Giáo dục - Đào tạo

Tỉnh táo với các "mẹo" và kiến thức trên mạng xã hội

Linh Thư 26/06/2023 05:53

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều học sinh đã tìm đến các video trên mạng xã hội facebook, tiktok để nắm bắt nhanh kiến thức. Bên cạnh mặt tích cực, việc sử dụng các kênh trên để ôn thi cũng có nhiều hạn chế, nếu không tỉnh táo, chọn lọc… sẽ ảnh hưởng kết quả thi. 

ADQuảng cáo

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đến gần, em Đinh Hà Thùy Trang, lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) tập trung tối đa thời gian ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi. Ngoài việc ôn tập theo sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, Trang còn ôn tập trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok với những video dạy học, chỉ mẹo giải đề.

Tuy nhiên, Trang cũng thừa nhận, có nhiều video không tập trung vào kiến thức sâu mà chỉ đưa ra cách giải bài tập ngắn gọn, mẹo “nhìn đề bài ra đáp án”. Thậm chí ở nhiều video, người sáng tạo nội dung chỉ cách không cần đọc đề, chỉ xem các phương án cũng tìm ra được đáp án.

tiktok(1).jpg
Nhiều mẹo chỉ cách điền đáp án “lụi” được chia sẻ trên TikTok

Em Đinh Hà Thùy Trang cho biết: “Những mẹo đoán nhanh cũng rất “hên xui”, không phải đúng hoàn toàn. Mình nghe để tham khảo thêm cho biết thôi còn khi thi, mình nên sử dụng những kiến thức, tư duy của bản thân đã học để tự làm bài hơn là sử dụng những mẹo này để làm bài thì mới chắc chắn và có đáp án đúng hơn”.

Việc học sinh sử dụng các nền tảng mạng xã hội để phục vụ học tập, tham khảo, tiếp cận kiến thức trở thành xu hướng tất yếu trước yêu cầu bùng nổ của thời đại công nghệ số. Do đó, trong thời điểm gần kề Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 nhiều học sinh tìm đến các nền tảng công nghệ để học tập, làm quen dạng đề, rèn luyện kỹ năng giải đề là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tùy vào nền tảng, khả năng tư duy tiếp cận kiến thức, thí sinh có những lựa chọn phù hợp.

ADQuảng cáo
img_2060(1).jpg
Các video ôn tập ngắn trên mạng xã hội hường dễ thu hút các em theo dõi ôn tập

Em Nguyễn Thị Ánh Hồng, lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: “Việc học trực tuyến trên các mạng xã hội facebook, tiktok cũng có cái bổ ích, có cái không. Nhiều video ôn tập chỉ mục đích câu like, câu view, dụ dỗ mình mua các khóa học để học nhưng kiến thức lại không có nhiều. Do đó, chúng ta nên có sự chọn lọc, tìm những kênh uy tín, có kiến thức hay, đúng để ôn tập. Như tôi thì thường nhờ thầy cô, các anh chị khóa trước tư vấn, giới thiệu các kênh có kiến thức hay để theo học”.

Hiện nay, khá nhiều học sinh THPT sử dụng ứng dụng mạng xã hội, đặc biệt là tiktok để học tập. Bên cạnh, nhiều người là thầy cô với phong cách trẻ trung, cách thể hiện sinh động, hiệu ứng trực quan, lôi cuốn, giúp học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ nhanh nội dung kiến thức ngắn, có cảm hứng học tập với kiến thức khó, khô khan. Tuy nhiên, nhiều video kéo dài chỉ vài chục giây, nội dung kiến thức truyền tải chưa được kiểm chứng, thiếu sự kiểm duyệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều video còn hướng dẫn mẹo làm bài, “đoán mò” để giải bài nhanh khiến cho các em trở nên lười suy nghĩ mà đáp án chưa chắc đúng.

img_2049(1).jpg
Học sinh nên có sự chọn lọc kỹ càng các kênh uy tín khi ôn thi trên nền tảng mạng xã hội

Vì vậy, học sinh phải chủ động tiếp nhận, kiểm tra và sàng lọc, lựa chọn kênh uy tín để chắc chắn rằng những nội dung được chia sẻ là chính xác. Trong thời gian ôn thi nước rút, học sinh nên tập trung hệ thống hóa kiến thức và tiếp cận dạng đề mẫu của Bộ GD-ĐT. Tại các trường THPT, Ban giám hiệu nhà trường và các thầy, cô giáo đã định hướng, hỗ trợ tạo thuận lợi tối đa cho các em.

Thầy Lê Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong (Đắk Glong) cho biết: “Thời gian qua, trường đã tổ chức dạy phụ đạo các môn cho các em tham gia dự thi tốt nghiệp. Với sự chủ động, các giáo viên cũng bảo đảm kiến thức, ôn tập các dạng đề cho học sinh, rèn luyện kỹ năng, tâm lý cho các em để có thể làm bài thi tốt nghiệp được kết quả tốt nhất”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh táo với các "mẹo" và kiến thức trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO