Tổ hòa giải - cầu nối hàn gắn các "vết thương" ở cơ sở
Công tác hòa giải luôn được Sở Tư pháp, các hội, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Đắk Nông quan tâm thực hiện, góp phần giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở.
Hòa giải thành công hơn 78% vụ việc Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 714 tổ hòa giải, với 4.202 hòa giải viên. Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ các thành phần như: bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn theo quy định của pháp luật. Từ năm 2013 đến nay, các tổ hòa giải đã tiến hành thụ lý 8.790 vụ việc. Kết quả hòa giải thành công 6.889 vụ việc (đạt hơn 78%), không thành 1.902 vụ việc. Thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn được cán bộ tư pháp các cấp triển khai khá hiệu quả. Mỗi khi trong thôn, bon, buôn có gia đình xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên đều khéo léo vận dụng cả lý và tình để trò chuyện với các bên. Việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa, việc căng thẳng hơn thì dùng luật để giáo dục, răn đe... nên có khá nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành. Trường hợp của vợ chồng chị Chu Thị Theo, thôn 2, xã Quảng Tâm, Huyện Tuy Đức do mâu thuẫn dẫn đến xô xát và đòi ly hôn. Sau khi nghe vợ chồng chị Theo trình bày sự việc, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, các thành viên tổ hòa giải đã phân tích đúng sai, thuyết phục, hòa giải hai bên. Từ đó, vợ chồng chị Theo đã nhường nhịn nhau sống hòa hợp trở lại. Thực tiễn hòa giải ở cơ sở không đơn thuần là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn mà hiệu quả của công tác này chính là giá trị bền vững đối với việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều đạt những mong muốn nhất định của mình, có khi chỉ là một lời xin lỗi đã hóa giải, hàn gắn được mâu thuẫn theo hướng “chín bỏ làm mười”. Nhiều vụ việc cho thấy nếu tổ hòa giải của xóm không nắm bắt và vào cuộc kịp thời, “chờ đến khi có đơn” hoặc có ý kiến đề nghị hòa giải mới vào giải quyết, thì rất dễ phát sinh mâu thuẫn lớn. |
Xác định công tác hòa giải là giải pháp chủ lực, là nhân tố quan trọng quyết định an ninh trật tự ở cơ sở, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp hòa giải các vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư chủ yếu là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế... Hoạt động hòa giải đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng. Không kể bất cứ thời gian nào, ngay cả ngày lẫn đêm khuya, cứ thôn dưới thôn trên xảy ra chuyện tranh chấp là các hòa giải viên lại có mặt để hóa giải mâu thuẫn, kết nối yêu thương và đưa pháp luật gần hơn với Nhân dân. |
Hàng năm, đội ngũ hòa giải viên ở cở sở đã thực hiện hòa giải phần lớn các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Hòa giải không chỉ góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp mà còn trực tiếp góp phần củng cố tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. |
Bà Đoàn Thị Thạo, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 2, xã Quảng Tâm, Huyện Tuy Đức cho biết: Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp thôn, địa phương cũng đã thành lập các Tổ hòa giải cơ sở, CLB phòng chống bạo lực gia đình. Từ khi có Tổ hòa giải, CLB phòng chống bạo lực gia đình tuyên truyền, người dân trên địa bàn xã đã hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. |
Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng cho các tổ hòa giải
Chất lượng hòa giải cơ sở phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ hòa giải viên, muốn nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp Đắk Nông thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng; kịp thời phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở.
Định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho các hòa giải viên; cung cấp tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ để phục vụ cho công tác hoà giải; gắn công tác hòa giải cơ sở với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân.
Ngành Tư pháp phối hợp thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở lồng ghép vào xây dựng và thực hiện quy ước của khu dân cư; gắn việc thực hiện công tác hòa giải với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; động viên người có trình độ, am hiểu pháp luật tham gia làm hòa giải viên, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở khu dân cư bằng biện pháp hòa giải.
Sở Tư pháp thường xuyên giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ tổ chức sơ kết, ngành Tư pháp tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2013 -2023, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông đã tổ chức được 163 các buổi tuyên truyền và hội nghị tập huấn tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thu hút được gần 18 ngàn lượt người tham dự.
Có thể thấy, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống thường nhật của nhân dân mà cả trong những sự việc "nóng", cao điểm liên quan đến tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở góp phần kéo giảm được đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp xảy ra.