TOÀN VĂN: Dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù trong các cơ sở y tế công lập

08/04/2025 11:30

Toàn văn dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.

CHÍNH PHỦ

Số: /2025/NĐ-CP

Dự thảo 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày tháng năm 2025

NGHỊ ĐỊNH
Quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 45/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023;

Căn cứ Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định:

1. Một số chế độ phụ cấp đặc thù sau đây:

a) Phụ cấp trực;

b) Phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật;

c) Phụ cấp chống dịch.

2. Chế độ hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Viên chức, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế quân dân y (sau đây gọi chung là trạm y tế xã), cơ sở cấp cứu ngoại viện, cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; các tổ chức giám định tư pháp cônglập về pháp y, pháp y tâm thần (gồm Viện Pháp y quốc gia, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Trung tâm Pháp y cấp tỉnh, Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực) Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người;

2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở y tế của Quân đội nhân dân. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở y tế của Công an nhân dân (bao gồm bệnh xá của Công an nhân dân);

3. Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp;

4. Nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu, khu dân cư (gọi chung là nhân viên y tế thôn, tổ dân phố). Nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo (gọi chung là cô đỡ thôn, bản).

Đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

Chương II
CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRỰC; PHỤ CẤP PHẪU THUẬT, THỦ THUẬT; PHỤ CẤP CHỐNG DỊCH

Điều 3. Chế độ phụ cấp trực

1. Nguyên tắc thực hiện chế độ trực:

a) Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo ca, kíp hoặc làm thêm giờ; trường hợp thiếu nhân lực, không thể bố trí người lao động làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ, kể cả các khu vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì phải bố trí người lao động trực 24/24 giờ;

b) Đối với khoa, khu vực đặc biệt gồm: hồi sức cấp cứu, phẫu thuật gây mê hồi sức, hồi sức sơ sinh, hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, đột qụy, ghép tạng, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, phòng đẻ tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; các cơ sở cấp cứu ngoại viện; khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện, viện và trung tâm pháp y tâm thần thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí người lao động làm việc như sau:

Ngày làm việc gồm 03 ca, mỗi ca làm việc 08 giờ;

Ngày làm việc gồm 02 ca: mỗi ca làm việc 12 giờ hoặc một ca làm việc 08 giờ theo giờ hành chính và một ca làm việc 16 giờ.

c) Thủ trưởng các đơn vị giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế căn cứ vào số lượng trường hợp giám định hằng năm để đề xuất với cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp quyết định chế độ trực theo quy định tại Nghị định này nếu số lượng giám định trung bình hằng năm từ 200 trường hợp trở lên hoặc thực hiện chế độ trực thường trú ngoại viện và làm thêm giờ;

d) Thủ trưởng Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của Trung tâm để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo chế độ trực, trực thường trú ngoại viện và làm thêm giờ.

2. Định mức nhân lực trong phiên trực:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh thì định mức nhân lực tiêu chuẩn cho 01 phiên trực gồm: trực lãnh đạo, trực lâm sàng, trực cận lâm sàng và trực hậu cần, quản trị được quy định như sau:

Cơ sở y tế hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I: 14 người/phiên trực/100 giường bệnh;

Cơ sở y tế hạng II và hạng III: 13 người/phiên trực/100 giường bệnh;

Cơ sở y tế hạng III có quy mô dưới 100 giường bệnh: 12 người/ phiên trực.

Đối với khoa, khu vực đặc biệt nếu không thể bố trí làm ca theo quy định tại mục b khoản 1 Điều này thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí định mức nhân lực trực cao hơn nhưng không quá 1,5 lần so với quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và có thể bố trí 02 kíp trực/1 ngày (mỗi kíp 12 giờ) vào các ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, ngày Tết;

Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và các nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, vào tình hình thực tế về công suất sử dụng giường bệnh để quyết định số nhân lực trong phiên trực cho phù hợp.

b) Trạm y tế xã có thể bố trí từ 1 người đến 2 người/phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

c) Các bệnh xá quân dân y thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng;đối với các bệnh xá Công an nhân dân thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Công an;

d) Các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế đã được cấp có thẩm quyền quyết định chế độ trực theo quy định tại mục c khoản 1 Điều này: bố trí nhân lực trực không quá 04 người/phiên trực (gồm: Giám định viên và người giúp việc cho Giám định viên tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định pháp y);

đ) Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: bố trí nhân lực trực không quá 05 người/phiên trực (trực điều phối lấy, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người trong thời gian diễn ra ca hiến, ghép); bố trí 01 người/phiên trực thường trú ngoại viện (trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phân cơ thể người);

e) Cơ sở cấp cứu ngoại viện: bố trí 03 người/phiên trực tại mỗi điểm trực cấp cứu; bố trí 03 người/phiên trực tại Trung tâm điều phối cấp cứu;

g) Trường hợp Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định huy động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia chống dịch thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bổ sung nhân lực trong phiên trực 24/24 giờ để vừa đáp ứng công tác chống dịch, vừa đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

3. Chế độ đối với người lao động tham gia trực:

a) Chế độ phụ cấp trực:

Người lao động trực 24/24 giờ vào ngày làm việc được hưởng mức phụ cấp như sau:

325.000 đồng/người/phiên trực đối với cơ sở y tế hạng đặc biệt, hạng I; Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện pháp Y tâm thần Trung ương Biên Hòa;

255.000 đồng/người/phiên trực đối với cơ sở y tế hạng II; Viện Pháp y quốc gia; Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực; Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực điều phối lấy, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người);

185.000 đồng/người/phiên trực đối với các cơ sở y tế còn lại và các cơ sở khác tương đương; Trung tâm Pháp y cấp tỉnh; Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phân cơ thể người); cơ sở cấp cứu ngoại viện (đối với trực ở các điểm cấp cứu);

70.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y; bệnh xá quân dân y; bệnh xá của công an nhân dân;

Nếu trực tại khoa, khu vực đặc biệt được quy định tại mục b khoản 1 Điều này thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên;

Nếu trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

Người lao động thường trực theo kíp 12/24 giờ tại các khoa, khu vực đặc biệt vào các ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, ngày Tết theo quy định tại mục a khoản 2 Điều 2 Nghị định này được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp trực 24/24 giờ;

Người lao động làm việc theo ca 12/24 giờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định này được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp trực 24/24 giờ;

Người lao động làm việc theo ca 16/24 giờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định này được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp trực 24/24 giờ.

b) Người lao động trực theo chế độ thường trú ngoại viện được hưởng mức phụ cấp như sau:

160.000 đồng/người/phiên trực đối với cơ sở y tế hạng đặc biệt, hạng I; Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa;

125.000 đồng/người/phiên trực đối với cơ sở y tế hạng II; Viện Pháp y quốc gia; Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực; Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực điều phối lấy, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người);

90.000 đồng/người/phiên trực đối với các cơ sở y tế còn lại và các cơ sở khác tương đương; Trung tâm Pháp y cấp tỉnh; Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phân cơ thể người); cơ sở cấp cứu ngoại viện (đối với trực điều phối cấp cứu);

35.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y; bệnh xá quân dân y;bệnh xá của công an nhân dân;

c) Người lao động trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 40.000 đồng/người/ phiên trực;

d) Người lao động được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia trực như sau:

Trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày; trực 24/24 giờ vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;

Người làm việc theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở y tế huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.

đ) Cơ sở y tế huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 4. Chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật

1. Mức phụ cấp phẫu thuật được quy định như sau:

Đối tượng

Mức phụ cấp (đồng/người/phẫu thuật)

Loại đặc biệt

Loại I

Loại II

Loại III

a) Người phẫu thuật chính,Người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính

790.000

355.000

185.000

140.000

b) Người phụ mổ, Người phụ gây mê hồi sức hoặc phụ châm tê

565.000

255.000

140.000

85.000

c) Người giúp việc trực tiếp cho ca mổ

340.000

195.000

85.000

40.000

2. Mức phụ cấp thủ thuật bằng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và quy định cụ thể Danh mục các thủ thuật được hưởng phụ cấp thủ thuật; hướng dẫn định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật.

Điều 5. Chế độ phụ cấp chống dịch

1. Chế độ phụ cấp chống dịch:

a) Đối tượng được hưởng phụ cấp chống dịch:

Người đi giám sát, điều tra, lấy, xử lý mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, xác minh dịch tại cộng đồng; kiểm dịch y tế tại các khu vực biên giới, cảng, cửa khẩu; làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung; tham gia xử lý ổ dịch; phun khử trùng, diệt khuẩn, tẩy uế, tiêu hủy trung gian truyền bệnh tại ổ dịch, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cộng đồng; trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, vận chuyển người mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng; trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch (sau đây gọi chung là tham gia chống dịch).

b) Các mức phụ cấp chống dịch:

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: đối tượng hưởng phụ cấp chống dịch được quy định 02 nhóm, được hưởng mức phụ cấp cụ thể như sau:

Người đi giám sát, điều tra, lấy, xử lý mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, xác minh dịch tại cộng đồng; trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng: 425.000 đồng/ngày/người;

Người làm công việc kiểm dịch y tế tại các khu vực biên giới, cảng, cửa khẩu; làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung; vận chuyển người mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng; phun khử trùng, diệt khuẩn, tẩy uế, tiêu hủy trung gian truyền bệnh tại ổ dịch, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cộng đồng; trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch; người tham gia xử lý ổ dịch: 280.000 đồng/ngày/người.

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (bao gồm người tham gia chống dịch quy định tại mục a khoản 1 Điều này): 280.000 đồng/ngày/người.

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C (bao gồm người tham gia chống dịch quy định tại mục a khoản 1 Điều này): 210.000 đồng/ngày/người.

Nếu tham gia chống dịch vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp chống dịch được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên. Nếu tham gia chống dịch vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp chống dịch được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

c) Trường hợp dịch chưa được công bố nhưng có Quyết định của cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp cử đi giám sát, điều tra, xét nghiệm, xác minh dịch, tham gia chống dịch thì cũng được hưởng mức phụ cấp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

d) Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nhóm C mà người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị tại cơ sở y tế được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch.

2. Chế độ phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ:

a) Nguyên tắc thực hiện:

Việc tổ chức thường trực chống dịch 24/24 giờ căn cứ vào văn bản công bố dịch của cấp có thẩm quyền, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch, trong đó có thường trực phòng, chống dịch. Bộ Y tế quyết định danh sách các cơ sở y tế thuộc trung ương quản lý tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ; Giám đốc Sở Y tế quyết định danh sách cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ; Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp quyết định phân công các thành viên Ban Chỉ đạo thường trực chống dịch 24/24 giờ;

Thủ trưởng cơ sở y tế dự phòng được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định và chịu trách nhiệm về số lượng và phân công người thường trực. Cơ cấu phiên trực gồm: lãnh đạo đơn vị, cán bộ dịch tễ, xét nghiệm, người tham gia xử lý dịch; riêng đối với cơ sở y tế dự phòng tuyến huyện bổ sung thêm 01 nhân viên của trạm y tế xã nơi xảy ra dịch;

Người lao động thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm được phân công thường trực chống dịch 24/24 giờ tại nơi công tác thì áp dụng mức phụ cấp thường trực quy định tại Điều 3 Nghị định này; trường hợp được huy động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ tại cơ sở y tế dự phòng và tại cộng đồng thì áp dụng mức phụ cấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Trường hợp người lao động thuộc cơ sở y tế dự phòng, trong ngày được phân công và đang làm nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ tại cơ sở y tế dự phòng nhưng được thủ trưởng đơn vị điều động trực tiếp tham gia hoạt động chống dịch quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được hưởng một chế độ phụ cấp có mức cao nhất.

b) Mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ vào ngày thường là280.000 đồng/ngày/người, áp dụng cho tất cả các loại dịch; vào ngày nghỉ hằng tuần bằng 1,3 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường; vào ngày lễ, ngày Tết bằng 1,8 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường.

c) Người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là40.000 đồng/người/phiên trực; người trực tiếp giám sát, điều tra, lấy, xử lý mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, xác minh dịch; tham gia chống dịch được hỗ trợ tiền ăn là40.000 đồng/ người/ngày.

d) Người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau:

Vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày;

Vào ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;

Trường hợp đơn vị huy động người lao động làm việc vào ngày nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên đảm bảo thiết bị, hoá chất, thành viên Ban Chỉ đạo tham gia chống dịch nhóm A trong thời gian có dịch được hưởng mức bồi dưỡng như sau:

a) Mức 280.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên đảm bảo thiết bị, hoá chất, thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch quy định điểm a khoản 1 Điều này;

b) Mức 170.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.

4. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì được hưởng mức phụ cấp chống dịch và mức bồi dưỡng được tính bằng 1,5 lần mức quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 6. Nguyên tắc và trách nhiệm chi trảchế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch

1. Các mức phụ cấp quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 tại Nghị định này không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

2. Căn cứ vào khả năng nguồn tài chính, mức độ phân loại tự chủ của đơn vị, kết quả, chất lượng công việc của người lao động. Đối với đơn vị được phân loại tự chủ tài chính nhóm 1, nhóm 2: Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức chi trực, phẫu thuật, thủ thuật cao hơn nhưng mức tăng thêm tối đa không quá 01 lần (không dùng ngân sách nhà nước để chi trả mức tăng thêm) so với mức quy định tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định này và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chế độ phụ cấp trực; phụ cấp chống dịch; phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ; chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch nhóm A được tính trên cơ sở số ngày thực tế tham gia theo phân công của cấp có thẩm quyền và được trả cùng tiền lương hàng tháng.

4. Thủ trưởng cơ sở y tế công lập nơi trực tiếp quản lý người lao động có trách nhiệm chi trả các chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Nghị định này cho người lao động của đơn vị mình theo quy định.

5. Chế độ phụ cấp chống dịch đối với thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp; cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch do cơ quan, đơn vị được phân công làm thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch hoặc được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ chi trả. Cơ quan, đơn vị được phân công làm thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch hoặc được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ có trách nhiệm lập dự toán, báo cáo cơ quan tài chính, Ủy ban nhân dân các cấp để bố trí và giao dự toán cho đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Chương III
CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ HẰNG THÁNG ĐỐI VỚI
NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN, TỔ DÂN PHỐ VÀ CÔ ĐỠ THÔN, BẢN

Điều 7.Chế độ hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thô, bản

1. Trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản được hỗ trợ hằng tháng.

2. Mức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản bằng 0,7 và hoặc 0,5 so với mức lương cơ sở, được quy định như sau:

a) Mức 0,7 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản làm việc tại thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; các thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; các tổ dân phố, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên;

b) Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản làm việc tại thôn, bản, tổ dân phố còn lại.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thực tế và khả năng ngân sách của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể số lượng nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.

Điều 8. Nguyên tắc và trách nhiệm chi trảmức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thực tế và khả năng ngân sách của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể mức hỗ trợ cụ thể hằng tháng của nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thông bản nhưng không thấp hơn mức hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.

Chương IV
TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 9. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ các nguồn sau:

a) Ngân sách nhà nước giao cho đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;

b) Thu sự nghiệp của đơn vị được để lại theo quy định;

c) Nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị (nếu có).

Trường hợp đơn vị sử dụng các nguồn kinh phí quy định tại điểm a, b và c khoản này nhưng vẫn không bảo đảm đủ nguồn để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định này thì được ngân sách nhà nước bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp chống dịch theo mức quy định tại Điều 5 Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

3. Nguồn kinh phí chi trả hỗ trợ hàng thàng đối với nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Nghị định này, trường hợp có khó khăn được ngân sách trung ương hỗ trợ.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2025. Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch và Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này.

2. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn, tổ chức thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định này trong các cơ sở y tế thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: VT, TCCV (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-mot-so-che-do-phu-cap-dac-thu-trong-cac-co-so-y-te-cong-lap-119250408113119359.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-mot-so-che-do-phu-cap-dac-thu-trong-cac-co-so-y-te-cong-lap-119250408113119359.htm
x

Nổi bật

    Mới nhất
    TOÀN VĂN: Dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù trong các cơ sở y tế công lập
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO