NHNN bơm trên dưới 3 triệu tỷ vào nền kinh tế
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trung bình cứ hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy 1% tăng trưởng GDP. Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
Tuy nhiên, nếu GDP tăng lên 10%, thì tín dụng cần tăng từ 18 - 20%, đồng nghĩa với việc ngành ngân hàng phải bơm thêm vào nền kinh tế khoảng 2,8 - 3,1 triệu tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, còn quá sớm để khẳng định liệu GDP có thể đạt mức tăng trưởng 10% hay tín dụng có thể tăng 20% trong năm nay. Dù vậy, bất động sản và hạ tầng vẫn được đánh giá là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, tín dụng xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, cũng được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ phát triển, ngay cả khi đối mặt với những biến động thương mại quốc tế.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để thúc đẩy tín dụng, năm nay các ngân hàng sẽ tập trung vào cho vay các dự án hạ tầng và bất động sản, đặc biệt là những dự án gắn liền với hệ thống giao thông công cộng, nhà ga và các đô thị vệ tinh xung quanh các đại dự án. Ông nhấn mạnh: “Ngân hàng cần mở rộng tín dụng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu thực tế, phát triển nhà ga, đô thị nhỏ kết nối với hệ thống đường sắt, giao thông công cộng.”
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, không đưa ra nhận định trực tiếp về khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm nay. Tuy nhiên, ông cho rằng đầu tư công sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế năm 2025. Nếu được triển khai hiệu quả, đầu tư công sẽ kích thích khu vực tư nhân và toàn nền kinh tế, từ đó gia tăng nhu cầu tín dụng.
“Ngân hàng chỉ có thể mở rộng cho vay khi nhu cầu tín dụng tăng lên. Năm 2024, ngành ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vay vốn. Hy vọng rằng, nếu nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025, cầu vốn sẽ tăng, giúp mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% không còn là thách thức mà trở thành cơ hội cho các ngân hàng,” ông Hùng nhận định.
Nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP, NHNN tiếp tục đổi mới cơ chế cấp room tín dụng trong năm nay. Nhờ được phân bổ hạn mức tín dụng sớm, nhiều ngân hàng đã chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng tín dụng ngay từ đầu năm.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2025, tương đương với việc bơm thêm 230.000 tỷ đồng vào nền kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Agribank đã triển khai hàng loạt gói tín dụng ưu đãi dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, để GDP và tín dụng có thể tăng trưởng như kỳ vọng, ngoài việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong cải cách thể chế. Đặc biệt, việc tháo gỡ những điểm nghẽn trong thị trường bất động sản và các dự án đầu tư sẽ là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế phát triển bền vững.

Nỗi lo của ngành ngân hàng
Nhu cầu vốn để hỗ trợ tăng trưởng GDP trong năm nay là rất lớn, đặt ra thách thức về huy động nguồn vốn trong bối cảnh các kênh trung và dài hạn như chứng khoán, trái phiếu gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức thấp, trong khi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 24/1/2025, tất cả các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 1 đều thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó 95% là của ngân hàng, phần còn lại thuộc về công ty chứng khoán. Không có doanh nghiệp bất động sản hay sản xuất nào phát hành trái phiếu trong giai đoạn này.
Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, làm gia tăng rủi ro tài chính theo nhận định của các chuyên gia.
Từ năm nay, nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn sẽ được triển khai, đóng vai trò như một kênh bơm “vốn mồi” quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng cần sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, dự kiến từ cuối năm 2025, hàng loạt dự án quan trọng sẽ được khởi động. Từ năm 2026, mỗi năm sẽ có ít nhất 8 - 10 tỷ USD được rót vào nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án này, ngoài ngân sách nhà nước, sự tham gia của các ngân hàng là rất cần thiết.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò là bên mua trái phiếu chính phủ khi Chính phủ phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn đầu tư. Khi các ngân hàng mua trái phiếu này, số tiền đó cũng được tính vào tăng trưởng tín dụng.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hai con số, với mức tăng 18-20% trong năm nay, là một thách thức lớn. Việc bơm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng có thể gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát. Nói cách khác, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay không còn nhiều.
Ông cũng nhận định rằng, trong bối cảnh hiện tại, chính sách tiền tệ nên tập trung vào ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và duy trì sự ổn định vĩ mô. Việc nới lỏng tiền tệ chỉ nên được cân nhắc khi điều kiện thị trường thuận lợi, chẳng hạn như khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm mạnh lãi suất hoặc đồng USD suy yếu.