Tín dụng chính sách Đắk Nông tăng trưởng hơn 15%

Nguyễn Lương| 26/12/2022 17:24

Ngày 26/12, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến chủ trì hội nghị.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 3.646 tỷ đồng, tăng 478 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022

Trong năm 2022, quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt nhiều kết quả. Tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 3.646 tỷ đồng, tăng 478 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 15%.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, riêng dư nợ cho vay các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt trên 205 tỷ đồng.

Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 5/5 chương trình tín dụng. Toàn tỉnh có 68.841 hộ vay còn dư nợ (chiếm 42% số hộ dân toàn tỉnh). Hơn 1.580 tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở các thôn, bon, buôn hoạt động hiệu quả.

Công tác phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác nguồn vốn thực hiện chặt chẽ. Đến nay, dư nợ nhận ủy thác qua các tổ chức chiếm 99,83% dư nợ toàn chi nhánh. Các điểm giao dịch xã duy trì thường xuyên và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình vay vốn.

Tuy nhiên, trong năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH tỉnh còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới có nhu cầu vay, nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn.

Chi phí các loại vật tư đầu vào cao, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân trên địa bàn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao so với đầu năm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, năm 2023 dự báo kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Các huyện, thành phố, NHCSXH cùng vào cuộc để tạo cơ hội cho tất cả các đối tượng đều được vay vốn ưu đãi.

NHCSXH tỉnh điều hoà làm sao không để tình trạng người nghèo có nhu cầu mà thiếu vốn vay. Đối với những hộ nghèo tại các địa bàn chưa được tiếp cận vốn, trong năm 2023 phải đưa vào cho vay ngay. Nếu cần thiết, giảm bớt ở một số huyện khác xuống để ưu tiên cho các huyện khó khăn hơn.

Về phía các huyện, thành phố rà soát lại các đối tượng thuộc diện nghèo tại đại bàn chưa được vay vốn theo tinh thần trung thực, khách quan. Các địa phương gửi kết quả rà soát về Sở LĐ-TB-XH trước ngày 28/2/2023.

Về phía NHCSXH cần mạnh dạn, nới rộng biên độ rủi ro để người dân có thêm cơ hội vay vốn. Các sở, ngành, địa phương phối hợp với NHCSXH lồng ghép sát sao nguồn vốn tín dụng chính sách với 3 chương trình mục tiêu Quốc gia mà tỉnh đang triển khai.

NHCSXH phân tích cụ thể đối tượng thuộc quản lý của tổ chức hội, đoàn thể nào sẽ giao cho các đơn vị đó tiếp cận. Các tổ chức nhận ủy thác vào cuộc thực sự quyết liệt để tuyên truyền, vận động bà con hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các đơn vị tư vấn, hướng dẫn đồng hành với các hội viên của mình sử dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi. Đối với các thành viên trong Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tăng cường kiểm tra, giám sát xuống tận cơ sở.

Mỗi thành viên cần trực tiếp xuống những địa bàn vùng sâu, vùng xa và thực sự khó khăn để nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách Đắk Nông tăng trưởng hơn 15%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO