Còn gặp những khó khăn
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, qua thời gian triển khai thực hiện mô hình kiêm nhiệm các chức danh ở cơ sở cho thấy đây là chủ trương phù hợp thực tiễn, nhận được sự thống nhất và đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Mô hình đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiệu quả công việc từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thí điểm, người đứng đầu kiêm nhiệm có khối lượng công việc lớn, áp lực ngày càng tăng, nên khó khăn trong việc xem xét, lựa chọn cán bộ để bố trí đứng đầu cho cả 2 chức danh. Một số cán bộ còn lúng túng, chưa phân định rõ vai trò, vị trí trong việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được giao phụ trách.
Bộ mặt nông thôn mới ở thôn 2, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) ngày một khởi sắc |
Người giữ chức danh kiêm nhiệm mất khá nhiều thời gian tham gia các hội nghị do cấp ủy và UBND cấp huyện triệu tập, nên công tác lãnh đạo, điều hành có lúc chưa kịp thời. Thời gian đi cơ sở ít nên công tác kiểm tra, giám sát cơ sở và cán bộ cấp dưới còn hạn chế. Do vừa làm nhiệm vụ lãnh đạo, vừa trực tiếp chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan tới nhiều lĩnh vực nên dễ lẫn giữa vị trí và vai trò của 2 chức danh này.
Nguyên nhân là một số mô hình chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về cách thức thực hiện nên gặp nhiều khó khăn, mỗi nơi làm một kiểu. Các quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác chưa kịp thời được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới này nên khi xây dựng quy chế làm việc còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Một số quy định về cơ chế, chính sách hiện nay không còn phù hợp, chưa tạo động lực để cán bộ đảm nhận thêm nhiệm vụ, thực hiện tốt chức trách được giao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện, hoàn cảnh mới…
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Qua khảo sát và thu thập ý kiến của nhiều người đang đảm đương các chức danh kiêm nhiệm cho thấy, để phát huy và nhân rộng hiệu quả mô hình vẫn phải bắt đầu từ công tác lựa chọn cán bộ. Người làm tốt kiêm nhiệm là người phải có năng lực, đồng thời đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có phương pháp làm việc khoa học và tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
Ông Võ Ngọc Ánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư Jút chia sẻ kinh nghiệm: "Khi thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Jút xác định trước hết phải lựa chọn được con người thực sự là hạt nhân, giữ vai trò trung tâm đoàn kết trong nội bộ và các hoạt động ở cơ sở".
Đồ họa: N.T |
Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So (Tuy Đức), để có thể đảm nhiệm “2 vai 2 gánh” thì cần phải lựa chọn người đủ điều kiện; trong đó phải xác định rõ vai nào là của bí thư, vai nào là chủ tịch, nếu không sẽ lẫn lộn trong điều hành quản lý.
Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So (bên trái) trao đổi, nắm bắt tình hình với cán bộ cơ sở |
Bài học kinh nghiệm mà Huyện ủy Krông Nô rút ra sau 10 năm thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời chủ tịch UBND xã là phải lãnh đạo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, không áp đặt, không gượng ép trong công tác nhân sự. Người được lựa chọn kiêm nhiệm các chức danh không những có năng lực, phẩm chất chính trị tốt, có triển vọng phát triển mà phải có tư tưởng, đạo đức, phong cách tiêu biểu, thực sự được tập thể lãnh đạo, cơ quan, cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng tin cậy, tín nhiệm.
Quy chế làm việc của cấp ủy nơi bí thư kiêm chủ tịch UBND xã phải bảo đảm thật sự cụ thể, chặt chẽ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Quy chế quy định rõ các mối quan hệ công tác để thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, các quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI về “Đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp xã và cấp thôn, tổ dân phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tiếp tục thực hiện mô hình và có thể mở rộng thêm các địa phương khác nếu đủ điều kiện.
Đồ họa: N.T |
Cùng với tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cần phải sắp xếp, bố trí thời gian khoa học, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khả năng bao quát, điều hành công việc, không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát để kiểm soát quyền lực người đứng đầu để bảo đảm quyền lực không bị lạm dụng.
Riêng đối với thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thành ủy thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình tại các xã đang thực hiện thí điểm để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho cấp ủy, chính quyền xã trong việc điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, cấp ủy các cấp quan tâm xây dựng đoàn kết nội bộ, phải coi đây là cơ sở, là tiền đề không thể thiếu đối với những nơi đã và đang triển khai thực hiện thí điểm. Công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của cấp ủy, UBND xã phải được tăng cường.