Đời sống

Tô thắm những ước mơ xanh giữa đại ngàn Nâm Nung

Nguyễn Hiền 01/05/2025 10:30

Cuối tháng Tư, tôi trở lại Nâm Nung – vùng căn cứ cách mạng năm xưa của tỉnh Đắk Nông. Những cung đường uốn lượn giữa đại ngàn rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Gió vẫn ngược chiều trên những con dốc quanh co và sắc xanh thẳm của núi rừng vẫn miên man trải dài đến tận chân trời.

Trường học tạm bợ giữa rừng sâu…

Ở thôn Thanh Thái, chúng tôi gặp ông Lang Văn Mùi. Năm nay ông đã 72 tuổi, là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhập ngũ từ năm 1972, phục vụ đất nước xong ra quân vào vùng đất Đắk Nông xây dựng kinh tế. Nay ông đã "nghỉ hưu" sau nhiều năm làm trưởng thôn. Tuổi già, bước chân chậm rãi nhưng giọng nói vẫn rắn rỏi như thuở còn ra trận.

img_9645.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Trường Tiểu học Lê Văn Tám luôn chú trọng hỗ trợ học sinh, không để lại học sinh nào phía sau

“Ngày đất nước vừa hòa bình, cả vùng này gần như không có gì ngoài bụi lấm, đất cằn. Không đường, không điện, không trường lớp. Chúng tôi trở về từ chiến trường, lại bắt đầu một cuộc chiến mới: dựng làng, mở đất, nuôi con và dạy con chữ”, ông Mùi kể, ánh mắt như nhìn về một miền ký ức xa xôi nhưng đầy nhiệt huyết.

1.jpg
Trường Tiểu học Lê Văn Tám được quan tâm đầu tư xanh, sạch, đẹp từng bước đáp ứng nhu cầu dạy học, vui chơi của học sinh.

Ông nhớ rõ những năm đầu thập niên 80, cả xã chỉ có một ngôi trường tiểu học tạm bợ, mái tôn lợp tạm, nền đất đỏ lởm chởm. Trường gom chung cả học sinh mầm non lẫn tiểu học. “Lũ nhỏ ngồi san sát, mỗi bàn 4 - 5 đứa, không đủ sách vở, không đủ bàn ghế. Muốn học lên cấp THCS thì phải đi bộ qua xã bên cách đây hơn chục cây số học nhờ. Mưa xuống là trơn trượt, có đứa ngã lên ngã xuống, khổ lắm...”, ông Mùi rưng rưng kể.

2.jpg
Trường Tiểu học Lê Văn Tám có hơn 50% con em dân tộc thiểu số theo học nhưng tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 99%

Không điện, không nước sạch, không sân chơi, những đứa trẻ lớn lên giữa khói bếp, tiếng giã gạo, tiếng suối và cánh rừng. Học hành lúc ấy là điều gì đó xa xỉ, đặc biệt với con em đồng bào dân tộc M’nông tại chỗ nơi đây. Ngôn ngữ bất đồng, nhận thức về giáo dục còn hạn chế, có năm cả thôn chỉ vài đứa học hết lớp 5. Học đến lớp 9 là điều hiếm hoi, còn tốt nghiệp THPT thì gần như không tưởng.

Còn trong ký ức thầy giáo trẻ Bùi Thái Hữu, giáo viên Trường THCS Nâm Nung, năm 2009, Trường THCS Nâm Nung chỉ là một ngôi trường nhỏ nép mình giữa đồi núi, với vỏn vẹn 8 phòng học cấp 4.

Mỗi mùa mưa về, tiếng lộp cộp vang lên giữa tiết học, hòa cùng tiếng gió rít qua những khe hở của mái tôn mục, khiến việc dạy và học không ít lần phải tạm dừng. Nền đất lởm chởm, bàn ghế thiếu thốn, thiết bị giảng dạy gần như không có gì ngoài vài tấm bảng đen. Thầy trò cùng nhau vượt qua gian khó, từng bước gây dựng niềm tin vào con chữ giữa đại ngàn.

Và "con chữ" đã thắp sáng ước mơ

Từ những ngày gian khó ấy, đến nay, Nâm Nung đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Nếu trước đây chỉ có một trường ghép cả mầm non và tiểu học học chung thì hiện tại, Nâm Nung có 3 trường học đủ cấp từ mầm non đến THCS. Mỗi ngôi trường là một dấu ấn cho hành trình “vượt núi gieo chữ”.

3.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám luôn chú trọng cập nhật phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo hứng thú cho học sinh

Trường tiểu học Lê Văn Tám, ngôi trường hơn 1.000 học sinh, thì có hơn một nửa là con em đồng bào DTTS. Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám Đỗ Thị Khuyên chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định giáo dục không chỉ là dạy chữ mà còn là nuôi dưỡng ước mơ, là trách nhiệm tri ân mảnh đất căn cứ cách mạng B4 này”.

Với tinh thần đó, trường chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kết hợp chăm sóc học sinh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lễ hội truyền thống, giao lưu với địa chỉ đỏ… để các em hiểu và tự hào về quê hương mình.

Mỗi tuần, các giáo viên lại thay phiên dạy miễn phí cho học sinh yếu vào chiều thứ 4, thứ 7 và Chủ nhật. Hễ nghe tin học sinh nào có ý định bỏ học, nhà trường phối hợp đến tận nhà vận động. Những món quà từ các nhà hảo tâm như sách vở, áo ấm, bánh trung thu được nhà trường, địa phương ưu tiên cho học sinh khó khăn, góp phần giữ bước chân các em đến lớp.

Nhờ đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 99%. Trường liên tiếp giành giải nhì toàn đoàn các kỳ thi hội khỏe Phù Đổng, giao lưu tiếng Việt, thi học sinh giỏi cấp huyện. Năm 2020, trường đạt chuẩn quốc gia.

img_9739.jpg
Trường THCS Nâm Nung được quan tâm xây dựng nhà đa năng hơn 4 tỷ

Còn Trường THCS Nâm Nung, hành trình đổi thay càng rõ nét. Trường THCS Nâm Nung hôm nay hiện lên với dãy phòng học cao tầng khang trang với 20 phòng học, nhà đa năng trị giá hơn 4 tỷ đồng đang hoàn thiện. Trường hiện có hơn 640 học sinh, hơn 40% là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

img_9792.jpg
Học sinh Trường THCS Nam Nung luôn phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập

Hiệu trưởng Trường THCS Nâm Nung Hoàng Ngọc Danh tự hào: “Từ chỗ phải học nhờ xã bên, giờ đây học sinh Nâm Nung không chỉ học tại chỗ mà còn thi đua sôi nổi, đạt nhiều giải cấp huyện, cấp tỉnh. Đội ngũ giáo viên không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ. Chính tinh thần ấy đã giúp chất lượng giáo dục từng bước khẳng định vị thế”.

Riêng trong năm học vừa qua, trường có học sinh đạt giải nhì môn Ngữ văn học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhì, ba cuộc thi sáng tạo, khoa học kỹ thuật. 3/5 giáo viên dự thi dạy giỏi cấp tỉnh đều đạt giải cao, trong đó có 2 giải nhất.

Gia đình học sinh H’Như, lớp 7A, Trường THCS Nam Nung có 3 chị em. Mặc dù bố mẹ làm nương rẫy nhưng vẫn lo cho các con được học hành đầy đủ. Em H’Như nhìn nhút nhát nhưng khi nói về ước mơ và quyết tâm biến nó thành hiện thực em tự tin lên hẳn: “Ông nội em từng tham gia bộ đội, chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Em rất tự hào về ông và quyết tâm sau này sẽ trở thành công an bảo vệ bà con trong bon làng mình”.

img_9852.jpg
Học sinh H’Như (bên trái) quyết tâm học tốt để thực hiện ước mơ thành công an, tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình và vùng đất mình đang sống

Điều đáng mừng nhất ở vùng căn cứ cách mạng năm xưa chính là sự chuyển mình trong nhận thức của người dân về sự học. Từ chỗ chỉ mong con biết đọc, biết viết, nay những đứa trẻ như H’Như đã dám mơ đến giảng đường, học nghề nghiệp để thay đổi bản thân.

"Cha mẹ em từng ngại “con gái học cao khó lấy chồng”. Giờ cha mẹ sẵn sàng bán trâu, bán rẫy để con được đi học, bước ra khỏi núi rừng và viết tiếp ước mơ còn dang dở của thế hệ trước", học sinh H’Như cho hay.

img_9771.jpg
Học sinh Trường THCS Nam Nung thỏa sức học tập, thực hiện ước mơ khi luôn được nhà trường, thầy, cô giáo quan tâm, hỗ trợ

Nhờ sự chuyển mình từ giáo dục ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung đã điểm tô thêm thành tích cho giáo dục của huyện Krông Nô.

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Tô thắm những ước mơ xanh giữa đại ngàn Nâm Nung
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO