2
x
10
Xây mới giải phóng công suất nguồn nhập khẩu từ Lào
26
Nâng khả năng tải Đắk Ooc - Thạnh Mỹ
2
x
31
Cải tạo, nâng khả năng tải, giải phóng công suất nguồn nhập khẩu từ Lào
27
Mạch 2 Quảng Ngãi - Quy Nhơn (Phước An)
2
x
142
Treo mạch 2, thay dây phân pha mạch 1, tăng cường khả năng giải tỏa công suất nguồn điện
28
Phước An - Rẽ TĐ An Khê - Quy Nhơn (mạch 1)
2
x
2
Xây mới
29
Nâng khả năng tải Dốc Sỏi - Dung Quất
2
x
8
Cải tạo, nâng khả năng tải. Xem xét phương án xây mới cung đoạn Dốc Sỏi - TBKHH Dung Quất, đẩy sớm tiến độ SPP TBKHH Dung Quất để giảm thiểu thời gian cắt điện ĐD 220 kV Dốc Sỏi - Dung Quất.
30
TBKHH Dung Quất - Dung Quất 2
2
x
3
Cấp điện cho TBA 220 kV Dung Quất 2
31
TBKHH Dung Quất - Rẽ Dốc Sỏi - Dung Quất
4
x
3
Đấu nối SPP 220 kV TBKHH Dung Quất
32
Treo dây mạch 2 Dốc Sỏi - Quảng Ngãi
2
x
59
Treo dây mạch 2, xem xét sử dụng dây siêu nhiệt cho cả hai mạch trong trường hợp phát triển nguồn NLTT và TĐN khu vực (ĐG Kon Plong, cụm TĐ Đắk Re, cụm TĐ Nước Long)
33
Cụm TĐ Nước Long - Rẽ Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi
2
x
4
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện theo Văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/1/2021
34
Nâng khả năng tải Pleiku 2 - Phước An
1
x
151
Xây mới mạch 2 hoặc thay dây siêu nhiệt
35
Phước An - Nhơn Hội
2
x
15
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nhơn Hội
36
Bình Định 500 kV - Rẽ Phước An - Phù Mỹ
4
x
5
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Bình Định
37
Bình Định 500 kV - Rẽ An Khê - Quy Nhơn và Pleiku 2 - Phước An
4
x
35
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Bình Định
38
Phù Mỹ - Rẽ Phước An - Quảng Ngãi (mạch 2)
2
x
2
Xây mới, đấu nối chuyển tiếp thêm 01 mạch, tăng khả năng giải tỏa công suất nguồn điện từ TBA 220 kV Phù Mỹ; hiện nay mới chuyển tiếp trên 01 mạch
39
Bờ Y - Kon Tum
2
x
28
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Bờ Y
40
TĐ Đắk Mi 1 - TĐ Đắk My 2
1
x
15
Xây mới, đồng bộ TĐ Đắk Mi 1
41
Nam Kong 3 - Trạm cắt 220 kV Bờ Y
2
x
76
Xây mới, đồng bộ TĐ Nậm Kong 1,2,3 (Lào)
42
Trạm cắt 220 kV Bờ Y - Rẽ Xekaman 1 - Pleiku 2
4
x
2
Xây mới, đấu nối trạm cắt Bờ Y, đồng bộ TĐ Nậm Kong 1,2,3 Lào
43
ĐG Kon Plong - Rẽ TĐ Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi
2
x
19
Xây mới, đồng bộ ĐG Kon Plong, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
44
TĐ Đắk Lô 3 - Rẽ Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi
4
x
1
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện theo Văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/1/2021
45
Nâng khả năng tải Kon Tum - Pleiku (*)
2
x
36
Cải tạo, nâng khả năng tải
46
Nâng khả năng tải Pleiku - ĐSK An Khê - TĐ An Khê
1
x
98
Cải tạo, nâng khả năng tải
47
Chư Sê - Rẽ Pleiku 2 - Krông Buk
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Chư Sê, chuyển tiếp trên cả 2 mạch
48
Mạch 2 Pleiku 2 - Krông Buk
1
x
141
Xây mới, cải tạo một mạch thành hai mạch
49
Krông Pa - Chư Sê
2
x
63
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Krông Pa
50
ĐG Nhơn Hòa 1 - Rẽ Krông Buk - Pleiku 2
4
x
4
Xây mới, đấu nối ĐG Nhơn Hòa 1, 2; phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020. Sau khi TBA 500kV Nhơn Hòa vào vận hành ĐG Nhơn Hòa 1,2 sẽ chuyển đấu nối về TBA 500 kV Nhơn Hòa, bỏ đấu nối trên cả 02 mạch và hoàn trả lại hiện trạng đường dây 220kV Krông Buk - Pleiku 2 theo Văn bản số 323/TTg-CN ngày 17/3/2021 của Thủ tướng và Văn bản số 1301/BCT-ĐL ngày 11/3/2021 của Bộ Công Thương.
51
ĐG Ia Pết Đắk Đoa - Pleiku 3
2
x
23
Xây mới, đồng bộ ĐG Ia Pết - Đắk Đoa, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
52
ĐG Ia Le 1 - Rẽ Krông Buk - Pleiku 2
2
x
6
Xây mới, đồng bộ ĐG Ia Le 1, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
53
ĐG Ia Boòng - Chư Prông - ĐG Nhơn Hòa 1
1
x
8
Xây mới, đồng bộ NMĐG Ia Boòng - Chư Prông đã được. Vị trí và phương án đấu nối điều chỉnh của NMĐG Ia Boòng - Chư Prông được đề xuất tại Văn bản số 3225/BCT-ĐL ngày 09/6/2022, Văn bản số 4776/BCT-ĐL ngày 11/8/2022, Văn bản số 6660/BCT-ĐL ngày 26/10/2022 của Bộ Công Thương và Văn bản số 835/TTg-CN ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
54
ĐG Hưng Hải Gia Lai - Rẽ Pleiku 2 - TĐ An Khê
2
x
14
Xây mới, đồng bộ ĐG Hưng Hải Gia Lai, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
55
ĐG Yang Trung - Rẽ Pleiku 2 - TĐ An Khê
2
x
25
Xây mới, đồng bộ ĐG Yang Trung, thay cho đường dây 220 kV ĐG Yang Trung - Rẽ Pleiku 2 - An Khê phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020. Trường hợp ĐG Yang Trung vào trước ĐG Hưng Hải Gia Lai, cần đầu tư đồng bộ đường dây 220 kV ĐG Yang Trung - Rẽ Pleiku 2 - An Khê. ĐG Hưng Hải Gia Lai sẽ đấu nối chuyển tiếp trên hai mạch ĐD 220 kV ĐG Yang Trung - Rẽ Pleiku 2 - An Khê.
56
An Khê - Rẽ Pleiku 2 - Phước An
2
x
1
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV An Khê
57
Krông Ana - Rẽ Krông Buk - Buôn Kuốp
2
x
22
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Krông Ana
58
Krông Buk 500 kV - Krong Buk
2
x
27
Xây mới, đấu nối về trạm 220 kV Krong Buk, đường dây phân pha
59
Mạch 2 Krông Buk - Nha Trang
1
x
151
Xây mới, cải tạo một mạch thành hai mạch
60
ĐG Krông Buk - Rẽ Krông Buk - Pleiku 2
2
x
2
Xây mới, đồng bộ ĐG Krông Buk 1,2, điện gió Cư Né 1,2, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
61
Nâng khả năng tải TĐ Srepok 3 - Buôn Kuop
1
x
28
Cải tạo, nâng khả năng tải, giải tỏa công suất nguồn điện
62
TĐ Sông Ba Hạ - Krong Buk 500 kV
2
x
113
Xây mới, tăng cường khả năng giải tỏa công suất nguồn điện
63
Nâng khả năng tải Buôn Kuop - Buôn Tua Shra - Đắk Nông 500 kV
1
x
112
Cải tạo, nâng khả năng tải, giải tỏa công suất nguồn điện
64
ĐG Đắk Hòa - Rẽ Buôn Kuop - Đắk Nông 500 kV
2
x
2
Xây mới, đấu nối ĐG Đắk Hòa, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
65
ĐG Đắk ND'rung 1,2,3 - Đắk Nông 500 kV
2
x
18
Xây mới, đồng bộ ĐG Đắk ND'rung 1,2,3, phương án đấu nối đã được phê duyệt theo Văn bản 911/TTg-CN ngày 15/07/2020
66
Điện Phân Nhôm - Rẽ Bình Long - 500 kV Đắk Nông
4
x
3
Treo dây, đồng bộ với phụ tải
67
Điện Phân Nhôm - Rẽ Buôn Kuốp - 500 kV Đắk Nông
2
x
6
Treo dây, đồng bộ với phụ tải  
68
Nâng khả năng tải Tuy Hòa - Vân Phong - Nha Trang
2
x
118
Cải tạo, nâng khả năng tải, tăng cường khả năng giải tỏa công suất nguồn điện
69
Tuy Hòa - Phước An
2
x
95
Xây mới, tăng cường khả năng giải tỏa công suất nguồn điện
70
HBRE An Thọ - Tuy Hòa (*)
1
x
16
Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ ĐG An Thọ
71
Nâng khả năng tải Tuy Hòa - Quy Nhơn
1
x
93
Cải tạo, nâng khả năng tải, tăng cường khả năng giải tỏa công suất nguồn điện
72
Đấu nối TBA 220 kV Sông Cầu
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Sông Cầu, GĐ1: Đấu nối chuyển tiếp trên ĐD 220 kV Tuy Hòa - Quy Nhơn hiện hữu. GĐ2: Chuyển về đấu nối chuyển tiếp trên 02 mạch ĐD 220 kV Tuy Hòa - Phước An sau khi đường dây này vào vận hành
73
Nha Trang - Tháp Chàm
2
x
89
Xây mới
74
Cam Ranh - Rẽ Nha Trang - Tháp Chàm
4
x
1
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Cam Ranh
75
Vạn Ninh - Rẽ Vân Phong - Tuy Hòa
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Vạn Ninh
76
500 kV Vân Phong - Rẽ Tuy Hòa - Vân Phong 220 kV (mạch 1)
2
x
26
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Vân Phong
77
500 kV Vân Phong - Rẽ Tuy Hòa - Vân Phong 220 kV (mạch 2)
2
x
26
Xây mới, đấu nối phía 220 kV TBA 500 kV Vân Phong
78
Lệ Thủy - Rẽ Đồng Hới - Đông Hà
4
x
2
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực, nối cấp TBA 500 kV Quảng Bình
79
Nâng khả năng tải Đồng Hới - Đông Hà
2
x
108
Cải tạo, nâng khả năng tải, trường hợp điện gió Quảng Trị phát triển cao
80
TBKHH Quảng Trị - Rẽ Đông Nam - 500 kV Quảng Trị
2
x
5
Xây mới, đồng bộ TBKHH Quảng Trị
81
500 kV Quảng Trị - Đông Nam
2
x
27
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đông Nam
82
Hương Thủy - Rẽ Huế - Hòa Khánh
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Hương Thủy
83
Nâng khả năng tải Huế - Hòa Khánh
2
x
82
Cải tạo, nâng khả năng tải
84
Nâng khả năng tải Đà Nẵng - Tam Kỳ - Dốc Sỏi
2
x
100
Cải tạo, nâng khả năng tải
85
Tiên Sa - Rẽ Hải Châu - Ngũ Hành Sơn
2
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Tiên Sa
86
Sân bay Đà Nẵng - rẽ Hòa Khánh - Đà Nẵng
2
x
5
Xây mới, đường dây cáp ngầm đấu nối TBA 220 kV Sân bay Đà Nẵng
87
Dung Quất - Dung Quất 2
2
x
3
Đảm bảo N-1
88
Điện Bàn - Nam Hội An
2
x
24
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nam Hội An
89
Đà Nẵng 500 kV - Điện Bàn
2
x
12
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Điện Bàn
90
Quảng Ngãi 2 - Rẽ Dốc Sỏi - Quảng Ngãi
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Quảng Ngãi 2
91
Phù Mỹ 2 - Phù Mỹ
2
x
20
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
92
Nam Phú Yên - Rẽ Nha Trang - Tuy Hòa
4
x
4
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Nam Phú Yên
93
Vân Phong 500 kV - Vân Phong 220 kV
2
x
20
Xây mới
94
Cam Thịnh - Rẽ Cam Ranh - Tháp Chàm
4
x
3
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Cam Thịnh
95
Trạm cắt 220 kV Bờ Y - Bờ Y
2
x
30
Xây mới
96
Thượng Kon Tum - Kon Tum
2
x
83
Xây mới, giải phóng công suất thủy điện và điện gió, tăng cường liên kết
97
Ea Kar - Rẽ Krông Buk - Nha Trang
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Ea Kar
98
Gia Lai 1 - Pleiku 3
2
x
20
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
99
Đắk Nông 2 - Rẽ Buôn Kuốp - Buôn Tua Srah
2
x
10
Xây mới, đấu nối TBA 220 kV Đắk Nông 2
100
Dự phòng phát sinh đường dây 220 kV cải tạo và xây mới
550
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện

Bảng 16: Danh mục các trạm biến áp 500 kV xây mới và cải tạo miền Nam đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên trạm biến áp
Công suất (MVA)
Ghi chú
1
Ninh Sơn
1.800
Xây mới, giải tỏa nguồn điện khu vực.
2
Sơn Mỹ
900
Xây mới, MBA liên lạc trong TTĐL Sơn Mỹ, đồng bộ với NMNĐ Sơn Mỹ II
3
Hồng Phong (*)
900
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
4
Nam Trung Bộ 1 (*)
1.800
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
5
Nam Trung Bộ 2 (*)
1.800
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
6
Củ Chi
1.800
Xây mới
7
Tây Ninh 1
1.800
Xây mới
8
Tây Ninh 2
900
Xây mới
9
Bình Dương 1
1.800
Xây mới
10
Long Thành
1.800
Xây mới
11
Đồng Nai 2
1.800
Xây mới
12
Bắc Châu Đức
1.800
Xây mới
13
Long An
1.800
Xây mới
14
Tiền Giang
900
Xây mới
15
Thốt Nốt
1.800
Xây mới
16
Long Phú
1.500
Xây mới, giải tỏa nguồn điện khu vực
17
Bạc Liêu (*)
1.800
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
18
Di Linh
1.800
Cải tạo, giải tỏa nguồn điện khu vực
19
Thuận Nam
2.700
Cải tạo, giải tỏa nguồn điện khu vực
20
Nhà Bè
1.800
Cải tạo
21
Cầu Bông
2.700
Cải tạo
22
Chơn Thành
1.800
Cải tạo
23
Tân Uyên
2.700
Cải tạo
24
Tân Định
2.700
Cải tạo
25
Sông Mây
2.700
Cải tạo
26
Phú Mỹ
900
Cải tạo
27
Đức Hòa
1.800
Cải tạo
28
Ô Môn
1.800
Cải tạo
29
Duyên Hải
900
Cải tạo, giải tỏa nguồn điện khu vực
30
Dự phòng phát sinh TBA 500 kV xây mới, cải tạo nâng công suất
2.100
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện
Thiết kế sơ đồ linh hoạt phân đoạn thanh cái cho sân phân phối 500 kV LNG Cà Ná
Hạn chế dòng ngắn mạch, tăng độ tin cậy cung cấp điện
Các công trình, dự án nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trạm điện, hệ thống điện
Bao gồm nhưng không giới hạn các dự án: Thay thế, lắp đặt kháng điện, tụ bù, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, máy bù đồng bộ…; mở rộng ngăn lộ trạm biến áp, cải tạo, hoàn thiện sơ đồ các trạm biến áp theo hướng linh hoạt; lắp đặt các thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch, thay thế nâng cấp thiết bị đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch, thiết lập mạch tự động; lắp đặt, thay thế các thiết bị, hệ thống điều khiển, hệ thống SCADA/ EMS, SCADA/DMS, tự động hóa trạm,...

Bảng 17: Danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Nam đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên đường dây
Số mạch
x
km
Ghi chú
1
Ninh Sơn - Rẽ NMNĐ Vân Phong I - Thuận Nam
4
x
18
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Ninh Sơn
2
Ninh Sơn - Chơn Thành
2
x
275
Xây mới, giải tỏa công suất nguồn điện. Thay thế ĐD 500 kV Thuận Nam - Chơn Thành đã được phê duyệt tại Văn bản số 1891/TTg-CN ngày 27/12/2018 để thuận lợi trong đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành.
3
Củ Chi - Rẽ Chơn Thành - Đức Hòa
2
x
16
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Củ Chi
4
Tây Ninh 1 - Rẽ Chơn Thành - Đức Hòa
4
x
2
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Tây Ninh 1
5
Bình Dương 1 - Rẽ Sông Mây - Tân Định
2
x
35
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Bình Dương 1
6
Bình Dương 1 - Chơn Thành
2
x
17
Xây mới, tạo mạch vòng, nâng cao độ tin cậy cấp điện khu vực Đông Nam Bộ
7
Long Thành - Rẽ Phú Mỹ - Sông Mây
2
x
17
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Long Thành
8
Đồng Nai 2 - Rẽ Vĩnh Tân - Sông Mây
4
x
5
Xây mới, chuyển tiếp trên mạch 3,4 ĐD 500 kV Vĩnh Tân - Rẽ Sông Mây - Tân Uyên
9
NMĐ Nhơn Trạch 4 - Rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè
2
x
4
Xây mới, đồng bộ NMĐ Nhơn Trạch 4; kiến nghị lựa chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với tiết diện ĐD 500 kV Phú Mỹ - Nhà Bè sau cải tạo nâng khả năng tải
10
Bắc Châu Đức - Rẽ Phú Mỹ - Sông Mây và Phú Mỹ - Long Thành
4
x
11
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Bắc Châu Đức
11
Sông Hậu - Đức Hòa (giai đoạn 2)
2
x
97
Xây mới, đồng bộ NĐ Sông Hậu I; Giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2020
12
Đức Hòa - Chơn Thành
2
x
104
Xây mới, chuyển đấu nối Mỹ Tho - Chơn Thành
13
500 kV Đức Hòa - Rẽ Phú Lâm - Cầu Bông (mạch 2)
2
x
13
Xây mới, đấu nối trạm 500 kV Đức Hòa chuyển tiếp thêm trên mạch còn lại của ĐD 500 kV Phú Lâm - Cầu Bông
14
Long An - Rẽ Nhà Bè - Mỹ Tho
2
x
1
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Long An
15
Ô Môn - Thốt Nốt
2
x
35
Xây mới, tăng cường lưới truyền tải khu vực Tây Nam Bộ; giải tỏa công suất TTĐL Ô Môn
16
LNG Bạc Liêu - Thốt Nốt
2
x
130
Xây mới, đồng bộ LNG Bạc Liêu
17
TĐTN Bác Ái - Ninh Sơn
2
x
25
Xây mới, đồng bộ TĐTN Bác Ái, thay cho ĐD 500 kV TĐTN Bác Ái - Rẽ Vân Phong - Thuận Nam
18
Đấu nối TĐTN Nam Trung Bộ
30
Xây mới, đồng bộ TĐTN Nam Trung Bộ
19
LNG Cà Ná - Thuận Nam
2
x
30
Xây mới, đồng bộ LNG Cà Ná. Kiến nghị thiết kế sân phân phối 500 kV LNG Cà Ná với sơ đồ vận hành linh hoạt, có phân đoạn thanh cái
20
LNG Cà Ná - Bình Dương 1
2
x
280
Xây mới, đồng bộ LNG Cà Ná; giải tỏa công suất LNG Cà Ná và nguồn điện khu vực
21
Hồng Phong - Rẽ Vĩnh Tân - Sông Mây (*)
4
x
10
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
22
Sơn Mỹ - Bắc Châu Đức
2
x
80
Xây mới, đồng bộ NMNĐ Sơn Mỹ II
23
Nam Trung Bộ 1 - Thuận Nam (*) 
2
x
20
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
24
Nam Trung Bộ 2 - Thuận Nam (*) 
2
x
50
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
25
Nâng khả năng tải ĐD 500 kV Bắc Châu Đức - Sông Mây
1
x
58
Cải tạo nâng khả năng tải, đồng bộ TTĐL Sơn Mỹ
26
Nâng khả năng tải ĐD 500 kV Bắc Châu Đức - Long Thành - Sông Mây
1
x
92
Cải tạo nâng khả năng tải, đồng bộ TTĐL Sơn Mỹ
27
Long Thành - Rẽ Bắc Châu Đức - Sông Mây
2
x
17
Xây mới, tăng cường truyền tải nguồn điện khu vực. Kiến nghị lựa chọn tiết diện phù hợp với ĐD 500 kV Bắc Châu Đức - Sông Mây sau cải tạo nâng khả năng tải
28
Nâng khả năng tải ĐD 500 kV Phú Mỹ - Nhà Bè và Phú Mỹ - NMĐ Nhơn Trạch 4 - Nhà Bè
2
x
43
Cải tạo nâng khả năng tải, tăng cường khả năng giải tỏa công suất nguồn điện khu vực
29
Tây Ninh 2 - Rẽ Chơn Thành - Tây Ninh 1
4
x
30
Xây mới, đấu nối trạm 500 kV Tây Ninh 2
30
Tiền Giang - Rẽ Ô Môn - Mỹ Tho
4
x
5
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Tiền Giang
31
Thốt Nốt - Đức Hòa
2
x
135
Xây mới, đồng bộ tổ máy số 2 của LNG Bạc Liêu; xem xét phương án cải tạo lắp thêm các máy cắt phân đoạn thanh cái tại sân phân phối 500 kV Đức Hòa và vận hành tách thanh cái theo hướng truyền tải trực tiếp công suất từ Thốt Nốt đi Cầu Bông; hoặc xây dựng ĐD 500 kV Thốt Nốt - Đức Hòa chuyển đấu nối đi Cầu Bông để hạn chế dòng ngắn mạch
32
Nâng khả năng tải ĐD 500 kV Đức Hòa - Cầu Bông
2
x
24
Cải tạo nâng khả năng tải, đồng bộ tổ máy số 2 của LNG Bạc Liêu, giải tỏa LNG Bạc Liêu và nguồn NLTT Tây Nam Bộ
33
TBA 500 kV Bạc Liêu - Rẽ LNG Bạc Liêu - Thốt Nốt
2
x
20
Xây mới, đấu nối TBA 500 kV Bạc Liêu
34
NMNĐ Vĩnh Tân III - Vĩnh Tân
2
x
1
Xây mới, đồng bộ NMNĐ Vĩnh Tân III
35
NMNĐ Sông Hậu II - Sông Hậu
2
x
1
Xây mới, đồng bộ NMNĐ Sông Hậu II
36
Dự phòng phát sinh đường dây 500 kV cải tạo và xây mới
440
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện

Bảng 18: Danh mục các trạm biến áp 220 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Nam đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TT
Tên trạm biến áp
Công suất (MVA)
Ghi chú
1
Tà Năng (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
2
Trạm cắt Đa Nhim
Trạm cắt
Xây mới, giải tỏa nguồn điện khu vực, do trạm 220 kV TĐ Đa Nhim không mở rộng được ngăn lộ 220 kV
3
Cà Ná
500
Xây mới
4
Đông Quán Thẻ
480
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
5
Hàm Thuận Nam
500
Xây mới
6
Vĩnh Hảo (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
7
Hòa Thắng (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
8
Hồng Phong (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
9
Hàm Cường (*)
250
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
10
Phong điện 1 Bình Thuận (*)
250
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
11
Tân Cảng
500
Xây mới
12
Tân Sơn Nhất
500
Xây mới
13
Đầm Sen
500
Xây mới
14
Thủ Thiêm
500
Xây mới
15
Bình Chánh 1
500
Xây mới
16
Bà Quẹo (Vĩnh Lộc)
500
Xây mới
17
Quận 7
500
Xây mới
18
Nam Hiệp Phước
500
Xây mới
19
Quận 9
500
Xây mới
20
Tây Bắc Củ Chi
250
Xây mới
21
Phú Hòa Đông
250
Xây mới
22
Bình Chánh 2
250
Xây mới
23
Phước Long
500
Xây mới
24
Đông Bình Phước (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
25
Đồng Xoài
250
Xây mới
26
Tân Biên
500
Xây mới
27
Phước Đông
500
Xây mới
28
Bến Cầu
250
Xây mới
29
Tây Ninh 3
250
Xây mới
30
Tân Châu 1 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
31
Bến Cát 2
500
Xây mới
32
Tân Định 2
500
Xây mới
33
An Thạnh (VSIP)
500
Xây mới
34
Bình Mỹ
500
Xây mới
35
Bắc Tân Uyên
500
Xây mới
36
Lai Uyên
500
Xây mới
37
An Phước
500
Xây mới
38
Tam Phước
500
Xây mới
39
Thống Nhất
500
Xây mới
40
KCN Nhơn Trạch
500
Xây mới
41
Định Quán
500
Xây mới
42
Long Khánh
500
Xây mới
43
Hố Nai
500
Xây mới
44
Dầu Giây
500
Xây mới
45
Biên Hòa
500
Xây mới
46
Đồng Nai 3 (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
47
KCN Phú Mỹ 3
500
Xây mới
48
Phước Thuận (Đất Đỏ)
500
Xây mới
49
Long Sơn
250
Xây mới
50
Hòa Bình (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
51
TP Phú Mỹ
250
Xây mới
52
Bến Lức
500
Xây mới
53
Đức Hòa 2
500
Xây mới
54
Đức Hòa 500 kV nối cấp
500
Xây mới
55
Đức Hòa 3
500
Xây mới
56
Tân Lập
250
Xây mới
57
Cần Giuộc
250
Xây mới
58
Lấp Vò
250
Xây mới
59
Hồng Ngự
250
Xây mới
60
Chợ Mới
250
Xây mới
61
Châu Thành (An Giang)
250
Xây mới
62
Tân Phước (Cái Bè)
500
Xây mới, tên khác của trạm 220 kV Cái Bè trong QHĐ VII Điều chỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ
63
Gò Công
500
Xây mới
64
Vĩnh Long 3
500
Xây mới
65
Bình Đại (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
66
Thạnh Phú (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
67
An Biên (Vĩnh Thuận)
500
Xây mới, tên khác của trạm 220 kV Vĩnh Thuận trong QHĐ VII điều chỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ
68
Phú Quốc
500
Xây mới
69
Duyên Hải
250
Xây mới
70
Trà Vinh 3 (*)
450
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
71
Cà Mau 3 (*)
450
Xây mới, đồng bộ với tiến độ phát triển phụ tải chuyên dùng
72
Vĩnh Châu (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
73
Trần Đề (*)
500
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
74
Bạc Liêu 3 (*)
750
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
75
Bạc Liêu 4 (*)
750
Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
76
Năm Căn
500
Xây mới
77
Đức Trọng
500
Cải tạo
78
Bảo Lộc
500
Cải tạo
79
TĐ Đa Nhim
375
Cải tạo
80
Phước Thái (*)
625
Cải tạo, giải tỏa nguồn điện khu vực
81
TĐ Hàm Thuận
125
Cải tạo
82
TĐ Đại Ninh
250
Cải tạo
83
Nhà Bè
750
Cải tạo
84
Bình Tân
750
Cải tạo
85
Chơn Thành 500 kV nối cấp
500
Cải tạo
86
Tây Ninh 2
500
Cải tạo
87
Tân Định
750
Cải tạo
88
TĐ Trị An
500
Cải tạo
89
Châu Đức
500
Cải tạo
90
Bà Rịa
250
Cải tạo
91
Cần Đước
500
Cải tạo
92
Sa Đéc
500
Cải tạo
93
Long Xuyên
500
Cải tạo
94
Mỹ Tho
500
Cải tạo
95
Cai Lậy
500
Cải tạo
96
Mỏ Cày
500
Cải tạo
97
Cần Thơ
500
Cải tạo
98
Ô Môn
500
Cải tạo
99
Thốt Nốt
375
Cải tạo
100
Trà Nóc
500
Cải tạo
101
Châu Thành (Hậu Giang)
500
Cải tạo
102
Trà Vinh
500
Cải tạo
103
Giá Rai
250
Cải tạo
104
Bạc Liêu
375
Cải tạo
105
Dự phòng phát sinh TBA 220 kV xây mới, cải tạo nâng công suất
2.125
Dự phòng cho tăng trưởng phụ tải và phát triển nguồn điện
Thiết kế sơ đồ linh hoạt phân đoạn thanh cái bao gồm nhưng không giới hạn cho các sân phân phối 220 kV TBA 500 kV Long Thành, Chơn Thành, Ninh Sơn, Đồng Nai 2, Thốt Nốt, TBA 220 kV Bà Quẹo, Tân Cảng, Nam Hiệp Phước, Tam Phước, Tân Định 2, KCN Phú Mỹ 3, TP Phú Mỹ, Bình Mỹ, Bình Chánh 2, Phú Hòa Đông, An Phước, Bình Mỹ
Hạn chế dòng ngắn mạch, tăng độ tin cậy cung cấp điện
Lắp kháng hạn chế dòng ngắn mạch tại các thanh cái 220 kV TBA 500 kV Vĩnh Tân, Bắc Châu Đức, TBA 220 kV Bà Quẹo (kháng đường dây 220kV Bà Quẹo - Đầm Sen)
Hạn chế dòng ngắn mạch
Cải tạo sơ đồ thanh cái 220 kV linh hoạt, phân đoạn thanh cái tại các TBA 500 kV Đức Hòa, Ô Môn, TBA 220 kV Ninh Phước, Long Thành, Củ Chi
Hạn chế dòng ngắn mạch, tăng độ tin cậy cung cấp điện
Các công trình, dự án nâng cao khả năng điều khiển và vận hành trạm điện, hệ thống điện
Bao gồm nhưng không giới hạn các dự án: Thay thế, lắp đặt kháng điện, tụ bù, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, máy bù đồng bộ…; mở rộng ngăn lộ trạm biến áp, cải tạo, hoàn thiện sơ đồ các trạm biến áp theo hướng linh hoạt; lắp đặt các thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch, thay thế nâng cấp thiết bị đảm bảo khả năng chịu dòng ngắn mạch, thiết lập mạch tự động; lắp đặt, thay thế các thiết bị, hệ thống điều khiển, hệ thống SCADA/ EMS, SCADA/DMS, tự động hóa trạm,...

Bảng 19: Danh mục các đường dây 220 kV xây mới và cải tạo khu vực miền Nam đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030

TOÀN VĂN:P - Ảnh 19.

TOÀN VĂN:P - Ảnh 20.

TOÀN VĂN:P - Ảnh 21.

TOÀN VĂN: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia - Ảnh 22.

TOÀN VĂN: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia - Ảnh 23.

TOÀN VĂN: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia - Ảnh 24.

Ghi chú:

1. Đối với trạm biến áp

- Danh mục trạm biến áp không bao gồm các trạm biến áp nâng áp của các dự án nguồn điện. Công suất trong bảng là tổng công suất của các máy biến áp của trạm. Trong quá trình thực hiện của mỗi giai đoạn, quy mô của trạm biến áp sẽ được lựa chọn phù hợp với nhu cầu phụ tải và giải tỏa công suất nguồn điện.

- Trong trường hợp có sự tăng trưởng phụ tải ở một số khu vực một cách đột biến dẫn đến phải thay đổi, bổ sung quy mô, kết lưới đường dây và trạm thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

- (*) Tiến độ, quy mô và vị trí của các trạm biến áp sẽ được chuẩn xác trong quá trình xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, phụ thuộc vào tiềm năng phát triển nguồn và cấu hình lưới điện trong thực tế.

2. Đối với đường dây

- Chiều dài đường dây sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

- Trong trường hợp có sự tăng trưởng phụ tải ở một số khu vực một cách đột biến dẫn đến phải thay đổi, bổ sung quy mô, kết lưới đường dây và trạm thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

- (*) Tiến độ, quy mô của các đường dây sẽ được chuẩn xác trong quá trình xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, phụ thuộc vào tiềm năng phát triển nguồn và cấu hình lưới điện trong thực tế.

Phụ lục III

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN TIỀM NĂNG

(Kèm theo Quyết định số: 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023

của Thủ tướng Chính phủ)

__________

TT
Tên dự án
Công suất (MW)
1
TĐ Thái An MR
41
2
TĐ Tuyên Quang MR
120
3
TĐ Trung Sơn MR
130
4
TĐ Srepok 3 MR
110
5
TĐ Sesan 3 MR
130
6
TĐ Sesan 4 MR
120
7
TĐ Buôn Kuốp MR
140
8
TĐ Vĩnh Sơn MR
40
9
TĐ Sông Hinh MR
70
10
TĐ Sông Ba Hạ MR
60
11
TĐ Đa Nhim MR 2
80
12
TĐ Đăk R'lấp 1 (*)
53
13
TĐ Đăk R'lấp 2 (*)
68
14
TĐ Đăk R'lấp 3 (*)
82

Ghi chú:

- Các dự án sẽ được xem xét trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch và sau này.

- Các dự án thủy điện cột nước thấp trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Đồng Nai và các dòng sông khác do các địa phương (Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông,…) đề xuất sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng toàn diện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai nếu đảm bảo các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật, môi trường, dân cư, hạ tầng dọc sông, tưới tiêu, giao thông thuỷ - bộ,...

- Các dự án thủy điện mở rộng khác do các địa phương đề xuất sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường, nhu cầu hệ thống, thời điểm xuất hiện,… để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(*) Các dự án thủy điện Đăk R'lấp 1, Đăk R'lấp 2 và Đăk R'lấp 3 phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng của dự án.

Phụ lục IV

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI XEM XÉT SAU NĂM 2030

(ĐƯỢC TRIỂN KHAI TRONG THỜI KỲ QUY HOẠCH NẾU THỰC HIỆN THEO HÌNH THỨC TỰ SẢN, TỰ TIÊU)

(Kèm theo Quyết định số: 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của

Thủ tướng Chính phủ)

__________

TT
Dự án
Tỉnh
Công suất chưa vận hành (MW)
1
ĐMT An Cư
An Giang
40
2
ĐMT Hồng Liêm 6.1
Bình Thuận
40
3
ĐMT Ayun Pa
Gia Lai
20
4
ĐMT Ninh Sim
Khánh Hòa
32
5
ĐMT Ia Rsươm - Bitexco - TôNa
Gia Lai
11,84
6
ĐMT Đầm An Khê
Quảng Ngãi
40
7
ĐMT Đầm Nước Mặn
Quảng Ngãi
40
8
Lộc Thạnh 1-1
Bình Phước
40
9
ĐMT Hải Lý Bình Phước 1
Bình Phước
40
10
Sông Bình
Bình Thuận
200
11
ĐMT Tân Xuân
Bình Thuận
23,61
12
ĐMT Easup 1
Đắk Lắk
40
13
ĐMT Ia Lốp 1
Đắk Lắk
40
14
KN Buôn Tua Srah
Đắk Nông
312
15
Cư Knia
Đắk Nông
144
16
Ea Tling
Đắk Nông
76
17
Xuyên Hà
Đắk Nông
104
18
ĐMT nổi KN Trị An
Đồng Nai
928
19
Trị An
Đồng Nai
101
20
ĐMT Phước Trung
Ninh Thuận
40
21
ĐMT Phước Hữu 2
Ninh Thuận
184
22
ĐMT Xanh Sông Cầu
Phú Yên
150
23
ĐMT hồ Khe Gỗ
Nghệ An
200
24
ĐMT nổi hồ Vực Mấu
Nghệ An
160
25
ĐMT Tam Bố
Lâm Đồng
40
26
Phong Hòa
Thừa Thiên Huế
40
27
Phần còn lại dự án Dầu Tiếng
Tây Ninh
1050
Tổng công suất
4.136,25

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-11923051616315244.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-11923051616315244.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        TOÀN VĂN: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO