Tổ chức quốc tế dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2025?

PV| 27/02/2025 11:00

Giám đốc UOB Suan Teck Kin đánh giá Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí 2 con số, tuy nhiên tốc độ cần ổn định để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực.

Mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam năm 2025 là khả thi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cả năm 2024, GDP của Việt Nam ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Với GDP ghi nhận tăng 7,09% trong năm 2024, Việt Nam trở thành quốc gia có tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước ASEAN-6. Theo sau là Philippines với tăng trưởng GDP đạt 5,6%. Với tăng trưởng GDP năm 2024 đạt mức 5,1%, Malaysia là hai nền kinh tế có tăng trưởng GDP cao thứ ba trong khối các nước ASEAN-6. Xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng tăng trưởng là Indonesia với tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 5,03%. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Singapore và Thái Lan, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 4% và 2,5%.

Cách đây chưa lâu, tháng 11/2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 trong khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, với những kết quả kinh tế tích cực trong năm 2024, như tăng trưởng GDP đạt 7,09%, Chính phủ đã đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 lên ít nhất 8%.

Ngày 19/2 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên “ít nhất 8%”. Mục tiêu này nhằm tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tổ chức quốc tế dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2025
Mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam năm 2025 là khả thi. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cho biết, dù mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là có thể đạt được, song, để đạt mức tăng trưởng trên 7% và tiến tới 8% hoặc cao hơn vào năm 2025 sẽ là một thách thức với Việt Nam do các rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng là thương mại quốc tế.

"Với môi trường còn nhiều bất ổn, chúng tôi cho rằng cần thận trọng với mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Ở thời điểm hiện tại, UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7% cho năm 2025", vị chuyên gia cho hay.

Dự báo tăng trưởng cụ thể cho từng quý, báo cáo của Ngân hàng UOB ước tính, tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam sẽ đạt 6,5%. Nếu so với các quốc gia trong nhóm ASEAN-6, mức tăng trưởng GDP dự báo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực.

Động lực cho mục tiêu tăng trưởng cao

Dù vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, vị chuyên gia từ UOB cũng đưa ra một số khuyến nghị.

Ông Suan Teck Kin đánh giá có một số lĩnh vực mà Chính phủ có thể tập trung để tăng cơ hội đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tổ chức quốc tế dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2025
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB.

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ sự suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất.

Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu hụt đáng kể về hạ tầng. Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ chi tiêu cho hình thành vốn của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Suan đánh giá chính sách tài khóa của Việt Nam dường như đang quá thận trọng ở giai đoạn phát triển hiện nay, khi Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% hiện tại xuống 31% vào năm 2029. "Để tăng đầu tư công, có thể cần phải chấp nhận tăng vay nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn", ông nói.

Một vấn đề quan trọng khác là tốc độ giải ngân và thực hiện đầu tư công. Ông Suan cho rằng ngay cả khi ngân sách đã được phân bổ cho các dự án hạ tầng, quá trình triển khai cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành.

“Rất đáng khích lệ khi Quốc hội gần đây đã thông qua dự án đường sắt trị giá 8 tỷ USD kết nối Trung Quốc - Việt Nam, mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam sắp hoàn thành, cũng như tăng ngân sách cho Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn cần đầu tư mạnh vào các lĩnh vực hạ tầng quan trọng khác, đặc biệt là AI/dữ liệu, năng lượng, nguồn nước... để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong tương lai”, vị chuyên gia của UOB đưa khuyến nghị.

Tuy nhiên, ông Suan Teck Kin cũng nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cần giữ ổn định để tránh tình trạng quá nóng và lãng phí nguồn lực.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/to-chuc-quoc-te-du-bao-the-nao-ve-kinh-te-viet-nam-nam-2025-135149.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/to-chuc-quoc-te-du-bao-the-nao-ve-kinh-te-viet-nam-nam-2025-135149.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Tổ chức quốc tế dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2025?
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO