Ngày 13/4 theo giờ Việt Nam, một tòa án phúc thẩm liên bang của Mỹ đã quyết định tạm thời giữ nguyên luật cho phép dùng thuốc phá thai, song áp dụng theo quy định chặt chẽ hơn trong khi một vụ kiện về việc phê chuẩn dự luật này được tiến hành.
Hội đồng thẩm phán gồm 3 thành viên tại Tòa phúc thẩm thành phố New Orleans, bang Lousiana, đã ra phán quyết về việc tiếp tục cho phép sử dụng thuốc phá thai mifepristone với điều kiện người dùng phải thăm khám bác sỹ và được bác sỹ kê đơn.
2 trong số 3 thành viên hội đồng là thẩm phán Kurt Engelhardt và thẩm phán Andrew Oldham cũng nhất trí siết chặt các hạn chế sử dụng mifepristone.
Để được cấp phát loại thuốc này, bệnh nhân phải 3 lần tới khám bác sỹ trong thời gian kê đơn và việc dùng thuốc sẽ được giới hạn trong 7 tuần đầu tiên của thai kỳ, thay vì mức 10 tuần như trước đây.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép dùng Mifepristone cách đây hơn 2 thập kỷ. Hơn 50% số ca phá thai được thực hiện hằng năm tại Mỹ có sử dụng loại thuốc này.
Tuy nhiên, ngày 8/4 vừa qua, thẩm phán Matthew Kacsmaryk tại tòa án liên bang ở Texas đã đảo ngược quyết định trên của FDA.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng phán quyết này "chưa từng có tiền lệ," nên được hoãn thực thi một tuần trong quá trình đợi phúc thẩm.
Theo Bộ Tư pháp, nếu phán quyết trên được thực thi, quyết định dựa trên căn cứ khoa học của FDA sẽ vô hiệu và có thể gây tổn hại cho nhiều phụ nữ.
Tác hại sẽ xảy ra trên cả nước vì thuốc mifepristone đã được sử dụng hợp pháp ở tất cả các bang.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ kiên trì phản đối phán quyết cấm mifepristone, cho rằng việc cấm sử dụng thuốc này sẽ tước đi những quyền tự do cơ bản của phụ nữ, kéo theo những nguy cơ sức khỏe đối với họ.
Không lâu sau khi thẩm phán ở Texas đưa ra phán quyết nêu trên, một thẩm phán ở Washington đã ra phán quyết đối lập trong vụ xét xử riêng rẽ, qua đó yêu cầu tiếp tục cho phép sử dụng thuốc tránh thai mifepristone.
Với những phán quyết pháp lý trái ngược nhau, cùng đơn đề nghị phúc thẩm của chính phủ, vấn đề trên nhiều khả năng sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Trong diễn biến liên quan, hơn 300 lãnh đạo của các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm tại Mỹ đã ký tên vào bức thư ngỏ kêu gọi đảo ngược phán quyết của thẩm phán Matthew Kacsmaryk.
Nội dung thư cho rằng FDA là cơ quan đầy đủ tín nhiệm để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc.
Bức thư cũng nêu rõ phán quyết trên đẩy toàn bộ ngành dược phẩm vào nguy hiểm, đặt ra tiền lệ làm suy yếu quyền hạn của FDA trong cấp phép thuốc, gây rối loạn công tác quản lý, đồng thời ảnh hưởng xấu tới hoạt động đầu tư cho việc phát triển các phương thức điều trị mới.
Nếu các tòa án có thể đảo ngược những quyết định cấp phép thuốc của cơ quan quản lý mà không quan tâm các bằng chứng khoa học hoặc những quy trình phức tạp đã được thực hiện để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc mới thì sẽ có thêm nhiều loại thuốc khác "chịu chung số phận" như mifepristone./.