Toàn văn Bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6 của Chủ tịch Quốc hội
Toàn văn Bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Sáng 23/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Sau đây là toàn văn Bài phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa Quốc hội,
Thưa các vị khách quý,
Thưa đồng bào và cử tri cả nước,
Hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp. Trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, toàn thể nhân dân, cử tri, đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước lời chào, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính thưa Quốc hội,
Căn cứ chương trình kỳ họp đã được thông qua tại phiên họp trù bị, trong 22 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11), Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo. Ở trong nước, chúng ta phải tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta, và những tồn tại, yếu kém nội tại, tích tụ, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.
Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách 9 tháng và ước thực hiện cả năm 2023, căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu lỹ lưỡng các báo cáo, Tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; đồng thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan; đồng thời, đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm đạt được các kết quả cao nhất của năm 2023; xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2024 đặt trong bối cảnh tổng thể gắn với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét kết quả việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; kết quả rà soát hệ thống pháp luật bao gồm Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, về công tác lập pháp
Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Để chuẩn bị các nội dung về công tác lập pháp, nhất là các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác. Đối với các nội dung thay đổi về chính sách phát sinh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đều yêu cầu Chính phủ có ý kiến bằng văn bản và đánh giá kỹ tác động trước khi đưa vào dự thảo luật.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy nhiên, hiện dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 2 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến. Theo đó, đề nghị Quốc hội tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các nội dung có thiết kế 2 phương án, đề nghị phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đề nghị tập trung bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của các chính sách về huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhà ở; tháo gỡ vướng mắc, xử lý bất cập trong thực tiễn về quản lý nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ; cải tạo, xây dựng nhà chung cư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư, kinh doanh; khắc phục tình trạng đầu cơ; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản...
Đặc biệt, cần bảo đảm tính thống nhất giữa các dự thảo luật nêu trên với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các luật, dự thảo luật khác có liên quan; hướng tới hình thành hệ thống pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản thực sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây là dự án Luật khó, nhiều nội dung chuyên sâu, tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tác động đến nhiều đối tượng; do đó, đề nghị bám sát quan điểm, các yêu cầu, các chính sách lớn đã đặt ra khi xây dựng dự án Luật này; rà soát thận trọng, bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế và pháp luật liên quan, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và bảo đảm phù hợp với thực tiễn; cho ý kiến để hoàn thiện các quy định về ngân hàng chính sách; việc xử lý vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng; quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu...
Để đảm bảo chất lượng các dự án luật nêu trên, các dự án luật khác và các dự thảo nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp này, giữa 2 đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào thời gian cuối kỳ họp.
Đối với các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến về hồ sơ các dự án luật đã đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay chưa, nhất là các báo cáo đánh giá tác động, dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo hồ sơ luật, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tính hợp lý, khả thi và các quy định cụ thể về từng nội dung chính sách được sửa đổi, bổ sung trong mỗi dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc ngay từ đầu để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023. Phát huy hiệu quả từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đồng thời tại kỳ họp này, lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.” Căn cứ báo cáo kết quả giám sát, đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; từ đó, ban hành nghị quyết về giám sát với các kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày, tập trung vào việc thực hiện các lời hứa, cam kết và các yêu cầu của Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri và từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, để đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Kính thưa Quốc hội,
Như vậy, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội. Thành công tốt đẹp với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó, có những quyết sách sẽ được thể chế hóa kịp thời ngay tại Kỳ họp này khẳng định quyết tâm và sự chuẩn bị chắc chắn để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hưởng ứng lời kêu gọi, sự mong đợi và đề nghị tha thiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh vững vàng đã được tích lũy, được trui rèn qua một nửa nhiệm kỳ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, tâm huyết và trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khi xem xét, quyết định đối với từng nội dung của chương trình kỳ họp.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Chúc sức khỏe các vị đại biểu Quốc hội và chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn Quốc hội!.