Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 tại New Delhi ngày 2/3/2023. (Ảnh: Reuters) |
Với sự tham dự của hơn 40 nhà ngoại giao hàng đầu của các nền kinh tế, cùng đại diện 13 tổ chức quốc tế, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 đã diễn ra tại thủ đô New Delhi dưới sự chủ trì của Chủ tịch G20 - nước chủ nhà Ấn Độ. Đây được coi là một trong những cuộc họp lớn nhất của các bộ trưởng ngoại giao dưới sự chủ trì của một Chủ tịch G20.
Trong bài phát biểu trực tuyến gửi tới hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã nhắc lại phương châm và chủ đề của Chủ tịch G20 Ấn Độ: “Một Trái đất. Một Gia đình. Một Tương lai”. Nước chủ nhà kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm ra tiếng nói chung về các vấn đề còn chia rẽ khi cuộc xung đột tại Ukraine đang là tâm điểm, cũng như việc bảo vệ tương lai của chủ nghĩa đa phương.
Trong bối cảnh thế giới đã và đang trải qua nhiều cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, xung đột, cuộc chiến Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kêu gọi các thành viên G20 cam kết thực hiện chủ nghĩa đa phương thực chất, thúc đẩy phát triển toàn cầu hóa, tạo sự đồng thuận, hiện thực hóa các kết quả đã đạt được tại Hội nghị cấp cao G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái.
Bên cạnh đó, G20 cần duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm và duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp quốc tế; tuân thủ các chuẩn mực cơ bản của các mối quan hệ quốc tế dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đối mặt với tình hình quốc tế đầy biến động và những thách thức toàn cầu đang gia tăng, G20 cần tăng cường hợp tác, cùng san sẻ trách nhiệm vì sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu, tôn trọng các nguyên tắc đối thoại trên cơ sở bình đẳng và xây dựng đồng thuận thông qua tham vấn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, bảo đảm hoạt động thông suốt của chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp toàn cầu.
Để hiện thực hóa hiệu quả các kết quả đạt được tại Hội nghị cấp cao Bali năm ngoái, G20 cần tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hợp tác phát triển quốc tế.
Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã không thể thống nhất nội dung tuyên bố chung vì còn bất đồng về các từ ngữ sử dụng trong tuyên bố, mặc dù hội nghị khẳng định cam kết thúc đẩy phối hợp chính sách quốc tế và đưa nền kinh tế toàn cầu theo hướng phát triển mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Hội nghị này nhất trí cần nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ công ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đồng thời khẳng định các chủ nợ công và tư cần tăng cường phối hợp đa phương.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, còn một số bất đồng liên quan đến tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Mặc dù nước chủ nhà Ấn Độ mong muốn các hội nghị G20 tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới hiện nay như giảm nghèo và tài chính cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu, song cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở thành nội dung chi phối chương trình nghị sự.
Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung do những khác biệt sâu sắc liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, bất chấp những nỗ lực bền bỉ của nước chủ nhà Ấn Độ nhằm tạo đồng thuận.
Tuy nhiên, với vai trò của G20 là dẫn dắt nỗ lực đưa thế giới thoát khỏi các cuộc khủng hoảng hiện nay, một trong những mục tiêu quan trọng của các hội nghị G20 tiếp tục hướng tới là tăng cường đoàn kết và tìm ra tiếng nói chung giải quyết các thách thức toàn cầu.