Tỉnh Đắk Lắk chú trọng thu hút đầu tư
Công tác thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk. Nhiều dự án đầu tư lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển khoa học công nghệ theo hướng hiện đại; đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Công ty Cổ phần TCGRUOP Toàn cầu sản xuất giống chanh leo. |
Những điều kiện thuận lợi
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí địa lý là trung tâm vùng Tây Nguyên, là một trong những cực phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia có đường bộ, đường hàng không thuận lợi, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh, thành khác.
Với diện tích 13.070km², đứng thứ tư cả nước, trong đó hơn 40% là đất bazan màu mỡ, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cây dược liệu, đặc biệt là cà phê... đã tạo cho Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc và công nghiệp chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Tỉnh còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với thác, hồ nước, khu bảo tồn thiên nhiên, truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng; phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Đặc biệt, Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, được định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Những điều kiện thuận lợi đã giúp cho Đắk Lắk có thể mở rộng giao lưu liên kết, hợp tác đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác quốc tế trong nước và quốc tế.
Tính từ năm 2021 đến tháng 6/2024, tỉnh Đắk Lắk thu hút được 63 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 26.648,63 tỷ đồng. Nổi bật là một số dự án lớn như: nhà máy điện mặt trời nổi KN Srêpốk 3 của Công ty cổ phần Điện mặt trời Srepok 3; Khu phức hợp nhà ở thông minh kết hợp trung tâm thương mại của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Hoàng Đại Vương...
Cũng trong giai đoạn này, một số dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy điện mặt trời Srêpốk 1, Nhà máy điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, Trang trại điện mặt trời BMT, 5 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Ea Súp với tổng công suất 600MW. Các dự án đã phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, phát triển khoa học công nghệ theo hướng hiện đại; đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh
Đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk, ngoài chính sách chung của Nhà nước, tỉnh có chính sách ưu đãi riêng nhà đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư luôn được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Vũ Hồng Nhật cho biết, huyện có khoảng 63.700ha đất sản xuất nông nghiệp cùng ưu thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước nên có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đầu tư các dự án lớn trên các lĩnh vực du lịch, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thương mại dịch vụ, nổi bật như: Dự án nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk với công suất 70 nghìn tấn nguyên liệu/năm tại xã Ea Đrơng, Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M'gar tại xã Ea Kpam…Các dự án đầu tư góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và phát triển kinh tế-xã hội địa bàn.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần TCGROUP Toàn cầu kiểm tra cây giống chanh leo trong nhà kính. |
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tỉnh nằm xa các trung tâm lớn, các thành phố lớn; không có cảng biển, đường sắt và đường thuỷ, hạ tầng giao thông đường bộ chưa được đầu tư đồng bộ để bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng... nên khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là một rào cản.
Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở một số địa phương hiện còn bất cập, thiếu tính đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. Hiện nay, quỹ đất khoảng 264 nghìn ha từ các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển giao về cho các địa phương quản lý, là điều kiện thu hút các dự án phát triển nông lâm nghiệp. Trên địa bàn tỉnh còn quỹ đất lâm nghiệp không còn rừng, không còn khả năng phục hồi, có thể phát triển các dự án cải tạo rừng, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, tuy nhiên quy định về chuyển đổi đất lâm nghiệp không còn rừng sang đất khác còn khó khăn, phức tạp.
Tạo cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư gắn với phát triển vùng, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục cụ thể hóa và ban hành các chính sách thu hút đầu tư bảo đảm phù hợp với chính sách chung của Trung ương, quy định của pháp luật, điều kiện thực tế của tỉnh để tạo cơ chế, chính sách huy động, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong đó tập trung đẩy mạnh việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, phương án sử dụng đất từ các nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tỉnh xác định mũi nhọn, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư để xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm và cho từng thời kỳ; xây dựng và công bố các danh mục dự án thu hút đầu tư để làm cơ sở các nhà đầu tư quan tâm đề xuất thực hiện dự án.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông giữa tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền trung, miền Đông Nam Bộ và quốc tế, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng.
Tỉnh cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Bảo đảm tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Lô hàng sầu riêng quả tươi của Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. |
Đòi hỏi từ thực tiễn cho thấy, cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ cùng những điều kiện hỗ trợ tốt nhất của tỉnh; đồng thời phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng các chính sách đặc thù đối với những dự án có quy mô lớn.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng... Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.