Tình hình địa-chính trị tác động nặng nề nền kinh tế Trung Đông-Bắc Phi

Anh Thư| 04/05/2024 07:05

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), trong đó dự báo các quốc gia ở khu vực này có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp tương tự giai đoạn trước đại dịch Covid-19, trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng do cuộc xung đột ở Dải Gaza và các nền kinh tế trong khu vực thiếu cải cách cơ cấu. Khu vực này chịu tác động nặng nề bởi tình hình địa-chính trị phức tạp và việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong ngắn hạn.

Báo cáo của WB nhận định, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của MENA trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 2,7%, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2023, nhưng thấp so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Tăng trưởng GDP năm nay của các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu trong khu vực MENA sẽ đạt tốc độ chậm hơn so với năm 2022 - thời điểm giá dầu cao thúc đẩy đà tăng trưởng ở các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đối với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của khối này trong năm 2024 xuống còn 2,8%, thấp hơn mức dự báo 3,6% đưa ra trước đó.

IMF hồi tháng 1 vừa qua cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của các nước GCC trong năm 2023 xuống còn 0,5%, từ mức 1,5% đưa ra trong dự báo hồi tháng 10/2023 bởi theo IMF, việc cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng để phản ánh tác động của biện pháp cắt giảm sản lượng dầu mỏ. WB hạ dự báo tăng trưởng của Saudi Arabia năm 2024 từ 4,1% xuống 2,5%, song lại nâng dự báo tăng trưởng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ 3,7% lên 3,9%.

Trong khi đó, trước kỳ vọng về hoạt động mạnh mẽ của khu vực phi dầu mỏ và các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sẽ giảm dần vào cuối năm nay, WB nâng dự báo tăng trưởng của GCC trong năm 2025 từ 3,8% lên 4,7%. Báo cáo của WB cũng cảnh báo gánh nặng nợ ngày càng lớn ở khu vực MENA, chủ yếu tại các nước nhập khẩu dầu, đồng thời nêu bật những thách thức kinh tế đối với các nước xuất khẩu dầu trong khu vực do những thay đổi về cơ cấu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng tái tạo.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas khiến Palestine và các nước láng giềng đang chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Tại các vùng lãnh thổ của Palestine, hầu hết các hoạt động kinh tế ở Dải Gaza đã đình trệ, theo đó GDP ghi nhận mức giảm tới 86% trong quý IV/2023; trong khi kinh tế của Bờ Tây cũng rơi vào suy thoái do khủng hoảng xảy ra đồng thời ở cả khu vực công và tư nhân. Tuy nhiên, tác động kinh tế của cuộc xung đột Gaza đối với phần còn lại của MENA được đánh giá vẫn tương đối hạn chế, nhưng sự không chắc chắn đã gia tăng. Sự không chắc chắn ở cấp độ chính trị cũng như nguy cơ leo thang xung đột trong khu vực đã phủ bóng đen lên các dự báo cho năm 2024 của nhiều nước trong khu vực.

Sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể ảnh hưởng lớn đến một số nền kinh tế Trung Đông cũng như hoạt động thương mại toàn cầu.

Căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến ngành hàng hải thế giới phải đối mặt với những cú sốc khi các hãng vận tải biển chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sang hành trình dài hơn và đắt đỏ hơn, đồng thời tác động tới nhiều nền kinh tế MENA. Eo biển Bab Al Mandeb, nằm ở rìa phía nam của Biển Đỏ, là tuyến đường dành cho tàu chở dầu và tàu thương mại đi lại giữa vịnh Arab và châu Á, cũng như các tàu đi đến châu Âu qua kênh đào Suez. Khoảng 12% khối lượng thương mại dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab Al Mandeb.

Sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể ảnh hưởng lớn đến một số nền kinh tế Trung Đông cũng như hoạt động thương mại toàn cầu. Nguy cơ an ninh ở khu vực kéo theo sự gián đoạn đối với hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez của Ai Cập, làm tăng giá hàng hóa trong khu vực và trên toàn cầu. Nền kinh tế của Ai Cập hứng chịu nhiều tác động do cuộc khủng hoảng tại Gaza, vốn làm trì trệ tăng trưởng lĩnh vực du lịch, trong khi các vụ tấn công từ Yemen nhằm vào hoạt động vận tải biển trên Biển Đỏ khiến doanh thu của kênh đào Suez sụt giảm mạnh, trong bối cảnh du lịch và vận tải biển là hai trong số những nguồn hối đoái lớn của Ai Cập.

Đối với Ai Cập, quốc gia chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ cuộc xung đột ở Gaza và căng thẳng ở Biển Đỏ, WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong tài khóa 2023-2024 từ 3,5% xuống 2,8%. Tài khóa 2024-2025, kinh tế Ai Cập được dự báo sẽ tăng trưởng 4,2%, cao hơn mức dự báo 3,9% đưa ra trước đó.

Mặc dù đối mặt những thách thức nói trên, song nền kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi được hy vọng sẽ bớt ảm đạm hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi và các chính sách được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề lạm phát dường như mang lại kết quả và tác động tích cực đối với MENA.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tinh-hinh-dia-chinh-tri-tac-dong-nang-ne-nen-kinh-te-trung-dong-bac-phi-post807773.html
Copy Link
https://nhandan.vn/tinh-hinh-dia-chinh-tri-tac-dong-nang-ne-nen-kinh-te-trung-dong-bac-phi-post807773.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tình hình địa-chính trị tác động nặng nề nền kinh tế Trung Đông-Bắc Phi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO