Đời sống

Tổ truyền thông cộng đồng âm thầm gieo mầm nhận thức

Nguyễn Nam 28/11/2024 06:00

Mô hình tổ truyền thông cộng đồng của Hội LHPN huyện Đắk Glong giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát khỏi những định kiến về giới và tập tục lạc hậu.

Giúp người dân nâng cao nhận thức

Đầu năm học 2024-2025, học sinh H’Th ở bon B'Plao, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (đang học lớp 10) nằng nặc đòi nghỉ học để kết hôn vì mối quan hệ yêu đương, bất chấp lời khuyên ngăn của gia đình.

Khi tổ truyền thông cộng đồng bon B'Plao nắm bắt được tình hình, đã nhanh chóng đến gặp H’Th và gia đình. Với cách tiếp cận nhẹ nhàng và gần gũi, tổ truyền thông chia sẻ về Luật Hôn nhân và Gia đình, những hậu quả của tảo hôn cũng như ý nghĩa của việc học tập trong việc thay đổi cuộc đời. Để khích lệ tinh thần, tổ truyền thông kể cho H’Th nghe những tấm gương vượt khó thành công, từ đó giúp em nhận ra giá trị của sự nỗ lực và khát vọng tự mình làm chủ tương lai.

img_2815.jpg
Tổ truyền thông thôn bon B'Plao, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong đã tổ chức các buổi tuyên truyền tại các hộ gia đình, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những vấn đề quan trọng như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em

Sau nhiều buổi trò chuyện và chia sẻ, em H’Th dần thay đổi suy nghĩ. Em nhận ra tầm quan trọng của việc học để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. H’Th đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình.

Em H’Th nhớ lại: “Lúc đó, em nghĩ lấy chồng sớm không có vấn đề gì, vì nhiều người trong bon làm như vậy. Khi được các cô chú trong tổ truyền thông giải thích, em mới nhận ra những quy định của pháp luật về hôn nhân và chỉ có con đường học tập mới giúp thay đổi cuộc đời”.

Không chỉ riêng H’Th, các tổ truyền thông cộng đồng xã Đắk Plao giúp nhiều gia đình thay đổi nếp nghĩ. Chị Lục Thị Song, bon B’Tong, xã Đắk Plao, từng dự định sinh thêm con dù cuộc sống còn khó khăn.

Hiểu được hoàn cảnh, tổ truyền thông đã đến thăm và tận tình chia sẻ về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình và tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái tốt thay vì sinh thêm với chị Song và gia đình. Các thành viên trong tổ còn cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, giúp chị Song nhận ra những điều cần thiết để bảo đảm đời sống gia đình bền vững.

img_2801.jpg
Tổ truyền thông bon B’Tong, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong hướng dẫn chị Lục Thị Song về cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, cũng như những phương pháp nuôi dạy trẻ hiệu quả, giúp chị xây dựng một môi trường phát triển tốt nhất cho con cái

Sau khi lắng nghe và cân nhắc, chị Song quyết định không sinh thêm con. “Trước đây, tôi nghĩ đông con sẽ vui cửa vui nhà, nhưng giờ tôi hiểu rằng nuôi dạy 2 con thật tốt, để con có cơ hội học hành đầy đủ, trưởng thành mới là điều quan trọng nhất”, chị Song cho hay.

img_2847.jpg
Các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng chia sẻ những kiến thức về các luật pháp bảo vệ trẻ em, khuyến khích các em giữ gìn sức khỏe, tự quyết định về tương lai của bản thân và tránh xa các hủ tục lạc hậu

Xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong là địa bàn đặc biệt khó khăn với 909 hộ dân, trong đó 83% là người dân tộc thiểu số. Nhận thức về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế.

Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021–2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đắk Plao đã thành lập 5 tổ truyền thông cộng đồng với 41 thành viên. Các tổ này có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt, lao động sản xuất, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu và định kiến giới trong gia đình, cộng đồng.

img_2829.jpg
Với những vụ việc đột xuất, tổ trưởng cùng các thành viên trong tổ sẽ đến từng gia đình để tuyên truyền theo hình thức truyền thông nhóm

Chị H’Gùng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Plao cho biết: “Thời gian qua, các tổ truyền thông trên địa bàn đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền hiệu quả, giúp người dân nâng cao nhận thức và vị trí của người phụ nữ trong gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tại địa phương đã giảm đáng kể”.

Lan tỏa những thay đổi tích cực

Thông qua những câu chuyện thực tế, cách truyền đạt dễ hiểu, và sự đồng hành tận tâm của các thành viên tổ truyền thông, nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đã có bước chuyển biến rõ rệt. Những buổi sinh hoạt không chỉ cung cấp thông tin mà còn trở thành diễn đàn để người dân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, từ đó xây dựng mối gắn kết bền chặt trong cộng đồng.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ truyền thông với các cấp chính quyền và đoàn thể, Xã Đắk Plao đang ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu không còn hủ tục và định kiến giới, góp phần xây dựng một cuộc sống văn minh, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Thực hiện Dự án 8 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội LHPN của huyện Đắk Glong đã phối hợp với các xã thành lập 47 tổ truyền thông cộng đồng với 362 thành viên, bao gồm cả nam và nữ. Các tổ hoạt động tại 7 xã và 47 thôn, bon đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong H'Mhel cho biết: “Các tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn huyện Đắk Glong đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng với từng chuyên đề cụ thể. Với những vụ việc đột xuất, tổ trưởng cùng các thành viên sẽ đến từng gia đình để tuyên truyền theo hình thức truyền thông nhóm”.

Nam 2
Các tổ truyền thông cộng đồng không chỉ sử dụng các phương thức truyền thống mà còn linh hoạt tận dụng mạng xã hội, biến nó thành công cụ để truyền tải thông điệp một cách thông minh và hiệu quả, giúp tiếp cận đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN huyện Đắk Glong không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tiêu biểu là các cuộc thi tiểu phẩm truyền thông, giao lưu trả lời câu hỏi liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực gia đình và định kiến giới. Ngoài ra, các tổ còn tận dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp một cách thông minh và hiệu quả.

nam1.jpg
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, Hội LHPN huyện Đắk Glong chú trọng triển khai tập huấn cho thành viên các tổ. Nội dung tập huấn gồm các kiến thức và kỹ năng truyền thông, cách thức triển khai phù hợp với tình hình địa phương

Những nỗ lực này đã giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các kiến thức về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đồng thời dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Mô hình tổ truyền thông cộng đồng, dù mới đi vào hoạt động hơn một năm, đã mang lại những thay đổi tích cực, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

trang 28 - 29

Theo bà H'Mhel, các cấp Hội LHPN huyện Đắk Glong tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình tổ truyền thông cộng đồng đến các thôn, bon đủ điều kiện. Các tổ tiếp tục tập trung lựa chọn những vấn đề cấp thiết tại địa phương để tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.

"Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, các tổ truyền thông còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn và tiến bộ đến mọi tầng lớp trong cộng đồng", bà H'Mhel nhìn nhận.

Sau khi ra mắt vào cuối năm 2022 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã thành lập được 148 tổ truyền thông cộng đồng, với hơn 1.200 thành viên cả nam và nữ, là những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn, bon, buôn, bản tham gia.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tổ truyền thông cộng đồng âm thầm gieo mầm nhận thức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO