Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Nhìn vào bức tranh nhân khẩu học toàn cầu, có thể thấy những gam màu tương phản rõ rệt ở khu vực châu Á. Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người, cho thấy những tiến bộ đáng kể về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kéo dài tuổi thọ của người dân. Liên hợp quốc dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.
Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới với hơn 27% dân số trong độ tuổi từ 15-29.
Thế nhưng, tương phản với một Ấn Độ đang đứng trước “cơn lốc” dân số, hàng loạt quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... lại phải đau đầu giải quyết tỷ lệ sinh thấp kỷ lục cùng vấn đề già hóa dân số, vốn gây ra nhiều hệ lụy đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Áp lực khủng hoảng nhân khẩu học
Nhật Bản đang vật lộn với tỷ lệ sinh giảm mạnh. Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng trên có nguy cơ làm xói mòn sức mạnh quốc gia. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong năm 2022, lần đầu tiên số trẻ em được sinh ra tại Xứ sở mặt trời mọc ở dưới mức 800.000 trẻ/năm, mức thấp nhất từ trước đến nay. Việc số trẻ mới sinh giảm mạnh không chỉ phản ánh những thay đổi về lối sống dưới tác động của đại dịch Covid-19, mà còn là một vấn đề xã hội cấp bách tại Nhật Bản. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định, tỷ lệ sinh đang giảm với tốc độ đáng báo động và chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để triển khai biện pháp ứng phó toàn diện.
Tình hình ở một quốc gia Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc cũng không khả quan hơn. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy, số lượng trẻ em được sinh ra tại nước này năm 2022 ở mức thấp chưa từng có, trong khi số ca tử vong cao hơn số ca sinh trong năm thứ 3 liên tiếp. Có tổng cộng 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với mức được ghi nhận năm 2021. Tổng tỷ suất sinh, phản ánh số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời, của Hàn Quốc trong năm 2022 là 0,78. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1970. Các chuyên gia ước tính, dân số Hàn Quốc sẽ giảm tự nhiên từ 200.000 người trở lên bắt đầu từ năm 2038.
Trong khi đó, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, tính đến cuối năm 2022, dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với một năm trước đó. Tỷ lệ sinh trung bình năm 2022 là 6,77/1.000 người, mức thấp kỷ lục tại Trung Quốc.
Có một số nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp ở các quốc gia châu Á. Ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ trì hoãn hoặc quyết định không sinh con trong bối cảnh suy thoái kinh tế và giá nhà cao. Năm 2022, độ tuổi trung bình của các sản phụ tại Hàn Quốc là 33,5 tuổi, tăng 0,2 tuổi so với năm 2021.
Giáo sư Masahiro Yamada, chuyên gia về lĩnh vực xã hội học gia đình thuộc Đại học Chuo của Nhật Bản nhận định, so với 30 năm trước, thế hệ trẻ hiện nay ngày càng lo lắng về tương lai. Họ bước ra ngoài xã hội với nhiều suy nghĩ nặng trĩu như khó tìm được việc làm, thu nhập không chắc chắn do tác động từ tình hình kinh tế nhiều biến động như hiện nay. Điều này khiến họ cảm thấy bất an khi có kế hoạch sinh con.
Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ có quan niệm ưu tiên tự do cá nhân hơn nên có xu hướng theo đuổi “chủ nghĩa độc thân”, né tránh việc kết hôn và sinh con. Theo một kết quả khảo sát, có đến 53,2% người được hỏi là nữ giới từ 20-34 tuổi ở Hàn Quốc cho rằng, kết hôn và sinh con là điều không quan trọng với phụ nữ. Tỷ lệ sinh thấp và dân số giảm chắc chắn sẽ gây những hệ lụy đối với nền kinh tế, trong đó có nguy cơ thiếu hụt lao động, số người nộp thuế giảm và hệ thống lương hưu đứng trước sức ép. Chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng sẽ đặt áp lực lớn lên vai thế hệ trẻ.
Thúc đẩy chính sách khuyến sinh
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây cam kết khẩn cấp giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp đôi nguồn ngân sách nuôi dạy trẻ em, tập trung vào ba trụ cột gồm hỗ trợ kinh tế, nâng cao dịch vụ chăm sóc trẻ và cải cách chế độ phúc lợi. Chính phủ cũng xem xét cải thiện chế độ nghỉ phép của các phụ huynh. Chính sách này được kỳ vọng sẽ khuyến khích sinh đẻ, chặn đà sụt giảm dân số trong những năm tới ở Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, Bộ Y tế và Phúc lợi đã thông qua kế hoạch kéo dài 5 năm nhằm mở rộng chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Theo đó, các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được chu cấp 700.000 won/tháng. Bộ Giáo dục Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch hợp nhất nhà trẻ và trường mẫu giáo. Sau đó, mọi trẻ em Hàn Quốc từ 3-5 tuổi sẽ được hưởng chế độ giáo dục miễn phí.
Không chỉ nỗ lực ngăn chặn đà giảm của tỷ lệ sinh, các quốc gia cũng chú trọng lấp lỗ hổng nhân lực. Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã thông báo về phương án sửa đổi chế độ cấp phép tuyển dụng đối với lao động nước ngoài, theo đó áp dụng đặc cách có điều kiện để thời gian cư trú kéo dài từ 4 năm 10 tháng lên thành 10 năm. Động thái này nhằm kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang “khát” nhân lực, giảm bớt những khó khăn mà thị trường lao động đang đối mặt.
Nhật Bản cũng nới lỏng điều kiện cấp phép cư trú cho người nước ngoài có tay nghề cao. Cụ thể, Nhật Bản sẽ cấp thị thực “chuyên gia có tay nghề cao” cho những người có thu nhập ít nhất 20 triệu yen/năm và có bằng thạc sĩ trở lên, hoặc có thu nhập ít nhất 20 triệu yen/năm và có 10 năm kinh nghiệm làm việc trở lên. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách khuyến khích du học sinh nước này trở về quê hương làm việc.
Cải thiện tỷ lệ sinh thấp là điều không dễ dàng, nhất là khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung còn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sinh con của các gia đình. Những sáng kiến để tiếp tục giảm gánh nặng tài chính cho các phụ huynh, hỗ trợ an sinh xã hội là rất cần thiết nhằm khuyến khích sinh nở, góp phần ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày một lan rộng trong khu vực.