Kinh tế

Tìm lại vị thế cho cây điều Đắk Nông (kỳ 2): Nhiều năm liền tụt dốc

Trần Thị Thoan 28/05/2024 05:23

Từng mang lại nhiều giá trị nhưng nhiều năm nay, vị thế cây điều ở Đắk Nông liên tục sa sút vì mất mùa, mất giá, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người.

ADQuảng cáo

Buồn bã những mùa điều

Giữa tháng 5/2024, dù đã có một số cơn mưa nhưng vườn điều của gia đình ông Nguyễn Trọng Tuấn, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru vẫn phủ một màu ảm đạm. Khoảng 6,5ha điều của ông đang độ tuổi thu hoạch nhưng cây nào cũng cháy lá, cháy bông và khô luôn quả non.

dsc_0394.jpg
Khoảng 6,5ha điều của gia đình ông Nguyễn Trọng Tuấn, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp bị cháy khô bông, quả non

Ông Tuấn không kìm nổi xót xa và cho biết, hơn 2 tháng qua, vợ chồng ông mất ăn, mất ngủ vì vườn điều. Giếng khoan cạn nước, trời không có mưa, nắng nóng hơn so với mọi năm nên hoa, quả điều đều khô cháy. "Công chăm sóc, đầu tư vào vườn điều cả năm giờ đây chỉ nhận về con số 0", ông Tuấn than vãn.

Ông Tuấn nhớ lại, ông cùng gia đình vào Đắk Ru lập nghiệp từ năm 1991. Nhận thấy cây điều phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương tốt, nên năm 1997, ông đã trồng 1,8ha điều. Những năm sau đó, cây điều đem lại cho gia đình ông nguồn thu khá cao.

Trong điều kiện vốn đầu tư hạn hẹp, thời điểm đó, chọn cây điều là một hướng đi đúng đắn của gia đình. Nhờ cây điều mà kinh tế gia đình ông từng bước vượt qua khó khăn, đi vào ổn định đến nay.

Ngoài điều, gia đình còn trồng cao su, cà phê nhưng cây điều đem lại hiệu quả cao hơn. Năm 2018, gia đình ông quyết định “chơi lớn” khi chuyển đất đang trồng cao su sang trồng 6,5ha điều.

dsc_0360.jpg
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) trắng tay với mùa điều năm 2024

Hướng đi mới cần sự đầu tư khoa học và cẩn trọng. Do đó, ông đã tham khảo, học hỏi thêm nhiều hộ trồng điều trong và ngoài tỉnh để áp dụng theo.

Từ đó, ông quyết định đầu tư trồng thuần bằng một số giống điều ghép mới. Ông bắt xe xuống tỉnh Bình Phước mua điều tại một cơ sở ươm cây giống uy tín.

Lúc đó, cây giống được ông mua đắt nhất thị trường, với 20.000 đồng/cây. Cộng với công múc hố, làm đất, xuống giống tính ra ông bỏ vốn trên 100 triệu đồng/ha.

Cây điều phát triển khá nhanh. Thế nhưng, khi vườn điều bước vào giai đoạn cho thu hoạch chính thì rơi vào tình cảnh mất mùa triền miên.

dsc_0372.jpg
6,5ha điều ghép của ông Nguyễn Trọng Tuấn, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) chống chịu kém trước biến đổi khí hậu

Nói về nguyên nhân, ông Tuấn cho biết, mấy năm gần đây biến đổi khí hậu diễn ra không lường trước được. Sương muối, mưa trái mùa, bọ xít, khô hạn làm cho cây điều ra hoa kém, hoa bị khô dẫn đến không đậu quả.

“Tôi còn cố giữ vườn điều với hy vọng có thể cho sản lượng. Còn nhiều hộ trước những mùa vụ kém vui đã chuyển đổi điều sang cây trồng khác”, ông Tuấn cho hay.

Anh Nguyễn Văn Long, ở bon Jang Kriêng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, 3 năm nay điều liên tục mất mùa. Riêng năm 2023, điều mất mùa nặng nhất, chỉ thu được 1 tạ/ha.

Về nguyên nhân, anh nhận thấy khí hậu biến đổi nhiều, không còn phù hợp với cây điều nữa. Do đó, anh đã phá bỏ 1,5 ha điều để trồng 100 cây sầu riêng, 900 cây cà phê.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tương tự, anh Nguyễn Văn Chí, cùng ở bon Jang Kriêng, xã Quảng Tân, đã cắt hạ 2,5 ha điều để trồng 200 cây sầu riêng. Anh Chí cho biết: "Tôi trồng thuần cây điều, nhưng 3 năm liên tiếp mất mùa, nên không còn kiên nhẫn nữa. Tôi phải chuyển đổi cây trồng để tìm nguồn thu nhập khác".

Đánh mất vị thế

Chúng tôi đem câu chuyện điều mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết trao đổi cùng ông Bùi Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Chí nhiều lần thể hiện sự xót xa trước tình cảnh chung của người trồng điều.

Ông Chí cho biết, Đắk Ru là xã có diện tích điều lớn nhất tỉnh Đắk Nông, cao điểm vào những năm 2015 về trước khoảng 3.000ha. Cây điều được Đảng ủy, UBND xã Đắk Ru coi là cây trồng chủ lực địa phương, sau đó mới đến cây cao su và cà phê.

dsc_0398.jpg
Nhiều diện tích điều ở Đắk Nông nhiều năm liền mất mùa

Điều được coi là "cây xóa đói giảm nghèo", đem lại đời sống ổn định cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc tại chỗ, dân tộc thiểu số. Vì cây điều phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, cần ít vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc không khó.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm lại đây, cây điều đang dần đánh mất vị thế cây trồng hàng đầu của người dân địa phương. Nhiều hộ dân dù muốn gắn bó với cây điều, nhưng do liên tục mất mùa đã chặt bỏ, chuyển sang trồng những cây trồng khác. Hiện diện tích điều của Đắk Ru chỉ còn lại mức 1.600ha.

Cũng về nội dung này, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút thông tin: Huyện có diện tích điều khá lớn, với khoảng 2.000ha. Diện tích điều kinh doanh tập trung ở các xã Trúc Sơn, Nam Dong, Đắk D’rông, Đắk Wil.

Những năm gần đây, diện tích điều ở Cư Jút đang có xu hướng giảm dần vì mất mùa, mất giá. Nhiều người dân đã phá bỏ cây điều để chuyển sang những cây trồng khác.

"Đây là điều hết sức đáng tiếc. Bởi vì cây điều có rất nhiều lợi thế, nhất là dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra rất ổn định", ông Sơn bày tỏ.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Đắk Nông, khoảng 5 năm trở lại đây được xem là khoảng thời gian trầm lắng của cây điều khi liên tục giảm sút cả về sản lượng, chất lượng và giá cả.

Đắk Nông có khoảng 16.800ha điều. Sản lượng điều năm 2018 của tỉnh đạt khoảng 16.400 tấn. Tuy nhiên, 5 năm qua, sản lượng điều liên tục sụt giảm khoảng 10% mỗi năm.

Giá hạt điều cũng trồi sụt theo từng năm. Có những năm giá điều chỉ ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, khiến nông dân thua lỗ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đắk Nông, diện tích điều của tỉnh đạt cao nhất vào năm 2018, với khoảng 20.700ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn. Sau đó, diện tích điều giảm dần qua từng năm và hiện còn 16.000ha, sản lượng khoảng hơn 8.800 tấn/vụ. Theo Kế hoạch số 549, ngày 24/8/2023 của UBNND tỉnh Đắk Nông, đến 2030, Đắk Nông sẽ chuyển đổi 288ha điều sang các cây trồng khác.

Về nguyên nhân khiến cho cây điều sa sút, Sở NN-PTNT Đắk Nông đánh giá, trước hết là do biến đổi khí hậu khiến cho cây điều khó ra hoa, đậu quả. Đi kèm với đó là người dân ít quan tâm chăm sóc, ít áp dụng khoa học vào canh tác điều.

Phần lớn các vườn điều ở Đắk Nông đã già cỗi, thoái hóa, kém khả năng sinh trưởng. Trong khi những vườn điều tái canh lại không có nguồn giống bảo đảm chất lượng, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm không đạt như kỳ vọng.

"Cây điều đang dần đánh mất vị thế chủ lực. Điều này đòi hỏi ngành chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt để giữ vững sự ổn định cho cây điều, tránh điệp khúc "trồng chặt" như hiện nay", ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho biết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 1.033ha điều đang canh tác trên vùng không thích nghi. Trong đó, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi 288ha điều để trồng những loại cây khác.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại vị thế cho cây điều Đắk Nông (kỳ 2): Nhiều năm liền tụt dốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO